Đèo Mã Pì Lèng hay đèo Mã Pì Lèng (theo âm tiếng H’Mông là Mả Pì Lèng, còn đọc là Mã Pỉ Lèng), là đèo trên quốc lộ 4C ở vùng đất xã Pải Lủng và Pả Vi huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
Quốc lộ 4C là con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Đồng Văn 23°16′42″B 105°21′40″Đ và thị trấn Mèo Vạc 23°09′48″B 105°24′37″Đ thuộc Cao nguyên Đồng Văn. Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km, vượt núi Mã Pí Lèng ở sườn phía đông với độ cao vùng đỉnh đèo khoảng 1.200 – 1.400 m. Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Mã Pì Lèng được du khách xếp vào nhóm “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam, cùng với Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Tên gọi và đặc điểm
Đèo được đặt tên theo bản Mả Pì Lèng xã Pải Lủng khi mở đường hồi những năm 1960, trong đó giới chức quản lý cung đường đã sửa đổi “Mả” thành “Mã” để thuận nghe nói trong tiếng phổ thông.
Mả Pí Lèng (馬鼻梁) là tên gọi theo tiếng H’Mông, chỉ sống mũi con ngựa. Có ý kiến gán nghĩa bóng cho tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Ngoài ra một số người giàu trí tưởng tượng thì thêu dệt tên đèo là “Máo Pì Lèng”, nghĩa là “sống mũi con mèo”.
Hoàn thành và tưởng niệm
Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không phải là dài nhất nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường Hạnh Phúc nhiều lần được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa nữa mà đã trở thành di sản độc đáo về địa chất và cảnh quan. Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.
Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích của người H’Mông. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh.
Cảm xúc trước cung đường huyền thoại, nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương, đã sáng tác ca khúc “Cung đường mùa Xuân” với ca từ rất lãng mạn và hào hùng.
Thắng cảnh quốc gia
Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ra quyết định xếp hạng khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm:
- Đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan.
- Khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.
- Hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Trong văn học
Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ lên thăm cung đường đèo hùng vĩ này như Xuân Diệu, Nguyên Ngọc v.v., và những ấn tượng khó phai đã đọng thành cảm hứng trong sáng tác của họ. Đáng chú ý nhất là Tùy bút Mỏm Lũng Cú tột Bắc của nhà văn Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm này, về quá trình mở đèo Mã Pí Lèng, Nguyễn Tuân đã viết: Cả quãng Đồng Văn-Mèo Vạc 24 cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng thì phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại.
Năm 1964, nhà thơ Nguyễn Hải Trừng khi đứng trước sắc cảnh dữ dằn, khốc liệt của Mã Pí Lèng đã viết:
Y chu choa! Nguy ôi! Cao thay!
Mây đạp dưới chân, trời đụng trán…
Đèo Mã Pí Lèng nói riêng và đường Hạnh Phúc nói chung, theo Đỗ Doãn Hoàng trong bài viết Kỳ tích Mã Pí Lèng đã dẫn ở trên: trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống).