Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, thuộc vùng Bắc Trung Bộ, giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía tây với 419 km đường biên giới trên bộ; bờ biển ở phía đông dài 82 km.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Kiến trúc Nghệ An vô cùng đặc sắc và phong phú, đặc biệt là bộ khung kiến trúc trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng dân gian truyền thống ở Nghệ An nói chung, trong các ngôi chùa ở Nghệ An nói riêng cơ bản vẫn được dựng lên từ vật liệu thảo mộc với các cấu kiện cột, kèo, xà và liên kết với nhau bởi các chốt mộng khít khao.
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”
Cấu trúc vì thường được dựng kiểu 2 hoặc 4 hàng chân, cá biệt có những công trình lớn liên kết kiểu 6 hàng chân.
Du lịch Nghệ An luôn thu hút du khách bởi nhiều loại hình đa dạng, hấp dẫn. Các địa điểm du lịch ở Nghệ An từ du lịch biển, du lịch văn hóa hay du lịch sinh thái đều thu hút được sự quan tâm của du khách. Du lịch biển Nghệ An có 82 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp hấp dẫn khách du lịch như Cửa Lò, Bãi Lữ, Biển Quỳnh…Ngoài ra, nhờ còn lưu giữ được nhiều di tích văn hoá lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, lễ hội văn hoá truyền thống du lịch văn hóa Nghệ An cũng hội tụ đủ các yếu tố để phát triển và biến thành một trong những thế mạnh của địa phương.
Nhà thờ giáo họ Xuân Yến
Công trình này là nhà thờ giáo họ Xuân Yến, thuộc giáo xứ Nghĩa Thành (Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn, Nghệ An). Trước đây, nhà thờ này có màu ghi đặc trưng. Sau quá trình cải tạo, tu sửa, thánh đường Xuân Yến đã được sơn lại màu tím.
Nhà thờ giáo họ Xuân Yến tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ được bao quanh bởi nền xanh của những cánh đồng lúa rộng mênh mông. Thoạt nhìn, bạn sẽ ấn tượng bởi nhà thờ màu tím này như lâu đài cổ tích, chụp góc nào cũng thấy lung linh.
Trước đây, nhà thờ này có màu ghi đặc trưng. Sau quá trình cải tạo, tu sửa, thánh đường Xuân Yến được khánh thành vào đầu tháng 7 với màu tím bao phủ công trình. Màu tím là màu chủ đạo của nhà thờ, còn màu trắng được bà con giáo dân trong giáo họ chọn để sơn chỉ, phào và các ô gió cũng như hoa văn trên công trình.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà giáo họ lại chọn tông màu này để khoác lên ngôi thánh đường ấy. Ngoài sự độc đáo, tinh tế, đẹp đẽ… màu tím còn nói lên nhiều ý nghĩa khác trong Thiên chúa giáo.
Nhờ màu sắc vô cùng nổi bật, nhà thờ màu tím này trở thành một điểm tham quan được nhiều du khách yêu thích ở Nghệ An. Tại đây, bạn dễ dàng tìm được góc đẹp làm background cho những bức ảnh check-in.
Khu di tích lịch sử Kim Liên
Khu di tích lịch sử Kim Liên là khu di tích tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thuộc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, cách thành phố Vinh khoảng 15 km theo tỉnh lộ 49. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901 – 1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia và là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên (gọi tắt là Khu di tích Kim Liên) được Nhà nước cho xây dựng từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Tới năm 1979, Khu di tích Kim Liên được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia theo Quyết định số 54VH/QĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979.
Khu di tích Kim Liên là một trong bốn di tích quan trọng tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Người. Toàn bộ khu di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của cha mẹ Hồ chủ tịch ( hai cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan); ngôi nhà của ông bà ngoại của Người; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý – thầy học khai tâm của Người; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm – ông nội của chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc cụm di tích Làng Sen); phần mộ cụ Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích núi Chung. Toàn khu di tích rộng trên 205 ha, các điểm và cụm di tích cách nhau 2 – 10 km.
Là ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen quê nội Hồ Chí Minh dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc, cha của Hồ Chí Minh, khi ông đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Cụ Nguyễn Sinh Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi để ông dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối ông thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh.
Các kỷ vật trong ngôi nhà hiện còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn: hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của Phó bảng và hai con trai, chiếc giường là của bà Thanh (tên hiệu Bạch Liên) con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen.
Quảng trường Hồ Chí Minh
Quảng trường là điểm nhấn, là nét đẹp hài hòa với không gian, kiến trúc Nghệ An. Tổng khuôn viên Quảng trường rộng gần 12ha, trong đó có các hạng mục chính: Lễ đài chính là nơi đặt tượng đài Bác Hồ, đường Hành lễ, sân Hành lễ, sân Bán nguyệt, còn phía sau tượng đài Bác Hồ là ngọn núi Chung mô phỏng.
Tượng đài Bác được làm bằng chất liệu đá granít Bình Định cao 18 m, nặng 150 tấn. Riêng phần tượng cao 12m, nhìn về hướng Đông Bắc, thuận theo ánh sáng tự nhiên để tôn thêm vẻ đẹp hoành tráng của tượng, phía trước là núi Hồng – sông Lam, xa nữa là biển Đông, cửa ngõ nhìn ra thế giới.
Nổi bật giữa quảng trường, là hình ảnh Bác bước đi. Người vẫn giản dị như thế. Vẫn bộ quần áo Kaki trắng, chòm râu bạc, đôi dép cao su giản dị, dáng đi khoan thai, ung dung đến nhẹ nhàng. Hình ảnh Bác toát lên tình cảm rất gần gũi với mọi người.
Phía trước Lễ đài là đường hành lễ dùng để diễu binh, diễu hành và duyệt binh trong các ngày lễ lớn. Tiếp theo là hạng mục sân hành lễ, giữa sân hành lễ là 99 ô thảm cỏ, với kích thước 9,8m x 9,8m mỗi ô.
Theo một số nhà chuyên môn, đường hành lễ phía trước tượng đài và những ô thảm cỏ tượng trưng cho dòng sông Lam và 99 ngọn núi Hồng Lĩnh điệp trùng. Đây không những là những địa điểm nổi tiếng mà còn là biểu tượng của quê hương xứ Nghệ. Con số 99 cũng là một hằng số văn hóa truyền thống của Phương Đông, tượng trưng cho sự hùng vĩ, trường tồn của công trình, của Bác Hồ kính yêu, những ô cỏ này tạo màu xanh tươi mát cho Quảng trường làm giảm đi sức nóng của mùa hè xứ Nghệ.
Phía sau Tượng đài là Núi Chung mô phỏng được đắp bởi 180.000m3 đất đá có dáng hình vòng cung như vòng tay người mẹ ôm ấp lấy Tượng đài, đồng thời tạo điểm tựa vững chắc cho Tượng đài và làm hài hòa cảnh quan với hàng trăm loài cây đặc trưng.
Từ khi thành lập đến nay, nơi đây không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, mà còn là địa chỉ quan trọng của du khách trong và ngoài nước ghé thăm khi đi qua xứ Nghệ. Mỗi năm ước tính có trên 500.000 lượt khách du lịch đến tham quan quảng trường, chưa kể hàng triệu lượt người Vinh và tới quảng trường vui chơi thư giãn. Buổi tối, Quảng Trường là nơi tụ tập của rất nhiều người. Mọi người tới đây để đi bộ thư giãn, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, xem đài phun nước và thưởng thức nhữn bài hát về Xứ Nghệ, về Bác Hồ.
Bên cạnh việc thưởng thức toàn bộ khung cảnh. Du khách còn được trải nghiệm cảm giác leo núi Chung, và chụp ảnh cùng tượng đài bác để lưu giữ những kỉ niệm.
Đền ông Hoàng Mười
Đền Ông Hoàng Mười nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.
Dù trải qua lịch sử, bị hư hỏng, đền được phục dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
Khu đền chính gồm ba tòa điện, là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Công trình này mang kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn. Hiện tại, đền tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng một ha.
Theo nhân gian kể lại ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng Ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Còn theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh.
Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Những giai thoại kỳ bí này đã phủ lên ngôi đền một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng.
Vật liệu dựng đền sau này đều làm bằng gỗ, được chạm trổ công phu với các hoạ tiết long, lân, quy, phụng.
Tam quan nằm liên tiếp nhau và sâu vào bên trong. Khách đi lần lượt từ Thượng điện cho đến Hạ điện. Quan sát từ bên ngoài, khách sẽ bắt gặp hình ảnh mái ngói có tạo hình rồng ở chóp – lối kiến trúc Nghệ An điển hình thường thấy ở các ngôi đền, chùa Việt.
Ngoài thờ ông Hoàng Mười, đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Đức Thánh Hoàng Mười là nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Hàng năm, khu di tích đền Ông Hoàng Mười thường đón hàng trăm nghìn du khách vào mùa lễ hội. Không chỉ đến để cầu nguyện mà du khách còn có dịp khám phá nét tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Người dân thường đến cầu nguyện những điều may mắn, tài lộc vào dịp đầu năm và đến trả lễ vào dịp cuối năm.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Tọa lạc ngay số 10 đường Đào Tấn. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm trong khuôn viên Thành Cổ Vinh đang được phục hồi hiện nay.
Nơi đây sở hữu vị trí trung tâm của thành phố Vinh. Do đó, Bảo tàng là điểm đến thuận lợi về nhiều mặt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch ở Nghệ An tới tham quan như mua sắm, giải trí, ẩm thực và đi lại…
Với cơ sở hạ tầng hiện đại, hiện nay mỗi năm, bảo tàng này đã là điểm đến được hàng ngàn du khách quan tâm mỗi năm. Bảo tàng mở cửa đón khách trong tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Do đó, bạn có thể chủ động thời gian của mình và đến thăm bảo tàng vào bất cứ lúc nào bạn muốn.
Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử hào hùng và những đóng góp to lớn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã ra đời tại thành phố Vinh từ ngày 15/1/1960.
Những điều đó đã có thể nói lên tầm vóc lịch sử hào hùng, vĩ đại của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và tầm quan trọng của Bảo tàng này trong sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa của người dân xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung.
Với 60 năm hình thành và phát triển. Hiện nay Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã sưu tầm và lưu giữ hàng ngàn hiện vật, tài liệu quý giá về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, bảo tàng cũng đã kiểm kê được 250 di tích. Lập hồ sơ xếp hạng 47 di tích cấp Quốc Gia. Và tổ chức thành công rất nhiều Hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu đề tài khoa học… để đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh đến gần hơn với đông đảo quần chúng, khách du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt, hàng chục năm qua, Bảo tàng đã trở thành một điểm đến Đỏ. Là nơi gửi gắm niềm tin của hàng trăm gia đình là thân nhân người có công với cách mạng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.
Nơi đây không chỉ là một môi trường học tập và tìm hiểu lịch sử kỳ diệu. Mà còn là điểm đến du lịch tâm linh với nhà tưởng niệm các liệt sỹ nằm trong khuôn viên Bảo tàng. Nếu có cơ hội đến đây, bạn hãy thành kính dâng lên những bó hoa tươi thắm trước bàn thờ các liệt sỹ đã hy sinh, ngã xuống vì màu áo quê hương nhé. Chắc chắn rằng, hoạt động này sẽ để lại những ký ức khó quên trong lòng bạn đấy.
Trong khuôn viên Bảo Tàng còn có quầy lưu niệm trưng bày các ấn phẩm do Bảo tàng xuất bản. Có cả quầy cà phê, nước giải khát và ăn uống cho du khách.
Tàn tích thành cổ Vinh
Công trình kiến trúc Vinh thời Nguyễn được xây dựng kiên cố năm 1831 và đến nay chỉ còn 3 cổng thành nằm trên địa phận ba phường Cửa Nam – Quang Trung và Đội Cung (TP Vinh).
Nằm trên phường Cửa Nam (TP Vinh), Tiền Môn là cổng thành nguyên vẹn hơn cả so với hai cổng còn lại. Theo sử sách, năm 1803 Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884, vua dời trấn về Vĩnh Yên, cho xây thành bằng đất.
Cách cổng Tiền Môn 500 m là cổng Tả Môn nằm ở phường Quang Trung.
Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá, 4.000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp thành phải lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.
Phía trên lầu của cổng Tiền Môn được dựng bằng 4 cột gỗ to bằng một người ôm. Theo ghi chép, thành cổ có 3 cửa ra vào. Trong đó cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, cửa Hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu.
Cổng mỗi cửa ra vào rộng hơn 3 m. Trải qua năm tháng các cửa này đã bị hư hỏng và được phục dựng nguyên hiện trạng. Bên trong thành cổ, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh Thống Đốc, phía nam có dinh Bố Chánh và Án Sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Hàng chữ “Hồng lĩnh Lam giang như tại tả hữu”, được khắc ở cổng Tiền Môn.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thành Vinh bị phá hoại rất nhiều. Ba cổng thành là chứng tích còn sót lại. Nơi này cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Nghệ An trong dịp về thăm quê những năm 1957-1961.
Năm 1998, thành cổ Vinh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia. Năm 2004 UBND TP Vinh triển khai dự án tu bổ phục hồi 3 cổng thành.
Khu vực thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Nằm giữa 3 cổng thành là sân vận động Vinh. Nằm trong tour du lịch Cửa Lò – quê Hồ Chủ tịch, di tích cổng thành Vinh được nhiều du khách tìm tới thăm.
Chùa Đại Tuệ
Chùa Đại Tuệ Nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Đại Huệ với độ cao gần 500m so với mực nước biển, chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tọa lạc trong một không gian non nước hữu tình, nay đang là một trong những chốn hành hương, một thắng cảnh bậc nhất về văn hóa lịch sử của miền đất Bắc Trung bộ.
Chùa Đại Tuệ sau khi được tôn tạo, xây dựng mới đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.
Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Do nhu cầu phục dựng ngôi chùa cổ Đại Tuệ, các Phật tử Nghệ An mời một số nhà tu hành am hiểu lịch sử Phật giáo đi điền dã khảo cứu và đi đến quyết định tạo lại pho tượng Phật Mẫu Bát Nhã (vào thời Bắc thuộc ở đây có một ngôi chùa cổ thờ Phật Mẫu Bát Nhã, tượng nay không còn).
Pho tượng Phật mẫu Đại Tuệ (Trí tuệ là mẹ sản sinh ra Phật, có nghĩa là nhờ vào trí tuệ sáng soi lộ trình tu tập giải thoát giác ngộ, nên có thể chứng đắc được quả vị Phật, hay còn gọi Phật mẫu Ma ha Bát nhã Ba la mật đa là trí tuê lớn đưa con người sang bờ giác ngộ giải thoát). Pho tượng được thực hiện dựa trên ý tưởng Đức Phật tuyên thuyết Kinh Đại thừa Phật mẫu.
Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiến, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ. Cấu trúc chùa gồm : bảo tháp Đại Tuệ cao chín tầng với chiều cao 32m thờ thất Phật thế tôn và Phật Mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc, Đại hùng Bảo Điện 2 tầng với diện tích 1200m2, nhà Tổ đường diện tích 300m2, nhà thờ Ngũ đế diện tích 300m2, nhà kỷ niệm đường 250m2, Hồ Tiên (ao sen) diện tích 500m2 cùng với khu Tăng xá…
Pho tượng Phật Mẫu Đại Tuệ có tên đầy đủ là Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa đúc bằng chất liệu đồng đỏ chất lượng cao, cao 2,30m, bệ rộng 1,15m, nặng 1.100kg. Tượng được đúc tại xưởng Đoàn Kết – Nam Định tháng 7/2011 và rước lên thờ tại chùa Đại Tuệ ngày 8/12 âm lịch 2011 nhân ngày Đức Phật thành đạo.
Đền Cờn
Đền Cờn là một ngôi đền nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra sông Hoàng Mai, tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Tại phường Quỳnh Phương còn có đền Ông chín Cờn.
Phường Quỳnh Phương ngày xưa lúc mới xây đền Cờn được gọi là xã Hương Cần. Cửa Cờn ngày xưa gọi là cửa Đại Càn hay Đại Cần.
Tứ vị Thánh nương được thờ tại đền Cờn là ba mẹ con công chúa nước Nam Tống gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương, và bà nhũ mẫu (Truyền thuyết kể lại rằng: Khoảng năm 1229, quân Nguyên – Mông từng bước thôn tính nhà Nam Tống ở Trung Quốc, đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Tả Thừa tướng Lục Tú Phu mang theo vua Đế Bính (8 tuổi) cùng gia quyến và binh sỹ đi chạy loạn ngoài biển. Do gặp sóng to gió lớ, thuyền chở vua tôi Nam Tống bị chìm ngoài biền Đông. Thi thể 3 mẹ con công chúa trôi dạt vào cửa Càn.
Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối mặc xiêm y quý tộc, da dẻ hồng hào, trên người phảng mùi thơm như lan, như quế nên lấy làm lạ, bèn chôn cất tử tế và lập miếu thờ. Mỗi khi ra khơi, đến cầu khấn đều thấy linh nghiệm. Từ đó, người dân đặt tên cho địa phương mình là Hương Cần, hay Phương Cần.
Cũng có một số truyền thuyết khác nói rằng, Tứ vị Thánh nương gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, Quách Thị hoàng hậu, cùng hai công chúa Nguyệt Khiêu, Nguyệt Hương, lại có tích khác cho rằng, Tứ vị Thánh nương là Thái hậu và 3 công chúa. Tuy mỗi câu chuyện có những tình tiết khác nhau, nhưng tất cả đều ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí, là nguồn gốc để hình thành nên giá trị tâm linh độc đáo nơi đây.
Các bà thường hiển linh về giúp nhân dân trong vùng. Sau các bà được vua Trần Anh Tông phong làm Đại kiền quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương.
Vua Trần Thái Tông, vua Lê Thánh Tông, vua Quang Trung khi đi đánh trận đều qua đền lập đàn tế lễ, cầu xin Tứ vị thánh nương phù hộ cho quân Việt Nam thắng trận.
Hàng năm, lễ hội đền Cờn được tổ chức vào ngày 20, 21 tháng Giêng, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Dân gian có câu: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”… lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội cổ xưa, có tiếng linh thiêng vào bậc nhất xứ Nghệ.
Đền Quả Sơn
Đền Quả Sơn là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị thần. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được các nhà sử học đề cao, được xếp là một trong 9 vị danh nhân của đất nước Đại Việt.
Tác phẩm “Việt Điện u linh” của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết” và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Thế Xuyên, những vị thần nào công đức lớn hơn được xếp trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian, thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên trên cả Lý Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt là bậc cháu của Lý Nhật Quang).
Đền Quả Sơn thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn) huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, toạ lạc dưới chân núi Quả Sơn nên có tên gọi đó. Thần được thờ trong Đền Quả Sơn là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – con trai thứ 8 của vua Thái tổ Lý Công Uẩn người sáng lập ra triều nhà Lý năm 1009. Năm 1039, Lý Nhật Quang được cử vào Nghệ An trông coi việc tô thuế. Sau đó được bổ nhiệm làm tri châu đầu tiên của Nghệ An.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được các nhà sử học đề cao, được xếp là một trong 9 vị danh nhân của đất nước Đại Việt. Tác phẩm “Việt Điện u linh” của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết” và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Thế Xuyên, những vị thần nào công đức lớn hơn được xếp trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian, thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên trên cả Lý Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt là bậc cháu của Lý Nhật Quang).
Với những công lao to lớn, toàn diện, những ân tình sâu nặng của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ. Riêng vùng Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) của Phủ Lý Bạch Đường – nơi đã từng là lỵ sở trấn trị của ông có tới 8 đền thờ thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Ngoài ra có phần mộ đức thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, có nhà bia, có nhà ngựa và ông ngựa, có cổng Tam quan và hàng nghìn cổ vật, bằng bạc, đồng và gỗ, đặc biệt có di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các long ngai, tế khí thời Lý…. Lễ hội đền Quả Sơn có từ thời Lý, được đánh giá là một lễ hội cổ kính nhất, uy nghi, hoành tráng nhất; diễn ra trong một không gian rộng lớn và đẹp nhất.
Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XI. Sau đó được trùng tu và nâng cấp nhiều lần. Đến thời hậu Lê thì diện mạo của đền có quy mô lớn gồm ba toà chính điện (thượng, trung, hạ điện), tả vu, hữu vu, lầu ca vũ, nhà hoả, nhà canh, tam quan. Trong đền có di tượng Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, có nhiều đồ tế khí chạm khắc tinh vi, đạt trình độ điêu khắc cao, do vua chúa nhiều triều đại ban tặng hoặc nhân dân tiến cúng. Đền Quả Sơn được xếp là một trong bốn đền lớn nhất xứ Nghệ: “Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”.
Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội vùng lớn vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thông nhất đất nước ở thế ký XI (1039 – 1055).
Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm sống động tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá dân gian.
Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian và nghệ thuật dân tộc như đánh đu tiên, chọi gà, cờ thẻ, cờ người, đấu vật, múa võ, đặc sắc nhất là đua thuyền bơi chải xuôi ngược dòng Lam, hát chầu văn, ca trù, diễn các tích chèo, tuồng cổ…Lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục , thể thao như : Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cắm trại, triển lãm, trưng bày bán các loại ấn phẩm văn hoá, tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đi tham quan các di tích danh thắng trong vùng.
Đền Cuông
Đền Cuông thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách thành phố Vinh khoảng 30 km về phía Bắc, nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, cận kề quốc lộ 1A. Đền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, đồng thời cũng là một danh thắng nổi tiếng – nơi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nghệ An và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thỏa thuận trước giữa tạo hóa và bàn tay con người.
Nhìn về tổng thể kiến trúc Đền Cuông được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Trải qua hàng nghìn năm, tam quan hiện nay đã chằng chịt rễ cây si leo bám, càng tạo nên nét cổ kính cho ngôi đền. Tòa trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, mà lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Thượng điện đặt ban thờ Thục An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức Thục An Dương Vương.
Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí thông thoáng, giàu chất sử thi. Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ. Ở phía Bắc chân núi là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước – nơi cha con Thục An Dương Vương trên đường chạy giặc gặp bước đường cùng đã được Rùa Vàng hiển linh rẽ sóng mở đường cho vua cha về với biển. Tục truyền ở trên núi này có hơn 50 tướng sĩ của vua Thục trong bước đường cùng đã tuẫn tiết ở đây. Theo truyền thuyết, sau khi chém Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo bào, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó biến thành 5 ngọn núi có hình giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn… châu tuần quanh núi Mộ Dạ. Không những thế, Ngài còn dẫm mạnh chân xuống một tảng trên đỉnh núi và để lại một vết chân rồi mới gieo mình xuống biển tự vẫn. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó…
Thăm Đền Cuông trên núi Mộ Dạ bất chợt ngẫm câu thơ của Tố Hữu “… Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” lại thấy thương cho Mỵ Châu và mối tình oan nghiệt của nàng. Vào ngày đẹp trời, đứng trên núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phương mới thấy được hết những điều kỳ thú của một vùng non xanh nước biếc hữu tình. Sách xưa đã từng liệt kê trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, một trong số các cảnh đẹp đó là Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ).
Diễn Châu (Nghệ An) được biết đến không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Chí Kiên, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Văn Thụy, Cao Xuân Dục.. mà còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh. Theo thống kê trong số 91 di tích lịch sử văn hóa thì đã có tới 13 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Một trong số các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là Đền Cuông nơi gắn liền với Thục An Dương Vương – vị vua huyền thoại của lịch sử dựng nước thời xa xưa.
Đền Cuông thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách thành phố Vinh khoảng 30 km về phía Bắc, nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, cận kề quốc lộ 1A. Đền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, đồng thời cũng là một danh thắng nổi tiếng – nơi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Vinh và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thỏa thuận trước giữa tạo hóa và bàn tay con người.
Nhìn về tổng thể kiến trúc Đền Cuông được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Trải qua hàng nghìn năm, tam quan hiện nay đã chằng chịt rễ cây si leo bám, càng tạo nên nét cổ kính cho ngôi đền. Tòa trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, mà lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Thượng điện đặt ban thờ Thục An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức Thục An Dương Vương.
Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí thông thoáng, giàu chất sử thi. Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ. Ở phía Bắc chân núi là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước – nơi cha con Thục An Dương Vương trên đường chạy giặc gặp bước đường cùng đã được Rùa Vàng hiển linh rẽ sóng mở đường cho vua cha về với biển. Tục truyền ở trên núi này có hơn 50 tướng sĩ của vua Thục trong bước đường cùng đã tuẫn tiết ở đây. Theo truyền thuyết, sau khi chém Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo bào, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó biến thành 5 ngọn núi có hình giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn… châu tuần quanh núi Mộ Dạ. Không những thế, Ngài còn dẫm mạnh chân xuống một tảng trên đỉnh núi và để lại một vết chân rồi mới gieo mình xuống biển tự vẫn. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó…
Thăm Đền Cuông trên núi Mộ Dạ bất chợt ngẫm câu thơ của Tố Hữu “… Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” lại thấy thương cho Mỵ Châu và mối tình oan nghiệt của nàng. Vào ngày đẹp trời, đứng trên núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phương mới thấy được hết những điều kỳ thú của một vùng non xanh nước biếc hữu tình. Sách xưa đã từng liệt kê trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, một trong số các cảnh đẹp đó là Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ).
Hằng năm, vào các ngày 14, 15,16 tháng Hai âm lịch diễn ra lễ hội Đền Cuông. Đây là lễ hội lớn không chỉ của cộng đồng cư dân vùng Diễn Châu mà còn cả đối với cộng đồng cư dân cả nước để nhớ tới ân đức của Thục An Dương Vương. Vào dịp lễ hội, khách thập phương ở mọi miền đất nước tụ hội về đây. Những người con Diễn Châu xa quê cũng cố gắng thu xếp để về thăm quê vào đúng dịp này. Theo lễ tục, chiều ngày 14 tháng Hai là Lễ yết cáo để tạ ơn Thục An Dương Vương và trời đất; đêm ngày 14 là Lễ yến vị diễn ra mang đậm màu sắc tâm linh đồng thời phản ánh rõ nét văn hóa ẩm thực của cả vùng; sáng ngày 15 diễn ra hoạt động khá quan trọng của lễ hội Đền Cuông, đó là phần rước kiệu từ đình Xuân Ái (Diễn An), nhà thờ họ Cao (Diễn Thọ) ra Đền Cuông, lễ rước thường diễn ra rất sôi động, thu hút sự chú ý của mọi người; chiều 15 tháng Hai là phần Lễ tạ…
Đến với lễ hội Đền Cuông du khách còn có thể đi thăm các chứng tích, nhất là các địa danh như núi Kiếm, núi Đầu Cân ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), núi Mụa (núi Mũ) ở xã Diễn Phú, núi Mã Yên (Yên Ngựa) ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu)…
Nhà thờ chính tòa Xã Đoài
Năm 1627 ghi dấu hai sự kiện lớn, 1 của xã hội Việt Nam, và 1 của giáo hội Việt Nam.
Tháng 3/1627 Trịnh Tráng ở khởi 20 vạn quân thuỷ bộ nam tiến đánh họ Nguyễn ở phía Nam, mở đầu cho cuộc nội chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ với kết quả là đất nước chia đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Cùng năm ấy, và cũng trong tháng ấy, Tu sĩ Alexandre de Rhodes, hay Đắc Lộ, đặt chân lên Cửa Bạng, Thanh Hoá, mở đầu cho hành trình truyền giáo tràn đầy hồng ân Chúa trên vùng đất bắc bộ. Ngài là một trong những tu sĩ quan trọng nhất xây dựng giáo hội Việt Nam sơ khai, đặc biệt góp công đầu hình thành chữ quốc ngữ ta dùng hiện nay.
Sau 8 tháng rong ruổi qua các vùng đất, cha Đắc Lộ ghé vào những cửa biển xứ Nghệ: Cửa Lò, Cửa Sót, và Cửa Rùm, và thành lập ở những nơi ấy các cộng đoàn Kitô hữu nhiệt thành. Một năm sau, khi ngài phải rời đi, số giáo dân tại vùng đất này đã rất đông đảo, đặt nền móng vững chắc và đời đời cho giáo hội của Chúa trên vùng đất linh thiêng xứ Nghệ, về sau trở thành giáo phận Vinh.
Có lẽ khí thiêng của Sông Lam – Núi Hồng, hai địa danh nổi tiếng của Nghệ An và Hà Tĩnh, đã hun đúc nên những tài năng và nhân cách xuất chúng nơi đây: Nguyễn Công Trứ, nhà chính trị và quân sự nổi bật đầu triều đại nhà Nguyễn với công khai phá vùng đất Thái Bình và Phát Diệm hiện nay; đại thi hào Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều muôn đời bất hủ; La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, danh sĩ nổi tiếng thời Tây Sơn; chí sĩ Phan Bội Châu, lãnh tụ cách mạng chống Pháp những ngày đầu tiên nổi bật với phong trào Đông Du; Nguyễn Trường Tộ với bản điều trần và kế sách chấn hưng đất nước đi trước thời đại dâng vua Tự Đức; Phan Đình Phùng với cuộc nổi dậy chống Pháp tại Hương Khê; và Hồ Chí Minh, người đã thành công trong cuộc kháng chiến thành công thế kỷ 20. Còn rất nhiều những tên tuổi nổi tiếng khác gắn liền với vùng đất này.
Đất Nghệ An còn từng là Phượng Hoàng Trung Đô, kinh thành của triều đại Tây Sơn.
Có thể nói tinh thần bất khuất của đồng bào Nghệ Tĩnh luôn biểu hiện trong mọi hoàn cảnh và trước mọi chướng ngại nó gặp phải. Trong đời sống đức tin Công giáo cũng vậy. Giáo dân xứ Nghệ chính là những cộng đoàn bảo vệ đức tin và sống đức tin quyết liệt nhất trong những năm tháng bách đạo phong ba bão táp qua các triều đại Nhà Nguyễn. Trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam có tới 6 vị thuộc giáo phận Vinh hiện nay. 6 vị ấy là đại diện cho hàng trăm hàng ngàn giáo dân đã ngã xuống để hạt giống đức tin lớn lên trong lòng người.
Ngôi thánh đường hiện tại đã là công trình thứ ba xây trên nền cũ sau khi ngôi thánh đường trước đó bị bom đạn chiến tranh đánh sập vào năm 1968. Một phép lạ đã xảy ra trong sự kiện này là tượng Đức Mẹ vẫn nguyên vẹn trong đống gạch đá đổ nát, như một dấu chỉ cho thấy sự hiện diện và quan phòng của Mẹ Maria. Ngay sau khi xây dựng lại, ngôi giáo đường đã được cung hiến trọng thể vào năm 1979.
Ngược dòng lịch sử vào quá khứ xa xôi, những ngày phôi thai của giáo hội trong thế kỷ 17. Năm 1659, nhận thấy công cuộc truyền giáo tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, Toà Thánh đã thiết lập hai giáo phận mới: Giáo phận Đàng Ngoài và giáo phận Đàng Trong, lấy Huế làm nơi phân giới. Sau đó, theo đà phát triển lại chia tiếp giáo phận Đàng Ngoài thành Đông Đàng Ngoài gồm Hải Phòng và các tỉnh phía bắc, và Tây Đàng Ngoài từ Hà Nội trở vào tới Quảng Bình, trong đó phần đất từ cực nam Thanh Hoá đến sông Gianh được gọi là “xứ Nghệ”.
Vì cách quá xa Hà Nội, đường xá đi lại khó khăn, và bà con nơi đây cũng có tiếng nói khác hẳn người miền bắc, nên Xứ Nghệ có một cơ chế quản lý gần như độc lập, tách biệt với Hà Nội, với một giám mục phó và có Toà Giám mục đặt tại Trang Đen (Nam Đàn), sau dời vào Thọ Kỳ (Thọ Ninh), cuối cùng dời đến Xã Đoài vào năm 1842. Trên thực tế Xứ Nghệ từ ngày đó đã tồn tại như một giáo phận độc lập.
Năm 1846, Đức cha Liêu Retord gửi về Toà thánh một bản phúc trình với nội dung ca ngợi tinh thần của giáo dân xứ Nghệ: “Ở tại Hà Tĩnh và Nghệ An có tới 45,364 bổn đạo. Trong hai tỉnh này, họ là những bổn đạo sốt sắng nhất trong Giáo Phận.” và ngài thành khẩn xin thiết lập giáo phận mới tại đây. Việc này đã thúc đẩy Giáo hoàng Gregorio ra Sắc chỉ “Ex debitu pastoralis” ngày 27/03/1846 thành lập giáo phận Vinh kéo dài từ cực nam Thanh Hoá, trải qua hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình. Đồng thời Toà thánh bổ nhiệm Đức cha Gauthier, hay Ngô Gia Hậu, làm đại diện Tông toà tại Giáo phận mới.
Đức cha Hậu đến nhận nhiệm sở Xã Đoài vào đầu năm 1847. Đến năm 1868, với sự giúp sức của Nguyễn Trường Tộ, ngài cho xây dựng cơ sở Toà Giám mục Xã Đoài.
Sau khi Đức cha Hậu mất là thời kỳ bách đạo khốc liệt và những biến chuyển mạnh mẽ của lịch sử dân tộc.
Năm 1892, Nhà thờ Chính toà khánh thành dưới thời Đức cha Trị. Ngài đã làm lễ cung tiến trọng thể và dâng hiến Giáo phận Vinh cho Đức Mẹ, đồng thời nhận Đức Mẹ Lên Trời làm bổn mạng giáo phận. Đó chính là ngôi nhà thờ đầu tiên.
Ngôi nhà thờ ấy bị bom đánH sập năm 1968, và được tái thiết lại năm 1979, chính là ngôi thánh đường đang hiện diện ngày nay.
Nhà thờ đá và đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức
Nhà thờ Bảo Nham được khởi công xây dựng vào năm 1888 tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, nằm sát quốc lộ 7A, cách thành phố Vinh khoảng 50km về phía bắc. Năm 1904, nhà thờ Bảo Nham được chính thức hoàn thành.
Vật liệu chính làm nhà thờ là đá Thanh được khai thác từ đá núi Lam Sơn (Thanh Hoá). Chiều cao của nhà thờ 37m, rộng 14m, có một tháp chuông cao 28m. Trên tháp có 3 quả chuông được đúc bằng đồng, chuông nặng nhất 800kg, chuông thứ hai có trọng lượng 400kg và chuông thứ ba là 180kg.
Ngoài ra còn có 24 tháp nhỏ bằng đá, mỗi tháp cao 2,5m. Phía trước thánh đường có 2 con sư tử bằng đá được tạc rất công phu. Nhà thờ đá Bảo Nham không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của giáo dân trong vùng mà còn là điểm tham quan du lịch ở Nghệ An của hàng trăm ngàn du khách gần xa.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp