Nam Định là một trong những tỉnh đồng bằng ven sông Hồng, cách thành phố Hà Nội 90km. Qua bao dấu vết thời gian, nơi đây vẫn giữ được vẹn nguyên những quần thể di tích văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp… Đây là một trong những địa điểm du lịch đáng tự hào nhất trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Việt Nam.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều nhà thờ đẹp nhất cả nước, các công trình tôn giáo ở Nam Định mang đậm kiến trúc Gothic với những mái vòm nhọn đặc trưng. Ngoài ra, kiến trúc Nam Định còn mang phong cách cổ kính, linh thiêng và mang dấu ấn của thời đại. Đó đều là những đặc điểm chung khi nói về những công trình kiến trúc tiêu biểu ở mảnh đất Thành Nam xưa.
Du lịch Nam Định ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ, nơi bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước với ẩm thực đặc trưng, các làng nghề, lễ hội, đình, chùa, thánh đường. Nam Định là trung tâm của văn hóa xứ Sơn Nam, cũng như vùng Sơn Nam Hạ. Với cái nôi của truyền thống khoa bảng, hiếu học, nơi có nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày văn hóa, lịch sử…, Nam Định ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch cho du khách khám phá và trải nghiệm.
Bảo tàng tỉnh Nam Định
Bảo tàng Nam Định là một trong số bảo tàng cấp tỉnh có lịch sử hình thành khá sớm trong toàn quốc. Tiền thân là phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hoá Nam Định ra đời năm 1958. Năm 1980, UBND tỉnh có quyết định thành lập Nhà bảo tàng. Từ đây Bảo tàng tỉnh đã chính thức trở thành một thiết chế văn hóa có đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của một bảo tàng cấp tỉnh. Năm 2011, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã được xếp hạng 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Năm 2009, Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Nam Định đã hoàn thiện tại đường Cột Cờ, Tp Nam Định. Theo đó, tổng diện tích mặt bằng gần 12.000m2 , quy mô xây dựng 5.250m2, công trình chính gồm tòa nhà 3 tầng, tầng 1 sử dụng làm kho hiện vật và khu hành chính của cơ quan, tầng 2 và tầng 3 là nơi trưng bày cố định và các chuyên đề.
Đặc biệt, tại đây ngày 21/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh và ghi bút tích trong sổ vàng truyền thống “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Với ý nghĩa lịch sử đó, Bảo tàng tỉnh Nam Định vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn, đồng thời là nơi phát huy tốt nhất các giá trị di sản văn hóa, truyền thống lịch sử vẻ vang của Nam Định – một vùng quê văn hiến và cách mạng.
Điểm nhấn của phần trưng bày nội thất là thời kỳ Lý – Trần:
- Thời Lý (thế kỷ XI – XIII) giới thiệu hình ảnh, tư liệu, hiện vật của bảo tháp Chương Sơn được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng và đích thân ngự khi khánh thành trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên.
- Thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), tập trung làm nổi bật 3 nội dung cơ bản: khẳng định Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần; quy mô cấu trúc Hành cung Thiên Trường và các căn cứ địa của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông; quá trình nghiên cứu và kết quả khai quật khảo cổ học tại các di tích thời Trần tại Nam Định.
Phố cổ Thành Nam
Phố cổ Thành Nam hay phố cổ Nam Định là khu vực gồm các phố xá buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam của thành Nam Định thời Nguyễn. Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng có đến hơn 40 phố cổ. Tuy nhiên, khác với các Phố cổ Đồng Văn, Phố Hiến, Phố cổ Hội An, Phố cổ Hà Nội đều đã được xếp hạng di tích quốc gia thì phố cổ Nam Định vẫn chưa được xếp hạng di tích.
Thành phố Nam Định có bề dày lịch sử hơn 750 năm, với sự kiện vào tháng 2 năm 1262, vua Trần Thánh Tông đã đổi hương Tức Mạc là quê hương của nhà Trần làm phủ Thiên Trường, đặt quan đứng đầu phủ (An phủ sứ) là Trần Thì Kiến, lập Hành đô Thiên Trường, xây các cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Nay đất Hành đô Tức Mạc xưa thuộc phường Lộc Vượng, một trong 20 phường của thành phố Nam Định.
Trên phố Minh Khai, Hàng Sắt, Bến Ngự còn lại một số kiến trúc Nam Định cổ hầu hết được xây dựng vào khoảng những năm 1840-1849, như nhà của nhà thơ Tú Xương – 280 Minh Khai, nhà số 7 phố Bến Ngự – dựng năm 1849 – di tích được xếp hạng.
Phố Hàng Đồng được nối từ bờ sông Vị Hoàng (đã lấp) đến Trần Hưng Đạo và gặp thành cổ. Trên đường phố này hiện nay còn một số kiến trúc cổ nhưng cũng đã cải tạo đi ít nhiều.
Phố Phan Đình Phùng, Hàng Thao – trục đường dài hơn cả nối từ bờ sông Vị Hoàng (đã lấp) đến phía Tây thành phố. Khu này hầu như không còn kiến trúc cũ và cổ.
Khu di tích Phủ Dày
Phủ Dầy (có khi ghi là Phủ Giầy, Phủ Giày) là một quần thể kiến trúc đẹp tại Nam Định tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn 3 xã Kim Thái, Quang Trung, Đại An thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình.
Các kiến trúc Nam Định còn lại là các phủ: Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), phủ Giáp Ba, phủ Bất Di, đền Công Đồng, phủ Đá, phủ Nội, phủ Tổ (Khải Thánh), đền Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, đền Mẫu Thượng, đền Mẫu Thoải, đền Trình, đền Đức Vua, đền Quan Lớn, đền Mẫu Đông Cuông, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Dần, chùa Gôi, chùa Vân Cát, chùa Tiên Hương, chùa Linh Sơn…
Phủ Tiên Hương thờ bên nhà chồng của Mẫu Liễu Hạnh, còn phủ Vân Cát và Phủ Tổ là nơi thờ Mẫu và bên ngoại (bên bố mẹ đẻ) của Mẫu.
Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.
Có 3 nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội Phủ Dầy bao gồm: Lễ Rước Mẫu Thỉnh Kinh, Lễ Rước Đuốc, Lễ kéo chữ Hoa Trượng Hội. Ngoài ra trong lễ hội còn có các trò chơi truyền thống như: Thi hát văn, hát chèo, múa rối nước, đấu vật, đấu cờ người, thổi cơm thi… Nghi lễ Hầu Đồng diễn ra trong suốt thời gian lễ hội.
Thành ngữ dân gian một số nơi ở miền Bắc có câu:
Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ
Cha là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, còn Mẹ chính là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Di tích nhà Trần
Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15.
Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (正南門 – cổng chính phía nam) và Trần Miếu (陳廟 – Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.
Cả ba đền đều có kiến trúc Nam Định chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu. Gồm các đền Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa,…
Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công của 14 vị vua Trần.
Từ năm 2000, Nam Định tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn. “Trần miếu tự điển” là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp Lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ “Tích phúc vô cương.” “Trần miếu tự điển” mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.
Cột cờ Nam Định
Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu thuộc phường Ngô Quyền – TP Nam Định. Thời xưa, Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn,là Cột cờ Kinh thành Huế (1807), Cột cờ Hà Nội (1812) và Cột cờ Thành Bắc Ninh (1838). Căn cứ theo một số tư liệu, Cột cờ Thành Nam xây cùng thời với Cột cờ Hà Nội. Công trình này được bổ sung thêm nhiều ở phía trên đỉnh nên đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.
Cột cờ Nam Định cao 23,84m; nằm ở phía nam Thành cổ, cách đình Vọng Cung (nay là chùa Vọng Cung) khoảng 100m. Sân Cột cờ xưa được xây thành sân hành lễ, hình vuông, có hàng lan can ở bốn cạnh. Phía nam đặt hai khẩu súng thần công. Phía đông có lư hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ Cột cờ – Thành cổ vào các năm 1873 và 1883.
Chân đế Cột cờ gồm hai bệ hình vuông. Bệ trên thu nhỏ lại so với bệ dưới. Xung quanh phía ngoài của hai mặt bệ đều xây lan can. Bệ dưới mỗi cạnh dài 16,33m; cao 2,40m. Từ bệ dưới lên bệ trên đều có bậc lên xuống. Bệ trên mỗi cạnh dài 11,42m; cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can và trổ bốn cửa. Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân Cột cờ (thân đài). Trên cửa phía đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai); cửa phía nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Dưới bệ có đền thờ Bà chúa Cột cờ – Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873 (phát hiện khảo cổ học năm 2002 – Viện khảo cổ học Việt Nam – Lê Bá Ngọc).
Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ. Trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy những vùng núi, sông, cánh đồng của tỉnh Nam Định và ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.
Cầu ngói Chùa Lương
Thuộc địa phận xã Hải Anh, huyện Hải Hậu (Nam Định), chùa Lương hay còn gọi là chùa Trăm Gian, tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Lịch sử của chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước ở vùng biển Hải Hậu.
Cầu Ngói của đất Quần Anh được hình thành từ khi người dân về đây mở đất dựng làng. Khi mà công cuộc khai hoang lấn biển của tổ tiên đã hoàn thành thì các cụ đã nghĩ ngay đến việc dựng cầu mở chợ, lúc đó làng đã ở thành sau, ruộng ở thành đối. Cầu khi đó được bắc qua con sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh.
Lúc đầu cầu chỉ đơn giản một cọc, chưa có mái ngói mà chỉ lợp cỏ đơn sơ. Nhưng đến thế kỷ XVII cầu được trùng tu, sủa chữa nhiều lần để phù hợp với cấu trúc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Cuộc trùng tu lớn nhất là vào năm 1922 cầu được lợp ngói nhưng dù sao cũng giữ được nguyên cái nét cổ kính từ xa xưa để lại. Và kể từ đây cầu Ngói Quần Anh có tên trên bản đồ Việt Nam.
Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các kèo giống như cách thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Người thợ tài hoa xưa đã sáng tạo ra kỹ thuật nửa nợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp và tựa như con rồng đang bay.
Cầu ngói chợ Thượng
Từ thành phố Nam Định qua cầu Đò Quan, đi theo đường 21 khoảng 8 km, rẽ phải đi dọc theo sông Châu Thành khoảng 7 km là đến di tích cầu ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực).
Cây cầu xây dựng theo lối kiến trúc Nam Định độc đáo “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng, thôn Thượng Nông. Cầu được xây dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim và lợp ngói nam. Ngoài giá trị lịch sử, cây cầu còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân địa phương.
Theo tư liệu cổ, mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các tảng đá to nhỏ khác nhau, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn ở dưới, nhỏ ở trên. Tính từ mặt nước trung bình thì mố cầu rộng 3,7 m, được xây vuốt theo hình thang cân, với cạnh trên là 2,84 m. Hai mố cách nhau 4,5 m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu tọa lạc tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Bùi Chu. Năm 2020, công trình nhà thờ cổ 135 năm tuổi đã bị dỡ bỏ vì lý do an toàn, hiện nay việc thi công nhà thờ mới đang được tiến hành.
Giáo xứ Bùi Chu, chính thức thành lập năm 1670, được chọn là nơi đặt tòa giám mục của Địa phận Đông Đàng Ngoài từ năm 1779, sau đó là của Địa phận Trung Đàng Ngoài từ khi thành lập năm 1848. Xứ đạo Bùi Chu là một làng toàn tòng, nằm giữa nhiều làng Công giáo khác trong vùng, từng được truyền giảng Phúc Âm bởi Dòng Tên, Hội Thừa sai Paris và nhất là Dòng Đa Minh Tây Ban Nha. Sau khi nạn bách hại đạo chấm dứt, Nhà thờ Bùi Chu được hoàn thành năm 1885. Với sự bổ nhiệm giám mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn, Bùi Chu là địa phận thứ hai ở Việt Nam được trao cho các giáo sĩ bản quốc coi sóc.
Nhà thờ Bùi Chu là một trong những nhà thờ cổ kính nhất ở Việt Nam, có lịch sử tương đương Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (hoàn thành năm 1880), Nhà thờ Lớn Hà Nội (1887), Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (1891). Đây là nơi lưu dấu ấn lịch sử truyền giáo, giao thoa văn hóa Đông – Tây ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, và là công trình có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc tại Nam Định. Nhà thờ chính tòa Bùi Chu cách huyện lị Xuân Trường 3 km, cách thành phố Nam Định 31 km và cách Hà Nội 115 km. Hàng năm vào ngày 8 tháng 8 có rất nhiều giáo dân tập trung về dự lễ kính Thánh Đa Minh quan thầy của giáo phận, quen gọi là lễ đầu dòng.
Nguyên vật liệu lấy tại địa phương là gạch, vôi vữa rất đơn giản. Dù vậy, nhà thờ có kiến trúc độc đáo với phong cách chính là Baroque Tây Ban Nha, kết hợp với cách thức xây dựng truyền thống Việt Nam. Các đường nét hoa văn thể hiện sự hài hòa kiến trúc Âu – Á. Bộ tòa chính ở cung thánh được sơn son thếp vàng lộng lẫy, các cột gỗ lim lớn được đặt trên bệ đá chạm trổ tỉ mỉ, vòm trần nhà thờ làm từ vôi rơm trộn mật, có thiết kế đặc sắc là những hình oval ba lá.
Công trình này dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 m, hai tháp chuông cao 35 m. Tháp cổng phía đầu nhà thờ có chiếc đồng hồ cổ kính, sản xuất đơn chiếc theo đơn đặt hàng ở Pháp năm 1922.
Sau khi hoãn kế hoạch hạ giải năm 2019, đến ngày 4 tháng 2 năm 2020, nội thất, bàn thờ và các bộ tòa đã được đưa ra ngoài, chuẩn bị cho việc hạ giải toàn bộ. Sau 135 năm tồn tại, nhà thờ chính thức được hạ giải vào ngày 17 tháng 7 năm 2020, việc phá dỡ hoàn tất vào đầu tháng 8. Nhà thờ mới sẽ được xây với kích thước rộng hơn, theo thiết kế thì kiến trúc Nam Định bên ngoài tương tự nhà thờ cũ nhưng bên trong là hệ vì kèo gỗ theo kiến trúc cổ Việt Nam thay vì trần Baroque Tây Ban Nha.
Toà giám mục Bùi Chu
Tòa Giám mục Giáo phận Bùi Chu nay thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Vào năm 1960, Giáo phận Bùi Chu được Tòa thánh Vatican nâng lên thành Giáo phận chính tòa. Bùi Chu là Giáo phận có nhiều xứ đạo hình thành từ lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển Công giáo tại Việt Nam.
Ở châu Á, Việt Nam là nước đón nhận Tin Mừng khá sớm. Theo sử sách thì vào năm 1533 đã có những nhà truyền giáo đầu tiên tới Việt Nam, và những địa danh đầu tiên đón nhận Tin Mừng: Trà Lũ (khu vực Phú Nhai ngày nay), Quần Anh (sau kị húy đổi thành Quần Phương), và Ninh Cường đều là những miền đất thuộc giáo phận Bùi Chu. Từ thế kỷ 17, các thừa sai Dòng Tên, Hội Thừa sai Paris, Dòng Âu Tinh Chân đất, và nhất là Dòng Đa Minh truyền giáo tại đây.
Giáo phận Bùi Chu ngày nay chỉ thuộc địa bàn của sáu huyện và một phần thành phố, ở về phía đông nam giáp biển của tỉnh Nam Định, thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, trước khi được hình thành như ngày hôm nay, giáo phận Bùi Chu thuộc Địa phận Đàng Ngoài (được thành lập năm 1659). Sau đó, giáo phận Bùi Chu thuộc Địa phận Đông Đàng Ngoài (được tách ra từ địa phận Đàng Ngoài vào năm 1679) rồi Địa phận Trung Đàng Ngoài (được tách ra từ địa phận Đông Đàng Ngoài vào năm 1848).
Khoái Đồng là giáo xứ duy nhất của giáo phận nằm ở hữu ngạn (Tây Bắc) sông Đào. Giáo phận được bao bọc bởi ba con sông lớn, tiếp giáp với ba giáo phận khác. Phía Ðông Bắc giáp với Giáo phận Thái Bình bởi sông Hồng, phía Tây Bắc là sông Đào (nối sông Hồng với sông Ðáy) giáp với Tổng giáo phận Hà Nội, và phía Tây Nam qua sông Đáy là Giáo phận Phát Diệm; phía Ðông Nam là vịnh Bắc Bộ (biển Đông).
Vương cung thánh đường Phú Nhai
Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Phú Nhai (hay còn gọi là Nhà thờ Phú Nhai, Đền Thánh Phú Nhai) là tên gọi của một nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Giáo phận Bùi Chu, Việt Nam. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1 km. Đây là một trong những ngôi nhà thờ có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam.
Nhà thờ Phú Nhai nguyên thủy được tạo dựng bằng gỗ, lợp bồi do linh mục Chính xứ Emmanuel Rianô Hòa cho xây dựng vào năm 1866, ngay sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh tha đạo, chấm dứt gần 3 thế kỷ Kitô giáo bị bách đạo tại Việt Nam.
Năm 1881, Giám mục Hòa cùng với linh mục Barquerô Ninh xây nhà thờ thứ hai theo kiến trúc Á Đông và hai tháp chuông.
Năm 1916, Giám mục Phêrô Munagôri Trung và linh mục Morênô xây nhà thờ thứ ba theo Kiến trúc Gothic. Khánh thành năm 1922 nhưng bị cơn bão lớn tàn phá nặng nề vào ngày 24 tháng 6 năm 1929.
Tháng 11/1949, một bộ phận quân viễn chinh Pháp chiếm đóng Phú Nhai, lấy nhà thờ có ngọn tháp cao làm điểm uy hiếp các vùng, lấy hai dãy hành lang làm trụ sở làm việc và dãy hướng Nam là nơi giam giữ, tra tấn cán bộ cách mạng, nhanh chóng xây dựng công sự đào hầm hào, đắp đường Ức từ Phú Nhai ra Bùi Chu để tiện việc hành quân, linh mục Lương Huy Hân làm tổng tuyên úy.
Sau thời gian chiến tranh bị hư hại, Nhà thờ được trùng tu tôn tạo bởi Giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh khởi công từ ngày 17 tháng 3 năm 2003 cho đến 26 tháng 9 năm 2004 thì hoàn thành như diện mạo hiện nay.
Nhà thờ gốc có phong cách kiến trúc Nam Định đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Nhà thờ có kích thước: dài 80 mét, rộng 27 mét, cao 30 mét. Hai tháp chuông cao 44 mét đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng là: 2.000 kg – 1.200 kg – 600 kg và 100 kg.
Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá. Khi khách tham quan đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai sẽ được chiêm ngưỡng được toàn cảnh của Huyện Xuân Trường. Năm 2008 Đền thánh Phú Nhai được nâng lên hàng thành Tiểu Vương cung Thánh đường (Minor Basilica).
Nhà thờ đổ Nam Định
Xưa đây là một nhà thờ của người dân địa phương, nhưng trải qua thời gian cùng sự xâm lấn của biển, nhà thờ bây giờ chỉ còn lại phế tích. Tuy nhiên sự hoang tàn, trơ trọi giữa thiên nhiên thanh bình này lại khiến nhà thờ đổ trở thành điểm đến yêu thích của những người yêu thích sự mới lạ cũng như thu hút rất nhiều cặp uyên ương tới đây để chụp ảnh cưới.
Hoàng hôn và bình minh là thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh ở nhà thờ đổ. Khi đêm xuống các bạn có thể cùng nhau đốt lửa trại và chơi những trò chơi tập thể ở đây.
Bãi biển cạnh nhà thờ là địa điểm tấp nập thuyền bè đánh cá ra vào . Ngoài tận hưởng không khí làng chài, bạn còn có thể thưởng thức hải sản tươi sống ngay tại chân nhà thờ đổ
Tại đây đồ biển nhiều vô số, bạn có thể tha hồ thưởng thức hải sản biển với giá khá mềm. Những ai đến tới đây đều rất nghiện món mực chiên giòn chấm tương ớt . Đi kèm với mực là ốc, sò luộc không kém sự thu hút .Một số quán ăn ngay sát bờ biển giá khá đắt , bạn đi vào sâu một chút ,sẽ có rất nhiều quán ăn gần nhà dân với giá khá mềm hơn rất nhiều.
Tiếp tục hành trình bạn có thể ghé qua chợ Bến để thưởng thức những món đặc sản của chợ phiên vùng biển. Nem nắm – món đặc sản của Giao Thủy mà bất kì ai dừng chân ở đây cũng nên thưởng thức một lần.
Bên đường đi bạn có thể dễ dàng bắt gặp các xưởng đóng tàu nhỏ của người dân địa phương . Ở đây bạn có thể tìm hiểu cách đóng ra 1 con tàu kỳ công như thế nào cũng như biết thêm nhiều điều thú vị về những con người hàng ngày bám biển.
Sân vận động Thiên Trường
Sân vận động Thiên Trường là một sân vận động nằm ở trung tâm thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Việt Nam với sức chứa khoảng 30.000 chỗ ngồi, mặt sân cỏ có kích thước 115×72 m. Đây là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Nam Định (tiền thân là câu lạc bộ Công nghiệp Hà Nam Ninh), một câu lạc bộ bóng đá luôn có thứ hạng cao trong giải vô địch bóng đá Việt Nam.
Trước đây, sân vận động Thiên Trường có tên gọi sân vận động Chùa Cuối. Ngày 30 tháng 8 năm 2003, sân chính thức đổi tên thành Thiên Trường với trận khai sân giữa câu lạc bộ bóng đá Nam Định với U-23 Thần Hoa Thượng Hải (Trung Quốc).
Các đội tuyển bóng đá quốc gia nam, nữ và Olympic từng chọn sân Thiên Trường làm sân nhà cho các trận đấu quốc tế.
Năm 2003, sân vận động Thiên Trường là một trong nhiều địa điểm tham gia tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003. Tại đây đã diễn ra các trận đấu môn bóng đã nữ.
Toàn bộ công trình có kinh phí đầu tư (kể cả bổ sung) theo QĐ phê duyệt của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định là khoảng 74 tỷ VN đồng. Sau này quyết toán khoảng 70,5 tỷ VN đồng. Như vậy đây là công trình duy nhất trong số các công trình thể thao phục vụ Sea-games 22 không bị vượt kinh phí đầu tư đã được duyệt. Tổng số chỗ ngồi khoảng 3 vạn. (Sân vận động quốc gia Mỹ Đình có số chỗ ngồi là 4 vạn, kinh phí đầu tư khoảng 50 triệu USD, hay khoảng 800 tỷ VN đồng tức gấp sân Thiên Trường hơn 10 lần về kinh phí đầu tư).
Kết cấu công trình bằng khung bê tông cốt thép đúc toàn khối nối với nhau bằng các hệ dầm giằng kết hợp làm khán đài, bệ ngồi). Phần CONSON khán đài A, B có nhịp khoảng 7–8 m, trên đầu conson là hệ mái thép.
Móng khán đài A, B dùng cọc ép tiết diện 35×35, sâu đến 60 m (có lẽ đây là công trình dùng cọc ép sâu nhất Việt Nam), độ mảnh của cọc khá lớn, vượt ra ngoài tiêu chuẩn. Thời kỳ đó chưa có máy ép được cọc 40×40 nên phải dùng cọc 35×35 cm. Đài cọc là các đài độc lập 4 cọc cho trục phía trong sân và ở giữa, 7 cọc cho trục ngoài cùng. Đài cọc cao 0,80 m và 1,2 m. Dầm móng có kích thước 40×80 cm.
Móng khán đài C, D có tải trọng chân cột nhỏ nên chỉ dùng cọc 20×20 cm và dài 8m. Trên cọc ép khán đài C, D là hệ móng băng giao nhau.
Sân có 20 cửa, chia làm 4 khán đài A, B, C, D. Khán đài A có sức chứa 10.000 , B có sức chứa 10.000 người, các khán đài C và D đều có 5.000 chỗ. Sân còn có 4 phòng cho vận động viên, 4 phòng cho huấn luyện viên. Ba phòng y tế, phòng cho khách VIP, khu giải khát… cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Cỏ trên mặt sân là loại thuần chủng, lá nhỏ nhập từ Thái Lan, phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Chùa Cổ Lễ
Chùa Cổ Lễ là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam mang các yếu tố kiến trúc gô-tích ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, ngay sát quốc lộ 21A. Trong chùa có quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936.
Theo bảng giới thiệu trong chùa, thì chùa Cổ Lễ nguyên được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ phật. Chùa đầu tiên bằng gỗ theo lối kiến trúc Nam Định cổ. Tuy nhiên chùa ban đầu này đã bị đổ nát. Năm 1902, sư Phạm Quang Tuyên về trụ trì, cho thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc “Nhất Thốc Lâu đài” với những yếu tố kiến trúc gô-tích giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Vật liệu xây dựng là gạch, vôi vữa, mật mía, giấy bản tạo nên độ cố kết vững bền của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa.
Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.
Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn. Mặt cầu lát gạch.
Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001. Trong chùa có tượng Phật Quan Âm nghìn tay. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ.
Bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn. Giữa hồ có một quả chuông nặng 9000 kg gọi là chuông Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc chuông Đại hồng chung này. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Hội chùa từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người…, đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.
Chùa Keo Hành Thiện
Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh (nay là xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Theo sáchTân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược (Phòng Địa chí – Thư viện tỉnh Nam Định chế bản) tại trang 146, trong mục chùa Keo thì ghi: Không Lộ tên chính là Nguyễn Chí Thành người xã Điềm Xá huyện Gia Viễn cùng Nguyễn Viết Y người xã Loa Điền Hải Thanh kết bạn với nhau, Chí Thành đạo hiệu là Không Lộ, Viên Y đạo hiệu là Giác Hải, sau gặp sư Từ Đạo Hạnh người Yên Lãng cùng sang Tây Trúc học đạo đều thành.
Ban đầu, chùa được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá, nên đã được tôn tạo nhiều lần.
Được khởi công xây dựng trước, kiến trúc chùa Keo Hành Thiện có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo ở Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Không gian chùa là cả một khu kiến trúc Nam Định cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.
Tuy không có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ như chùa Keo Thái Bình, gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50. Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.
Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ, người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Nhân Tông.
Lễ hội truyền thống tại ngôi làng Hành Thiện luôn là một nghi lễ trang trọng nhất. Từ vài ba ngày trước khi khai hội, toàn dân tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, treo cờ đại của các phe xóm ở hai đầu xóm và dọc đường Thổ lối trước.
Chùa Phổ Minh
Chùa Phổ Minh hay chùa Tháp là một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía bắc. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo biên niên sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý. Có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262. Tuy đã nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.
Bộ cửa gian giữa nhà tiền đường gồm 4 cánh bằng gỗ lim, to dày, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và văn hoa hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề, được coi là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn mỹ. Cũng như đôi sấu đá trên thành bậc tam quan và đôi rồng trên thành bậc gian giữa tiền đường, bộ cánh cửa này còn giữ được những dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đời Trần.
Một số công trình kiến trúc bài trí khác đã làm tô thêm vẻ đẹp của chùa Phổ Minh, như 3 gian tam quan khung gỗ, tường gạch, mái ngói rêu phong, cổ kính với bức hoành phong đề 4 chữ lớn. “Đại hùng bảo điện” và thành bậc thềm ở chính giữa có chạm đôi sấu đá rất sống động, hai hồ tròn thả sen nằm đăng đối hai bên lối đi dẫn vào chùa.
Trong chùa có bày tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (tượng nằm); tượng Trúc Lâm Tam tổ dưới bóng cây trúc; một số tượng Phật đẹp lộng lẫy. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn “Phổ Minh đỉnh tự” đúc năm 1796 – chùa vốn có một vạc lớn, sử sách coi là một trong bốn vật báu của Việt Nam (An Nam tứ đại khí) nhưng nay không còn.
Kiến trúc Nam Định thời nhà Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là tháp Phổ Minh, dựng năm 1305. Tháp cao khoảng 20 m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái… Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 mét. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.
Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Nam Định
Vùng đất Nam Định từ thế kỷ X vốn là đồng bằng châu thổ sông Hồng nằm gần kinh đô Hoa Lư, (Ninh Bình) xưa, nơi Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi trị vì đất nước Đại Cồ Việt khoảng từ 10 đến 40 km, hiện nơi đây còn lưu giữ được quần thể các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng có ý nghĩa và giá trị lịch sử với vai trò là nơi thu nạp, rèn luyện binh sĩ để dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh. Quần thể các di tích thờ Vua Đinh chủ yếu nằm ở huyện Ý Yên tiêu biểu như: Đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng; đình Viết ở xã Yên Chính; đền Cộng Hòa, đình Thượng Đồng và đình Cát Đằng ở xã Yên Tiến; đình Đằng Động thuộc xã Yên Hồng và Khu tưởng niệm Vua Đinh ở xã Xuân Kiên, Xuân Trường. Hà Nam và Nam Định chỉ đứng sau Ninh Bình về số lượng các di tích thờ Vua Đinh ở Việt Nam.
Vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thời 12 sứ quân chủ yếu chịu sự chi phối của sứ quân Trần Lãm. Tuy nhiên đây cũng chính là vùng chịu sự ảnh hưởng và địa bàn gây dựng lực lượng của nhiều sứ quân khác như Kiều Công Hãn, Ngô Nhật Khánh, Quảng Trí Công ở Giao Thuỷ, Phạm Bạch Hổ ở Yên Tiến,… Đất Nam Định dần dần trở thành nơi hội tụ và đối đầu quyết liệt của hào kiệt bốn phương.
Các nghiên cứu mới đây về địa chất, địa lý đã chỉ ra cụ thể vị trí bờ biển Nam Định ở thế kỷ X nay thuộc Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định. Đây cũng chính là khu vực đậm đặc các di tích thời Đinh, phản ánh Đinh Bộ Lĩnh đã có chủ trương thu hút nhân tài trên vùng đất này để xây dựng thành thế lực mạnh nhất. Những di tích này không chỉ ghi nhận quá trình đóng góp của nhân dân Nam Định trong sự nghiệp nhà Đinh mà còn có ý nghĩa xác nhận vị trí trọng yếu của vùng đất này: là căn cứ, bàn đạp để tiến hành thống nhất đất nước của vị thủ lĩnh họ Đinh.
Ga Nam Định
Ga Nam Định là ga lớn có lưu lượng người qua lại rất đông trên Đường sắt Bắc Nam của Việt Nam, cách ga Hà Nội 87600 mét. Đây vốn là ga Năng Tĩnh mang tên làng Năng Tĩnh nơi đặt trường Thi Hương sau đổi gọi là ga Nam Định trùng tên thành phố (cùng dịp đổi ga Hàng Cỏ thành ga Hà Nội).
Ga nằm cạnh đường Trần Đăng Ninh, có hai ngả vào thành phố bằng đường Trần Đăng Ninh và Phan Bội Châu. Cùng với bến Đò Quan, đây là một trong hai nút giao thông quan trọng của miền Bắc Việt Nam. Trước đây còn có nhánh đường sắt chạy từ ga theo đường Trần Quang Khải bây giờ đi ra phố Bờ Sông qua bến Đò Quan và kết thúc ở ga Đò Chè.
Cùng với sông Hồng, cảng biển Ninh Cơ, cảng sông Nam Định, các quốc lộ 10, 21, 37B, 38B, đường cao tốc Hà Nội về Cao Bồ (Ý Yên), ga Nam Định làm cho thành phố này thành một đầu mối giao thông lớn.
Văn Miếu, thành phố Nam Định
Phường Văn Miếu có diện tích 0,43 km², dân số năm 2016 là 17139 người, mật độ dân số đạt 39856 người/km².
Mật độ này cao gấp 6 lần mật độ của thành phố Nam Định và gấp 52 lần mật độ dân số tỉnh Nam Định; ngang với các quận trung tâm Hà Nội (So với Phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội có diện tích 0,29 km², dân số năm 1999 là 11010 người, mật độ dân số đạt 37966 người/km²).
Hiện nay nếu xét về dân số thì Nam Định gần tương đương với Thành phố Thái Nguyên- được coi là lớn thứ 3 miền Bắc, nhưng mật độ dân số và tỷ lệ đô thị hoá của thành phố Nam Định cao hơn nhiều. Số phường nội thành của Nam Định cũng nhiều hơn trong khi diện tích chỉ bằng 1/5 thành phố Thái Nguyên.
Trên địa bàn phường có đường sắt Bắc-Nam đi qua ngay sát chợ Văn Miếu. Chợ Văn Miếu nằm ở trung tâm và trải dài từ bắc xuống phía nam của phường. Chợ họp cả ngày và đặc biệt nhộn nhịp vào sáng, trưa và chiều.
Địa bàn có nhiều khu tập thể được xây dựng từ lâu. Một số khu đã được chia cắt phân cho từng hộ. Về cơ bản đuọc xây dựng mới. Đường ngõ đi lại thuận tiện, hình ô bàn cờ và hầu như thông nhau dẫn đến chợ Văn Miếu.
Các con đường chính qua phường là Giải Phóng, Văn Cao (đường Ninh Bình cũ), Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tông, Song Hào, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Văn Cừ, Bùi Thị Xuân, Tạ Quang Bửu,…
Nhà thờ Khoái Đồng
Nhà thờ Khoái Đồng là một thánh đường Công giáo phong cách Romanesque, được xây dựng bởi các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha và hoàn thành năm 1941. Hiện nay nhà thờ toạ lạc tại trung tâm thành phố Nam Định, ngay bên bờ hồ Vị Xuyên.
Sau Hiệp định Genève 1954, khu vực này bị chính quyền mới trưng dụng vào mục đích phi tín ngưỡng. Giáo đường được dùng làm cơ sở trữ sợi của Nhà máy Dệt Nam Định, Rạp chiếu bóng Công Nhân, Câu lạc bộ Bóng tròn Thiên Trường, Xí nghiệp May Sông Hồng… Riêng dải đất trông ra hồ được cắt ra thành Hợp tác xã Cơ khí Xuân Tiến, Hợp tác xã Than tổ ong, Hợp tác xã Hóa chất Toàn Thắng và cuối cùng là trường Cấp ba Phùng Chí Kiên (nay là trường Phổ thông Trung học Phùng Chí Kiên và trường Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Cừ). Các vùng rìa bị dân nhập cư chiếm làm nhà ở, dựng các quán ăn trái phép.
Hồi 06 giờ 30 phút ngày 14 tháng 4 năm 1966, 2 chiến đấu cơ của không quân Mỹ bất thần oanh tạc phố Hàng Thao cách đó không xa làm thiệt mạng 77 người dân, 135 người khác bị thương, 240 căn nhà bị hủy hoại. Nhà thờ Khoái Đồng cũng chịu ảnh hưởng khá nặng, toàn bộ cơ sở vật chất bị thiêu trụi, chỉ riêng thánh đường vẫn đứng vững dù tường bị nám đen hoàn toàn. Trong suốt thời gian dài sau đó, khu vực này trở nên vắng lặng, ngoại trừ giáo đường được giao hẳn cho Nhà máy Dệt dùng làm nơi chứa sợi và bố trí các tổ may thủ công. Sau khi thành phố Nam Định chuyển trung tâm về ven hồ Vị Xuyên, khu vực quảng trường và Nhà thờ trở thành quần thể kiến trúc tại Nam Định có tính biểu tượng, xuất hiện trong rất nhiều văn kiện và bưu ảnh.
Ngày 07 tháng 09 năm 2008, Tòa giám mục Bùi Chu nhận được thông báo của UBND thành phố Nam Định thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ với công văn số 465/VPCP-NC đề ngày 09 tháng 05 năm 2008 về việc giao trả nhà thờ Khoái Đồng. Việc giao trả mặt bằng đợt I được thực hiện vào tháng 11 năm 2008, bên trong nhà thờ được giải tỏa. Việc giao trả đợt II được thực hiện vào tháng 06 năm 2010, bên hông nhà thờ được giải tỏa. Việc giao trả đợt III còn chờ trong tương lai (hiện tại vẫn còn 11 hộ dân cư ngụ trên lãnh thổ nhà thờ).
Cụ thể, trường Phổ thông Phùng Chí Kiên được dời đi và chính quyền thành phố tôn tạo thành hoa viên và cấm mọi hình thức lấn chiếm trái phép của người dân. Dư luận thành phố từ lâu đã xem mái vòm nám đen nhà thờ là biểu tượng không thể thiếu cùng với hồ Vị Xuyên. Sau hàng chục năm xuống cấp do bị sử dụng sai mục đích, giáo đường được đại trùng tu, thay đổi màu sơn ngoài, và xây thêm các công trình phụ bao quanh. Lễ khánh thành và cung hiến được cử hành vào ngày 27 tháng 12 năm 2014.
Bảo tàng đồng quê
Những hình ảnh xưa của làng quê Bắc bộ đã được tái hiện lại trong Bảo tàng Đồng Quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), giúp du khách trở về với quá khứ, được trải nghiệm các làng nghề truyền thống, các dụng cụ lao động… của ông cha một thời. Chúng tôi tìm đến Bảo tàng Đồng Quê vào một buổi chiều cuối ngày nắng nóng, những hình ảnh xa xưa của làng quê Bắc bộ thân thương đã hiện ra trước mắt.
Tọa lạc trên diện tích 5.000m2, Bảo tàng Đồng Quê đã tái hiện các mô hình nhà ở của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ như nhà bần nông, nhà trung nông – hai mô hình lợp mái cói, tường vách đất; là nơi trưng bày các dụng cụ lao động: cày, bừa, cuốc, cối xay gạo,…
Ngoài ra, còn có nhà ngang địa chủ, nhà gác tường. Trong đó, tòa nhà chính làm nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống bộ đội Công binh, Hải quân, các hiện vật văn hóa đồng quê lúa nước, dụng cụ làm nông,… Xung quanh Bảo tàng còn được trồng hàng trăm loại cây, có nhiều loại cây quý hiếm như cây chay, cây sắn thuyền, cây cậy, cây dành dành, cây vối…Ngoài ra, trong khu vực Bảo tàng còn Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồ, vó kéo cá, có mảnh ruộng lúa nước.
Được biết, Bảo tàng Đồng Quê đã đi vào hoạt động được 4 năm, do Nhà giáo Ngô Thị Khiếu (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy) cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền sáng lập lên. Trung bình, mỗi ngày Bảo tàng tiếp đón gần 200 du khách đến tham quan.
Bảo tàng dệt Nam Định
Bảo tàng dệt Nam Định hay còn gọi là bảo tàng ngành dệt may Việt Nam có tọa lạc nằm tại số 5 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định. Bảo tàng dệt may Nam Định thuộc khu nhà truyền thống của tổng công ty cổ phần nhà máy dệt Nam Định. Đây chính là cái nôi của ngành dệt Việt Nam và là nơi lưu giữ những giá trị, hiện vật truyền thống chiến đấu, lao động sản xuất của những cán bộ, công nhân ngành dệt may thời xưa.
Nam Định là địa danh gắn liền với ngành nghề truyền thống mà nhiều người thường hay nhắc đến và đã đi vào trong câu ca dao “Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Và nhà máy Dệt May Nam Định chính là một biểu tượng tự hào của người dân nơi đây khi sản xuất ra nhiều sản phẩm dệt may chất lượng.
Lúc bấy giờ, nhà máy Dệt Nam Định là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Dương và cũng là cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do Đông Dương thành lập vào năm 1889 với số lượng công nhân lên đến 6.000 người. Sự ra đời của nhà máy chính là điều kiện cho phong trào cách mạng ở giai cấp công nhân lớn mạnh.
Một phần ba máy móc và hơn 4.000 cán bộ nhân viên, B2 được gọi là Nhà máy Dệt Nam Định ở lại chiến đấu và sản xuất tại đất Thành Nam mặc cho bom giặc tấn công, tàn phá các cơ sở công nghiệp dệt.
Và theo chủ trương của cấp trên, bên nhà máy đã xây dựng một loạt hệ thống đường hầm, giao thông hào, hố cá nhân để tránh sự tàn khốc của bom đạn giặc Mỹ, vừa duy trì sản xuất vừa chiến đấu. Với tinh thần đoàn kết, chiến đấu cao, các cán bộ nhân viên nhà máy Liên hợp Dệt vẫn quyết giữ vững phong trào “Tay thoi, tay súng”; “Tay búa, tay súng”; “Đội bom mà sản xuất”; “Địch đánh ngày ta sản xuất đêm”; “Địch đánh cả đêm ta sản xuất cả ba ca”…
Và tại nhà máy dệt may Nam Định, Hồ Chủ Tịch đã 3 lần về thăm và nói chuyện, động viên, khích lệ cán bộ, công nhân làm việc nơi đây.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp