Lào là một quốc gia không giáp biển duy nhất tại vùng Đông Nam Á với phía tây bắc giáp với Myanmar và Trung Quốc, phía đông giáp với Việt Nam, phía đông nam giáp với Campuchia, phía tây và tây nam giáp với Thái Lan. Lào còn được gọi là “đất nước Triệu Voi” hay Vạn Tượng. Quốc gia Lào hiện tại có nguồn gốc lịch sử và văn hoá từ Vương quốc Lan Xang. Do vị trí địa lý “trung tâm” ở Đông Nam Á, vương quốc này có thể trở thành một trung tâm thương mại trên đất liền, trau dồi về mặt kinh tế cũng như văn hóa.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC THẾ GIỚI – |
Lào là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa độc đảng, theo chủ nghĩa Marx và do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cầm quyền. Thủ đô của Lào, đồng thời là thành phố lớn nhất, là Vientiane. Các thành thị lớn khác là Luang Prabang, Savannakhet, và Pakse. Đây là một quốc gia đa dân tộc, người Lào chiếm khoảng 60% dân số, họ chủ yếu cư trú tại vùng thấp và chiếm ưu thế về chính trị và văn hoá. Các dân tộc Môn-Khmer, H’Mông và dân tộc bản địa vùng cao khác chiếm khoảng 40% dân số và sống tại khu vực đồi núi.
Phật giáo Thượng toạ bộ có ảnh hưởng chi phối trong văn hoá Lào, được phản ánh trên khắp đất nước từ ngôn ngữ trong chùa và trong mỹ thuật, văn học, nghệ thuật trình diễn. Nhiều yếu tố trong văn hoá Lào có trước khi Phật giáo truyền đến, chẳng hạn như âm nhạc Lào do nhạc cụ dân tộc là khèn chi phối, nó có nguồn gốc từ thời tiền sử. Tiếng khèn theo truyền thống đi kèm với người hát theo phong cách dân gian lam. Trong các phong cách lam, lam saravane có lẽ được phổ biến nhất. Luang Prabang với văn hoá Phật giáo và kiến trúc thuộc địa Lào, cùng tổ hợp đền cổ Khmer Wat Phu là các di sản thế giới UNESCO,…được xem là những công trình có kiến trúc đẹp tại Lào và cũng là những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Lào được nhiều người biết đến trên toàn thế giới.
Du lịch Lào được chia làm 7 vùng chính: Vientiane, Xiengkhoang, Luang Phabang, Thakhek, Savanakhet, Pakse và Champasak. Đặc biệt, Vientiane (Viêng Chăn) còn được gọi là “xứ chùa”, Vientiane nằm thoai thoải ven sông Mêkông, bên kia bờ là tỉnh NongKhai (Thái Lan). Khúc sông này, năm 1994 chính phủ Úc đã tài trợ xây chiếc Cầu Hữu Nghị Lào-Thái (Lao-Thai Friendship Bridge) dài 1.240m. Chính nhờ chiếc cầu này đã ra mở ra hướng phát triển mới cho du lịch 2 nước, kết nối hành lang Đông – Tây và mở ra sự phát triển cho ngành du lịch của cả 3 nước Đông Dương. Bờ sông Vientiane chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu mới ở mặt hàng ăn, quán cóc. Quán cóc ven bờ sông Vientiane rất đa dạng về thực phẩm, với nhiều món ăn ngon và lạ miệng.
Thạt Luổng hay That Luang
That Luang là một tháp Phật giáo ở Viêng Chăn, Lào. Tháp này được xây từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-tha-thi-lạt, theo hình một nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng. Thạt Luông đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp tại Lào mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chùa cao 44m và rộng 90x90m.
Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Thạt Luông gồm tháp chính cao 44 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng.
Truyền thuyết của người Lào kể lại rằng, vào năm 236 Phật lịch (thế kỷ thứ III TCN), năm nhà sư người Lào tên là Phạ Mạ hả Lắt Ta-na-thể-la, Phạ Mạ-hả Chum-lạ-lắt-tạ-na-thể la, Pham Mạ-hả Xu-văn nạ-pa-xả-thạ-thể-la, Phạ Mạ-hả Chun-la-xu-văn nạ-pa-xả-thạ-thể-lạ và Phạ Mạ-ha-Xẳng-khạ-vi xả-thể-lạ sau khi học xong ở Ấn Độ trở về quê hương. Họ đem về Lào chiếc xương đầu gối của Đức Phật. Năm nhà sư tới mường Viêng Chăn và thuyết phục châu mường là Chăm-tha-bu-li Pạ Xitthi xắc cho dựng Thạt Luổng để cất giữ xá lỵ Phật. Châu mường Viêng Chăn vui sướng nhận lời và cho dựng lên ngôi tháp Đại Phật Tích (Thạt Luổng).
Vào năm 1563, sau khi giành được một loạt chiến thắng quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Miến Điện ở Hat-sỏi, Pa-khoui Mường Xén, Vua Xẹt thả-thi-lạt, vì những lý do chiến lược đã dời đô từ Luổng Phạ bang về Viêng Chăn. Tại đây ông cho xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, Vào năm 1566, ông cho dựng Thạt Luổng trên một ngôi chùa cũ, cách Viêng Chăn chừng khoảng hai cây số. Năm 1911, trong khi nghiên cứu Thạt Luổng, nhà khoa học người Pháp Henri Pác-măng-chiê đã phát hiện ra khối cong chính của ngôi tháp đã trùm lên và che lấp một ngôi tháp cũ.
Thạt Luổng là kiến trúc Lào có trung tâm là chùa Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào (chân rộng 90m x 90m và cao 44m). Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhà vươn lên cao như một mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc khá phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn hơi ngả ra ngoài làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên.
Ngôi chùa này bao gồm các công trình: tòa tháp chính cao 45 thước, các tháp phụ bao quanh và sơn thếp vàng. Và tháp Thạt Luông cũng chính là tháp trung tâm của chùa với phần chân tháp rộng 90m2, cao 45m. Trung tâm của tòa tháp là một khối uy nghi và trang nhã vươn lên trời cao như một mũi tên.
Phần chân của tháp chính được thiết kế như một đài sen vuông đang ở thế bung nở những cánh vàng ra bốn phía. Chân bệ với những nấc vuông xếp tầng, thu nhỏ dần khi lên cao rồi lạp phình ra ở giữa thành một gờ nổi lớn, làm điểm tựa cân bằng cho thân bầu tháp bên trên.
Thiết kế tháp chính biểu thị cho 3 cấp độ trong Phật gióa là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Trên bức tường xung quanh là những bức điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo cũng là hình ảnh mô tả cho các giai đoạn trong đời của Đức Phật.
Xung quanh ngôi tháp chính được trang trí với 332 hình lá bồ đề cách điệu. 30 tháp nhỏ xung quanh là hình ảnh Đức Phật Thích ca trải qua 30 năm tu hành gian khổ. Các tháp nhỏ đắp hàng chữ Bali nổi chính là lời răn dạy trong Đức Phật.
Kiến trúc ở Lào mang đậm nét văn hóa và bản sắc của Lào, ngôi chùa cũng trở thành biểu tượng kiến trúc và văn hóa Lào, được sử dụng hình ảnh in trên tờ tiền giấy và quốc huy của CHDCND Lào.
Du lịch Lào vào dịp lễ hội trăng tròn tháng 11 dương hàng năm, du khách sẽ được hòa chung vào không khí trong ngôi chùa Thạt Luông. 3 ngày hội diễn ra nhiều sự kiện, nghi thức long trọng của Phật giáo như lễ dâng cơm, lễ tắm phật hay lễ cầu phúc,… Chính vì vậy, đối với người dân Lào, ngôi chùa Thạt luông chính là ngôn lửa vàng, niềm tự hào của đất nước Lào.
Wat Phou hoặc Wat Phu
Wat Phou là tàn tích tổ hợp đền thờ Khmer Hindu nằm ở miền nam Lào. Nó nằm dưới chân núi Phou Khao thuộc tỉnh Champasak, cách 6 kilômét (3,7 dặm) từ sông Mê Kông. Bao bọc xung quanh di tích này là 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong mang tên Siphandone (Siphan = 4.000, done = đảo). Tại đây còn nhiều dấu tích văn minh cổ với các lâu đài bằng sa thạch, các chùa chiền thờ Phật giáo Nam tông. Người Lào ví sông Mekong qua khu vực này là một vùng biển giàu tiềm năng với 9 ngọn núi bao quanh phố cổ.
Quần thể này có một ngôi đền từ thế kỷ 5 nhưng các cấu trúc còn sót lại thì có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Ngôi đền có kết cấu độc đáo dẫn đến một điện thờ, nơi có một linga tắm trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Địa điểm này sau này trở thành một trung tâm thờ cúng của Thượng tọa bộ mà ngày nay vẫn còn lại. Wat Phou nằm dưới chân của một núi thiêng gọi là Phou Kao (Núi Voi). Theo các nhà sử học, Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, Wat Phou trở thành đền thờ Phật và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.
Truyền thuyết và lịch sử Lào xác định đó là đền thờ Thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ V và thứ VII. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Các nhà khảo cổ học luận giải rằng, thời kỳ đó đã từng tồn tại một con đường nối Wat Phou với kinh đô Angkor, cách đó khoảng 100 km.
Ban đầu là ngôi đền núi, về sau, khi Phật giáo trở thành Quốc giáo của đất nước Triệu Voi thì Wat Phou được trùng tu, biến đổi thành một ngôi chùa thờ Phật. Từ thế kỷ XI, ngọn núi với dòng suối thiêng phía sau ngôi chùa là trung tâm thờ phụng và thiền định của các tu sĩ. Các nghi lễ tế thần hàng năm được tổ chức ở những đền thờ dưới chân núi.
Tục truyền, mỗi năm một lần, vào ban đêm Quốc vương Chân Lạp vượt qua những sườn núi hiểm trở, đột nhập vào trong đền, nơi có lính canh giữ, hạ sát một nhân mạng hiến tế Thần để cầu mong cho đất nước được bình yên và thịnh vượng Sau này, Phìa Kumantha, người tạo lập Wat Phou tiếp tục duy trì tập tục bằng việc đích thân mình hạ sát một đôi nam nữ trinh trắng để hiến tế Thần. Về sau tục hiến tế nhân mạng được thay thế bằng hiến tế trâu. Lễ hiến tế ở Wat Phou cũng đồng thời là lễ hội cầu mưa của nhân dân địa phương.
Có một truyền thuyết khác về lễ hiến tế ở Wat Phou. Con gái lãnh chúa Mương Champa Nakhon là Nàng Phăn trở thành Nữ hoàng đầu tiên của xứ sở này bị một chàng trai quyến rũ rồi bỏ đi không trở lại, Nàng Phăn hận đời mà có một lời nguyền: Người con gái nào bị con trai quyến rũ mà chửa hoang như nàng thì phải cúng Thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi.
Vậy nhưng tội lỗi vẫn không bao giờ hết. Ở đâu cũng có những cô gái “lầm lỡ”. Vì vậy hàng năm vẫn có nhiều lễ giải tội diễn ra. Tuy nhiên, lễ giải tội cũng là ngày hội của nam thanh nữ tú. Các chàng trai, cô gái khi bên nhau hình như đã quên đi tội lỗi và lời nguyền của Nàng Phăn. Những ngày lễ giải tội ở Wat Phou là cơ hội và nhân duyên của nhiều đôi lứa.
Ngày nay lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch.
Người dân khắp đất nước Lào và các tỉnh láng giềng vùng đông bắc Thái Lan nô nức hành hương về đây. Hồ Noòng Viêng (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội. Tại đây có các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa. Các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng vật linh đồng thời được tổ chức.
Ngay cổng vào đền Wat Phou có một bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, phù điêu, họa tiết trang trí chạm khắc trên đá đẹp tuyệt vời. Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 11. Cổng chính và mặt trước của ngôi đền hiện nay đã đổ nát nhưng vẫn còn rõ nét dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần của Ấn Độ giáo. Qua cổng, du khách theo con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hàng trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva. Mặt đường được lót những tảng đá phẳng. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng với nhau, trên một gò cao. Cả hai ngôi đền này đang được trùng tu. Các công trình kiến trúc đẹp tại Lào ở đây đều bằng đá.
Khu đền thượng nằm ở lưng chừng núi. Đường lên đền thượng cũng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi, trên đó những người thợ tài hoa xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ rất sống động.
Nhìn vào kiến trúc Lào với ngôi đền, hình dung công việc vận chuyển những khối đá lớn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc Lào vô cùng to lớn nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao… mới thấy người xưa đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, của cải mới tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ.
Không tránh khỏi sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian với khí hậu khắc nghiệt, nhưng Wat Phou hơn nghìn năm lịch sử vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc Lào thật độc đáo; bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người.
Wat Phou đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2001. Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, Wat Phou ngày càng trở thành điểm đến của nhiều du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo và những giá trị văn hóa lịch sử.
Chùa Phra Keo hay Haw Phra Kaew
Quốc gia Lào nổi tiếng bởi sự xuất hiện của rất nhiều những ngôi chùa lớn nhỏ, hàng trăm trong số đó là những ngôi chùa cổ xưa. Chùa Pra Keo là một trong số đó và là ngôi chùa Phật Ngọc rất nổi danh, trước đây đều là nơi dành cho các vị vua chúa, tôn thất đến cầu nguyện. Cũng chính vì lý do này mà ngôi chùa này còn mang tên ngôi chùa Hoàng gia và có vô vàn đồ quý hiếm được đặt tại đây.
Được xây dựng vào năm 1565 để làm nơi lưu giữ phật ngọc. Khi người Thái dưới sự chỉ huy của vị tướng Chakri cướp phá Viên Chăn vào năm 1779, họ đã mang theo bức tượng Ngọc về Thái Lan và đặt tại chùa Wat Phra Kaew đặt tại Thái Lan. Ngôi chùa này đồng thời cũng bị phá hủy vào năm 1828. Vào năm 1936 và 1942, Haw Phra Kaew được xây dựng lại dưới sự giám sát của hoàng tử Souvanna Phouma – được đào tạo chuyên ngành kiến trúc tại Pháp và sau này là thủ tướng đầu tiên của Lào.
Pra Keo cũng là một kiến trúc đẹp tại Lào được xây dựng trên nền đá, chạy dọc 2 cầu thang là 2 rồng Lào chạm khắc từ đá. Bạn đến đây có thể chiêm ngưỡng rất nhiều những bức tượng Phật được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như đất nung, đồng, đá…được tạc theo phong cách Lào vô cùng sắc sảo và tinh nghệ.
Đặc biệt là các bức tượng Phật bao quanh chùa mang sắc thái biểu cảm khác nhau tạo ra 1 sự đa dạng và độc đáo ở đây. Mỗi bức tượng lại mang một hình thù, muôn hình muôn vẻ khiến cho ngôi chùa càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Các bức tượng ở đây cũng được dát vàng tại những điểm quan trọng như đầu, ngực hay bụng…Những bức tượng này được tin là sẽ mang đến những niềm hạnh phúc, ấm no cho người dân Lào.
Một điều cũng tăng sức hấp dẫn cho ngôi chùa Pra Keo đó chính là nơi đây lưu trữ rất nhiều những kỉ vật quý như một chiếc ngai vàng, tượng Phật Kh’mer. Một số tác phẩm điêu khắc gỗ hay các văn tự được khắc trên đá liên quan đến Phật giáo. Đây là những tư liệu rất quý mà người dân Lào coi như báu vật.
- Thời gian mở cửa: 08: 00 – 12:00 và 13:00 – 16:00 hàng ngày.
- Phí vào cửa : 5000 kip Lào / người (tương đương với 1 USD và hơn 20.000VNĐ)
- Địa điểm : Giao lộ giữa các con đường Thanon Setthathirath và Thanon Mahosot, cạnh Dinh Tổng thống, Vientiane Downtown.
Đến với ngôi đền Pra Keo, bạn không chỉ được ngắm nhìn những bưc tượng phật cổ xưa, check in cùng những lối kiến trúc đặc biệt tại Lào mà còn có cơ hội được ngắm nhìn đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm ở đây không chỉ là một ngôi đền cổ mà còn là một khu phức hợp cảnh quan đẹp và vô cùng ấn tượng. Tượng đài rộng lớn là một điểm đến thú vị để bạn có thể thăm thú và chụp ảnh tuyệt đẹp.
Ngôi cổ tự Wat Xieng Thong
Lào một đất nước có nhiều núi hơn đất liền và hoàn toàn không tiếp giáp với biển, Lào luôn mang lại cảm giác quay ngược lại thời gian cho bất cứ ai tới đây hành hương Lào. Nếu hầu hết các quốc gia thuộc Đông Nam Á đang chuyển mình và vươn lên hội nhập với quốc tế thì du khách vẫn có thể thấy một cảm giác thanh bình, yên ả tại Lào.
Wat Xieng Thong là một trong những ngôi danh lam cổ tự quan trọng nhất của thành phố Luang Prabang, Lào. Ngôi cổ tự bảo tồn các di tích, tinh thần tôn giáo, hoàng gia và nghệ thuật truyền thống Lào. Tên gọi Wat Xieng Thong có nghĩa là chùa của thành phố vàng.
Ngôi danh lam cổ tự Wat Xieng Thong tọa lạc ngã ba sông Mê Kông và sông Nậm Khăn (Nậm Khan). Cổ tự Wat Xieng Thong được kiến tạo vào những năm 1559-1560, được sự bảo trợ của đức vua Setthathirath (1534–1571), một trong những vị lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử Lào và Setthathirath đăng quang ngôi vị Đế vương tại ngôi cổ tự này.
Từ cổng ra vào, bên trái là một đền nhỏ, bên trong là cỗ xe của hoàng gia. Chiếc xe đồ sộ, nổi bật với sắc vàng và được trang trí bằng 5 rắn thần Naga. Cỗ xe này đã được vua Sisavong sử dụng vào năm 1960.
Cho đến năm 1975, ngôi danh lam cổ tự Wat Xieng Thong vẫn được sự bảo trợ của Hoàng gia và các vị và các vị minh quân phật tử nối tiếp trao vương miện đăng quang tại ngôi cổ tự này.
Là ngôi danh lam cổ tự đẹp và quan trọng nhất của thành phố Luang Prabang với lối kiến trúc đặc thù Lào, mái cong cong buông xuống gần mặt đất. Cổ tự Wat Xieng Thong là ngôi tự viện Phật giáo chính bao quanh là những miếu đường nhỏ có cùng một lối kiến trúc, hợp thành một cảnh quan đẹp đẽ.
Từ ngoài vào trong, trên các tường ta thấy cơ man phù điêu, điêu khắc, chạm trỗ công phu, sắc sảo nội dung dựa theo Phật tích. Nội thất của Wat Xiêng Thoong phải kể là tuyệt tác. Mỗi miếu đường cũng vậy. Mặt sau ngôi cổ tự, trên tường có họa một cây nhân sinh, màu đỏ cam.
Vào năm 1980, Tam tạng kinh được tu bổ vào ngôi bảo tháp trống từ 1961. Ngôi cổ tự này cùng với ngôi cổ tự Wat Suwannaphumaham đã bị phá hủy trong cuộc chiến giữa vương quốc Luang Prabang và đội quân cờ đen, một nhóm vũ trang được bị triều đình phong kiến Trung Quốc thời bấy giờ xếp vào dạng phản loạn, vào năm 1887, thì chùa Wat Mai Suwannaphumaham hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc Lào nguyên thủy vốn có và đó chính là lý do mà ngôi chùa này trở nên thiêng liêng đối với người dân cố đô.
Mỗi năm, vào dịp Bunpimay (Tết Lào) Chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo giáo hội Phật giáo Lào cũng như quan chức trong chính quyền tại Luang Prabang đều vân tập ngôi danh lam cổ tự Wat Xieng Thong hành lễ chào mừng tân xuân, rước tượng Prabang từ Bảo tàng viện về an vị trong sân Wat Xieng Thong, mọi người cùng tắm tượng Phật Prabang bằng nước hoa đại suốt một ngày, biểu hiện lòng sùng tín đối với Phật giáo.
Khải Hoàn Môn Patuxay
Khải Hoàn Môn là một điểm đến vô cùng lý tưởng dành cho những ai lần đầu ghé thăm Lào. Khải hoàn môn Patuxai nằm cuối đại lộ Lan Xang (hay đại lộ Thanon Luang) về phía Đông Bắc thủ đô Viêng Chăn, là một biểu tượng chiến thắng của người Lào. Patuxai được xây dựng vào năm 1957 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào.
Khải hoàn môn được xây dựng vào năm 1957 hoàn thành vào 1968 để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào. Vì vậy, nó còn có một tên gọi khác là Đài chiến sĩ vô danh. Đây cũng là biểu tượng cho sự hi sinh anh dũng của những người anh hùng đã chiến đấu kiên cường tại đây để bảo vệ độc lập cho dân tộc. Đến đây, bạn sẽ được nghe những câu chuyện kỳ tích mà những người anh hùng vô danh ấy đã tạo nên.
Khải hoàn môn Patuxai cao 55m, có 4 mặt, mỗi mặt có bề ngang 24m, gồm bảy tầng tháp và hai tầng phụ. Patuxai được mô phỏng theo kiến trúc của Khải hoàn môn Paris. Tuy nhiên Patuxai vẫn giữ được những nét rất riêng biệt, mang đậm chất của văn hóa Lào.
Các cửa sổ bên cầu thang của tòa tháp cũng được thiết kế khéo léo theo hình những bức tượng Phật. Patuxai có bảy tầng tháp được nối với nhau bởi những cầu thang xoắn ốc. Các cửa sổ ở bên cạnh những cầu thang được thiết kế khéo léo và tinh tế bởi những bức hình tượng Phật. Khi lên đến tầng cao nhất của Patuxai, du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Viêng Chăn thơ mộng và yên bình.
Bạn có thể đến đây để chụp lại những bức hình check in tuyệt đẹp của lối kiến trúc Lào cổ và lưu giữ cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Patuxai có phần khá giống với Khải Hoàn môn ở Paris tuy nhiên nó có cấu trúc mang màu sắc của Lào nhiều hơn. Từng họa tiết hay hoa văn của Khải hoàn môn cũng mang những nét đặc trưng của văn hóa Lào. Đó là những hình tượng trang trí Kinari – nửa người phụ nữ và nửa chim, là những phù điêu mô tả trường ca Rama và các toà tháp mang đậm phong cách của người Lào.
Khi đứng trên tầng 7 của tòa tháp, bạn có thể được ngắm nhìn những khung cảnh nổi tiếng của thủ đô Viêng Chăn hiện ra trước mắt. Bạn đứng ở đây có thể bao quát được tất cả những gì tinh túy nhất của thủ đô xinh đẹp này. Do vậy, hãy có những bức hình check in tuyệt đẹp khi đến với quốc gia xinh đẹp này nhé.
Hòa mình vào nhịp sống của người dân Lào ở Khải hoàn môn. Khi vào lúc chiều tà cũng là lúc những người dân Lào đến đây để cùng nhau luyện tập thế thao, những cụ già tập dưỡng sinh, những đứa trẻ vui đùa nhảy nhót… Mọi thứ rất thanh bình và dịu dàng như chính người dân Lào vậy.
Nhắc đến Khải Hoàn Môn không chỉ là nhắc về lịch sử chiến đấu anh dũng của những người con xứ Lào mà nó còn là sự tôn kính và biết ơn đối với những người anh hùng đất nước.
Chùa Wat Si Saket
Wat Si Saket là một ngôi chùa Phật giáo ở Viêng Chăn, Lào. Nằm trên con đường Lan Xang, ở góc đường Setthathirat Road, phía tây bắc của Haw Phra Kaew, trước đây là nơi tổ chức Đức Phật Ngọc.
Wat Si Saket được xây dựng năm 1818 theo lệnh của vua Anouvong (Sethathirath V.) Tên gọi của ngôi chùa được ghep từ: Si được bắt nguồn từ danh xưng Sanskrit của Sri, được đặt cho ngôi chùa Wat Saket ở Băng Cốc, được đổi tên bởi nhà vua đương đại Anouvong là Vua Rama I. Wat Si Saket được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo tại Lào, có sân thượng và mái nhà 5 tầng, chứ không phải theo phong cách Lào.
Việc xây dựng theo kết cấu này là cách giữ an toàn vì các đội quân của Xiêm La đã trục xuất Vientiane sau cuộc nổi dậy của Anouvong vào năm 1827 đã sử dụng nơi đây làm trụ sở chính và nơi ở của họ.
Theo tục lệ ở Lào, bất cứ người đàn ông nào đến tuổi trưởng thành đều phải vào chùa để tu, một khóa tu chính là cách họ báo hiếu cha mẹ và người thân, tu thay cho cả mẹ và chị em gái của mình.
Được biết, Wat Si Saket là ngôi đền cổ nhất vẫn còn tồn tại ở Viêng Chăn. Chính phủ thực dân Pháp đã khôi phục Wat Si Saket vào năm 1924 và một lần nữa vào năm 1930. Wat Si Saket có một bức tượng lớn với hơn 2.000 bức tượng Phật bằng vang và bằng bạc. Ngôi đền cũng có một viện bảo tàng.
Bất kỳ ai đến đây cũng đều choáng ngợp trước kho tượng Phật khổng lồ của ngôi đền. Cửa cổng ngôi đền là những tấm gỗ thưa kết cấu đơn giản, nhưng bước vào trong du khách đều ngỡ ngàng trước tầng tầng lớp lớp các bức tượng đủ mọi kích cỡ đang trưng bày.
Điều khiến du khách tò mò nhiều hơn nữa là hình ảnh hầu hết các bức tượng không còn nguyên vẹn mà mất tay, hoặc mất chân hoặc bị nứt,… nhưng tất cả đều bị mất đầu.
Nơi đây cũng là một bảo tàng khổng lồ lưu giữ hơn 8000 cuốn sách có giá trị và hơn 6840 tượng phật được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, gỗ, bạc….Mặt bên trong của chính điện có hàng ngàn hốc nhỏ, mỗi hốc là một bưc tượng Phật, tạo cảm giác che chở cho người cầu nguyện. Tại đây cũng có 1 thư viện với hơn 400 năm tuổi với nhiều kinh sách Phật viết tay trên lá cọ.
Mang giá trị cả về mặt tâm linh và vật chất mà ngôi đền đã nhiều lần bị thiệt hại trong chiến tranh, do kẻ thù luôn cố gắng xóa bỏ những gì tâm linh trên đất nước và bòn rút những vật phẩm quý giá của đất nước này. Do đó, những bức tượng bị phá hủy, cũng là nhân chứng sống cho những gì chiến tranh để lại.
Vẻ hoang tàn cổ kính của ngôi chùa lại mang một ý nghĩa cực giá trị, như lời nhắc về hòa bình, về một đất nước an yên. Chiến tranh đã tàn phá ngôi chùa, ký ức đau thương ấy vẫn tồn tại ở Wat Si Saket.
Đến nay, các nhà sư trong chùa vẫn đi hành khất, để có bữa ăn trong ngày và phúng viếng các linh hồn được gửi trong chùa. Người dân địa phương phúng đồ ăn cho sư chùa, cũng là cách họ dâng lòng thành kính đến cửa Phật, cầu xin sự bình an và sức khỏe.
Đất nước Triệu Voi, không chỉ có những khung cảnh tự nhiên hấp dẫn mà còn có những công trình đền chùa độc đáo, nổi tiếng trong khu vực như Wat Si Saket. Đi du lịch Lào, du khách đừng quên đến đây, và khám phá những điều lạ lùng đến lôi cuốn của ngôi đền cổ này.
Buddha Park – Vườn Tượng Phật
Buddha Park – Vườn Tượng Phật là một công viên điêu khắc Phật giáo nằm cách trung tâm thủ đô Viêng Chăn khoảng 25 km về phía đông nam trong một đồng cỏ bên sông Mê Kông. Buddha Park có tên chính thức là Xieng Khuan, mặc dù không phải là một ngôi đền, chùa (Wat), nhưng nơi đây vẫn được gọi là Wat Xieng Khuan vì nó chứa nhiều hình ảnh về Phật Giáo (các bức tượng Phật).
Buddha Park được xây dựng vào năm 1958 bởi Bunleua Sulilat. Luang Pu Bunleua Sulilat là người đã hợp nhất Hindu giáo và Phật giáo và cũng là một nhà điêu khắc. Sau cuộc cách mạng năm 1975, ông rời khỏi Lào sang Thái Lan, ở đây ông cũng xây dựng một công viên điêu khắc khác giống Vườn Tượng Phật Buddha Park là Sala Kaew Ku ở Nong Khai. Các bức tượng được làm bằng bê tông cốt thép và được trang trí công phu, và đôi khi kỳ quái, trong thiết kế. Các bức tượng dường như xuất hiện từ hàng thế kỷ trước, mặc dù chúng thực sự không phải như vậy. Có những tác phẩm điêu khắc về con người, thần, động vật, và quỷ. Có rất nhiều tác phẩm điêu khắc về Đức Phật, các nhân vật của đức tin Phật giáo, và các nhân vật của truyền thuyết Hindu, bao gồm Shiva, Vishnu, và Arjuna.
Vườn tượng Phật có 3 câu chuyện đại diện cho 3 cấp độ – Địa ngục, Trái đất và Thiên đàng. Du khách tham quan có thể đi xuyên qua một khe cửa mở, đó là miệng của một con quỷ cao 3 mét và leo cầu thang từ địa ngục lên trời. Mỗi câu chuyện có những tác phẩm điêu khắc riêng miêu tả từng mức độ. Ở phía trên đỉnh, có một điểm thuận lợi nơi có thể nhìn thấy được toàn cảnh vườn tượng Phật. Một tác phẩm điêu khắc khác, tượng Phật 40 mét (130 ft) khổng lồ, cũng là một điểm thu hút của khu vực vườn tượng Phật này.
Các công trình điêu khắc ở Vườn Tượng Phật Buddha Park có sự hòa trộn giữa Hindu giáo và Phật giáo, tạo thành một quần thể tượng Phật vô cùng độc đáo.
Ở đây có hơn 200 tác phẩm điêu khắc và công trình kỳ quái, tất cả đều được làm bằng bê tông cốt thép với kích thước khác nhau từ nhỏ đến rất lớn. Bao gồm các tác phẩm điêu khắc các vị Đức Phật, một số vị thần Hindu, ngoài ra còn có các tác phẩm điêu khắc hình người, ma quỷ, động vật… và các sinh vật thần thoại như voi ba đầu khá uy phong rất ấn tượng ở khu vực trung tâm.
Phần lớn các tác phẩm điêu khắc và tượng Phật trong Buddha Park đều hướng về phía đông , và các tác phẩm điêu khắc mô tả cái chết hay ác quỷ được hướng về phía Tây. Một trong những tác phẩm điêu khắc phổ biến nhất trong Công viên là một con voi có 3 đầu, một hình ảnh mang ý nghĩa đặc biệt trong Phật giáo và đặc biệt là ở Lào, vùng đất của hàng triệu con voi.
Mỗi tác phẩm điêu khắc đều có lịch sử riêng, một số công trình đặc sắc ở Buddha Park phải kể đến như Pumpkin Buddha Park Tower (tháp Phật hình bí ngô) và tượng Phật nằm.
Chùa Mẹ Si Mương – Wat Si Muang Temple
Chùa Mẹ Xi Mương là một ngôi chùa Đạo phật nằm ngay phía Nam giao lộ của hai đường Sakarin và Rue Samsenthai, được xây dựng vào năm 1563 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào trên tàn tích của một ngôi đền thờ Hindu thời Đế quốc Khmer. Đây là ngôi chùa linh thiêng nhất tại thủ đô Viêng Chăn, là linh hồn của thành phố, nơi người dân Lào thường đến để cầu an, cầu phúc, cầu bình yên. Theo người dân địa phương, ngôi chùa là trụ cột nơi đặt trung tâm của thành phố. Chùa Mẹ Xi Mương luôn bận rộn với các hoạt động thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tới đây để thờ phụng hoặc ngắm cảnh.
Truyền thuyết địa phương kể rằng, khi xây dựng Vientiane, Đức Vua đã lựa chọn địa điểm tại huyện Sỉ Xắc Ta Nạt để cắm cột trụ thiêng khẳng định chủ quyền của đất nước. Đức Vua đã cho truyền lời kêu gọi thần dân tình nguyện hiến dâng sinh thể của mình làm ” cột mốc” thiêng cho Tổ quốc. Vào một buổi sáng ngày lành tháng tốt, sau khi lập đàn cúng bái trời đất, khi người ta đào hố để chôn cột trụ thì trúng mạch nước ngầm, nước phun lên không dứt. Và Nang Sỉ, một phụ nữ trẻ đang mang thai đã tình nguyện hiến sinh, nhảy xuống để lấp cột nước. Phải 100 ngày sau, hố sâu tự liền lại và nhô lên một cột trụ thiêng. Người ta lấy gạch (xỉ) bao xung quanh thành một ngọn đồi nhỏ (ước chừng cao 5m, dài 15m và rộng 11m) và từ đó gọi tên là Chau Me Sỉ Mương (Chau: làm chủ; Mương: tên huyện; Me: mẹ; Sỉ: tên riêng; Chau Me Sỉ Mương: Mẹ Sỉ làm chủ huyện, làm chủ đất nước). Cũng từ đó, Nàng Sỉ được coi như vị thần bảo vệ thành phố.
Ngoài sự tích nêu trên chùa Mẹ Sỉ Muông còn có thêm 1 sự kiện nổi bật mang đậm nét tâm linh huyền bí về đôi chim hạc cự ngụ ngay trên hòn giả sơn sau hậu điện. Chẳng biết chúng đến tự bao giờ nhưng nghe nói là đã có rất lâu rồi. Từ khi chim hạc xuất hiện, dân chúng thêu dệt thêm nhiều huyền thoại. Có người cho rằng Đức Phật phái chim hạc bay về canh giữ cho Mẹ Sỉ; lại có người cho rằng linh hồn của Mẹ Sỉ nhập vào chim hạc mà về. Phải đất nước an lành, tươi đẹp, lòng người hài hòa chim hạc mới bay về đậu.
Chùa Mẹ Xi Mương được chia thành hai không gian riêng biệt – một phòng trước, nơi có thể tìm thấy các nhà sư đang cầu nguyện, ban phước lành; và một phòng phía sau nơi những người thờ phượng quỳ dưới chân một bàn thờ trang trí đầy hùng vĩ. Một cái cây khổng lồ trong khu vườn của chùa Mẹ Xi Mương cung cấp cho du khách tham quan một nơi hoàn hảo để thư giãn dưới bóng mát của nơi linh thiêng này. Ngoài các phòng được duy trì tốt của ngôi chùa, còn là những khu vườn tuyệt đẹp.
Phật tử đến thăm chùa Mẹ Xi Mương được cho là bị hút bởi quyền lực “may mắn” hay “tài sản” của ngôi chùa này. Câu chuyện xảy ra kể rằng nếu du khách đến thăm Chùa Mẹ Xi Mương và cầu xin điều gì đó, ước muốn điều gì đó, một lời hứa sẽ được tạo ra, rằng nếu ước muốn được thực hiện, du khách sẽ trở lại và hoàn thành lời hứa của mình. Thông thường, lời hứa có thể là dâng cúng như dừa, nến hoặc tiền bạc, do đó du khách sẽ thường thấy nhiều món ăn được phục vụ tại quầy hàng chính. Chuyến viếng thăm Viêng Chăn sẽ hoàn toàn không hoàn chỉnh mà không có chuyến tham quan đến chùa Mẹ Xi Mương, tuy nhiên du khách không nên vội vã thăm viếng. Điều quan trọng là phải thưởng thức, dành thời gian khám phá và thư giãn trong những khu vườn xung quanh ngôi chùa.
Bảo tàng quốc gia Lào
Bảo tàng quốc gia Lào là địa điểm vô cùng ý nghĩa đối với những di sản có giá trị với lịch sử, văn hóa của dân tộc Lào. Khi đến với Bảo tàng quốc gia Lào, bạn có thể chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp cũng như những kỷ vật rất ý nghĩa. Không gian của Bảo tàng quốc gia Lào cũng khiến cho nhiều người phải trầm trồ bởi vẻ đẹp của những cây thốt nốt cao vút ở 2 bên đường. Vườn thượng uyển xinh đẹp với cây lạ, hoa quý cùng thềm nhà lát đá cẩm thạch trắng, mát lạnh giữa nắng trưa sẽ khiến bạn có được những bức ảnh check in tuyệt đẹp.
Bảo tàng quốc gia Lào là một điển hình theo phong cách xây dựng của người Pháp. Được xây dựng vào năm 1925, cho đến nay đây vẫn là điểm đến lý tưởng và lưu trữ nhiều giá trị cao của quốc gia. Vào ngày 1/12/1980, tòa nhà được đổi thành Phòng triển lãm của cuộc cách mạng Lào. Cho đến năm 1985, bó được nâng cấp và đổi thành Bảo tàng lao động cách mạng. Đầu năm 2000, tòa nhà mới được khai trương và là bảo tàng quốc gia Lào. Nơi đây hiện tại lưu trữ 8000 hiện vật trên toàn quốc. Bộ sưu tập bao gồm cổ sinh vật học, khảo cổ học, lịch sử học và dân tộc học.
- Giờ mở cửa từ 8:00 giờ cho đến 12:00 giờ và 13: 00 đến 16:00, bảy ngày/tuần.
- Vào những ngày lễ thì sẽ đóng cửa.
- Địa chỉ: Bảo tàng Quốc gia Lào nằm ở trung tâm thị trấn trên Thanon Samsenthai, cách khách sạn Lao Plaza 1 dãy nhà và phía trước CLB Tennis và Sân vận động Quốc gia.
Ở phía tầng trên của bảo tàng, bạn sẽ thấy có những cuộc triển lãm, mô tả lịch sử hỗn loạn hiện đại cùa Lào từ cuộc xâm lược Xiêm La và thời kỳ Pháp thuộc cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ đã từng xuất hiện trên đất nước Việt Nam.
Bảo tàng quốc gia Lào nằm trong dinh thự của thống đốc Pháp cũ, được xây dựng vào năm 1925.
Trước đây tên của bảo tàng là Bảo tàng cách mạng Lào nhưng giờ nó được đổi tên gọi là Bảo tàng quốc gia Lào hoặc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Lào.
Đến với Bảo tàng quốc gia Lào, bạn có thể khám phá và chiêm ngưỡng được rất nhiều những kỷ vật cổ đồng thời cũng có được những hiểu biết nhất định về lịch sử phát triển của người dân Lào. Những bộ sưu tập của bảo tàng vẫn tiếp tục tăng số lượng và bao gồm từ thời tiền sử đến thời hiện đại cho đến ngày nay, kể cả cuộc xâm lược của quân Xiêm, thời kỳ thuộc địa pháp và chiến tranh Việt Nam.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp