Bhutan tên chính thức là Vương quốc Bhutan, là một quốc gia nội lục tại miền đông Dãy Himalaya thuộc Nam Á. Bhutan có biên giới với Trung Quốc về phía bắc và với Ấn Độ về phía nam, đông và tây.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC THẾ GIỚI – |
Quốc vương Bhutan có hiệu là Druk Gyalpo, nghĩa là “Quốc vương rồng sấm”. Cảnh quan Bhutan biến đổi từ các đồng bằng cận nhiệt đới phì nhiêu tại phía nam đến các núi thuộc Dãy Himalaya tại phía bắc, có các đỉnh vượt 7.000 m. Núi cao nhất tại Bhutan là Gangkhar Puensum, là một ứng cử viên chính của danh hiệu núi cao nhất chưa bị chinh phục trên thế giới.
Kiến trúc Bhutan với đặc trưng là thiết kế pháo đài tu viện đặc thù của những quốc gia cùng dãy Himalaya mà tiêu biểu nhất chính là ở Bhutan. Loại kiến trúc này có dáng dấp bên ngoài rất đồ sộ, có tường tháp bao quanh một khu phức hợp gồm sân, đền, văn phòng chính quyền và cư xá của tu sĩ. Các pháo đài tu viện được sử dụng như là những trung tâm tôn giáo, quân sự, hành chính và xã hội. Đây còn là địa điểm để tổ chức các lễ hội tôn giáo hằng năm. Không gian dành cho công việc hành chính và không gian dành cho tôn giáo gần như bằng nhau.
Kiến trúc dzong ở Bhutan nổi tiếng khắp thế giới với nhiều đặc điểm kiến trúc đặc thù như tường bao dốc đứng nghiêng về phía trong, xây bằng gạch đá, sơn trắng, có ít hoặc không có cửa sổ. Dọc theo tường rào, phía trên cao, có một đường vạch lớn màu đất đỏ, đôi khi điểm những vòng màu vàng. Cửa ra vào đồ sộ thường làm bằng gỗ và sắt. Sân và các ngôi đền được trang trí bằng các môtif nghệ thuật có chủ đề Phật giáo…
Tu viện Taktsang
Paro Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan, thường được gọi là Tu viện Taktsang Palphug, tên tiếng Anh là Tiger’s Nest Monastery (Tu viện Hang cọp). Quần thể được xây dựng vào năm 1692, xung quanh hang động Taktsang Senge Samdup, nơi tương truyền rằng Guru Padmasambhava đã ngồi thiền trong ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày ba giờ vào thế kỷ thứ 8. Ông được xem là người khai sinh ra Phật giáo Bhutan và là vị thần bảo hộ của dân nước này.
Tu viện được xây dựng trên vách đá ở độ cao 900m so với thung lũng Paro (tức là khoảng gần 3.000m so với mực nước biển). Các ngôi điện chính và những khu nhà ở được thiết kế khéo léo, tùy biến theo địa thế của các hang động và địa hình núi đá. Trong số tám hang động, chỉ có bốn hang là tương đối dễ đi.
Vị trí cheo leo của quần thể khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một con tắc kè bám vào sườn núi. Lối vào hang động chính khá hẹp. Hang còn lưu giữ hàng chục bức tranh vẽ Bồ Tát, hình ảnh của Đức Quán Thế Âm được phong thần. Trong căn phòng nhỏ liền kề là cuốn kinh Phật quý giá được viết bằng bụi vàng và tro cốt của một vị Lạt Ma. Người ta cho rằng, các nhà sư thường tu học Kim Cương thừa tại tu viện này trong ba năm và hiếm khi xuống thung lũng Paro.
Tất cả các kiến trúc đẹp tại Bhutan thuộc quần thể được nối với nhau thông qua các bậc cầu thang bằng đá. Ngoài ra, có một vài cây cầu gỗ ọp ẹp và cầu thang trên lối đi. Mỗi ngôi đền đều có ban công nhìn hướng ra thung lũng Paro xinh đẹp phía dưới. Tu viện này từng là nơi ẩn dật của nhiều nhà sư.
Ngôi đền thấp nhất (đền hạ) chính là nơi Padmasmabhava lần đầu tiên cưỡi hổ bước vào, sau đó cư trú và thiền định, bên trong có tượng Guru Dorji Drolo và Phurpai Kylikhor. Hai bức tượng này được cho là do nghệ nhân người Niwari Pentsa Dewa dưới triều đại Desi Tenzin Rabgye xây dựng.
Đền trung có tên là Đền Guru Sungjoen, nghĩa là lời dạy của Guru Padmasambhava, vì nhiều người còn truyền miệng nhau câu chuyện: trong quá trình di chuyển đến Taktsang, bức tượng của Guru phát ra tiếng động như tiếng nói của ngài. Bức tượng là thành quả của các nghệ nhân tay nghề cao nhất từ Nepal, Pentsa Dewa, Pháp và Dharmashri. Ngôi đền còn lưu giữ nhiều bức tranh đẹp về Guru Padmasambhava và các nhân vật thần thoại khác.
Người ta tin rằng, chỉ cần hành thiền một phút tại tu viện Paro Taktsang thì thành quả đạt được có thể bằng so với khi chúng ta hành thiền mấy tháng liền ở những nơi khác. Tu viện này ngày càng trở thành một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua đối với những khách hành hương khi đến thăm Bhutan.
Pháo đài Punakha
háo đài Punakha có lịch sử lâu đời thứ hai ở Bhutan. Đây đã từng là trung tâm chính trị của chính quyền Bhutan cho đến khi Thimphu trờ thành thủ đô của Bhutan vào giữa những năm 1950. Punakha Dzong được coi là pháo đài đẹp và đồ sộ nhất trong các dzong ở Bhutan, đặc biệt là vào mùa xuân khi hoa tử đinh hương jacaranda nở rộ sắc tím đem lại vẻ đẹp đầy sức sống cho những bức tường được sơn trắng cao chót vót của dzong. Cùng với sắc vàng, đỏ, đen của các công trình khắc gỗ của dzong đã khiến Pháo đài trở thảnh một bức tranh kiến trúc Bhutan tuyệt đẹp giữa núi rừng bao la.
Tương truyền rằng, xưa kia đạo sư Liên Hoa Sinh đã tiên đoán việc xây dựng công trình Punakha Dzong. Ngài đã từng tiên tri rằng “một người đàn ông tên Namgyal sẽ đặt chân len ngọn đồi hình con voi ” Sự thật là vào một ngày Zhabdrung Ngawang Namgyal – người đặt nền móng cho việc xây dựng Punkha Dzong đã đến thăm Punakha và ông đã chọn đỉnh của thân “con voi” đang ngủ tức hợp lưu sông Mo Chhu và sông Pho Chhu để làm nơi xây dựng một pháo đài.
Sau khi nảy ra ý tưởng, Zhabdrung đã quyết định xây dựng một tòa nhà nhỏ gọi là Dzong Chug (pháo đài nhỏ) để làm nơi đặt một bức tượng phật vào khoảng đầu năm 1326. Zhabdrung đã thiết lập một giáo hội phật đường ở đây với 600 tu sĩ đến từ Cheri Goemba, thung lũng Thimphu. Pháo đài còn là nơi ngự giá vào mùa đông của các ni sư của ni viện dratshang.
Mãi cho tới năm 1637, công trình Phunakha có quy mô như ngày nay mới được bắt đầu khởi công và được hoàn thành vào những năm sau đó. Pháo đài khi hoàn thành được đặt tên là Pungthang Dechen Phodrang (Palace of Great Happiness – tức là Cung điện hạnh phúc). Sau này một am cầu nguyện nhỏ đã được xây dựng bên cạnh pháo đài để kỷ niệm chiến thắng của người Bhutan trước người Tây Tạng vào năm 1639. Pháo đài trở thành nơi cất giữ và bảo quản các vũ khí được sử dụng trong trận chiến lịch sử này.
Pháo đài Punakha có chiều dài 180m và chiều rộng khoảng 72m với tòa tháp chính (utse) cao 6 tầng.Mái vòm vàng của tòa tháp chính được xây dựng vào năm 1676 bởi Gyaltsen Tenzin Rabgye. Sau đó, các khu vực và phần đặc trưng của tòa tháp đã được thiết kế bổ sung vào những năm 1744 đến năm 1763 dưới thời trị vì của vua Desi thứ 13, Sherab Wangchuk.Dzong. Một trong những công trình vua Sherab đã đóng góp đó là bức tranh thangka lớn vẽ ngài Zhabdrung – vị kiến trúc sư vĩ đại của người Bhutan. Bức tranh này được trưng bày trong công chúng mỗi năm một lần trong lễ hội tsechu. Mái tòa tháp được làm từ vàng thau chính là món quà của Đức Dalai Lama thứ 17, Kelzang Gyatso.
Pháo đài đã được tu sửa và tân trang nhiều lần do ảnh hưởng của hỏa hoạn và thiên tai. Cụ thể là nhiều trận hỏa hoạn liên tục xảy ra vào cuối năm 1986 và trận động đất nặng nề năm 1897 đã gây ra những hư hại nghiêm trọng cho pháo đài. Đến năm 1994, vụ sụt lún hồ băng lớn trên song Pho Chhu cũng đã gây ảnh hưởng không ít tới pháo đài và việc sửa chữa những thiệt hại này vẫn còn đang tiếp tục cho tới ngày nay.
Nằm trên vị trí chiến lược tại lưu vực sông nên pháo đài Phunaka cũng được thiết kế một số chức năng giúp chống lại sự xâm lược của các thế lực bên ngoài. Các cầu thang bằng gỗ ở lối vào có độ dốc nhất định và có thể kéo lên được khi cần thiết, cánh cửa ra vào bằng gỗ có trọng lượng rất nặng và luôn được đóng kín mỗi khi trời tối.
Punakha dzong bao gồm ba sân trong (dochey) thay vì hai sân trong như các pháo đài khác. Sân trong thứ nhất (nằm ở phía Bắc) là nơi làm văn phòng chính quyền, nơi họp hành những công việc đại sự của nhà nước. Bên trong sân có ngôi chùa tháp rất lớn , phía sau đại tháp là một cây bồ đề to được coi là nơi Đức Phật xưa kiaa đã ngồi thiền định suốt hàng năm trời. Ở góc phía bên trái tu viện là nơi đặt rất nhiều bia, miếu thờ trong đó có miếu thờ Tsochen, nữ hoàng của những linh hồn loài rắn (snake spirits).
Sân trong thứ hai là khu của các tu viện, được tách biệt với sân thứ nhất bởi một tháp chính (utse). Trong sân có hai đại sảnh được xây dựng. Một đại sảnh đã từng được tướng Ugyen Wangchuck sử dụng, Tướng Ugyen Wangchuck sau này trở thành vị vua đầu tiên của Bhutan. Ông là người đã từng danh dự được ban tước hiệu hiệp sĩ danh dự của đế quốc Ấn Độ (Knight Commander of the Indian Empire) bởi sĩ quan John Claude White vào năm 1905.
Sân trong thứ ba nằm ở phía nam là một ngôi đền nơi bảo quản thi thể của hai đại terton nổi tiếng của người Bhutan đó là Pema Lingpa và Zhabdrung Ngawang Namgya. Đại terton Zhabdrung đã qua đời tại Punakha Dzong và thi thể của ông được lưu giữ tại Machey Lhakhang ( Machey nghĩa là “’sacred embalmed body’: xác ướp linh thiêng). Khu đền này được tu sửa vào năm 1995 sau một vụ hỏa hoạn xảy ra vào năm 1987. Quan tài của đại terton đã được niêm phong và du khách không được phép tham quan khu quan tài này trừ hai vị Lạt ma là vua Bhutan và trụ trì tu viện (Je Khenpo). Hai vị thường đến đây để cầu nguyện trước khi bắt đầu các công việc hành chính hàng ngày của họ. Ngoài ra, người nhường ngôi cho vị vua thứ tư, tức là phụ thân của vua cũng có thể được phép vào Lhakhang.
Thứ mà người Bhutan trân trọng như kho báu đó chính là Rangjung Kharsapani, bức tranh thangka mô tả hình ảnh Bồ tát từ bi (Chenresig ) được cất giữ tại Tse Lhakhang của tháp chính tại Punakha Dzong. Bức thangka được mang về Bhutan từ Tây Tạng bởi đại terton Zhabdrung và là biểu tượng tôn kính được trưng bày trong lễ hội domchoe ở Phunakha.
Sau khi rời khỏi dzong về phía bắc, du khách có thể thăm dzong chung và thỉnh cầu nguyện ước của mình trước đức phật Sakyamuni. Dzong chung là khu đền đánh dấu di tích lịch sử của các dzong, Khu này còn có môt chùa tháp lớn (chorten) dùng làm nơi hỏa táng người chết của người dân địa phương. Đi xa về phía đông là nơi tọa lạc của cung điện hoàng gia nguy nga, tráng lệ.
Tháp Kora
Với những đôi mắt được sơn trên bốn bức tường, Chorten Kora uy nghiêm nằm giữa thung lũng Karmaling của Bhutan. Đây là một trong những kiến trúc Phật giáo sớm nhất quốc gia này, được xây để xua đuổi tà ma, lưu giữ nhiều thánh tích Phật giáo.
Tại Chorten Kora, truyền thuyết còn lưu lại rằng một bé gái 8 tuổi người Ấn Độ đã yêu cầu được thiêu sống trong công trình bằng đá này để cầu nguyện và giữ vững cho chorten (công trình kiến trúc tại Bhutan linh thiêng của Bhutan) trong quá trình xây dựng.
Tháp Druk
Trên con đèo Dochula cao 3.100 m có tới 108 tòa tháp nằm rải rác, hướng về dãy Himalaya. Một trong những công trình “trẻ tuổi” nhất là tháp Druk Wangyal, do Thái hậu của Bhutan xây dựng năm 2004, là hậu cảnh tuyệt đẹp cho tháp Dochula.
Trong khi đó chorten Dochula được xây dựng từ thế kỷ 14 để thu phục một con quỷ thường xuyên phá rối những người khách bộ hành qua Dochula Pas, địa điểm nối giữa thủ đô Thimphu đến phía Đông của Bhutan.
Pháo đài Trongsa
Pháo đài Trongsa (Trongsa Dzong) là một trong những pháo đài lớn và quan trọng nhất ở Bhutan, tọa lạc tại Trongsa – là nơi thờ phượng tổ tiên của dòng dõi Hoàng gia. Pháo đài nằm ở độ cao 2200 mét so với mực nước biển và được xây dựng vào năm 1648.
Pháo đài rộng lớn với nhiều khu phức hợp có nhiều chức năng khác nhau được phân biệt theo cấp bậc rõ ràng. Trong đáo đài có tổng cộng 25 ngôi đền nhỏ. Trong đó, ngôi đền quan trọng nhất là nơi thờ những vị thần Yamantaka, Hevajra, Cakrasamvara và Kalacakra. Đền Di Lặc(Jampa) được xây dựng vào năm 1771, vào đầu thế kỷ XX, nhà Vua Ugyen Wangchuck đã quyên tặng đền một pho tượng bằng đất sét được chế tác vô cùng tỉ mỉ.
Người dân Bhutan kể rằng, khi Yongzin Ngagi Wangchuk – hậu duệ của Ngawang Chogyal đến thăm Bhutan vào năm 1541, vì cảnh đẹp của nơi này mà ông đã quyết định nghỉ chân vài ngày. Và vào một hôm nọ, ông đã nhìn thấy một ngọn đèn bơ sáng rực dưới Goenkhang, ông còn nhìn thấy một con ngựa và những dấu chân của vị thần hộ mệnh, thế nên ông đã cho xây dựng một ngôi đền nhỏ ở đây. Về sau ngôi đền này được Chogyal Minjur Tenpa xây dựng thành một Dzong (kiến trúc phổ biến ở Bhutan).
Vào mỗi dịp cuối năm – khoảng tháng 09 đến tháng 12 – ở pháo đài thường tổ chức các buổi tiệc liên hoan.
Tháp Khamsum Yulley Namgyal Chorten
Nằm trên đỉnh núi ở Kabisa Gewong, Punakha, tháp được xây dựng trong 9 năm vào những năm 1990 nhằm phòng vệ quân xâm lược, gìn giữ hòa bình cho nhân dân. Ngoài ra tháp được xây dựng để cầu phước lành cho vua, vương quốc và toàn thể nhân dân.
Việc xây dựng ngọn tháp 4 tầng này được hỏi ý kiến từ chính Hoàng hậu Ashi Tshering Yangdon Wangchuck và tham khảo Kinh Thánh. Điều khiến tháp này trở nên đặc biệt là ngọn tháp được xây dựng dựa trên những nguyên tắc trong Kinh Thánh thay vì một quyển sách hướng dẫn kiến trúc tại Bhutan nào đó. Chóp tháp vàng và họa tiết phức tạp trên tường là những ví dụ điển hình cho truyền thống và nghệ thuật Châu Á.
Tháp nằm ở vùng đồng quê phía Bắc của Punkha, mất khoảng 30 phút lái xe từ thị trấn. Từ chỗ đỗ xe sẽ mất thêm 45 phút leo lên đồi băng qua những cánh đồng lúa, lượt xuống mất khoảng 30 phút. Từ trên đỉnh tháp có thể thấy được cảnh quan hùng vĩ nhìn ra các con sông và các ngọn núi xung quanh.
Khi đi xuống, du khách cũng có thể chọn đi dọc bờ sông, men theo lối mòn qua các khu trồng trọt, nhà cửa, ngôi làng Sonagasa và đến gần pháo đài Punakha. Chuyến đi bộ mất khoảng hai tiếng phù hợp với những du khách thích ngắm cảnh thiên nhiên yên bình của làng quê nông thôn.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp