Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, là thành phố hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ hiện là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng, Hải Phòng.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Cần Thơ là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực, thành phố Cần Thơ còn được biết đến như một đô thị miền sông nước.
Thành phố có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích vườn cây ăn trái và đồng ruộng rộng lớn, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng một nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa Nam Bộ.
Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều xinh xắn, sạch sẽ phòng quáng, thật xứng tên làm tỉnh đầu miền tây (La capitale de L’Ouest – Tây Đô). Đường phố thênh thang, nhà cửa san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn.
Văn hoá Cần Thơ vừa mang những nét chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng mang nét đẹp văn hóa của vùng đất Tây Đô. Đặc trưng văn hoá Tây Đô được thể hiện qua nhiều phương diện ẩm thực, lối sống, tín ngưỡng, văn nghệ…Thành phố Cần Thơ là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc khác nhau. Người Khmer ở Cần Thơ không nhiều, chủ yếu tập trung chung quanh chùa hoặc sống rải rác xen kẽ với người Việt ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt. Người Hoa ở Cần Thơ chiếm 1,45% dân số thành phố với khoảng 15.000 người sống tập trung ở các Quận Ninh Kiều, Quận Cái Răng, Quận Ô Môn và huyện Phong Điền, người Hoa gốc Quảng Đông làm nghề mua bán, người Hoa gốc Hẹ làm nghề thuốc Bắc và người Hoa gốc Hải Nam làm nghề may mặc….
Năm 2019, du lịch Cần Thơ đón 8,8 triệu lượt khách, tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2018. Khách lưu trú đạt trên 3 triệu lượt, tăng 13,1%, trong đó lưu trú quốc tế đạt trên 409.000 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm. Tổng doanh thu từ du lịch Cần Thơ đạt trên 4.435 tỉ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm.
Dựa vào các tài liệu lịch sử và các di sản kiến trúc còn tồn tại ở Cần Thơ, tạm chia lịch sử kiến trúc Cần Thơ thành các thời kỳ như sau: Thời kỳ hình thành đô thị (1739-1867), Thời kỳ Pháp thuộc (1867-1954), Thời kỳ chống Mỹ (1954 -1975), Thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1975-2004), Thời kỳ đô thị trực thuộc trung ương (2004 đến nay). Cần Thơ là đô thị trẻ, di sản kiến trúc tại Cần Thơ không có nhiều. Trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, nhu cầu xây dựng mới trong đô thị là rất lớn, đồng thời xuất hiện xung đột giữa nhu cầu xây mới với việc bảo tồn di sản kiến trúc có giá trị về văn hóa, lịch sử… Một trong những nguyên nhân là do công tác phát triển đô thị ở Cần Thơ thiếu phần nghiên cứu về hình thái đô thị, thiếu các nghiên cứu, đánh giá, thống kê về các công trình kiến trúc cũ và cổ tại Cần Thơ.
Cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ với chặng đường gần 6 năm xây dựng hoàn thành đã nối liền hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long. Nó trở thành cây cầu huyết mạch nối các tỉnh miền Tây lại với nhau. Tuy vậy trong suốt quá trình xây dựng cây cầu nhiều kỷ lục này cũng có nhiều biến cố phát sinh.
Tổng mức đầu tư ban đầu dự án là 342,6 triệu USD (Khoảng 4832 tỷ lúc bấy giờ) bằng nguồn ODA của Nhật và đối ứng 15% của chính phủ Việt Nam.
Nó chia làm 3 gói thầu để xây dựng đồng thời là:
- Gói thầu 1 xây dựng đường dẫn từ phía Vĩnh Long (dài 5,41 km): Do các công ty xây dựng Việt Nam trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam xây dựng trong 42 tháng.
- Gói thầu 2 xây dựng cầu chính (dài 2,75km) do liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản xây dựng trong 50 tháng.
- Gói thầu 3 xây dựng đường dẫn từ phía Cần Thơ (dài 7,69km) do Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công trong 45 tháng.
Cầu Cần Thơ nối liền giữa tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, bắt qua thêm cồn Ấu (địa phận Cần Thơ) để vào thành phố. Đầu cầu phía Đông thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; đầu cầu phía Tây thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Vượt qua sông Hậu nối với thành phố Cần Thơ.
Cây cầu này là kiểu cầu dây văng. Nhịp chính dài 2750m. Toàn bộ chiều dài bao gồm cả nhịp dẫn là 15.850m. Chiều cao Cần Thơ là 175,3m, chiều rộng là 23,6m. Trong đó có 4 làn xe dành cho xe máy và xe hơi. Cầu không có thiết kế nhịp riêng dành cho người đi bộ. Tĩnh không cầu là 39m để cho tàu thuyền đi lại dễ dàng. Nhất là các tàu lớn trọng tải 10.000 DWT qua lại.
Nó có tổng cộng 216 sợi dây văng màu cam. Với 2 trụ lớn có hình chữ Y ngược. Cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á: Toàn bộ tuyến dài 15,85km. Cây cầu dài thứ 6 tại Việt Nam (Dài nhất là cầu vượt biển Đình Vũ – Cát Hải)
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, cầu Cần Thơ được dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn Cầu Cần Thơ vào ngày 26 tháng 9 năm 2007, nên đến ngày 24 tháng 4 năm 2010, cầu Cần Thơ mới được khánh thành.
Cầu Đi Bộ
Nhắc đến những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ thì không thể nào không nhắc đến bến Ninh Kiều. Đặc biệt nơi đây có Cầu đi bộ du lịch đầu tiên của thành phố Cần Thơ nối liền bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế.
Tuy chỉ mới xuất hiện từ năm 2016 nhưng cầu đi bộ Ninh Kiều đã trở thành địa điểm yêu thích của du khách đến thưởng ngoạn, đi dạo trên cầu, chụp ảnh lưu niệm cũng như tận hưởng làn gió mát rượi từ sông Hậu thổi vào.
Cầu đi bộ Cần Thơ được thiết kế hiện đại có hình chữ S uốn cong mềm mại tượng trưng cho đất nước Việt Nam, với chiều dài khoảng 200m, chiều rộng cỡ 7,2m.
Đứng từ cây cầu đi bộ này bạn có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và sự hiện đại phát triển của thành phố Cần Thơ. Đặc biệt được chiêm ngưỡng phong cảnh sông nước hữu tình nơi đây đúng như câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong – ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Giữa cầu còn có hình ảnh hai đóa hoa sen toát lên nét đẹp rất Việt Nam và khi màn đêm buông xuống thì vẻ đẹp lung linh huyền ảo của cầu đi bộ như tỏa sáng một góc trời khiến bao tâm hồn mê mẩn, yêu thích không thôi.
Xung quanh hai bên lan can cây cầu đi bộ ở Cần Thơ còn được trồng rất nhiều loài hoa bốn mùa khoe sắc đó cũng chính là điểm nhấn, tạo nên vẻ lãng mạn, quyến rũ thu hút rất nhiều bạn trẻ và cặp đôi tới đây. Chính vì vậy cầu đi bộ Cần Thơ còn được mệnh danh là “cầu tình yêu” khi đã chứng kiến những buổi hẹn hò đầy lãng mạn của biết bao cặp đôi. Nhiều cặp đôi còn gắn những ổ khóa tình yêu lên cầu để làm kỷ niệm, tuy nhiên do kết cấu tải trọng không cho phép nên tất cả ổ khóa đành bị gỡ bỏ. Cho nên nếu đến đây thì các bạn tốt nhất chỉ nên chụp ảnh lưu lại thôi chứ không nên gắn khóa.
Công trình là điểm nhấn cảnh quan giữa thành phố, phục vụ nhu cầu đi bộ của người dân địa phương, thu hút khách du lịch Cần Thơ. Nếu du lịch Miền Tây đến Cần Thơ bạn nhớ ghé thăm nơi đây để tận hưởng nét kiến trúc tại Cần Thơ vô cùng độc đáo hướng ra dòng sông mênh mông trĩu nặng phù sa đặc trưng của cả một miền Tây.
Nhà thờ chính tòa Cần Thơ
Nhà thờ chính tòa Cần Thơ với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Cần Thơ tọa lạc tại số 14 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Năm 1899, dưới thời Giám mục Bouchut, Giám mục Địa phận Nam Vang, linh mục Duquet (Hội Thừa sai Paris) làm linh mục chánh sở họ Cần Thơ đã khởi công xây cất nhà thờ với ước tích kinh phí khoảng 700.000 đồng.
Công việc xây cất chưa hoàn thành, thì Giám mục Bouchut thuyên chuyển ông về làm Giám đốc Đại Chủng viện Nam Vang. Sau đó công trình được linh mục Larrabure khánh thành năm vào năm 1916.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960 với sắc lệnh Venerabilium Nostrorum, hàng giáo phẩm Việt Nam được thiết lập, nhà thờ Cần Thơ từ ngày đó trở thành nhà thờ Chính Toà Cần Thơ. Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền được tấn phong làm Giám mục cai quản giáo phận Cần Thơ, thay thế Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình về làm Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn.
Trong lòng nhà thờ còn có phần mộ của Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang và Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận.
Số giáo dân ngày càng đông do đó, cuối năm 1993, nhà thờ được sửa lại phần cung thánh và mở thêm 2 cánh nhằm đáp ứng nhu cầu dự lễ của giáo dân.
Giám mục chính tòa Giáo phận Cần thơ hiện nay là Stêphanô Tri Bửu Thiên
Trường Châu Văn Liêm
Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm, tiền thân là Collège de Can Tho và Trường trung học Phan Thanh Giản, là một trong những ngôi trường có lịch sử lâu đời ở Cần Thơ, Việt Nam. Trường do người Pháp bắt đầu xây dựng từ năm 1917 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 1921.
Năm 1917, trường Collège Mỹ Tho (tức THPT Nguyễn Đình Chiểu, Tiền Giang bây giờ) mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège Can Tho (sau là trường Trung học Phan Thanh Giản, nay là THPT Châu Văn Liêm) cất dãy lầu một tầng dọc theo đường Capitaine d’Herbes (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đối diện với trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Trường Tiểu học An Hội cũ). Tuy có gắn bảng bằng đá trắng, khắc chữ thiếp vàng “Collège de Cân Thơ”, song mãi cho đến tháng 9-1921, dãy lầu này chỉ dùng làm ký túc xá cho những học sinh tiểu học (Internat des classes primaires). Giữa năm 1921, dãy lầu thứ hai, thêm những kiến trúc Cần Thơ phụ thuộc nối liền hai dãy lầu đã được xây dựng.
Trong giai đoạn này, trường tiếp tục được xây cất theo họa đồ thiết kế đã được chấp thuận. Dãy lầu thứ ba, mặt tiền hướng về đường Saintenoy (đường Ngô Quyền hiện nay), lúc ấy là ruộng ngập chỉ mới giải phóng. Đến năm 1924, việc xây cất mới hoàn toàn hoàn tất.
Năm học 1924, trường chính thức khởi sự chương trình mở trọn 4 lớp bậc Cao đẳng Tiểu học (E.P.S.F.I). Từ đây, học sinh khi học hết năm thứ nhất, sẽ tiếp tục học đến năm thứ tư, không phải chuyển qua học ở Collège de Mỹ Tho.
Năm 1927, trong mỗi lớp học có mở một bộ phận sư phạm (Section normale) độ 10 giáo sinh. Những giáo sinh này vốn thuộc trường sư phạm Sài Gòn, nhưng quê quán ở Hậu Giang, nên được đặc cách xếp chung với những “Collégiens” chính thức, trở thành giáo viên phục vụ miền Tây Nam bộ. Bộ phận sư phạm này đến năm 1931 được bỏ hẳn. Đầu năm học 1928 – 1929, theo lời yêu cầu của học sinh, một số được chuyển qua Collège de Mỹ Tho hoặc lên Lycée Pétrus Ký Sài Gòn, trường chỉ còn một lớp năm thứ tư với 21 học sinh.
Ngày 03-8-1941, trường bị quân đội viễn chinh Pháp sung công để làm Bộ tư lệnh miền Tây, phải chuyển về cơ sở mới là dãy lầu một tầng đường Ngô Quyền (trường Đoàn Thị Điểm hiện nay). Từ 1975 – 1983: Trường tách làm hai, học sinh cấp ba ở khu mới (trường Đoàn Thị Điểm), học sinh cấp hai học ở địa điểm cũ mang tên An Cư I (nay là Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm). Liên tục từ năm 1975 đến nay, trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến dẫn đầu thành phố về thành tích dạy tốt học tốt và các mặt hoạt động văn nghệ, thể thao xuất sắc.
Dự án xây mới trường THPT Châu Văn Liêm. Theo PGS.TS.KTS Trần Văn Khải (Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM) thì nên trùng tu để bảo tồn di sản văn hóa. Hiện trường đang trong quá trình hoàn thiện toàn bộ về mặt cơ sở vật chất, học sinh đã chuyển về học.
Chùa Munir Ansay
Chùa Munir Ansay (Munirensay) tọa lạc tại số 36 đại lộ Hòa Bình, Quận Ninh Kiều – con đường sầm uất và khá đẹp của thành phố Cần Thơ. Có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, từ khi bắt đầu hình thành năm 1948, Chùa lúc ấy được xây dựng chỉ bằng tre lá. Sau nhiều đợt trùng tu, xây dựng chùa mới có dáng vẻ như ngày nay. Năm 1954, phần cổng chùa có mô hình tháp của Angkovat mới được xây dựng. Rồi mãi cho đến năm 1964, tới phần Chánh Điện được xây dựng và khánh thành năm 1988. Đến thời điểm này, Chùa Munir Ansay mới thực sự hoàn thiện như du khách thấy ở hiện tại.
Đến Munirensay, du khách sẽ được ngắm một ngôi chùa với lối kiến trúc Cần Thơ đậm chất “Angkor” của người Campuchia, được xây dựng gồm nhiều hạng mục khác nhau. Các hạng mục chính bao gồm chính điện, các dãy nhà tăng, nhà bếp, hội trường tiếp khách, tháp để tro cốt người chết, tháp Xá Lợi và cổng chính được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ theo lối tín ngưỡng các vị thần của người Khmer.
Từ bên ngoài nhìn vào, bên trái sẽ là dãy nhà cho sư sãi, bên phải là hội trường để tiếp khách, dùng cơm và chính giữa chùa là chánh điện 2 tầng, phía trước chánh điện là tháp để Xá Lợi Phật.
Khi vừa đặt chân đến cổng chùa, du khách cảm thấy ngôi chùa nổi bật lên một màu vàng rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cổng chùa được xây theo kiểu hình tháp tam bảo, ba ngôi tháp nằm song song trên cổng đứng sừng sững giữa không trung, giúp du khách cảm nhận được sự tôn nghiêm nơi thờ tự. Ba ngọn tháp này cũng được sơn màu vàng rực rỡ. Đây là màu sắc truyền thống thường được trang trí trong các ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù tọa lạc tại trung tâm thành phố nhưng sân chùa khá thoáng đãng, không gian rộng rãi và yên bình. Từ cổng nhìn vào, du khách sẽ bắt gặp một tòa bảo tháp màu vàng lộng lẫy đứng sừng sững giữa sân như bức bình phong che chắn cho khu vực chính điện.
Mỗi tầng trong bảo tháp là một tượng phật nhỏ minh chứng cho sự sùng đạo của đồng bào Khmer hiền hòa, hiếu khách. Xung quanh bảo tháp được đắp nổi phù điêu tam bảo, tượng tiên nữ Keynor, tượng chim thần Kurd, tượng Phật bốn mặt…
Chùa chỉ thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, chính điện được bài trí khá đơn giản, bệ thờ được chia thành nhiều cấp. Tượng Phật Thích ca Mâu Ni còn được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Đó là thể hiện sự đa dạng, phong phú của ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở ngôi chính điện còn là nơi lưu giữ của cải quý báu của nhà chùa và dân chúng dâng cúng.
Đình Bình Thủy
Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ Miếu là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất, con người Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ vào thế kỷ 19. Trải qua quảng thời gian thăng trầm lịch sử, Đình Bình Thủy vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của một làng cổ tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Đình Bình Thủy tọa lạc tại đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng chừng 5 km. Từ trung tâm Tp.Cần Thơ bạn đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong là sẽ tới đình Bình Thủy.
Bao bọc xung quanh Đình Bình Thủy là hàng rào tứ giác gồm: mặt Bắc giáp bờ sông Hậu; mặt Đông là rạch Bình Thủy hay còn gọi là rạch Long Tuyền; mặt Nam là đường Lê Hồng Phong thông với các đường lớn khác như đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Bùi Hữu Nghĩa … và mặt Tây là khu dân cư. Với vị trí này có thể thấy, Đình Bình Thủy là công trình hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy “nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị”.
Đình Bình Thủy được xây dựng vào năm 1844 trên một khu đất rộng có diện tích khoảng hơn 500.000m2 và đến năm 1852 thì được vua Tự Đức phong sắc. Phía ngoài có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Kiến trúc chính của đình có rất nhiều nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ mà các đình ở miền Bắc không có như tiền đình và chính điện theo hình vuông với chiều dài có 6 hàng cột mà mỗi hàng cột như thế có 6 cột các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc. Các họa tiết điển hình được khắc trên các cột là hình rồng, hình hoa mẫu đơn… với đường nét trạm trổ, trau chuốt, tinh xảo tạo nên vẻ uy nghi, cổ kính cho ngôi đình.
Kiến trúc đẹp tại Cần Thơ không chỉ thể hiện nét tinh túy của văn hóa sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn mang đậm dấu ấn của làng cổ truyền thống Cần Thơ. Đình Bình Thủy là một trong số ít các ngôi đình được chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ là nơi thờ cúng, tổ chức lễ hội, đây còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đại diện cho một nét văn hóa của vùng sông nước Nam bộ, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của nhân dân Bình Thủy.
Nhà thờ họ Dương
Nhà thờ họ Dương (hay còn được biết đến với tên gọi nhà cổ Vườn lan – Bình Thủy) được ông Dương Văn Vị xây dựng đầu tiên vào năm 1870 để thờ cúng tổ tiên. Hơn 30 năm sau, ngôi nhà được ông Dương Chấn Kỷ cho thiết kế, xây lại và hoàn thành vào năm 1911. Kiến trúc của di tích chịu ảnh hưởng từ bối cảnh lịch sử xã hội đất nước giai đoạn bấy giờ. Ngôi nhà là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc, trang trí Pháp và kiến trúc, trang trí Việt Nam nói riêng. tạo cho di tích một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê.
Nhà thờ họ Dương được xây dựng theo hướng Đông – Tây, trên một diện tích hơn 5 công đất tầm cấy (tương đương 6000m2).
Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng gần chục thước với độ tuổi khoảng 40, cây được hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn trồng. Vào thập niên 60, ông đã sưu tầm nhiều giống lan quý rồi tổ chức các hội chơi lan tại ngôi nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa. Nhiều cuộc đàm luận thơ của các thi nhân xứ sở Cầm Thi đã diễn tại đây nên nơi này còn được gọi là Tao Đàn Năm Ngôn hay Tao đàn ông Ngôn. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung.
Cầu thang dẫn lên nhà chính gồm: 2 cầu thang lên thẳng 2 gian ngoài cùng và 2 cầu thang hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Các ô cửa gỗ dẫn vào nhà trước được tạo theo phong cách Art – Nouveau (phong cách trang trí Châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình vòng cung), hệ cột vuông phía ngoài có đắp nổi hoa văn dây lá nho, sóc
Nhà giữa gồm 5 gian, trong đó 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự truyền thống, 2 gian bìa dung để ở. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện, ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa với các đề tài quen thuộc trong kiến trúc cổ tứ linh, tứ quý rất gần gũi với đời sống của người Việt ở Nam Bộ. Trên các bao lam (cửa võng) có các hình tượng: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng, lộc, dơi, tôm, cua… Các vách ngăn vẫn được trang trí với đề tài truyền thống nhưng là những bức tranh gốm sứ màu sắc được ốp trưc tiếp lên các ngăn trống.
Tuy kiến trúc Cần Thơ có phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao thoa văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thầm mỹ của chủ nhân: tiếp thu những nét mới những vẫn giữ cốt cách dân tộc, tạo ra sự phong phú và đa dạng cho đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam Bộ.
Dù đã trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, cùng với sự xâm hại của thời gian, nhưng ngôi nhà cổ vẫn còn khá nguyên vẹn. Năm 2009, Nhà thờ họ Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, ngôi nhà do hậu duệ dòng họ Dương cùng chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục kế thừa và gìn giữ.
Trường Đại học Cần Thơ
Được thành lập ngày 31 tháng 03 năm 1966, Viện Đại học Cần Thơ có bốn khoa: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu) đào tạo hệ Cử nhân, Trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ giảng dạy chương trình ngoại ngữ cho sinh viên.
Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật của vùng. Trường đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, Trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực. Hiện nay Trường đào tạo 98 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 3 chương trình đào tạo chất lượng cao), 45 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh.
Nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Song song với công tác đào tạo, ĐHCT đã tham gia tích cực các chương trình NCKH, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng. Từ những kết quả của các công trình NCKH và hợp tác quốc tế, Trường đã tạo ra nhiều sản phẩm, qui trình công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
ĐHCT tranh thủ được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương ĐBSCL trong các lĩnh vực đào tạo, hợp tác khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trường đã mở rộng quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật với nhiều tổ chức quốc tế, trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Thông qua các chương trình hợp tác, năng lực quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, tài liệu thông tin khoa học được bổ sung.
Chùa Khmer Pôthi Somrôn
Chùa Pôthi Somrôn là một ngôi chùa Khmer cổ tọa lạc bên sông Ô Môn, thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2006. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, Chùa đã có 20 đời trụ trì, trong đó những vị trụ trì có thế danh như : Hòa thượng Dương Pâu, Dương One, Lý Thớt, Lý Nhiêu , Dương Châu, Lý Rẹp, Dương Xoai, Dương Chinh, Đào Sóc, Thanh Sen, Thạch Khiêng và Thượng tọa Đào Như. Chùa có hai lần thay đổi địa điểm. Lần đầu chùa xây dựng ở vòm Ô Môn, rồi di dời đến Bo Rích, thời gian sau về Rạch Chùa hiện nay. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây trong đó có một loài cây tên là Somrôn nên chùa được đặt hiệu là Som Rôn.
Khởi đầu, vào năm 1735, chùa Pôthi Somrôn chỉ được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ như cây lá, tre. Đến năm 1856, chùa được xây dựng bằng các loại gỗ quý như căm xe, cà chất, thao lao và được lợp ngói vảy cá. Gần 100 năm sau, nhận thấy chùa quá xuống cấp, Hòa Thượng Thạch Khiêng – Trụ trì chùa giai đoạn 1950-1988 đi Phnom Penh thỉnh bản thiết kế mới từ các kiến trúc sư nổi tiếng của nước bạn Campuchia, trên cơ sở giữ gìn kiến trúc truyền thống Cần Thơ. Chùa mới được khởi công vào tháng 6 năm 1950, đến năm 1952 thì hoàn tất. Kiến trúc này được giữ cho đến nay.
Ngôi chùa có một mặt hướng ra cổng trường Học viện phật giáo Nam Tông Khmer, cổng khác lại cận kề vàm sông Ô Môn nhẹ dòng có bến nước hóng mát. Chánh điện là tòa nhà nổi bật trong quần thể kiến trúc chùa Pôthi Somrôn, được xây theo hướng Đông. Người Khmer quan niệm Phật tuy ở Tây phương cực lạc, nhưng luôn hướng về Đông để cứu độ chúng sinh.
Các bậc thang dẫn lên chính điện có tượng Phật tinh xảo tọa thiền. Trên tường là những nét vẽ tái hiện cuộc đời Đức Phật được trình bày hết sức sinh động.Hình tượng các tiên nữ Kennâr và chim thần Krud được chạm khắc bay bổng như nâng đỡ mái ngói. Mái chính điện có ba cấp chồng lên nhau, có hình tượng rồng chạy dọc theo bờ mái với đuôi vươn thẳng lên trời cao. Từ cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường đều được chạm khắc hoa văn hình kỷ hà và lục bình tỉ mỉ.
Các chùa Khmer đều có tháp cốt nhưng có lẽ hiếm có chùa nào giữ gìn được ngôi tháp hơn 200 năm tuổi như ở chùa Pôthi Somrôn. Tháp cốt ở ngay trước chánh điện, được xây dựng bằng ô dước, đá ong, gạch thẻ có niên đại từ thế kỷ 18. Bên trong tháp cốt này là hài cốt của rất nhiều Phật tử và đã được gìn giữ qua nhiều đời. Theo Hòa thượng Đào Như, trụ trì chùa từ năm 1988, cho biết: một số Phật tử xin xây lại và làm mới phía ngoài ngôi tháp nhưng nhà chùa không đồng ý, bởi đây chính là chứng tích của lịch sử ngôi chùa và văn hóa của dân tộc.
Du lịch Cần Thơ đến viếng thăm chùa, du khách như lạc bước vào một khu rừng nhỏ với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Vẻ đẹp của ngôi chùa càng được tôn lên nhờ cây sala – còn gọi là cây vô ưu, tương truyền được đem về từ Ấn Độ – trồng ở một góc sân chùa từ năm 1969, luôn nở những đóa hoa thanh nhã và tỏa hương thơm ngát.
Long Tuyền Cổ Miếu
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5 km, nằm trên dốc cầu Bình Thủy trên tuyến quốc lộ 91, Long Tuyền Cổ Miếu nằm trên một khu đất rộng chiếm diện tích khoảng hơn 500.000m2. Nơi đây không chỉ được biết đến như một công trình kiến trúc tâm linh mà còn mang trong mình tinh thần phóng khoáng của cư dân lúa nước Nam Bộ.
Long Tuyền Cổ Miếu tuy được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX nhưng kiến trúc của đình không chỉ thể hiện nét tinh túy của văn hóa sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn mang đậm dấu ấn của làng cổ truyền thống Cần Thơ.
Cũng giống như nhiều ngôi đình khác tại Cần Thơ, Long Tuyền Cổ Miếu được xây dựng trên một khu đất thoáng rộng và có chiều sâu, gồm khu đình chính và khu “lục ấp”. Ngôi đình được xây theo dáng hình chữ nhất, trên nóc mỗi khu đều được thiết kế cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu hay đơn giản chỉ là những hình hoa văn trang trí bên ngoài nhưng mang ấn tượng mạnh.
Việc bố trí các ban thờ trong đình với cách thờ thần khá đa dạng và phong phú đã phản ánh văn hóa, đồng thời cũng phần nào giới thiệu tính phóng khoáng, cởi mở, lòng bao dung đón nhận mọi tinh hoa theo không gian và thời gian.
Chùa Hội Linh
Chùa Hội Linh còn gọi là Hội Linh Cổ Tự, thuộc dòng Lâm Tế tông; hiện tọa lạc trong một con hẻm ở số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám (cách lề đường khoảng 200 m), thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, Việt Nam.
Chùa được Hòa thượng Thích Khánh Hưng (? – 1914) khởi lập vào ngày rằm tháng 2 (âm lịch) năm Đinh Mùi (1907), trên phần đất do ông Phạm Văn Bường (pháp danh Thông Lý) và bà Nguyễn Thị Tám (pháp danh Thông Ngọc) cúng dường. Ban đầu, chùa được cất đơn sơ bằng tre lá, và có tên là Hội Long tự. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ, nên còn được gọi là chùa Xẽo Cạn.
Chùa nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 6.500 m², với đầy đủ các hạng mục như: cổng tam quan, chánh điện, hậu đường, giảng đường,….
Bao bọc ngôi chùa là dãy tường rào tạo hình cánh cung, có ba cái cổng (một chính và hai phụ). Cổng chính vươn ra phía trước, có 2 lớp mái, và trên nóc có gắn “lưỡng long tranh châu’ bằng đất nung màu xanh. Trên nóc các cổng đều được lợp mái ngói âm dương màu xanh, và đều có đôi câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Điện thờ chính có 3 gian nhỏ, bên trong tôn trí nhiều tượng Phật theo các cấp bậc rất uy nghi. Tại 3 gian thờ, có treo 3 bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là “Hội Linh Tự”, bên trái “Tam vô tư địa”, bên phải “Thưởng thiện phạt ác”.
Chùa được xây bằng vật liệu hiện đại nhưng vẫn giữ được phong cách chùa Việt Nam. Kết cấu tường gạch, hệ thống vòm mái được nâng đỡ bởi những hàng cột gỗ quý tròn đường kính 25 cm có chân đế bằng đá, trụ xi măng. Các vỉ kèo kết cấu đơn giản, làm theo kiểu nhà trính, các cây trổng được bào láng đặt trên cối hình vuông, hình thang, đầu trổng có hình cánh dơi. Các bao lam nơi chánh điện và các điện thờ được chạm trổ rất công phu.. Họa tiết, hoa văn trang trí trong chùa đều theo những quy ước truyền thống: long, quy, phụng, hươu, mai, lan, cúc, trúc, sen,…
Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật Cần Thơ, trong chùa còn lưu giữ hơn trăm pho tượng lớn nhỏ rất có giá trị, bằng nhiều chất liệu khác nhau: đồng, gỗ, xi măng, thạch cao…Riêng tượng Giám Trai là một tác phẩm điêu khắc độc đáo. Ngoài ra, các hiện vật quý trong chùa còn có chuông đồng, mõ, bộ binh khí (16 cái) và bộ bàn ghế gỗ cẩn xà cừ.
Chùa Hội Linh là một cơ sở bí mật của lực lượng chống thực dân Pháp kể từ năm 1941, và sau đó là Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử ở đây đã che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo…Với những công lao ấy, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng cho nhà chùa Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, và các tăng chúng nhiều huân, huy chương… Đặc biệt, Hòa thượng Thích Pháp Thân được công nhận là liệt sĩ vì đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng miền Nam năm 1970.
Ngày nay, chùa là một cơ sở tôn giáo được đông đảo bà con phật tử đến tu học và lễ bái. Ngoài ra, chùa còn tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội ở địa phương…
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Đây là một thiền viện thuộc hàng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ, tính đến thời điểm năm 2014.
Thiền viện trúc lâm Phương Nam được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với tổng diện tích lên đến 38.016 m vuông.
Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua đã nhường ngôi lại cho con trai và một mình đến núi Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.
Vì là ngôi chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần. Đây là một nét đặc trưng rất rõ trong kiến trúc xây dựng Cần Thơ của các ngôi Thiền Viện ở Việt Nam. Và đây cũng là yếu tố quan trọng để bất kỳ ai khi nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại miền Tây Nam Bộ.
Đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ, đi một vòng quan sát từ ngoài vào trong, điểm nhấn đầu tiên của ngôi chùa là diện tích rất rộng với nhiều hạng mục lớn như: cổng tam quan, chính điện, tháp chuông, tháp trống, hậu điện, … đều chung một sắc thái chung là màu ngói nâu đỏ với các cây cột gỗ chống lớn và phần nền được làm bằng đá khối nhìn rất vững chãi.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo nhất của xứ Tây Đô. Đến thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là tìm về với không gian của cõi tĩnh, tâm hồn được gột sạch mọi bụi bặm của trần thế. Ở đây bạn sẽ được học về những triết lý sống đơn giản nhất từ nhà Phật mà vô cùng sâu sắc. Bước vào thiền viện có cảm giác như bước vào một thế giới khác, nơi mà mọi thứ xô bồ không tồn tại, chỉ có những tấm lòng thanh khiết hướng về cửa Phật. Dạo mát quanh hồ sen, tìm cho mình một chốn thanh tịnh để tĩnh tâm, thắp hương cầu chúc tốt lành, thật là thú vị biết bao.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp