Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ, vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, sân bay. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc vừa thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam và có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quảng Ninh hiện nay đang phát triển theo hướng lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm phát triển, kết hợp bảo vệ môi trường biển đảo.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam, giàu tiềm năng du lịch, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Không chỉ sở hữu Vịnh Hạ Long nức danh thế giới do thiên nhiên ban tặng, mà còn có rất nhiều công trình kiến trúc Quảng Ninh vô cùng ấn tượng và đặc sắc. Chính những công trình này đã góp phần làm nên sức hấp dẫn mới mẻ cho vùng di sản bao năm qua vốn chỉ nổi tiếng với biển và núi.
Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” – vì hội tụ đủ biển, đảo, đồng bằng và trung du, đồi núi, biên giới. Quảng Ninh là địa danh rất giàu tiềm năng du lịch, với các danh thắng nổi tiếng. Du lịch Quảng Ninh đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Trong tổng số hơn 8 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Ninh mỗi năm, khoảng 70% khách du lịch tham gia các tour tuyến biển đảo. Điều đó cho thấy, du lịch biển đảo ngày càng khẳng định là một trong những ngành kinh tế biển nhiều tiềm năng.
Cầu Bãi Cháy
Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh.
Cầu được thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng, tại trụ cầu chính trên độ cao 50m, dầm cầu được vươn ra biển và kết thúc khi nối liền hai cánh hẫng, công nghệ xây dựng này đảm bảo cho các tàu thuyền vẫn có thể hoạt động được bình thường trong suốt quá trình thi công.
Bãi Cháy có chiều dài toàn cầu là 903m, chiều rộng toàn cầu 25,3m, gồm 6 làn lưu thông với bốn làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ và người đi bộ. Tĩnh không thông thuyền của cầu là 50m chiều cao và 130m chiều rộng, đảm bảo cho tàu có trọng tải 40.000 tấn qua lại thuận tiện. Đường dẫn lên cầu là đường đô thị cấp 2 dài 5km, có tám cầu dẫn với tổng chiều dài 1,172km, cầu có khả năng chịu đựng được động đất cấp 7.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, cầu Bãi Cháy đánh dấu những kỷ lục xây dựng mới của Việt Nam và thế giới. Với kết cấu dây văng một mặt phẳng và chiều dài nhịp chính 435m, đây là cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực một mặt phẳng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời, cây cầu cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính đối với kết cấu cầu dây văng một mặt phẳng.
Công trình đã được hoàn thành và thông xe vào ngày 2/12/2006. Cầu Bãi Cháy được đưa vào sử dụng đã giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân tỉnh Quảng Ninh, khách du lịch trong và ngoài Việt Nam, đồng thời cũng chấm dứt sự hoạt động hàng chục năm của phà Bãi Cháy.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái
Là điểm tham quan thú vị ở trung tâm thành phố vùng biên Móng Cái, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái là một trong những cửa khẩu giao thương biên giới với Trung Quốc được xây dựng sớm. Đây không chỉ ghi dấu sự đổi mới, quá trình phát triển mà còn là điểm đến ghi dấu ấn lịch sử.
Nằm trên tuyến đường đẹp trên địa bàn phường Hoà Lạc (TP Móng Cái), hiện nay cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Khu cửa khẩu hiện nay gồm tổng thể không gian với diện tích là 1.587ha, gồm: Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân, cầu Bắc Luân và cột mốc 1369.
Công trình này liên tục được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, chỉnh trang. Năm 1991, công trình được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích khuôn viên hơn 9.400m2. Sau đó, công trình được đầu tư nâng cấp vào tháng 9/2007 với tổng giá trị đầu tư gần 19,7 tỷ đồng. Tiếp đó, vào năm 2016, nhà cửa khẩu tiếp tục được trung ương cấp vốn đầu tư cải tạo, mở rộng với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.
Nhờ đó, diện mạo Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân ngày càng khang trang, đẹp hơn, gồm tầng làm việc của cơ quan chức năng và khu tầng 1 có trạm cân điện tử, lối cho xe qua lại, khu cửa nhập cảnh và cửa xuất cảnh với 6 luồng kiểm soát mỗi bên.
Một điểm tham quan mà chắc chắn các hướng dẫn viên sẽ giới thiệu cho du khách khi tham quan chính là cầu Bắc Luân hơn 100 tuổi nối giữa cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). Cầu được khởi công năm 1898 với chiều dài 118m. Trải qua nhiều lần trùng tu, nay đã khang trang, thuận tiện đi lại, giao thương.
Một điểm nhấn cần quan tâm đó chính là cột mốc 1369. Đây là cột mốc đầu tiên được cắm trên biên giới đất liền phân giới, cắm mốc giữa 2 nước. Mốc 1369 là mốc đại, được khởi công xây dựng ngày 11/12/2001, khánh thành ngày 27/12/2001. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cao 2,2m (kể cả phần đế), chân mốc rộng 90cm, thân mốc rộng 50cm. Có thể nói đây là điểm tham quan, chụp ảnh lưu niệm đẹp trước khi kết thúc hành trình tham quan Cửa khẩu.
Không chỉ là điểm tham quan lịch sử, văn hoá thú vị, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái có vị trí quan trọng bậc nhất trong việc giao lưu kinh tế với nước bạn và các nước khác trong khu vực qua biên giới phía Bắc. Cửa khẩu đã thực sự góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đáp ứng nhu cầu giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch giữa hai tỉnh biên giới.
Đền Xã Tắc
Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc – Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Tại đây thờ Xã Tắc Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này. Năm 2005, đền đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Theo lời kể của các cụ cao niên sống quanh khu vực này, trước kia, Đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ XX, trong một lần bão lớn, Đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy nguồn với quy mô nhỏ hơn trước. Trải qua những biến đổi thăng trầm của thời gian, đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu lớn nhất là vào năm Kỷ Mão 1879. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đền bị phá hủy, chỉ còn lại một vài tấm bia và nền móng cũ. Sau năm 1989, đền được phục hồi lại với quy mô nhỏ. Để đáp ứng mong mỏi của quần chúng nhân dân dân muốn có một cơ sở thờ tự khang trang, quy mô, năm 2009, đền Xã Tắc đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định cho phép phục hồi và giao cho UBND thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư giai đoạn I và BTS Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư giai đoạn II, triển khai dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Ngôi đền chính có diện tích 308 m2, được xây dựng theo kiểu chữ “công”. Trong đó: tòa tiền đường gồm ba gian hai chái, hai gian chung đường và ba gian hậu cung. Đền được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy rồng, tường xây gạch. Đền được xây hai tầng tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ truyền thống, tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài. Hiện nay, Đền Xã Tắc vẫn còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ những năm 1879, trên đó có ghi danh những người đã góp công, góp của để trùng tu, xây dựng lại đền.
Đây từng là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh linh thiêng của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận, ngoài những ngày cúng rằm và mồng một hàng tháng. Hàng năm, tại đền còn diễn ra 5 ngày lễ chính là ngày 16/1, 2/5, 16/8, 16/12, 18/12 (ÂL). Trong những ngày này, người dân trong khu vực được chia thành 5 tổ. Trong một năm, mỗi tổ được phân công lo một lễ chính. Ngày 16/1 là ngày lễ cầu an.
Nằm ở vị trí địa đầu của Tổ Quốc, đền Xã Tắc từng là nơi ghi dấu bao thăng trầm, của lịch sử. Nhưng dù ở thời nào, dù bĩ cực hay thái lai người dân nơi đây vẫn không quên hương khói, phụng thờ. Đây không chỉ là một địa danh thu hút khách tham quan du lịch Quảng Ninh, một địa điểm văn hóa tâm linh. Nó đã trở thành một “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trước trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.
Mũi Sa Vĩ
Mũi Sa Vĩ thuộc địa phận phường Trà Cổ, TP Móng Cái – điểm đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc của đất nước là bức phù điêu hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“… Từ Trà Cổ rừng dương
Đến Cà Mau rừng đước…”
Ngay gần với Mũi Sa Vĩ là Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, được khởi công xây dựng năm 2009 tại nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên bản đồ hình chữ “S” của nước Việt Nam, hoàn thành vào tháng 10-2013.
Công trình này bao gồm 3 phần: Phần quảng trường, phần cụm công trình chính và phần nhà dịch vụ, quy tụ thành một quần thể kiến trúc tại Quảng Ninh độc đáo, đẹp, hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc.
Phía trước là khu vực quảng trường trung tâm, với hai hàng trụ đá với chất liệu đá tự nhiên lấy từ vùng đất cố đô Hoa Lư – Ninh Bình thẳng hướng đến cụm chính và hai hàng trụ đá xếp hình bán nguyệt phía sau vững chãi, sừng sững cho chúng ta liên tưởng đến những người lính kiên trung nơi địa đầu Tổ quốc luôn ngày đêm canh giữ cho từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Dừng chân tại ngọn dương vĩnh cửu, phóng tầm nhìn ra phía bờ biển dài 17km của vùng đất Móng Cái. Bao quanh bờ biển là hàng cây dương bao bọc đất liền bảo vệ mảnh đất và con người ở nơi mà khí hậu khắc nghiệt gió bão. Từ đó mà cây dương cũng đã trở thành biểu tượng của sự kiên trung, bền bỉ và trường tồn cho mảnh đất và con người nơi địa đầu Tổ quốc.
Với thiết kế kết cấu mái cong đặt trên những trụ đỡ bằng bê tông cốt thép được khắc hoạ hình dáng chim lạc tạo nên một không gian sinh động. Tại khu dịch vụ của công trình, du khách có thể lựa chọn cho mình những món quà lưu niệm, hay những sản vật đặc trưng không chỉ của vùng đất Trà Cổ – Móng Cái mà còn cả một số sản vật của tỉnh Quảng Ninh theo chương trình OCOP – mỗi xã, phường một sản phẩm.
Hiện nay, khi đến tham quan cụm thông tin cổ động Sa Vĩ du khách có thể được tham gia các dịch vụ như đi xe đạp đôi dạo bờ biển, hay trượt patin nghệ thuật, ngoài ra tại đây còn có dịch vụ in ảnh lên cốc để du khách ghi lại những hình ảnh đáng nhớ trong chuyến du lịch của mình.
Điểm du lịch văn hoá Sa Vĩ là một trong những điểm du lịch mà nhiều du khách đến tham quan TP Móng Cái không thể bỏ qua. Đây cũng là một trong 12 điểm du lịch trên địa bàn TP Móng Cái đã được UBND tỉnh công nhận.
Đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ nằm ở phía Đông Nam phường Trà Cổ cách bờ biển khoảng 150 mét, giữa một khu dân cư đông đúc, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Phía nam đình là biển cả, phía bắc đình là biên giới Việt – Trung cách chừng 8 km theo đường chim bay, phía đông và tây là các khu Nam Thọ, Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Vĩ và cách thành phố Móng Cái 8 km theo đường tỉnh lộ.
Từ khi được xây dựng thời Hậu Lê ngôi đình là nơi người Trà Cổ đặt tâm linh vào các vị thần đã phục vụ cho dân những điều tốt lành trong sinh hoạt, nghề nghiệp, cuộc sống.
Truyền thuyết kể rằng: ngày xưa có 12 người đánh cá quê ở Đồ Sơn, Hải Phòng một lần đi biển đánh cá, lênh đênh giữa biển khơi găp giông bão mà dạt đến vùng đất này. Trước cảnh hoang vu một nửa quay về còn một nửa ở lại sinh sống nơi đảo hoang. Họ trở thành những người đầu tiên khai hoang, lập ấp, xây dựng vùng đất sau này gọi là Trà Cổ để tưởng nhớ tới tên của hai vùng đất Trà Phương và Cổ Trai quê cũ. Ngôi đình được nhân dân lập nên để thờ 6 vị Thành Hoàng.
Đình quay về hướng Nam, dựng theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian, hai trái tiền đường và ba gian hậu cung. Toàn bộ kiến trúc tuy bề thế, đồ sộ nhưng lại khá mềm mại, uyển chuyển bởi cách bài trí, chạm trổ công phu tỉ mỉ từ ngoài và trong. Đình có 32 cột gỗ lim, gồm 14 cây cột cái và 18 cây cột quân, đó chính là khung xương sống của đình. Các cột đều được nối lại với nhau bằng các xà ngang, ở các đầu xà đều chạm khắc đầu rồng.
Với đôi tay tài hóa của các nghệ nhân, các mảng chạm trổ tạo thành những bức tranh khắc gỗ sống động, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Trên thân cột, xà các bức hoành phi, từng đôi câu đối cho chúng ta hiểu được lịch sử của đất và người Trà Cổ. Hơn 500 năm, mỗi triều đại lại thêm một sắc phong cho thấy ý nghĩa to lớn của ngôi đình.
Trải bao thăng trầm, biến thiên cùng lịch sử, đình được trùng tu, sửa chữa lớn nhiều lần. Nhưng trên nền đất cũ, đình Trà Cổ vẫn giữ nguyên hình dáng và cấu trúc ban đầu, vẫn giữ được nguyên nét đẹp cổ kính vốn có của nó vào thời Lê đó là các trang trí rồng, phượng trên cột, trên đầu bảy. Vẻ cổ kính, rêu phong bên ngoài bao phủ một khung cảnh trang nghiêm, tĩnh tại nhưng cũng không kém phần mĩ lệ bên trong.
Đăc biệt, đình Trà Cổ là ngôi đình duy nhất ở tỉnh Quảng Ninh còn giữ được hệ thống ván sàn kiểu kiến trúc đình phổ biến thời bấy giờ. Ván đình cao cách mặt nền 0,4 mét bưng kín bằng những bức chạm trổ. Trung tâm đình – ban gian hậu cung là nơi thể hiện ý thức giữ gìn, tôn tạo rõ nhất. Các bức cốn, cửu võng với hoa văn vân xoắn có từ thời dựng đình, tuy đã được sơn son mới nhưng vẫn toát lên nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc Việt.
Hiện vật quý còn lưu giữ đến nay gồm một bộ kiệu bát cống, hai hạc rùa, một bộ bát biểu, một bộ thất sự bằng đồng, cùng hàng chục bức đại tự, câu đối, cửu võng, hoành phi… Nội dung hoành phi, câu đối tràn đầy hào khí tự chủ, tự cường dân tộc, ngời sáng bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng biên cương Đông Bắc. Không những có sức hấp dẫn thu hút bao du khách trong và ngoài nước bởi giá trị kiến trúc Quảng Ninh, phong tục tập quán mà còn là đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu và là cột mốc văn hóa vững chắc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nơi địa đầu Tổ Quốc.
Cùng với sự tồn tại của đình Trà Cổ là những giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, luôn được các thể hệ người Trà Cổ nâng niu, gìn giữ. Cũng giống như nhiều làng quê trên đất nước ta, bao giờ đình làng cũng gắn với lễ hội làng. Lễ hội làng là mối liên kết tâm linh giữa con người với đấng quyền năng siêu nhiên, liên kết sức mạnh to lớn trong dựng làng, giữ nước.
Nhà thờ Giáo xứ Trà Cổ
Là một trong những điểm tham quan du lịch Quảng Ninh có tiếng, Nhà thờ Trà Cổ luôn mang lại cho người tham quan rất nhiều cảm xúc, cùng tâm trạng bồi hồi. Nỗi bồi hồi ấy như chất xúc tác khiến bao người phải dành nhiều khoảng lặng để nhìn lại một chặng đường dài đã qua, từ khi Trà Cổ còn là một dải đất nằm bên kia đầm lầy, như một hải đảo hiu quạnh vừa gần nhưng lại vừa xa. Nhà thờ Trà Cổ nay được du khách biết nhiều, đến thăm nhiều, vị trí khá gần trung tâm thành phố Móng Cái ngày nay, có lẽ không khiến người ta có chút băn khoăn hay thắc mắc gì về nhà thờ từ ngày mới xây dựng.
Không lâu sau khi được dựng lên, nhà thờ đã phải bị tháo dỡ do việc cấm đạo của Vua Tự Đức thời đó. Đến lúc việc cấm đạo đã không còn gay gắt như trước, nhà thờ lại được dựng lên có 7 gian. Qua khoảng thời gian dài, nhà thờ bị hư hại nhiều, nên được xây dựng lại vào năm 1913, theo kiến trúc phương Tây.
Bên trong nhà thờ, người ta trang trí khá công phu với những bức phù điêu tinh xảo ốp tường, bàn thờ ấn tượng với những đường nét hoa văn rất tinh tế. Năm 1930, nhà thờ Trà Cổ được trùng tu, mở rộng cung thánh, lát gạch bông, lát đá ổ lối đi và sân thì được rải sỏi. Và để có được hiện trạng như hiện tại, nhà thờ Trà Cổ cũng đã phải trải qua thêm một lần trùng tu quy mô nữa vào năm 1995.
Tham quan nhà thờ Trà Cổ, du khách sẽ thấy vẻ đẹp hoàn hảo của một công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính, dù mang nét Tây phương, song vẫn rất đậm chất Việt. Qua cả 100 tồn tại, giữ được nét đẹp kiến trúc Quảng Ninh tuyệt vời này, nhà thờ cũng phải trải qua rất nhiều thăng trầm không tả hết.
Có thể nói, khi đã đến Móng Cái, Quảng Ninh mà không dành thời gian để thăm nhà thờ Trà Cổ, sẽ là điều đáng tiếc nhất. Nhà thờ Trà Cổ đẹp theo cách riêng, có hồn theo cách riêng, sống động theo cách riêng và làm cho bất cứ du khách nào có dịp tham quan, cũng đều mang theo ký ức mình những hình ảnh đẹp không thể mờ và những câu chuyện vui buồn gắn với nó không thể xóa.
Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự 寶光寺) là một ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thuộc Hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử được nhân dân địa phương thỉnh về trụ trì chùa. Với 500 tỷ tiền công đức, chùa đã được trùng tu và xây lại khang trang.
Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 – 1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng.
Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52 m, rộng 0,38 m, dày 0,12 m, hai con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2 m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22 m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc.
Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.
Tháng 3 năm 2019, chùa Ba Vàng bị lãnh đạo thành phố Uông Bí và các sở ngành tỉnh Quảng Ninh kiểm tra sau khi loạt bài điều tra đăng trên báo Lao Động đưa thông tin về việc chùa này tổ chức truyền bá “vong báo oán” và “giải nghiệp” để thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm; để được giải nghiệp, các cá nhân phải cúng cho chùa vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức.
Mới đây nhất Ngày 26 tháng 1 năm 2020, đại diện thành phố Uông Bí cho biết chùa Ba Vàng tổ chức cúng hóa giải nạn dịch cúm virus corona chưa xin phép và hoạt động này cũng không nằm trong nội dung đăng ký Phật sự.
Khu di tích danh thắng Yên Tử
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương).
Quần thể này đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần (1225-1400) và hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm. Trong ảnh: Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là Chùa Lân) nằm trên núi Yên Tử, là nơi được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành.
Thái Miếu nhà Trần tại Đông Triều là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh), được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Thái Miếu được xây dựng từ thời Trần, là công trình đặc biệt có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Vương nhìn từ trên cao.
Tượng Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông với dáng nằm mô phỏng Phật nhập niết bàn được đặt trong Am – chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, ở độ cao 600m so với mực nước biển, thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Ngọa Vân là địa danh gắn với nơi tu hành và viên tịch của vị Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm-Trần Nhân Tông, cùng một số cao tăng thời Trần và Lê Trung hưng.
Am – chùa Ngọa Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đây chính là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Di tích Ngọa Vân ngày nay là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Khu di tích đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.
Đỉnh Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử, phía Bắc được che chắn bởi dãy núi cao (Vây Rồng) quanh năm mây phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo, huyền bí nên nơi đây được gọi là Ngọa Vân.
Chùa Một Mái xưa vốn là động Thanh Long, tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, ngày nay gọi là chùa Một Mái. Đây cùng là nơi duy nhất của Yên Tử ngày nay vẫn giữ nguyên hệ thống tượng thờ và đồ thờ trong chùa toàn bằng đá trắng có niên đại cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.
Chùa Đồng nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á. Chùa còn được dân gian ví như một “kỳ quan mới” tại danh thắng Yên Tử. Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn có độ cao 1.068 m so với mặt nước biển, có trọng lượng 70 tấn, chiều dài 4,6 m, chiều rộng 3,6 m, cao 3,35 m. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII thời hậu Lê, chùa ban đầu chỉ là một khám nhỏ đúc bằng đồng. Đến năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, một cơn bão làm lật mái chùa, kẻ gian lấy nốt phần còn lại, để lại các dấu tích hố cột trên mỏm đá.
Đền Kiếp Bạc thuộc thành phố Chí Linh (Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương) là nơi thờ phụng Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu tạo thành vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang.
“Bàn cờ tiên” trên đỉnh núi Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng. Tên gọi “bàn cờ tiên” chỉ là cái tên mà dân gian đặt ra để ca ngợi và tỏ lòng ngưỡng mộ với một địa danh lịch sử đẹp đẽ và nên thơ.
Tây Yên Tử nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần như Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Am Vãi (Lục Ngạn), Đồng Thông (Sơn Động),… Trong ảnh: Toàn cảnh phần dưới khu du lịch Tây Yên Tử. Bên trái là ga cáp treo và bên phải là chùa Hạ.
Hệ thống di tích Tây Yên Tử cùng với Đông Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều tạo thành Quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Trong ảnh: Cầu nối giữa ga cáp treo và chùa Hạ. Bên dưới là những bức tường đá được điêu khắc rất công phu hình của các bậc nho sĩ, trạng nguyên ngày xưa.
Đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông nằm ở phía Đông Bắc thị xã Cẩm Phả, toạ lạc trên quả đồi không cao lắm, ngay bờ vịnh Bái Tử Long. Nơi đây tạo nên sự giao hoà giữa núi non, rừng, biển, một cảnh đẹp tuyệt vời của vùng Đông Bắc tổ quốc.
Đến nay, đã hơn 700 năm hiển thánh của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – một vị tướng tài ba nhà Trần có công lao to lớn trấn ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Hàng năm vào dịp đầu xuân Đền mở hội: Lễ xin mở hội tại Đền Thượng; Lễ Cầu siêu, Lễ xin ở cửa Đền và dâng hương rước Đức Ông; đại lễ tưởng niệm và cuối cùng là rước Đức Ông hồi cung an vị; cùng nhiều trò chơi dân gian…
Các cuộc chinh phạt xâm lược của phương Bắc, hay các cuộc điều binh của các triều đại phong kiến Việt Nam ra miền biên giới Đông Bắc đều đi qua Cửa Ông. Xưa kia, các triều đại phong kiến đều đặt ở Cửa Ông – Cẩm Phả một đồn binh để chốt giữ nơi “yết hầu” này. Phía Nam Cửa Ông là vịnh Bái Tử Long không chỉ là một cảnh đẹp nổi tiếng, một vùng biển trù phú các giống loài hải sản mà còn tạo cho Cửa Ông một lợi thế về cảng biển.
Vùng vịnh phía Nam Cửa Ông nước sâu, lượng phù sa bồi hàng năm không đáng kể. Cách bờ từ 1 đến 2km là dãy đảo đá nhấp nhô tạo hình vòng cung chắn sóng gió, khiến cho vùng biển luôn luôn tĩnh lặng, thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu. Với vị trí và địa hình thuận lợi để xây dựng cảng biển, từ xa xưa, nơi đây đã là một bến thuyền giao thương trên con đường thủy từ đồng bằng sông Hồng với vùng biên cương Đông Bắc Việt Nam và Đông Nam Trung Quốc. Bến thuyền Cửa Ông thời ấy gọi là Cửa Suốt…Hiện tại, Ban quản lý khu di tích đền Cửa Ông đang cùng với các ngành liên quan đang hoàn hiện đề án quy hoạch khu di tích đền Cửa Ông (quy hoạch tổng thể từ đường giao thông, các phân khu như dịch vụ ăn uống, để xe, nghỉ ngơi cho khách, đúc chuông, dịch chuyển vị trí tượng…).
Đền Cửa Ông nằm trên địa bàn thuộc phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Khu di tích này đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng khu di tích lịch sử quốc gia và trở thành điểm du lịch Quảng Ninh, hướng về cội nguồn không chỉ của người dân Quảng Ninh mà của đông đảo du khách trong, ngoài nước. Ngôi đền được xây dựng thờ vị thần chính là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – một vị tướng tài ba của nhà Trần, người con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đã có công đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Từ sau năm 1288 đến khi qua đời, phần lớn thời gian Trần Quốc Tảng dành cho việc trấn giữ miền Đông Bắc tổ quốc.
Vì những công lao to lớn đó, ông được vua Trần Anh Tông phong tước Hưng Nhượng Đại Vương. Những ngày cuối đời của ông và sự hình thành ngôi Đền, sử sách cũ kể lại như sau: “Ông ra Cửa Suốt được ba ngày thì trời nổi giông tố. Ông qua đời ở đó, thi hài trôi tới Vườn Nhãn (ngày 11/9/1311). Tục truyền rằng, đêm hôm ấy, mọi người trong vùng đều mơ thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề đứng ở đình làng nói rằng: Ta là tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về Đồn cũ giữ yên dân nước”. Vua Trần thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng, nên truyền cho lập miếu thờ và phong là Thượng đẳng Phúc thần, cho 800 quan tiền công hàng năm để cúng tế hai mùa vào bậc Nhà nước”.
Đền Cửa Ông không chỉ mang lại giá trị lịch sử to lớn, mà còn có giá trị về nghệ thuật, văn hoá dân tộc đặc sắc. Toàn cảnh khu Đền được bố trí trên các ngọn đồi không cao lắm, đan xen, hài hòa dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên cảnh tĩnh mịch, hùng tráng, hoa mỹ nhưng trang nghiêm…
Tất cả được xây bằng các loại vật liệu như: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung…kiến trúc Quảng Ninh trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng…Phần trong nhà Đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, chắc, đẹp như: đinh, lim, trắc, gụ…Khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ…trên đó được khắc hoạ bằng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối…và các hoa văn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy.
Đến với khu di tích đền Cửa Ông, du khách sẽ được tham quan 3 khu vực chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, được phân bố ở ba vị trí khác nhau theo chiều lên cao dần. Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; khu đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh… Đây là đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay. Hiện nay, đền Cửa Ông còn lưu giữ 34 pho tượng lớn nhỏ đã được các nghệ nhân chạm trổ công phu, với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật cao…
Hàng năm, khách thập phương đến viếng thăm thắng cảnh Đền Cửa Ông, dưới mái Đền cổ kính, tán cây cổ thụ tĩnh lặng, ai cũng kính cẩn trước các vị Nhân Thần nhà Trần, họ không những ngưỡng mộ nhân tài, khí phách của các vị anh hùng hào kiệt, mà còn nguyện làm việc tốt để xứng đáng với ông cha.
Chùa Long Tiên
Chùa Long Tiên tọa lạc ngay chân núi Bài Thơ, đường Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Chùa được xây dựng vào năm 1941, thờ các vị an thần và các tướng thời Trần có đóng góp lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngôi chùa hiện đang là điểm đến thu hút nhiều du khách và các phật tử đến dâng hương, lễ phật.
Cổng chính dẫn vào chùa là cổng Tam Quan, gồm 3 lối đi là cửa Hữu, cửa Vô và cửa Đại. Khách hành hương đi vào chùa thường sẽ đi qua hai cửa phụ hai bên, còn cửa chính ở giữa sẽ chỉ dành cho Đức Phật và các vị Cao tăng. Cổng Tam Quan gồm 3 tầng, trên đỉnh là tượng phật A – di – đà trong tư thế ngồi, phía dưới là gác chuông, tầng dưới cùng là hai tượng Bồ Đề Đạt Ma canh giữ chùa. Mỗi tầng của cổng đều khắc câu đối hai bên, chính giữa khắc 3 chữ “Long Tiên Tự”.
Lễ hội chùa Long Tiên được tổ chức vào ngày 24/3 âm lịch hằng năm. Đến tham dự lễ hội, bạn sẽ được chiêm ngưỡng lễ rước kiệu bài vị Đức Ông hoành tráng, thả đèn hoa đăng lung linh hay những màn đấu vật, hát chầu văn sôi nổi, nhộn nhịp.
Chùa Long Tiên cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 6km về phía Đông Nam. Từ trung tâm thành phố bạn đi dọc theo Quốc lộ 18 sau đó rẽ phải và đường Trần Hưng Đạo, tại vòng xuyến đi theo lối ra thứ hai vào Trần Thánh Tông, sau đó rẽ trái vào Lê Quý Đôn và đi thêm 200m nữa là tới chùa.
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh
Bảo tàng Quảng Ninh được ví như viên ngọc đen huyền bí, quý báu, đầy giá trị bên vịnh Hạ Long xinh đẹp. Du lịch Hạ Long đã luôn là điểm đến đáng tự hào của người dân Việt Nam với biển xanh như ngọc, những mỏm đá nhiều hình thù cùng những hang động tuyệt đẹp. Tuy nhiên bảo tàng Quảng Ninh thì còn quá nhiều người thấy xa lại.
Bảo tàng – thư viện Quảng Ninh được đánh giá là một công trình kiến trúc Quảng Ninh có sự táo bạo trong thiết kế. Chỉ với một cái nhìn tổng thể từ bên ngoài thôi công trình này đã khiến nhiều người phải thốt lên vì độ mới lạ của nó.
‘Đơn giản mà sang trọng’ là cảm nghĩ đầu tiên về nơi này. Tòa nhà vuông vức với toàn bộ bề ngoài là kính đen sáng choang như một viên ngọc khổng lồ lấp lánh dưới ánh nắng miền biển. Ngoài ra, font chữ viết tên Bảo Tàng Quảng Ninh và Thư Viện Quảng Ninh cũng vô cùng hiện đại chứ không theo lối thư pháp hay khuôn mẫu có phần cổ điển như đại đa số các bảo tàng khác.
Tiến sâu vào không gian bên trong, khách du lịch Hạ Long sẽ càng ngỡ ngàng hơn với những gì bảo tàng hiện đại này đem đến. Bảo tàng Quảng Ninh được thiết kế thành 3 tầng với mỗi tầng là một chủ đề khác nhau.
Tầng 1 là không gian dành riêng cho biển cả và tự nhiên – điều đã làm nên thương hiệu của Hạ Long. Nổi bật nhất ở tầng 1 phải kể đến 4 trụ được thiết kế dạng ống núi với lớp vỏ bao phủ mô phỏng hình ảnh, màu sắc núi đá Hạ Long. Khi có hiệu ứng ánh sáng thì cả tầng 1 trở thành một lòng vịnh thực sự, rất thú vị.
Bước lên tầng 2 bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn với không gian mô phỏng lòng thuyền y như thật. Gian trưng bày đầu tiên như một cuốn nhật kí ghi lại thành tựu của từng thời kì lịch sử: tiền sử – sơ sử – cận đại thông qua các hiện vật giá trị.
Tầng 3 là nơi hoàn toàn dành cho ngành công nghiệp khai thác than, khoáng sản của Quảng Ninh. Những mô hình mỏ than với tỉ lệ, kích thước… giống thật đến từng chi tiết sẽ đem đến cho bạn cái nhìn chân thực về công việc đầy khó nhọc mà vinh quang này.
Bảo tàng Quảng Ninh – nơi hội tụ và lưu giữ những giá trị lịch sử của thành phố biển Hạ Long, với không gian rộng lớn, thiết kế hiện đại, độc đáo nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch của nổi tiếng. Nếu bạn muốn hiểu hết về lịch sử về mảnh đấy này thì đây sẽ là điểm đến vô cùng thú vị trong du lịch Hạ Long của bạn đấy.
Cung Quy hoạch, Hội trợ, Triển lãm và Văn hóa
Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm Quảng Ninh xây dựng bên trục đường Trần Quốc Nghiễn (đoạn phường Hồng Hải, TP Hạ Long), trong quần thể kiến trúc công trình văn hóa sử dụng diện tích đất trên 3ha với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 1.150 tỷ đồng.
Công trình xây dựng chia thành 2 khối: Khối triển lãm với khoảng 300 gian hàng và một hội trường quy mô 1.000 chỗ ngồi, cao 21,5m, tổng diện tích xây dựng 20.700m2, diện tích sàn 31.194m2.
Công trình xây dựng Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm cùng 9 công trình xây dựng, tòa nhà trên thế giới đã được đăng quang nhận giải thưởng Kiến trúc quốc tế năm 2019. Giải thưởng do Bảo tàng kiến trúc – thiết kế Chicago và Trung tâm nghiên cứu đô thị và thiết kế nghệ thuật kiến trúc châu Âu tổ chức nhằm chọn lựa những tòa nhà và công trình nổi bật trên thế giới.
Tháng 8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt cung Quy hoạch, hội trợ, triển lãm và văn hóa là điểm du lịch , trong đó giao cho các đơn vị liên quan xây dựng phương án quản lý, khai thác, tổ chức triển khai, có giải pháp tiếp tục đầu tư, phát triển điểm du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách.
Công trình nằm trong khối kiến trúc văn hóa của tỉnh bao gồm: Bảo tàng – Thư viện – Quảng trường 30/10 và Cung Quy hoạch, hội trợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh.
Đến đây, người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh địa lý, giao thông, hạ tầng, khu kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Ninh thông qua màn chiếu và các hình thức khác.
Công trình gồm 2 khối, liên kết với nhau bằng hệ thống thang máy, thang cuốn và thang bộ. Khối thứ nhất hình con ngọc trai có 2 tầng sàn dùng để tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm và trưng bày quy hoạch vùng. Khối thứ hai có hình một con cá heo khổng lồ với chiều dài 320m, chiều rộng có chỗ tới 45m dùng để trưng bày các đồ án quy hoạch, những công trình kiến trúc, tâm linh tiêu biểu.
Cung Quy hoạch, hội trợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh là nơi trưng bày các đồ án quy hoạch, hội tụ, giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; gắn với các công trình quảng trường 30/10, bảo tàng, thư viện, cung văn hóa thiếu nhi và công viên Lán Bè thành một quần thể du lịch góp phần thu hút khách gắn với các du lịch Quảng Ninh.
Sân bay quốc tế Vân Đồn
Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Sân bay được đầu tư, xây dựng và vận hành bởi tập đoàn Sun Group. Sở hữu vị trí chiến lược, sân bay Vân Đồn là cửa ngõ giao thông hàng không quan trọng kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế, du lịch trong và ngoài nước.
Được các chuyên gia quốc tế thiết kế lại một cách tối ưu nhất dựa trên thiết kế thống nhất, sân bay quốc tế Vân Đồn giúp mọi hành khách nhanh chóng tìm được khu vực tiện ích phù hợp cũng như có được những phút giây thư giãn bên không gian xanh, không gian nghỉ ngơi ngay tại sân ga.
Tại sảnh chờ du khách có thể thư giãn bên không gian xanh cũng nhơ bể cá Koi trung tâm với hàng trăm chú cá Koi đầy mầu sắc. Những giây phút chờ xe sẽ ngắn hơn và thư thái hơn đối với mỗi hành khách tại sân bay Vân Đồn.
Tầng 02 nhà nhà ga là không gian thủ tục an ninh, phân khu dịch vụ và phòng chờ cho hành khách trước mỗi chuyến bay. Ngay tại trung tâm du khách sẽ dễ dàng tìm thấy 31 quầy thủ tục, 04 cửa kiểm tra an ninh giúp hành khách nhanh chóng hoàn thành thủ tục check in trước khi vào sảnh chờ.
Tai phòng chờ du khách có thể thoải mái lựa chọn cho mình những món quà lưu niệm là những sản vật tại Hạ Long hay thưởng thức những món ăn nhẹ trước mỗi hành trình.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long
Mang hình dáng một góc phố cổ Hội An bên vịnh biển di sản thế giới, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có thiết kế độc đáo và ấn tượng, thu hút du khách từ cái nhìn đầu tiên.
Có thể khẳng định rằng, trên khắp Việt Nam, không có một cảng tàu nào có thiết kế ấn tượng như Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Công trình do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng với số vốn lên tới 1.032 tỉ đồng và được kiến trúc sư hàng đầu thế giới – Bill Bensley thổi hồn, pha trộn giữa tinh hoa văn hóa, kiến trúc Quảng Ninh và châu Âu.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long gồm các hạng mục: cầu cảng, cầu dẫn, bến thuyền quốc tế, bến thuyền nội địa, nhà ga hành khách, nhà công vụ của cơ quan chức năng… Trong đó, khu vực nhà ga hành khách là điểm nhấn kiến trúc ấn tượng đầu tiên mà du khách bắt gặp trên hành trình khám phá vịnh di sản.
Am hiểu sâu sắc văn hóa và lịch sử Việt Nam, Bill Bensley đã tạo nên khu nhà ga với dáng vẻ tựa như một góc phố cổ Hội An thu nhỏ, nằm duyên dáng bên Di sản thiên nhiên thế giới – vịnh Hạ Long, với đặc trưng là sắc vàng trên các bức tường và mái ngói nâu đỏ cổ kính.
Hành trình khám phá “khu phố Hội An” dẫn lối du khách từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bởi ngay khi bước vào bên trong nhà ga, du khách sẽ choáng ngợp trước thiết kế ấn tượng như tầng hầm của một con tàu biển thế kỉ 13, với hệ thống cột gỗ, trần gỗ và trần thép, nội thất cầu kỳ.
Riêng tường nhà ga được thiết kế độc đáo với 27 khung tranh thể hiện hải đồ và tàu biển cổ. Mỗi chi tiết nhỏ như sự sắp xếp của gạch lát sàn, dãy đèn chùm cổ xưa, những tấm ốp trần màu sắc… đều ẩn chứa một câu chuyện kể về hành trình viễn du của những con thuyền thế kỷ 18-19 và biết bao cuộc chinh phục các miền đất Địa Trung Hải, châu Mỹ đã đi vào phim ảnh.
Lối kiến trúc cổ điển lãng mạn song không kém phần hiện đại của nhà ga khiến nhiều vị khách ngỡ ngàng. “Đây là lần đầu chúng tôi đến Quảng Ninh và vợ tôi nhất định muốn đi thăm vịnh Hạ Long. Không thể ngờ là chúng tôi lại được tham quan một bến tàu du lịch hiện đại như thế này. Chúng tôi thích nhất khu vực giếng trời với thác nước đổ vô cùng mát mắt, thư giãn!”, anh Đình Tấn (du khách đến từ Đà Nẵng) chia sẻ.
Là một trong 5 nhà thiết kế hàng đầu thế giới trong ngành du lịch khách sạn theo bình chọn của Tạp chí Time, “ông hoàng resort” Bill Bensley tỏ ra không hề “trái tay” khi lần đầu tiên thiết kế một cảng tàu khách tại Việt Nam, bên cạnh những khách sạn, resort đã vang danh khắp thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay hay Hotel De La Coupole – MGallery… Sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống phố cổ Hội An – Việt Nam và kiến trúc cổ điển Tây phương khiến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có sức hút khó cưỡng với du khách cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh nhà ga, cầu cảng cũng là một hạng mục rất quan trọng. Trên thế giới, các cầu cảng không chỉ là nơi để du khách lên thuyền, bản thân chúng còn là những công trình kiến trúc Quảng Ninh tuyệt đẹp. Dạo bước trên cầu cảng tàu khách quốc tế Hạ Long mang đến cho du khách cảm giác mãn nhãn khi được thu vào tầm mắt toàn cảnh vịnh di sản kì vĩ, không hề thua kém những cầu cảng đẹp nhất thế giới như Clevedon – “cầu cảng đẹp nhất nước Anh” hay cầu cảng cạnh biển cổ nhất thế giới Ryde tại xứ sở sương mù.
Bến quốc tế được thiết kế hiện đại, cầu cảng dài 406 m gồm 6 trụ neo; sảnh đón khách dài 130m, rộng 30m, có khả năng đón tàu có tải trọng tới 225.000 GRT (dung tích đăng ký toàn phần), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn).
Năm 2019, vị tỉ phú người Anh Joe Lewis (chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá Anh Tottenham Hotspur) cùng cháu gái Carolyn Carter trên chiếc siêu du thuyền Aviva đã cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Trong khi Joe Lewis ngỡ ngàng trước vẻ đẹp diệu kỳ của vịnh Hạ Long thì Carter, người từng là Hoa hậu Quần đảo Virgin thuộc Mỹ năm 2016, cho biết, cô vô cùng ngạc nhiên trước kiến trúc độc đáo của Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long và hi vọng mô hình cảng du lịch hiện đại sẽ được nhân rộng khắp Việt Nam.
Trong khi đó, bến thủy nội địa được thiết kế với 4 cầu bến, sức chứa tối đa tới 300 tàu du lịch lưu trú và đi tham quan các tuyến vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và bến Gia Luận (Cát Bà). Bến có công năng phục vụ được các tàu du lịch, tàu tham quan, tàu ngủ đêm và tàu cao tốc cỡ lớn.
Bến nội địa cũng được thiết kế tinh tế, lấy cảm hứng từ những dãy núi đá kỳ vĩ giữa vịnh Hạ Long, với hai màu chủ đạo là nâu gỗ và xanh navy. Đặc biệt, sở hữu vị trí thuận tiện ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy, kế bên quần thể khu vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, bãi tắm công cộng mới và đường bao biển, cùng dịch vụ đẳng cấp, thiết kế độc đáo, bến thủy nội địa này trở thành lựa chọn hàng đầu của hàng nghìn du khách tham quan vịnh mỗi ngày.
Tọa lạc tại vị trí “đỉnh của đỉnh” cùng kiến trúc độc đáo đã giúp Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vượt qua các đối thủ sừng sỏ trong làng tàu biển là: Bến du thuyền Khải Đức (Kaitak) tại Hongkong, cảng Laem Chabang (Thái Lan), cảng Penang (Malaysia), cảng Osaka (Nhật Bản), cảng Thượng Hải (Trung Quốc), cảng du thuyền Singapore và người đồng hương cảng Phú Mỹ (Việt Nam), để giành giải thưởng Asia’s Leading Cruise Port – Cảng tàu khách hàng đầu châu Á năm 2020 trong hệ thống giải thưởng World Travel Awards.
Vòng quay Sun Wheel
Sun Wheel Hạ Long là một trong những điểm vui chơi được xuất hiện trong những năm gần đây, và đã thu hút được hàng triệu sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến với Quảng Ninh. Ngoài được mệnh danh là một trong những tỉnh thành có nhiều loại hình du lịch Quảng Ninh, nhiều danh thắng, cảnh quan, du lịch tín ngưỡng,… thì Quảng Ninh cũng chính là một trong những thiên đường giải trí hấp dẫn trong và ngoài nước. Và Sun Wheel Hạ Long là một minh chứng điển hình.
Được toạ lạc trên đỉnh Ba Đèo ở độ cao 215m so với mực nước biển thì Sun Wheel được đánh giá là một trong những vòng quay ngắm cảnh cao nhất thế giới. Du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Vịnh Hạ Long Kỳ quan thế giới từ Sun Wheel. Đây chính là một trong những điều độc đáo.
Chính điều này cũng sẽ hứa hẹn đem lại cho du khách một góc nhìn mới lạ từ trên cao, toàn cảnh đẹp nhất. Thế giới từ Sun Wheel sẽ hướng tầm nhìn xuống toàn cảnh non nước Hạ Long tuyệt mỹ và thật hoàn hảo biết bao nhiêu.
Sun Wheel là một công trình đã được thiết kế và thi công bởi Sanoyas Hishino Meisho. Đây được đánh giá chính là một tập đoàn của Nhật Bản có kinh nghiệm thi công hơn 80 vòng quay khổng lồ nổi tiếng trên thế giới. Sun Wheel Hạ Long cũng đã được thiết kế với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kỹ sư Nhật Bản, Đức và Việt Nam đem lại độ an toàn cao cũng như tầm nhìn đẹp mắt.
Đến với Sun Wheel Hạ Long ngày cuối tuần chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thích thú cho các bạn trẻ. Vòng quay Mặt Trời khổng lồ trên đỉnh Ba Đèo. Vòng quay là một công trình đồ sộ.
Vòng quay Mặt Trời nằm trong tổ hợp Dự án Công viên Đại Dương (TP Hạ Long). Được đánh giá chính là một trong hai vòng quay mặt trời lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Còn chiếc còn lại nằm trong Công viên Châu Á (Đà Nẵng). Đây được xem là một điểm tự hào của thành phố Hạ Long, một điểm vui chơi lý thú cho các bạn trẻ. Vậy giá vé vào vòng quay Mặt Trời – Sun Wheel là bao nhiêu? Cũng là một trong những câu hỏi được nhiều người hỏi nhất.
Giá vé cho mỗi hành khách đến vui chơi tại Sun Wheel là 300.000 đồng, 200.000 đồng đối với trẻ cao dưới 1,3 m. Và miễn phí cho trẻ nhỏ cao dưới 1 m (trọn gói cho cả cáp treo, vòng quay mặt trời và khu vui chơi trên đồi Ba Đèo).
Sau khi lên tới đỉnh đồi Ba Đèo, thì du khách lúc này cũng có thể phóng tầm mắt nhìn trọn vẹn cầu Bãi Cháy, cảng Cái Lân, Hòn Gai và hơn hết đó chính là thành phố Hạ Long phía bên kia bờ vịnh thật huyền ảo khi về đêm.
Mỗi cabin Sun Wheel lại có sức chứa tối đa là 6 hành khách. Trong mỗi vòng quay kết thúc trong khoảng 15-20 phút. Thực sự đây là một địa điểm lý tưởng để có thể được ngắm Vịnh Hạ Long từ trên cao chưa từng thấy.
Cầu Koi
Nằm trong khu vui chơi trên đỉnh Ba Đèo thuộc tổ hợp Sun World Halong Complex, cây cầu đỏ rực uốn cong trên nền xanh mướt của vườn Nhật. Thiết kế hai tầng của cây cầu mô phỏng hình chú cá Koi, vì thế mà được gọi là cầu Koi. Nhưng tên thực của cây cầu này là cầu Âm Dương, với cầu Dương bên trên và cầu Âm bên dưới, mang ý nghĩa sự kết nối hòa hợp âm dương trong văn hóa Nhật Bản.
Toàn bộ gầm cầu, dầm và mặt cầu đều được làm bằng gỗ. Thành cầu sơn đỏ rực rỡ. Trong văn hóa Nhật Bản đỏ tượng trưng cho màu của lửa, của mặt trời, là màu biểu hiện cho sinh mệnh và có năng lực trừ tà, giải hạn.
Từ trên cao nhìn xuống, sắc đỏ nổi bật trên nền xanh của cỏ cây, của nước hồ. Chẳng thể tưởng tượng được góc Nhật Bản siêu đẹp này đang tồn tại ở Việt Nam.
Từ trên cầu có thể ngắm toàn cảnh vườn Nhật thanh bình, với những nét kiến trúc thiền trong từng mái ngói cong cong, những cây đèn đá, hồ cá Koi, mô hình núi Phú Sỹ thu nhỏ…
Bên kia cây cầu, thấy một Hạ Long bên vịnh biển với những tòa nhà trẻ trung, tràn căng sức sống.
Toàn cảnh Nhật Bản thu nhỏ trên đỉnh Ba Đèo và cây cầu Koi. Đẹp như vườn địa đàng nơi hạ giới.
Để tới “vườn địa đàng” này, sẽ phải đi cáp treo băng qua vịnh, ngắm toàn cảnh Hạ Long từ trên cao. Với nhiều người, khung cảnh ấy khiến họ cứ ngỡ mình lạc ở trời Tây.
Chỉ cách Hà Nội hơn 2h xe chạy thôi, một thế giới khác đã mở ra với vô vàn khám phá, bắt đầu từ cây cầu sơn màu đỏ, rồi tới cả trăm trò vui giải trí tưng bừng, sôi động ở Sun World Halong Complex. Không đi, lỡ mất cả mùa hè.
Cầu Bạch Đằng
Sau hơn 3 năm tích cực thi công, dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng kết nối Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội sẽ được thông xe chính thức vào ngày 1/9 sắp tới.
Riêng cầu Bạch Đằng dài gần 3km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng.
Cầu Bặc Đằng cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với 4 nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp, nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp hơn những cầu dây văng khác.
Trên công trường cầu Bạch Đằng những ngày này, công nhân, kỹ sư của nhà thầu VSL (Thụy Sỹ) – Một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thi công cầu dây văng đang tiến hành lắp đặt khe co giãn ở các dầm cầu, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi sức khỏe của cầu dây văng trong quá trình thi công và khai thác.
Theo ông Thái Văn Dũng – Công ty VSL Việt Nam – Giám đốc Dự án Cầu Bạch Đằng cho biết, hiện nay đơn vị đã hoàn thành lắp đặt hệ thống cáp dây văng hệ SSI2000 (hệ song song SI2000) tiên tiến nhất hiện nay. Các công đoạn cuối như: cắt cáp, bơm keo bảo vệ đầu neo, tháo dỡ các hệ sàn thao tác thi công trên trụ tháp…đang được gấp rút hoàn thiện theo đúng kế hoạch.
“Với khối lượng lắp đặt dây cáp trên cầu Bạch Đằng là hơn 800 tấn, với trên 144 bó cáp kích thước từ 31 đến 85 sợi cáp (tao cáp), đây là một khối lượng công việc đồ sộ. Việc thi công khó khăn, khi nhà thầu VSL luôn phải đối mặt như mưa bão, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên khắc phục khó khăn đó, tất cả công nhân, kỹ sư của VSL tập trung cao độ khắc phục khó khăn, hoàn thành đúng mục tiêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư BOT cầu Bạch Đằng”, ông Thái Văn Dũng cho hay.
Tại dự án này, lần đầu tiên công nghệ xe đúc dầm chạy dưới đặc biệt được áp dụng, ưu điểm là chiều dài đốt đúc lên đến 9,6m, tải trọng đốt đúc lên đến 465 tấn do VSL thiết kế, cũng được thi công và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, VSL còn cung cấp lắp đặt hệ thống gối cầu, khe co giãn của cầu chính, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi sức khỏe của cầu dây văng trong quá trình thi công và khai thác.
Cổng chào tỉnh Quảng Ninh
Cổng chào có diện tích 75.363m2 với vốn đầu tư 198 tỷ đồng được thiết kế bằng khung thép với 08 cột chính có độ cao từ 38-43m. kiến trúc Quảng Ninh của cổng chào là sự kết hợp giữa hai yếu tố di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử gồm đài sen, hồ cảnh, đồi nhân tạo, giao thông cảnh quan.
Dự án trên có quy mô diện tích trên 139.000 m2 và tổng mức đầu tư 368 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh chi cho giải phóng mặt bằng với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, toàn bộ số vốn còn lại sử dụng từ nguồn xã hội hóa và vốn tự có. Các hạng mục còn lại của khu dừng nghỉ và giới thiệu sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh dự kiến hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9.
Cổng chào thiết kế với 8 nhịp chính có độ cao từ 38-43m, trọng lượng mỗi trụ lên đến 105 tấn, chiều rộng chân trụ từ 50-60m, trải dài 80m trên quốc lộ 18A, lấy cảm hứng từ những cơn sóng, các dãy núi trùng điệp. Xen kẽ là 60 thanh thép với hình dạng không giống nhau lấy cảm hứng từ hình dáng những con rồng đang bay lên.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp