Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Đây là tỉnh đông dân thứ 5 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội , tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Đồng Nai nằm ở vùng Đông Nam Bộ, nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các điểm du lịch có tiềm năng. Du lịch Đồng Nai với nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, phong phú , là điểm đến thú vị cho mỗi du khách. Có rất nhiều địa điểm du lịch Đồng Nai tuyệt đẹp để bạn có thể tham quan và khám phá trong chuyến du lịch của mình, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa của đất nước.
Du khách còn có thể tham quan những quần thể kiến trúc Đồng Nai kỳ vỹ được xây dựng dựa trên những hang động thiên nhiên tạo nên những nét thâm nghiêm và huyền bí. Một ngày trải nghiệm du lịch tại Đồng Nai sẽ giúp cho du khách cảm nhận thêm nhiều điều về thiên nhiên nơi đây hay hít thở không khí trong lành, tận hưởng sự yên tĩnh của núi rừng, bao la của không gian và sự lắng đọng của tâm hồn. Tất cả dành cho du khách những phút giây thật sự yên bình và lắng đọng giữa cuộc sống nhiều bộn bề lo toan.
Văn Miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên là “Văn miếu” đầu tiên được xây dựng (xây năm 1715) tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và là nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ. Năm 1861, nơi thờ phụng trên đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay toàn thể khu vực uy nguy đẹp đẽ và quy mô này, tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt ở vùng đất mới, 17 năm sau, tức năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đây là “Văn miếu” đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.
Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ… thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.
Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu, trên các cột nhà treo đôi liễn đối, như:
Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên,
Lớp lớp anh tài giang lục tỉnh.
Võ Trường Toản mở trường Gia Định,
Đời đời sĩ khí nối tam gia.
Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.
Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn,… bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông…
Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền-Hậu hiền. Phía trước hai bên nhà thờ chính: Là Văn Vật Khố (nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm). Đăng đối hài hòa với Văn Vật khố là Thư khố – nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo… viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai xưa và nay.
Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên–Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước.
Hiện nay, du khách đến thăm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng đông do phong cảnh rộng thoáng, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã. Văn Miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc và của đất Ðồng Nai. Nơi đây còn rất gần với Khu du lịch văn hóa Bửu Long.
Chùa Đại Giác
Chùa Đại Giác còn gọi là Đại Giác cổ tự, chùa Phật lớn hay chùa Tượng; xưa thuộc thôn Bình Hoành, xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên; nay là khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo Thành phố Biên Hòa, thì vào giữa thế kỷ 17 có ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế tông, từ miền Trung đến Đồng Nai hoằng hóa đạo Phật.
Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên Chùa Bửu Phong (1679), nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người chèo ghe, thuyền đến Cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).
Buổi đầu, chùa có kích thước nhỏ hẹp, được tạo dựng bằng cột gỗ, vách ván, và lợp ngói âm dương. Thời Thiền sư Tổ Ấn-Mật Hoằng trụ trì, Nguyễn Thị Ngọc Anh, là công chúa thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Ánh có đến trú tại chùa một thời gian.
Mặt tiền chùa quay theo hướng Tây Bắc nhìn ra sông Đồng Nai. Giữa sân trước chùa là một cây bồ đề lớn, do Hòa thượng Đinh Tông trồng vào ngày rằm tháng 11 năm Kỷ Mão (1939) và pho tượng Phật Quan âm Nam Hải đứng trên tòa sen. Bên tả và phía sau là khu vườn rộng trồng cây trái, bên hữu là khu bảo tháp với nhiều mộ tháp của các vị trụ trì viên tịch.
Tuy bên ngoài, mái hiên chùa thấp và có lối kiến trúc Đồng Nai hiện đại, nhưng bên trong chùa, vẫn còn theo kiểu mẫu của các chùa xưa ở vùng Đồng Nai, với các cột tròn và cao vút, tạo không gian thoáng đãng. Chùa gồm chánh điện, nhà khách, phòng chư tăng, trai đường và nhà bếp.
Chánh điện là căn nhà ba gian rộng lớn, dùng để thờ. Gian giữa: ở trên cao là đức tượng Phật A-di-đà bằng gỗ cao 2,25 m, phía dưới là tượng Phật Thích-ca Mâu-ni và Phật Di-lặc. Phía gần cửa ra vào là giàn đèn Phật Dược Sư gồm 49 cây đèn dầu nhỏ với 49 tượng Phật bằng gỗ nhỏ, chân giàn đèn chạm trổ rất mỹ thuật. Gian bên trái là khánh thờ tổ sư Bồ-đề-đạt-ma. Gian bên phải là khánh thờ Quan thánh đế quân. Hai bên vách, mỗi bên thờ năm vị Diêm vương và hai Phán quan.
Chùa là chứng tích cho bước đường Nam tiến ở nửa đầu thế kỷ 17 của ba nhà sư thuộc dòng Lâm Tế ở Đàng Trong. Ngoài giá trị này, ở chùa Đại Giác còn có các tượng Phật, hoành phi, liễn đối, phù điêu…mang nhiều đề tài phong phú, được chạm khắc công phu, sơn son thiếp vàng. Tất cả đã thể hiện tài năng nhân chạm khắc của người tạo tác và phản ánh được ít nhiều nền mỹ thuật truyền thống vùng Đông Nam Bộ.
Vì những giá trị vừa kể, chùa Đại Giác đã được xếp hạng là Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 993/QĐ, ký ngày 28 tháng 9 năm 1990.
Đền Nguyễn Hữu Cảnh
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, còn được gọi là Đình Bình Kính thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam. Là di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng ngày 25/3/1990. Nơi đây, nhân dân Biên Hòa thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh – một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam Tổ quốc.
Trước đây, di tích là một “miếu võ trang nghiêm” và được các triều vua Nguyễn quan tâm. Khi Gia Long lên ngôi đã cho trùng tu, cắt cử 10 phu trông coi, hằng năm đều xuất quỹ công tế lễ vào ngày giỗ. Đến năm 1851, triều Tự Đức cấp 100 quan tiền để di dời, sửa chữa vào năm 1923-1960 đều được tái thiết. Kiến trúc Đồng Nai của di tích còn được bảo lưu với những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự. Đặc biệt, các bàn hương án, nghệ thuật chạm khắc với bao đề tài dân gian sinh động. Tại dinh còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền của đức ông thuở sinh thời.
Mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Mặt trước đền có gắn đôi rồng chầu pháp làm bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân. Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tường. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 16/05 và ngày 11/01 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đế công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương nam.
Đình Tân Lân
Đình Tân Lân toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền hướng Tây Nam, nhìn ra dòng sông Đồng Nai. Xưa kia đình thuộc thôn Tân Lân (Xóm Mới), huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên; nay thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Ngày 14 tháng 12 năm 1861, theo kế hoạch đánh chiếm Biên Hòa do tướng Bonard phê chuẩn, liên quân Pháp và Tây Ban Nha với khoảng một ngàn quân, hai hạm thuyền tiến đánh cả đường bộ và đường thủy. Sáng ngày 17, Pháp chiếm được tỉnh lỵ Biên Hoà, và kể từ đó ngôi miếu phải hai lần dời chuyển (năm 1861 và 1906), mới đến nơi hiện nay. Năm 1935, miếu được xây dựng mới kiên cố và đặt tên là Tân Lân thành cổ miếu (gọi tắt là Đình Tân Lân).
Đình Tân Lân toạ lạc nơi khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m², trên một nền cao 60 cm bằng đá xanh, lát gạch bông (20cm X 20 cm), với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Quốc. Mặt đình được kiến trúc tại Đồng Nai theo kiểu chữ tam (三), lợp ngói âm dương, trên nóc chính điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng. Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ…
Đình gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và hậu cung nối tiếp nhau. Hai bên tả hữu là miếu thờ Bà và thờ Ông.
Phần Tiền đình có diện tích 75,5m². Trên nóc trang trí hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động như: Bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, diễn võ đài, cảnh bái triều rước xách, tiễn đưa, diễn hí tấu nhạc, vinh qui bái tổ, xét xử tội nhân nơi địa ngục, hội triều nơi thiên đình…Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn.
Phần Chánh điện chiếm diện tích 487,5m². Tượng Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng giữa chánh điện. Nơi đây có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng… bằng đồng đứng chầu, cùng bộ bát bửu cũng bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm. Ngoài ra, đình còn có tổ hợp thờ thần rất phong phú: thờ bà Thiên Hậu, thờ Quan Công, Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Bạch Mã Thái Giám, v.v…
Hậu cung 120m², có bốn hàng tám cột, khung và vì kèo bằng gỗ không trang trí, hai mái lợp ngói âm dương, trên bờ nóc có gắn tượng rồng chầu pháp lam, hai bên có đôi cá chép và lân bằng gốm men xanh, nền lát gạch hoa. Chính giữa thờ Tiên sư, hai bên thờ Tiên thứ Việt Nam và Tiên thứ Trung Quốc. Ngoài ra, ngay sau Hậu cung còn có khu nhà bếp.
Đình Tân Lân với những mảng trang trí trên là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố kiến trúc đẹp tại Đồng Nai thời Nguyễn với yếu tố kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vùng Hoa Nam (Trung Quốc).
Cầu Long Thành
Là cây cầu khổng lồ dài 3.100 m bắc qua sông Đồng Nai, Long Thành nắm vai trò quan trọng trong tuyến giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Chạy xe vượt qua cầu, bầu trời xanh biếc và cảnh sông Đồng Nai tuyệt đẹp sẽ thu hết vào tầm mắt của bạn.
Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai nối liền Quận 9 thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Cầu Long Thành thuộc gói thầu số 2 của dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (giai đoạn 1) với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.100 m, trong đó phần cầu dài 2.346 m (phần còn lại là đường dẫn vào cầu), rộng 19.7 m. Cầu được thiết kế cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc thiết kế 100 km/ giờ, giá trị hợp đồng của gói thầu trên 1.219 tỷ đồng.
Cienco6 vinh dự là đơn vị thi công 2 gói thầu số 1B và gói số 2, gói thầu số 1B đã hoàn thành và hôm nay lễ hợp long cầu Long Thành đánh dấu thời điểm chính thức nối liền 2 bờ sông Đồng Nai giữa TP. Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Khởi công từ 4/5/2010 và hoàn thành vào ngày 27/10/2013, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ nhất là về công tác giải phóng mặt bằng bên phía bờ Đồng Nai, thậm chí phải thay đổi thiết kế kéo dài nhịp để tránh việc vướng mặt bằng không giải tỏa được. Mặt khác trong 2 năm 2010, 2011 tình hình lạm phát gia tăng, giá thép tăng cao cộng với lãi suất ngân hàng nhảy vọt, càng làm khó khăn chồng chất.
Cầu Long Thành qua sông Đồng Nai là tuyến giao thông thủy huyết mạch của vùng Đông Nam Bộ, dòng sông rộng và nước chảy xiết làm công tác đảm bảo giao thông thủy rất quan trọng, dẫn đến việc triển khai công tác đảm bảo giao thông mất không ít thời gian, nhiều vị trí thi công có nền địa chất phức tạp, gặp tầng đá cứng ở phía dưới nên ảnh hưởng đến công tác khoan cọc nhồi. Ngoài ra, đây là 1 tuyến đường hoàn toàn mới đi qua nhiều kênh rạch nên phải làm rất nhiều cầu trên đường công vụ suốt chiều dài 7 km toàn tuyến thuộc gói thầu số 1B và gói số 2. Khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, mưa bão nhiều rất khó khăn cho việc thi công nhất là thi công cấp phối sỏi đỏ và thi công bê tông nhựa nóng.
Chùa Bửu Phong
Chùa Bửu Phong là một ngôi chùa cổ tọa lạc trên núi Bình Điện tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 17 và đã trải qua nhiều lần trùng tu.
Trước đây, du khách viếng chùa đều phải leo lên 99 bậc đá, nay đã có đường lên đến sân chùa cho du khách đi xe máy. Mặt chính của chùa quay về hướng Đông Bắc, từ đây nhìn xuống sân bay Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên và những đồng ruộng. Bên trái có đá Thanh Long (còn gọi là Hàm Rồng), bên phải có hang Bạch Hổ và đài Tam thế Phật. Chùa gồm có các hạng mục: chánh điện, giảng đường và nơi thờ tổ.
Trung tâm ngôi chánh điện thờ Phật Di Đà Tam Tôn, Đức Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng thượng đế, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Hai bên tả hữu thờ Quan Công và Tổ sư Đạt Ma. Ngoài ra còn có hương án thờ Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Địa Tạng và bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. Ngôi bảo tháp sau chánh điện thờ Xá Lợi Phật.
Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào ghi lại chính xác năm chùa được xây dựng đầu tiên. Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc gỗ trên hai cột ở gian giữa giảng đường thì chùa được xây dựng từ năm Bính Thìn, phía trước đề 1616 nhưng năm 1616 lại không tương ứng với năm Bính Thìn âm lịch. Có tư liệu cho rằng vào khoảng năm 1679, một nhóm dân binh Trung Quốc là thuộc hạ Tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên đến Đồng Nai đến chùa tỵ nạn, đã xây cất lại bằng gạch ngói và thỉnh Hòa thượng Thành Trí đến trụ trì.
Năm 1829, Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm đã tổ chức xây cất mở rộng ngôi chùa theo kiến trúc Đồng Nai cổ của Trung Quốc.
Cầu Ghềnh
Cầu Ghềnh (hay còn gọi là cầu Gành hoặc cầu Đồng Nai Lớn) là một chiếc cầu sắt bắc qua sông Đồng Nai, nối phường Bửu Hòa và phường Hiệp Hòa (tức cù lao Phố) tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phục vụ cho tuyến đường sắt Bắc – Nam thuộc khu gian Biên Hòa – Dĩ An tại lý trình 1699+860.
Đây là cây cầu do người Pháp xây dựng từ năm 1901 và khánh thành vào tháng 1 năm 1904 để dành đi chung cho giao thông đường bộ và đường sắt với hai phần bên hông dành cho xe hai bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Trong suốt hơn 100 năm tồn tại, cầu Ghềnh đã tạo thành dấu ấn đặc biệt cho mảnh đất lịch sử Đồng Nai và trở thành biểu tượng của thành phố Biên Hòa.
Từ tháng 4 năm 2013, cầu chỉ dành cho giao thông đường sắt và xe hai bánh lưu thông một chiều hướng từ trung tâm thành phố Biên Hòa sang phường Bửu Hòa. Sau tai nạn khiến trụ giữa bị phá hủy hoàn toàn và hai nhịp cầu sập xuống nước vào tháng 3 năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chọn phương án xây mới toàn bộ cầu. Công trình chính thức khánh thành vào ngày 2 tháng 7 năm 2016, giúp thông lại tuyến đường sắt Bắc – Nam sau ba tháng gián đoạn.
Năm 1901, quốc lộ 1 và đường sắt Sài Gòn – Nha Trang chạy qua tỉnh Biên Hòa được khởi công. Cùng năm đó, Pháp cho triển khai đào móng thi công cầu Ghềnh bắc qua mỏm tây của cù lao Phố. Đầu thế kỷ 20, quốc lộ 1 đi qua Biên Hòa khá hẹp, rộng khoảng 5m, được rải đá và cấp phối sơ sơ. Sở Trường Tiền được lập ra với nhiệm vụ làm đường, bắc cầu nhỏ và sửa chữa, bảo trì đường bộ. Năm 1903, Cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh do Hãng Eiffel (Pháp) thiết kế, chế tạo bắc ngang qua sông Đồng Nai làm xong. Ngày 14 tháng 1 năm 1904, cầu Ghềnh chính thức được khánh thành, giúp tuyến đường sắt nối liền Sài Gòn và Biên Hòa bắt đầu hoạt động. Đây được xem là công trình tầm cỡ ở xứ Nam Kỳ, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình lịch sử lúc bấy giờ. Không chỉ dành cho xe lửa qua lại, cầu còn là huyết mạch giao thông đường bộ của tuyến quốc lộ 1. Để hoàn thành chiếc cầu này, hàng ngàn phu cầu người Việt đã bỏ mạng lại dòng sông Đồng Nai do điều kiện lao động khắc nghiệt.
Thêm vào đó, cầu còn dùng chung giữa đường bộ và đường sắt nên nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. Hai làn xe máy ở hai bên cánh gà rất hẹp nên người dân thường lấn sang làn đường ray xe lửa, các loại xe thường chạy ngược chiều dù đã có biển cấm. Mỗi khi có nhiều ôtô đi lên cầu một lần sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm. Mặt cầu còn rất trơn trượt dễ gây ra tai nạn té xe, nhất là vào trời mưa. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn vào tối ngày 6 tháng 2 năm 2011, đoàn tàu Thống Nhất mang số hiệu SE2 chạy hướng Sài Gòn – Hà Nội khi qua cầu đã đâm phải 6 ô tô làm 2 người chết và 22 người bị thương. Vụ tai nạn khiến ngành đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải phải đề ra hàng loạt phương án nhằm tách đường bộ ra khỏi đường sắt tại những cây cầu dùng chung trên toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam.
Tên gọi cầu hiện là một vấn đề gây tranh cãi. Theo ý kiến của nhiều người dân Biên Hòa, nhất là những người lớn tuổi sống ở cù lao Phố, gọi tên cầu Ghềnh là chưa đúng và không có ý nghĩa bằng cách gọi cầu Gành mà người Biên Hòa đã gọi hàng trăm năm nay. Ngay cả tài liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận tên cầu là cầu Gành. Tên “Gành” được đặt dựa vào địa thế của khu vực lòng sông Đồng Nai. Nơi đây có nhiều gành đá tảng lớn dưới lòng sông, mỗi khi thuỷ triều xuống, những tảng đá to lớn nổi lên rất rõ. Tương truyền đây là những khối đá do người dân ném xuống lòng sông để làm rào cản ngăn tàu Pháp đánh chiếm Thành Biên Hòa vào năm 1860. Ông Lưu Văn Du, giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, cho hay tên gọi “Ghềnh” có thể là do những người miền Bắc di cư đến Biên Hòa sau năm 1975 phát âm trại từ tên “Gành” thành tên “Ghềnh”.
Thiền Viện Thường Chiếu
Thiền viện tọa lạc tại số 001, tổ 23, ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thiền viện ở bên trái đường Quốc lộ 51, giữa cây số 76 – 77, cách TP. Biên Hòa 44km, cách thị trấn Long Thành 14km. ĐT: 061.841071, 061.841079. Thiền viện thuộc hệ phái Bắc tông.
Thiền viện mang tên một danh tăng thời Lý. Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203) họ Phạm, quê làng Phù Ninh. Ngài làm quan dưới triều vua Lý Cao Tông, sau từ quan, xuất gia ở chùa Tịnh Quả, thuộc đời thứ 12, dòng thiền Vô Ngôn Thông.
Trên một khu đất rộng 52 hecta do mẹ con bà Huỳnh Thị Nhơn cúng dường để xây dựng các tự viện ở Long Thành, Thiền viện Thường Chiếu có diện tích 13 hecta, do Hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập vào năm 1974.
Hòa thượng Thích Thanh Từ tên Trần Thanh Từ, sinh năm 1924 ở Trà Ôn, Cần Thơ (nay là Vĩnh Long). Ngài xuất gia năm 1949 tại chùa Phật Quang ở rạch Bang Chang, Thiện Mỹ, Trà Ôn. Bổn sư của ngài là cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hiện nay, Hòa thượng là thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài là một Thiền sư giảng sư nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam suốt 35 năm, từ năm 1970.
Thiền viện đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện khang trang vào năm 1994 dựa trên bản vẽ thiết kế của nhóm kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam. Tường xây gạch, cột bê tông cốt thép giả gỗ, mái cổ lầu lợp ngói. Tượng đức Bổn sư Thích Ca tay cầm bông sen, biểu trưng niêm hoa vi tiếu, tôn trí ở án giữa Phật điện do nghệ nhân Minh Dung thực hiện. Thiền viện cho mở rộng tổ đường năm 1998.
Từ ngoài vào, các công trình xây dựng chính của thiền viện được bố trí như sau: Qua cổng tam quan là ngôi chánh điện và tổ đường. Trước chánh điện có lầu chuông và lầu trống; hai bên và phía sau có các công trình: Tăng đường, thư viện, tông môn tàng thư, trai đường, nhà khách, tăng thất, khu thiền thất, bệnh xá…
Trụ trì thiền viện từ năm 1975 đến năm 1980 là Thượng tọa Thích Nhật Quang, từ năm 1980 đến năm 1989 là Thượng tọa Thích Thiện Phát, và từ năm 1989 đến nay là Thượng tọa Thích Nhật Quang. Thượng tọa còn đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai.
Thiền viện tổ chức các vị tăng tu học theo tinh thần thiền tông thời Trần. Đây là đường lối tu tập do sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông sáng lập, nhấn mạnh ở sự tu tập nội tâm, đưa đến thanh tịnh hóa bản thân, khiến lòng không còn vướng bận ngoại cảnh thì tự tánh hiển lộ. Đây cũng là phương pháp thực tiễn tu tập ba pháp học Giới, Định, Tuệ phù hợp với giáo lý nguyên thủy được Thiền tông thời Trần ứng dụng. Nay được Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khởi xướng khôi phục và duy trì những đặc điểm của Thiền tông Việt Nam trong việc tu tập của tăng, ni tại thiền viện Thường Chiếu, thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng), thiền viện Trúc Lâm (Yên Tử, Quảng Ninh) cùng nhiều thiền viện khác như: thiền viện Chơn Không, thiền viện Liễu Đức, thiền viện Viên Chiếu, thiền viện Linh Chiếu, thiền viện Phổ Chiếu, thiền viện Huệ Chiếu…
Chùa Bửu Đức
Chùa được xây dựng năm 1970, rộng 6000 m2, có các công trình như: chánh điện, tăng xá, nhà cốt.
Trên nóc chánh điện có 4 tháp: đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân, niết-bàn; tháp giữa là tháp xá lợi Sanchi, kỷ niệm nơi Phật thuyết Abhidham hạ thứ 7, dưới chân thành Kosampi khi ngài xuống từ cung trời Đạo Lợi.
Sư Pháp Bửu là vị khai sơn chùa Bửu Đức và cho xây dựng chùa năm 1970. Sau đó một thời gian thì sư hoàn tục ra đời nên chùa thiếu vắng trụ trì. Nhằm lúc Sư Giác Chánh đi giảng trên tỉnh hội qua đây thì nghĩ thấy cùng chung hệ phái nên sư mới lưu về đây nghỉ. Sau đó, Phật tử yêu cầu xin vô giáo hội thì giáo hội bổ nhiệm Sư Giác Chánh về trụ trì vào năm 1992. Như vậy, tính đến năm 2015 thì chùa trãi qua 2 đời trụ trì.
Về truyền thống sinh hoạt của chùa Bửu Đức rất đơn giản. Mỗi ngày có 2 thời công phu sáng và chiều, chư tăng, tu nữ lên tụng kinh rồi ngồi thiền. Mỗi tháng có 2 ngày sám hối vào ngày rằm và 30, Phật tử cũng vô đây thì quý sư cũng thay phiên nhau thuyết giảng còn chánh thức lễ thì trụ trì chỉ đăng ký một năm vào ngày rằm tháng 10 là lễ dâng y Kaṭhina. Còn lễ rằm tháng tư thì cũng bình thường, vào ngày lễ thì tổ chức đầu đà rằm tháng giêng và tháng tư, Phật tử đến thì nghe pháp, ngồi thiền, giảng đạo, luận đạo.
Chùa cũng vẫn giữ truyền thống 2 ngày rằm tháng giêng và tháng tư. Sư trụ trì không có tạo thêm những gì mới nhưng cũng không bỏ những gì cũ nên vào ngày rằm tháng 7 chùa không tổ chức lớn như những chùa khác.
Đại chủng viện Xuân Lộc
Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc (tiếng Anh: Saint Joseph Seminary of Xuan Loc) là một trong 8 đại chủng viện tại Việt Nam, nơi đào tạo linh mục cho bốn giáo phận: Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Đại chủng viện tọa lạc tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, thuộc Giáo phận Xuân Lộc.
Trước đó, đại chủng viện này đã trải qua quá trình hình thành ở các giai đoạn.
Từ năm 1966 đến năm 1975 được mang tên “Tiểu chủng viện Thánh Phaolô” nhân việc thành lập Giáo phận Xuân Lộc vào năm 1966.
Từ năm 1975 đến năm 1986, cùng với các chủng viện khác tại Việt Nam, Tiểu chủng viện Thánh Phaolô cũng bị chính quyền đóng cửa, không cho phép hoạt động đào tạo linh mục, giáo sĩ.
Từ năm 1986 đến năm 2005, các chủng viện ở Việt Nam được phép hoạt động trở lại. Công việc đào tạo linh mục ở giáo phận Xuân Lộc chuyển về cho Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Trong năm 1999, vấn đề mở cơ sở II tại Xuân Lộc của đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn được chính quyền chấp thuận, nhưng mãi đến năm 2005 mới khai giảng được niên khóa đầu tiên.
Nhà thờ Chánh Tòa Xuân Lộc
Năm 1945, Giáo họ Xuân Lộc có khoảng 30 gia đình và một nhà nguyện nhỏ tại ngã ba Phan Thanh Giản và Thoại Ngọc Hầu do Cha Mai Ngọc Khuê, chánh xứ Bình Lộc coi sóc.
Ngày 15.09.1959, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Sài Gòn cho tách họ Xuân Lộc khỏi Giáo xứ Suối Tre và nâng lên thành Giáo xứ Xuân Lộc. Cùng lúc, Đức Cha Simon bổ nhiệm Cha Giuse Lâm Quang Trọng làm Cha xứ tiên khởi của Giáo xứ Xuân Lộc.
Ngày 14.10.1965, Giáo phận Xuân Lộc được thành lập. Một năm sau, Đức tân Giám mục Giuse Lê Văn Ấn về nhận Giáo phận Xuân Lộc dưới quyền chủ tọa của Đức Khâm Sứ tòa thánh Angelo Palmas tại nhà thờ Xuân Lộc. Từ ngày này, nhà thờ Xuân Lộc được nâng lên thành nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Xuân Lộc (khởi công: ngày 02.02.1963 và khánh thành: ngày 22.12.1966).
Để chuẩn bị đón Đại Năm Thánh 2000 và 35 năm thành lập Giáo phận Xuân lộc, Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh cùng cộng đoàn Giáo xứ Chính Tòa đại tu nhà thờ và chỉnh trang khuôn viên thánh đường. Qua các thời quý Cha coi sóc Giáo xứ Chính Toà, cộng đoàn lần lượt xây dựng các cở sở hạ tầng để phục vụ Giáo xứ: nhà xứ, nhà giáo lý, hội trường, nhà sách, nhà vãng lai, các tượng đài, bãi xe. Hiện nay, dưới sự hướng dẫn của Cha Đaminh Ngô Công Sứ, các sinh hoạt mục vụ của các hội đoàn Giáo xứ đã đi vào nề nếp, ổn định và cộng đoàn Chính Toà ngày thêm vững mạnh trong đức tin, tình mến.
Nhà máy thủy điện Trị An
Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Hồ Chí Minh 65 km về phía Đông Bắc.
Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, phát điện tổ máy số 1 ngày 30/4/1988 và khánh thành 1991.
Hồ Trị An là hồ chứa điều tiết hằng năm, mục đích để phát điện với mực nước dâng bình thường (HBT) 62 m, mực nước chết (HC) 50 m, mực nước gia cường 63,9 m.
Lưu lượng chạy máy ở công suất định mức là 880 m3/s, tương ứng 220 m3/s cho mỗi tổ máy, cột nước tinh là 53m. Nhà máy thủy điện được xây với tổng công suất lắp máy 4 tổ × 100 MW = 400 MW, sản lượng điện hằng năm 1,76 tỉ kWh.
Lưu lượng nước xả lũ qua đập tràn cao nhất theo thiết kế là 18.450 m3/s.
Tuyến áp lực chính gồm đập ngăn sông và đập tràn. Đập ngăn sông được đắp bằng đất đá hỗn hợp, dài 420m, cao 40m, đỉnh đập rộng 10m. Đập tràn xả lũ dài 150m, có 8 khoang tràn, mỗi khoang rộng 15m với 8 cửa van cung được đóng mở bằng cẩu chân dê 2×125 tấn.
Đập chính và các đập phụ tạo nên hồ chứa nước rộng 323 km2 với dung tích tổng cộng 2,76 tỉ m3, dung tích hữu ích là 2,54 tỉ m3, dung tích chết 0,218.109 m3.
Công trình thủy điện Trị An còn có ý nghĩa kinh tế tổng hợp với mục đích chính hòa lưới điện quốc gia cùng với các nhà máy khác cung cấp điện cho phụ tải toàn quốc. Ngoài ra, là thủy điện đa mục tiêu, công trình còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ.
Nhà thờ Giáo xứ Ðông Vinh
Năm 1955, Cha Tôma Lý Quang Phụng dẫn một số giáo dân gốc Giáo phận Hải Phòng, Bắc Ninh và Thái Bình đến khai hoang đất rừng tại Hố Nai và hình thành giáo điểm truyền giáo. Thời gian đầu, cộng đoàn này dựng một nhà nguyện tạm bằng tôn, vách ván với diện tích (8m x 20m) để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện.
Năm năm sau, 1960 cộng đoàn lập nên ấp Đông Hải II và trở thành Giáo họ Đông Hải thuộc Giáo xứ Đồng Lách. Năm 1964, giáo dân Đông Hải II xây lại nhà nguyện bằng gạch với diện tích 11m x 32m.
Qua các thời quý Cha phụ trách, cộng đoàn Đông Vinh đang dần lớn mạnh trong đức tin và tình mến. Nhờ tình thương của Chúa, sự nhiệt tâm của quý Cha quản xứ và trong tình đoàn kết thương yêu, cộng đoàn Đông Vinh lần lượt xây dựng và khánh thành nhà thờ bằng vật liệu kiên cố (44m x 16m), nhà xứ (15m x 4m). Năm 2008, Cha Vincentê Nguyễn Tiến Dũng được cử làm chánh xứ Đông Vinh. Dưới sự hướng dẫn của Cha Vincentê, Giáo xứ Đông Vinh đã ổn định và phát triển như hiện nay.
Ngày 5/5/2018, nhà thờ Giáo xứ Đông Vinh vừa mới khánh thành sau 6 năm xây dựng, với chiều dàu 55m và chiều rộng 24m. Công trình kiến trúc nơi đây mang đậm phong cách châu Âu, do linh mục chính xứ và người dân địa phương xây dựng bằng đá Magma. Nhìn từ bên ngoài, Giáo xứ toát lên vẻ đẹp vô cùng kiêu sa, xen lẫn chút mộng mị.
Phía bên trong nhà thờ được trang hoàng tuyệt đẹp, với ánh đèn vàng nổi bật. hai bên trần nhà trang trí bắt mắt, rộng rãi có sức chứa lên tới cả trăm người. Từng chi tiết ở trong Giáo xứ đều được xây dựng tinh tế, tỉ mỉ. Những chóp nhọn nhô cao, cùng từng đường nét chạm khắc hoa văn tuyệt đẹp.
Những góc chụp hình siêu đẹp ở đây thu hút nhiều du khách xa gần tìm đến và check-in ngút ngan. Thời điểm từ 8h – 10h hoặc buổi xế chiều là lúc cảnh sắc khu Giáo xứ nổi bật nhất, đem đến những bức ảnh độc đáo. Tuy nhiên, khi Giáo xứ hành lễ thì du khách tuyệt đối không được chụp ảnh và cũng cần phải được sự cho phép của Linh mục chính xứ nữa nhé. Khi lên hình, Giáo xứ trông lại mang nét đẹp vừa cổ điển, vừa sang trọng đến lạ thường. Nơi đây thường được nhiều cặp đôi tìm đến để chụp những bộ ảnh cưới lung linh, tuyệt đẹp.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp