Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam.
Hà Giang nằm ở cực phía Bắc Việt Nam. Đường từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang dài khoảng 280km. Đi ô tô qua các cung đường cao tốc, quốc lộ chỉ mất khoảng 5 tiếng nên du khách có thể tự lái ô tô, đi xe khách đường dài, xe tour du lịch Hà Giang hoặc ‘phượt’ bằng xe máy.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Du lịch Hà Giang với nhiều khung cảnh hùng vĩ của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc mùa nào cũng đáng đi, đáng chiêm ngưỡng, trên đường đi bạn sẽ bắt gặp những nơi có nhưng con đường chạy ngút lên trời xanh, những nơi hình hài đất nước nổi lên như bản đồ, hoặc những nơi có ruộng bậc thang rộng lớn. Nổi tiếng với phong cảnh hùng vĩ cùng với những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, những cánh đồng hoa tam giác mạch phủ tím những quả đồi hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao là những điều thu hút du khách khắp nơi đến với Hà Giang.

Dân tộc Mông đã hàng trăm năm nay sống trên các triền núi đá cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở truyền thống của người Mông. Từ quan niệm sống, môi trường sống đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc Hà Giang. Các ngôi nhà đều có màu nâu vàng của tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá màu xám tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ ai khi đi ngang qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn.
Cửa khẩu Thanh Thủy
Cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu quan trọng nhất và là cửa khẩu quốc tế duy nhất tại Hà Giang. Tháng 2/2014 cặp cửa khẩu Thanh Thủy – Thiên Bảo được nâng cấp lên Cửa khẩu quốc tế trên cơ sở ban đầu là một cửa khẩu Quốc gia.
Cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 22 km về phía Tây Bắc, kết hợp với cửa khẩu Thiên Bảo (Tianbao), huyện Malipo, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Không gian của khu kinh tế cửa khẩu này bao trùm 6 xã của huyện Vị Xuyên gồm Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang và 1 xã của thành phố Hà Giang là xã Phương Độ.
Theo kế hoạch, khu kinh tế cửa khẩu sẽ bao gồm các phân khu: khu hành chính, khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu đô thị, v.v…
Trước đó, từ năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã cho phép áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới ở hai xã Phương Tiến và Thanh Thủy nhằm khai thác những lợi thế địa lý của một cặp cửa khẩu gần thị xã Hà Giang và nằm trên quốc lộ 2 và có sông Lô chảy qua.
Các hoạt động giải phóng mặt bằng sẵn đã được tiến hành và chính quyền Hà Giang đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu. Hiện tại đây đã có trung tâm thương mại quốc tế Thanh Thủy, có cửa hàng miễn thuế liên doanh, hai nhà máy ô tô liên doanh với Trung Quốc (các công ty Giải Phóng và Bắc Sơn), và nhiều cơ sở kinh doanh khác.
Trong 9 tháng đầu năm 2008, có 114.990 lượt người xuất cảnh và 28.356 lượt người nhập cảnh, 528 lượt xe ô tô Việt Nam xuất cảnh và, 2935 lượt xe ô tô Trung Quốc nhập cảnh. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 165 triệu USD. Hàng xuất khẩu chủ yếu qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy – Tianbao là nhân hạt điều, quặng các loại, hoa quả tươi, hải sản khô… Hàng nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như điện năng, xe ô tô các loại, linh kiện ô tô tải, hoa quả tươi….
Tuy nhiên vì cả hai bên biên giới đều là vùng kinh tế chưa phát triển, thị trường hẹp, nên hoạt động giao thương tùy thuộc vào sự ấm lạnh của kinh tế mỗi nước.
Bảo tàng lịch sử
Bảo tàng tỉnh Hà Giang nằm bên bờ sông Lô, gần cầu Yên Biên 1 (số 148 đường Trần Hưng Đạo, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang). Nhà trưng bày Bảo tàng có tổng diện tích gần 1.000m2 được thiết kế tựa như bông hoa sen vươn lên trời cao giữa trung tâm thành phố Hà Giang. Nhà trưng bày gồm 2 tầng: Tầng 1 gồm gian long trọng, gian triển lãm chuyên đề, gian trưng bày, giới thiệu về CVĐC toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn và phòng trải nghiệm. Tầng 2 là hệ thống trưng bày chính gồm 04 chủ đề: Chủ đề 1 giới thiệu về mảnh đất, con người Hà Giang; chủ đề 2 phản ánh về Hà Giang thời Tiền sử; chủ đề 3 về lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân Hà Giang và chủ đề 4 về thành tựu trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của quân và dân tỉnh Hà Giang từ năm 1975 đến nay.
Trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống của 14 dân tộc có lịch sử cộng cư lâu đời, sống thành làng bản còn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, gồm các dân tộc: Nùng, Giáy, La Chí, Hoa, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo. Ngoài ra trưng bày, giới thiệu chi tiết theo tổ hợp của 4 dân tộc: Mông, Tày, Dao, Kinh. Thông qua phần trưng bày đã giới thiệu khái quát về bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Phần trưng bày thời Tiền sử và Sơ sử gồm bộ sưu tập hiện vật gốc là các công cụ đá qua các thời kỳ có niên đại từ 4.000 đến 30.000 năm cách ngày nay, qua đó khẳng định Hà Giang là vùng đất cổ, là nơi cư trú và sinh sống lâu đời của người nguyên thuỷ.
Ngoài ra, trưng bày sưu tập trống đồng cổ với nhiều loại hình, kiểu dáng phong phú có niên đại từ sớm đến muộn, tồn tại trong khoảng thời gian từ 2.000 năm đến 2.500 năm cách ngày nay.
Phần lịch sử phong kiến được giới thiệu thông qua phần trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về Chùa Bình Lâm, Chùa Sùng Khánh và đặc biệt là bộ sưu tập đồ đất nung thời Trần có niên đại thế kỷ XIII – XIV được khai quật tại di tích khảo cổ Chùa Nậm Dầu, huyện Vị Xuyên.
Phần lịch sử chống giặc ngoại xâm của quân và dân Hà Giang từ năm 1891 đến nay phản ánh tinh thần đấu tranh anh dũng góp phần bảo vệ Tổ quốc và tỉnh Hà Giang thông qua hệ thống hiện vật gốc.
Bảo tàng tỉnh Hà Giang là nơi lưu giữ, trưng bày di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến tham quan Bảo tàng sẽ giúp quý khách hiểu đầy đủ hơn về quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người và văn hóa truyền thống các dân tộc Hà Giang.
Dinh thự họ Vương
Khu dinh thự của vua Mèo, tên dùng trong các văn bản là Dinh thự họ Vương, hay còn được gọi với tên Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1898 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1907. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

Trước khi khởi công xây dựng, vua Mèo Vương Chính Đức đã sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy sang Việt Nam đi qua khu vực 4 huyện nằm trong quyền cai quản của mình để chọn địa thế đất. Cuối cùng, Vương Chính Đức và thầy quyết định dừng chân tại thôn Xà Phìn, địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn. Đặc biệt, ở nơi đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy. Nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp của Vương Chính Đức sẽ thành về sau.

Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc tại Hà Giang của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uống lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, chạm khắc tinh xảo, nhiều hoa văn.
Khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tì. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương. Lúc ban đầu, toàn bộ gỗ được dùng trong ngôi nhà đều là gỗ thông đá. Nhưng kể từ khi trở thành tài sản của Nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.

Phía sau dinh thự có một bể chứa nước rất lớn có thể tích 300 m3 được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Phìn.
Đình chợ Đồng Văn
Nhắc đến mảnh đất nơi miền địa đầu của Tổ Quốc – Hà Giang, du khách thường nghĩ ngay đến cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng, sự bao la, rộng lớn của đất trời, của những khúc cua đầy thách thức hay những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài đẹp mê hồn. Thế nhưng, không chỉ có thế, tour Hà Giang còn thu hút du khách bởi những phiên chợ độc đáo nơi vùng cao. Trong đó, đặc sắc nhất và được nhắc đến nhiều nhất vẫn là chợ phiên Đồng Văn, phiên chợ từ lâu đã trở thành một trong những nét đẹp của văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao nói chung và mảnh đất Hà Giang nói riêng.

Chợ phiên vùng cao độc đáo, khác biệt so với chợ ở những nơi khác, bởi chợ không diễn ra hằng ngày mà mỗi tuần chỉ họp vào ngày định kỳ. Hơn hết, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà đây còn là nơi để hội họp, gặp gỡ, giao lưu văn hóa,…một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang.
Được biết, Đồng Văn là một huyện địa đầu cực Bắc của tỉnh Hà Giang, nằm trong khu vực cao nguyên địa chất đá Đồng Văn nổi tiếng của nước ta. Đến với du lịch Đồng Văn Hà Giang, du khách ngoài dịp được chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng trùng điệp ngút ngàn tầm mắt thì còn có cơ hội được biết thêm về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa tại chợ phiên Đồng Văn, một phiên chợ vẫn còn giữ được nguyên vẹn những nét hoang sơ và mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.
Chợ phiên Đồng Văn nằm dưới chân núi Đồn Cao, là nơi giao lưu, buôn bán của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Hoa, Dao…Chợ thường họp vào các ngày chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, tết trong năm.
Công trình chợ Đồng Văn được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1928, là một công trình có kết cấu hình chữ U, được thiết kế theo lối kiến trúc Hà Giang và có sự giao thoa rất tinh tế, phù hợp với phong thủy miền cao nguyên, núi đá. Những dãy cột đá ba bốn người ôm được đục đẽo đẹp mắt, các chi tiết đều được chăm chút cẩn thận nhằm tạo nên một khu chợ bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng đá Đồng Văn, tạo nên một nét chấm phá vô cùng ấn tượng.
Đến với chợ phiên Đồng Văn, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy một khung cảnh sinh động, đẹp mắt của một phiên chợ vùng cao. Từng đoàn người nô nức, xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc từ các bản làng, kéo nhau tập trung về chợ và ai ai cũng mang theo những sản phẩm nông sản, gia súc, gia cầm sẵn có của mình để đến trao đổi, mua bán tại chợ.
Cột mốc số 0
Như đã giới thiệu ở trên thì cột mốc KM 0 chính là điểm bắt đầu của quốc lộ 2, nối giữa 2 tỉnh Hà Giang và thủ đô Hà Nội.

Có rất nhiều cột mốc số 0 vậy tại sao cột mốc số 0 tại TP.Hà Giang lại đặc biệt. Có thể hiểu đơn giản vì đây là nơi đánh dấu một chuyến hành trình dài và kì vĩ của mỗi khách du lịch khi lần đầu đặt chân đến khám phá vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn. Là điểm bắt đầu cho một chuyến hành trình dài vượt qua những con đường đèo, những vách đá treo leo, dựng đứng.

Nếu như các cọt mốc nằm ở những nơi hoang vu, phải mất nhiều công sức mới có thể di chuyển lên được thì cột mốc số 0 lại khác. Nó lại nằm ngay trung tâm thành phố Hà Giang, nơi tập trung dân cư đông đúc. Đối với mọi người đến Hà Giang du lịch, cột mốc số 0 sẽ phù hợp là nơi dừng chân, nghỉ ngơi, dùng bữa hơn là một điểm chính phục. Đây là nơi giúp bạn nạp năng lượng để có thể tiếp tục cho chuyến hành trình dài khám phá cao nguyên đá Hà Giang.
Chiêu Lầu Thi
Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) là tên gọi ngọn núi cao thứ 2 của chương trình, có nghĩa là “Chín tầng thang”. Nằm giữa miền đất “vỏ cây vàng” – Hoàng Su Phì (Hà Giang) là điểm đến mới được bổ sung vào danh sách “cần phải chinh phục” của những người yêu thích du lịch trekking.
Đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402m so với mực nước biển, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh nằm trên cánh cung Tây Bắc, là ngọn núi cao thứ hai của Hà Giang. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.42 m, hơn đỉnh Chiêu Lầu Thi không đáng kể.
Núi Chiêu Lầu Thi nằm ở thôn Tân Minh và thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Dưới chân núi Chiêu Lầu Thi có 13 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Theo tiếng Hán Nôm “Chiêu Lầu” có nghĩa là chín bậc, “Thi” là tảng đá to và cao. Tên “Chín tầng thang” chính là đoạn đường leo lên đỉnh núi. Theo người già kể lại, khi Pháp xâm lược Việt Nam, định dùng ngọn núi này làm điểm quan sát một vùng rộng lớn. Nên đã thuê đồng bào phá đá mở đường lên đỉnh núi. Pháp thuê thợ là người Hán đục đá từ chân lên đến đỉnh núi bằng 9 bậc thang đá, từ độ cao hơn 2.300m lên đến đỉnh cao 2.400m. Nơi đây cũng là địa điểm hoạt động của cán bộ cách mạng sau này.
Đỉnh Chiêu Lầu Thi mới đây vừa được gắn chóp như đỉnh Fansipan. Do địa hình hiểm trở, để mang được khối chóp inox lên đỉnh núi, nhiều người dân địa phương đã phải thay phiên nhau gánh, vượt núi băng rừng. Chóp được làm bằng chất liệu inox có chiều cao 108cm, nặng 82kg và có 3 cạnh, mỗi cạnh dài 666cm. Như vậy, khi chinh phục đỉnh núi cao thứ 2 ở miền cao nguyên đá, ngoài việc được ngắm nhìn biển mây cuồn cuộn, các phượt thủ sẽ có dịp được chụp ảnh cùng chóp.
Để chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi bạn phải mất hơn 3 giờ bởi địa hình khá phức tạp, không khác gì Fansipan của Lào Cai. Nếu chinh phục đỉnh núi này vào mùa hè thì thời tiết mát mẻ như tiết trời thu, cảnh sắc như mùa xuân, còn vào mùa đông thì trời cực kì lạnh giá. Dọc theo đường lên núi, bạn có thể thấy những cánh rừng già nguyên sinh với một quần thể thực vật phong phú, đặc biệt là có nhiều loài cây quý hiếm như cây Tống Quán Sủ , cây chè Shan tuyết, cây kim tuyến…
Vào những ngày trời quang, mây tạnh, bình minh lên, ánh nắng mặt trời len lỏi như rót mật nhuộm vàng từng vạt núi, thì ngọn núi “Chín tầng thang” này mang một vẻ đẹp tuyệt diệu hiếm có với khung cảnh núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam,cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường thẳng. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 02 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành một chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo vĩ độ là A pa Chải, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.

Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng Tây Bắc địa đầu của Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn tiến hành tháo dỡ cột cờ Lũng Cú cũ và tiến hành trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới. Theo thiết kế cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2.
Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839 đi xuống. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
Với khoảng 20,8 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng, vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam 15 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh đô thị Hà Nội 6,9 tỷ đồng, cột cờ mới đã được xây dựng trong 7 tháng, và khánh thành vào ngày 25 tháng 9 năm 2010. Vào thời điểm khánh thành cột cờ, lá cờ trên đỉnh cột được lắp trong cán cờ làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m.

Trong lễ khánh thành cột cờ mới, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hoàng Minh Nhất phát biểu: “việc trùng tu, nâng cấp cột cờ Lũng Cú lần này nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây.”
Hiện nay tại đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng. Theo cán bộ của trạm, lúc nào trong trạm cũng có hàng chục lá cờ lớn cỡ 54m² để dự phòng.
Chùa Sùng Khánh
Tọa lạc trên đỉnh một quả đồi nhỏ thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. Cách thị trấn Vị Xuyên 11km về phía Đông Bắc và cách thành phố Hà Giang 9km về phía Tây Nam. Chùa Sùng Khánh hay chùa Làng Nùng tuy khá nhỏ, chỉ với 26m² . Nhưng có một vị thế khá đẹp với lưng tựa vào dãy núi thấp, mặt quay về hướng Đông. Có cánh đồng rộng và dòng suối Thích Bích chảy qua làm yếu tố minh đường. Hai phía trái, phải có hai ngọn núi theo thế rồng chầu, hổ phục. Xa xa phía trước mặt là dòng sông Lô uốn mình cùng với quốc lộ 2 chạy ngang qua.
Chùa Sùng nhiều lần bị đổ nát, tượng Phật và đồ thờ tự bị mai một. Duy 2 tấm bia đá và 1 quả chuông đồng còn trường tồn với thời gian. Trong đó đáng chú ý nhất là bảo vật quốc gia – tấm bia dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông vào năm 1367. Bia đặt tương xứng trên lưng rùa đá.
Trán bia được bao bọc trong băng trang trí độc đáo hình cánh cung chia làm ba ô:
- Ô chính giữa khắc hình Phật bà A Di Đà ngự trên tòa sen hai tầng cánh. Mỗi bên có một đệ tử đứng chầu tay chắp trước ngực.
hai ô đối xứng bên cạnh khắc hai con rồng đang bay, đầu nghển cao hướng tới tòa sen. - Được nhân dân nơi đây và người hành hương thập phương người góp công người góp của xây dựng vào năm 1989. Tọa lạc trên nền ngôi chùa cũ nhưng nhỏ và thấp hơn.
Với kiến trúc Hà Giang đơn giản, chùa Sùng Khánh được xây dựng theo hình chữ “Nhất”, chỉ có một gian chánh điện với diện tích 26m2, cao 4,3m. Chùa có một cửa chính và hai cửa phụ hai bên, vách gạch, lợp ngói và có tường bao. Cửa chính đi vào là nơi thờ phật được xây dựng bệ để đặt một số đồ thờ. Trên bệ thờ có treo một bức tranh hình phật bà Quan Âm thay cho tượng phật.

Phía bên trái bệ thờ là tấm bia đá nơi ghi công lao của những người đã góp công xây dựng ngôi chùa Sùng Khánh này. Bia mang giá trị kiến trúc Hà Giang cao bởi những kiến trúc, hoa văn chạm khắc độc đáo. Bia có chiều cao 0,09m, rộng 0,05 và trên bia có chạm khắc hình lưỡng long chầu Phật Bà Quan Âm. Trên mặt bia được khắc văn bia do Phụng Độc Học Sinh, Thứ Sử trục thư Tạ Thúc Ngao soạn vào tháng 3 năm 1367.
Vào ngày mùng 3, mùng 4 tết hàng năm, bà con các dân tộc trong vùng lại tụ họp về đây mở hội vui xuân. Người dân tổ chức rất nhiều các trò chơi mang bản sắc dân tộc cổ truyền của địa phương: ném còn, kéo co, vừa đan xen một số trò chơi thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, tạo nên không khí vô cùng vui tươi, nhộn nhịp.
Chùa Sùng Khánh là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Bởi ngôi chùa này có vị thế khá đẹp với lưng tựa vào dãy núi thấp. Mặt chùa quay về hướng Đông có cánh đồng rộng và dòng suối Bích chảy qua làm yếu tố minh đường. Hai ngọn núi theo thế rồng chầu, hổ phục. Xa xa phía trước mặt là dòng sông Lô uốn mình cùng với quốc lộ 2 chạy ngang qua.
Chùa Sùng Khánh mang giá trị lịch sử cao với những di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo. Đã và đang trở thành điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc ở Hà Giang, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ cao cao…
Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng kèn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên…
Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Một khu dân cư chủ yếu là người Tày với hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê và được xem như một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn. Theo tài liệu từ một cuộc hội thảo về phố cổ Đồng Văn thì tại khu vực này còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày và được xây dựng từ khoảng năm 1860.

Kiến trúc Hà Giang ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 “đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.
Hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đều đang ở trong tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, việc dãn dân ra khỏi khu phố cổ chỉ nên áp dụng với những hộ quá đông người, đồng thời cần phải duy trì một cuộc sống bình thường của con người để bảo tồn một không gian văn hóa của nhiều dân tộc đang sống ở Đồng Văn. Nét văn hóa phi vật thể này có thể hấp dẫn du khách hơn những ngôi nhà cổ dù được gìn giữ tốt nhưng lại không gắn với sự sống, với sinh hoạt của con người.
Nhà thờ Thánh Tâm
Mảnh đất Hà Giang được chia làm 3 Giáo Phận: Giáo Phận Hưng Hóa, Giáo Phận Bắc Ninh và Giáo Phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Trong đó Giáo xứ Thánh Tâm – Hà Giang thuộc Giáo Phận Lạng Sơn – Cao Bằng.

Từ năm 2007 đến tháng 6/2011, Giáo họ Thánh Tâm chỉ các ngày lễ trọng thì mới được các cha từ Lạng Sơn đến dâng lễ. Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảo, chánh xứ Cửa Năm đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cử đến phụ trách Giáo họ Thánh Tâm. Sau này, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân cử cha Phaolô làm cha xứ không thường trực ở giáo họ Thánh Tâm. Cha thường xuyên qua lại hoặc bận công việc thì cha nhờ các cha khác sang giúp cho Giáo họ Thánh Tâm trong các ngày lễ trọng.

Đến nay, Giáo xứ Thánh Tâm Hà Giang đã có một ngôi nhà thờ đẹp lộng lẫy. Thánh đường tọa lạc trên một địa thế uy nghi. Hy vọng trong tương lai: số gia đình và số nhân danh trong giáo xứ ngày càng phát triển và nếp sống đạo ngày càng vững vàng, sâu sắc.
Đây là kết quả của công cuộc truyền giáo tại Giáo xứ Thánh Tâm. Công cuộc này được quý Đức Cha và quý cha ưu ái, nâng đỡ, cùng với sự cộng tác nhiệt tình của ban hành giáo Giáo xứ Thánh Tâm, quý dì, quý thầy trong suốt 12 năm qua.
Đền Mẫu Hà Giang
Đầu tiên phải kể đến đền Cấm Sơn Linh được xây dựng trên núi Cấm Sơn, 1 phần lí do có cái tên này cũng là do vị trí của ngôi đền nằm dựa lưng vào núi Cấm, mặt hướng về phía sông Lô. Đền nằm tại trung tâm thành phố Hà Giang. Để di chuyển đến đền thì từ cột mốc km số 0 trong trung tâm quảng trường 26/3, bạn chỉ cần rẽ trái đi thẳng theo trục đường Bạch Đằng khoảng 600 m là sẽ thấy được quần thể di tích đền Mẫu Hà Giang.

Tính đến ngày nay thì đền đã có hơn 100 năm tuổi, qua nhiều thời gian trùng tu, ngôi đền này đổi tên thành đền Mẫu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng các vong hồn tứ cố vô thân của các chiến sĩ xấu số. Ngày nay đền Mẫu đã trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng trong tín ngưỡng của người dân địa phương nơi đây. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật nghệ thuật, kiến trúc Hà Giang quý báu như chuông đồng, tượng thờ, câu đối hay các bức hoành phi,…
Một ngôi đền khác nữa mà bạn cũng có thể lựa chọn ghé thăm khi đến Hà Giang đó chính là đền Đôi Cô Cầu Má. Ngôi đền này nằm trên Km 15 thuộc quốc lộ 2, xã Đạo Đức, Vị Xuyên – Hà Giang. Ngôi đền này được xây dựng vào những năm 1929 và là nơi thờ phụng của cô đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung. Đền được thiết kế xây dựng có 3 gian chính tương ứng với 3 cung, cung chính giữa là nơi thờ tam tòa Thánh Mẫu và đôi cô, bên phải thì thờ Mẫu Thoải và bên trái thờ Mẫu Thượng Ngàn.

Nói về sự tích xây dựng nên ngôi đền này thì vào năm 1921 khi đó Pháp cho xây dựng lên tuyến quốc lộ 2 nối liền Hà Nội và Hà Giang, và khi xây dựng thì phải bắc qua con sông Má, tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết nên khi cứ chuẩn bị xây dựng xong thì lại bị sập. Vì vậy mà ông chủ người Pháp đã làm lễ cúng Hà Bá và trong số lễ vật cúng thì có kèm thêm 2 cô thiếu nữ đồng trinh trẫm mình xuống dòng xuống Má với mục đích hoàn thành việc xây cầu.
Quay trở lại thành phố Hà Giang, chúng ta cùng ghé thăm ngôi đền thứ 3 đó chính là ngôi đền Thác Con Hà Giang. Đây là 1 ngôi đền rất đẹp, đền này còn có 1 tên gọi khác là đền Gia tức là bà mẹ nhân từ của con dân vùng đất Hà Giang. Đền đặt vị trí ở tổ số 8, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, xây dựng tọa lạc phía tả ngạn của sông Lô.

Trong đền có thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, Mẫu Liễu Hạnh và 2 cô công chúa nhà Mạc. Nói về sự tích của ngôi đền này thì người dân ở đây truyền tai nhau là vào khoảng 300 năm về trước nơi đây có thờ Bà Chúa bản. Đây là người được vua Lê phong tặng cho danh hiệu Thượng Ngàn Thánh Mẫu, người dân ở đây tôn kính gọi bà là Thánh Mẫu. Vì bà có công đóng góp tiền bạc và lương thực giúp vua Lê đánh giặc Minh mà được vua ban tặng và được người dân yêu quý.
Chùa Quan Âm
Nằm trong lòng phố núi Hà Giang, chùa Quan Âm sừng sững và uy nghiêm toạ lạc tại số 58 đường Phùng Hưng với lưng tựa vào một quả đồi địa thế thoáng đãng, quanh năm lồng lộng gió núi.

Chùa này là một ngôi chùa to lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện nay, được xây dựng kiên cố, lưng tựa vào một ngọn đồi, tất cã các cột được làm bằng đá Granic và gỗ quý, tất cả các cửa phía trước cũng được làm bằng gỗ với họa tiết hoa văn hình hoa văn. Chùa có tổng cộng 4 tầng, một trệt và 03 lầu. Riêng phần vách trên tầng lầu 03 được làm bằng gạch nung đỏ, không vôi vữa. Nhưng màu sắc của những viên gạch này không đẹp và sáng bóng bằng Thiền Viện Trúc Lâm Trà Vinh, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ, …
Vì vậy, chiếc cầu thang đồ sộ bằng đá Granic được lệc sang bên phải của cổng Tam Quan dẫn lối từ ngoài cổng lên thẳng đến lầu 02 ngôi Chùa.

Hiện nay trong Chùa này còn có 02 văn bia ghi lại công đức của 02 chính trị gia như sau: Vào ngày 31/05/2015 Ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính trồng 02 cây xanh lưu niệm tại chùa Quan Âm Hà Giang; Ngày 19/05/2016 Ông Nguyễn Chí Dũng – Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trồng cây lưu niệm tại Chùa Quan Âm.
Tôi đã đến đây vào một buổi chiều muộn ngày 03/01/2017 với cơn mưa phùng lất phất trên chuyến hành hành trình hối hả về lại miền xuôi từ Cực Bắc Tổ Quốc (Lũng Cú) – Hà Nội – Phương Nam, tôi hối hả viếng thăm ngôi chùa mà không kịp chiêm bái hết vẽ đẹp của ngôi chùa này. Vì vậy, mỗi khi có dịp nhớ và nghĩ về ngôi Chùa này, lòng tôi nao nao ước sao tôi có thêm chút thời gian và kinh phí để trở về viếng lại ngôi Quan Âm ở vùng Phương Bắc xa xôi này thêm lần nữa.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp