Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231 km, cách Cần Thơ 62 km. Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn của sông Hậu, là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề, với dân số và diện tích đều đứng thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Với một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: “văn hoá xứ giồng”, thể hiện qua các mặt trong đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của người Kinh, Hoa, Khmer và số ít người Chăm. Sóc Trăng là tỉnh có hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.

Kiến trúc tại Sóc Trăng nổi tiếng thì phải kể đến Chùa Dơi (chùa Mã Tộc, Mahatup), Chùa Đất Sét (Bửu Sơn tự), Chùa Khléang, chùa Chén Kiểu (chùa Salon), chùa La Hán, chùa Bốn Mặt (chùa Barai), chùa Quan Âm linh ứng, Chùa Khánh Sơn, chùa Hương Sơn, chùa Đại Giác…Ngoài ra, còn có đền thờ, đình, miếu, nhà thờ, thánh thất…mỗi nơi đều mang phong cách kiến trúc Sóc Trăng vô cùng ấn tượng.
Du lịch Sóc Trăng ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ nổi tiếng với những món ăn ngon mà những địa điểm du lịch Sóc Trăng cũng rất thu hút du khách đến khám phá. Bạn sẽ phải ngạc nhiên với vẻ đẹp từ những ngôi chùa cổ kính mang kiến trúc độc đáo cho đến các cảnh đẹp của các khu du lịch sinh thái do thiên nhiên ban tặng!
Chùa Kh’Leang
Sóc Trăng với đặc thù có sự cộng cư của nhiều dân tộc, đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc. Đi du lịch Sóc Trăng, bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, nguy nga và tất cả đều mang đặc trưng riêng độc đáo, trong đó phải kể đến chùa Kh’Leang.

Chùa Kh’Leang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer rất tinh tế, sắc sảo, nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí.

Chùa năm trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đến đây du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, truyền thuyết về nguồn gốc Sóc Trăng và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa.

Tên gọi của chùa Kh’Leang gắn liền với truyền thuyết địa danh Sóc Trăng, nếu dịch ra từ tiếng Khmer sẽ có nghĩa là “xứ có kho”, gợi về một vùng đất xưa trù phú. Theo các thư tịch, chùa được xây dựng từ năm 1533, lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá, sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc chùa tại Sóc Trăng hiện nay như ngôi chánh điện và Sala được xây dựng mới vào năm 1918.

Quần thể kiến trúc chùa Khleang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa trên nền đất cao. Điểm độc đáo không kém chính là các công trình này trong chùa Kh’leang đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer.

Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng.

Ngoài chức năng lphục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Khleang còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer thông qua các ngày lễ hội hàng năm, cùng các hoạt động văn hóa khác. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, trong đó có Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sene Đôl Ta (Lễ cúng ông bà), Oóc – Om – Bóc (Lễ cúng trăng),…
Chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh, vì có hàng ngàn pho tượng bằng đất sét và 4 đôi nến (đèn cầy) cao lớn.
Chùa Đất Sét được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Ban đầu, chỉ là một am nhỏ bằng cây lá trên một diện tích nhỏ hẹp, và trong sảnh điện thờ cũng rất đơn sơ. Mãi đến đời trụ trì thứ tư là ông Ngô Kim Tòng, am nhỏ mới được tôn tạo, mở rộng và có thêm nhiều tượng thờ như ngày nay.

Phần mặt tiền của điện được xây kiến cố bằng vật liệu thời hiện đại, hai cột chính có đắp nổi hình rồng uốn lượn khá tỉnh xảo. Phần còn còn lại của điện chỉ là “cột gỗ, mái tôn”, không lầu và có kết cấu đơn giản. Cả mái chùa được chống đỡ bằng 24 cây cột cây. Mỗi cây được ốp bằng đất sét, đắp hình rồng uốn lượn và những hoa văn trang trí khác.
Trong nội điện không rộng, và vì chứa nhiều thứ nên chật chội. Ở đây có trên ngàn tượng pho tượng các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần…và linh thú do ông Ngô Kim Tòng làm ra trong suốt 42 năm (từ 1928 đến 1970) để thờ và trang trí. Tất cả được làm chủ yếu từ đất sét, có pha trộn bột hương (nhang) cùng với keo ô dước để không bị nứt nẻ, và đều được sơn phết tỉ mỉ bằng sơn và dầu bóng.

Qua sự sắp xếp các pho tượng thờ: A Di Đà, Di Lặc, Quan Thế Âm, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng đế, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, v.v… đã nói lên tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Phật, Nho, Lão) của người lập chùa và các thế hệ truyền thừa. Và cũng vì chùa Đất Sét lập ra để tu tại gia nên chùa không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương. Hiện nay chùa do người trong gia đình thay nhau quản lý.
Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn pho tượng làm bằng đất sét, cột chùa cũng được ốp bằng đất sét, mà còn được nhiều người biết đến bởi 4 đôi nến (đèn cầy) cao lớn được đúc năm 1940. Trong đó, có ba đôi mà mỗi cây cao 2,6 m, ngang 1 m, và được đúc bằng 200 kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100 kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp. Để đúc được nó phải dùng sáp nguyên chất, chặt nhỏ, cho vào chảo nấu lỏng, đổ vào khuôn (dùng tôn lợp nhà cuộn lại). Sau một tháng, nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra và trang trí. Hiện nay, hai nến nhỏ vẫn cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18 tháng 7 năm 1970) mà vẫn chưa hết. Phỏng tính bình quân mỗi cây nến cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm.

Về phần các hiện vật khác (cũng đều làm bằng đất sét), đáng chú ý có:
Pho tượng “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận” có đến 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái Thiên tiên” gồm 8 cung, đó là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài”. Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ. Tháp Đa Bảo cao 3,5 m, có 13 tầng với 208 cửa vị thần, và dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ tháp. Ngoài ra, còn có lục long đăng (có 3 chóp đỉnh lớn), 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã… đều là những hiện vật được tạo tác khá tinh xảo.
Chùa La Hán
Chùa được xây từ năm 1952, là một căn nhà lá, vách ván do người Hoa Triều Châu quản lý. Năm 1956, cơn bão lớn đã vô tình thổi sập túp lều ấy. Thấy thế, chư thiện tín đã xây lại đền Phật bằng gạch ngói. Sau đó, đến năm 1990, dưới sự đóng góp của thiện tín đã xây nên ngôi chùa khang trang như ngày nay.
Chùa La Hán tọa lạc tại xóm Cầu Đen, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Tương truyền ngày xưa đồng bào Hoa trong xóm vì muốn cầu nguyện nhân dân an lành, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận tiến, nên lập một lều tranh thờ phượng chư Phật, trong đó có hình của 18 vị La hán, nên tên chùa có tên gọi như vậy.

Sau cơn bão năm 1956, ngôi chùa được cất lại bằng gạch ngói. Đến năm 1990, được sự đóng góp của người dân và phật tử nơi đây, nên ngôi chùa được xây dựng lại khang trang như ngày nay. Chùa La Hán được xây thành 2 tầng: tầng trên thờ phụng Phật Thích Ca, Thập Bát La Hán, Thái Thượng Lão Quân và chư Bồ Tát; tầng dưới thờ phụng Thiên Hậu Nương Nương, Bạch hầu Công, Ôn Thần và chư Tiên Cô, Tiên Hữu. Phía sân trước của chùa thờ Phước Đức Lão Ông, tượng Phật Bà Quan m, cùng cảnh vật như: ao sen, núi Phổ Đà, đèn bát bửu, các tượng tạc rồng bay phượng múa, đôi ngọc kỳ lân, và còn có hồ rùa với ngôi đình. Có thể nói đây là một trong những thắng cảnh của Sóc Trăng.
Trước chùa là một hoa viên đẹp. Nhìn chung diện tích ngôi chánh điện không lớn nhưng rất thoáng nhờ không gian khuôn viên sân chùa rộng. Chùa có 2 tầng, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau, trên mỗi góc mái có trang trí hoa văn theo kiến trúc nghệ thuật dân tộc Hoa. Tầng trên thờ phụng Phật Thích Ca, Thập Bát La Hán, Thái Thượng Lão Quân và chư Bồ Tát. Tầng dưới thờ phụng Thiên Hậu Nương Nương, Bạch hầu Công, Ôn Thần và chư Tiên Cô, Tiên Hữu.

Khuôn viên sân chùa có thờ tượng Phước Đức Lão Ông, Phật Bà Quan m, kết hợp của cảnh vật như ao sen, núi Phổ Đà, đèn bát bửu, các tượng tạc rồng phượng, ngọc kỳ lân, hồ rùa và ngôi đình tạo nên phong cảnh thanh bình và thoáng mát.
Chùa La Hán không chỉ là nơi để mọi người trút bỏ những lo toan, buồn phiền trong cuộc sống, hòa mình vào thế giới tâm linh mà đây còn là điểm thu hút nhiều du khách bởi cảnh đẹp của các công trình kiến trúc Sóc Trăng trước khoảng sân rộng của chùa. Với cảnh sắc thanh tịnh, tao nhã, với những vật thể kiến trúc đẹp mắt và tiếp đãi ân cần của Ban Quản Trị, đến nơi đây chắc hẳn du khách có những ấn tượng đẹp khó phai.
Chùa Dơi
Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc đẹp tại Sóc Trăng tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Chùa tọa lạc tại đường Văn Ngọc Chính thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ cổ kính của ngôi chùa, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.
Theo người Khmer, “Mahatup” có nghĩa là trận kháng cự lớn. Nơi đây từng diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống bọn phong kiến ngày xưa. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này là đất lành nên xây chùa thờ Phật.

Theo thư tịch cổ của Chùa còn để lại: Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1569 dương lịch là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng. Do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. Từ trước đến nay chùa được trùng tu nhiều lần, năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện, đến năm 2008 chùa bị cháy chánh điện. Vào tháng 4 năm 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ.
Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ chùa Dơi. Nếu như cổng chính trang trí đơn giản, thì ở cổng phụ gác hai bên là rắn khổng lồ 5 đầu đang phồng mang trợn mắt như chờ chực đớp, khiến nhiều người phải giật mình, e sợ.
Nhưng chỉ cần mạnh dạn bước tiếp vào trong, bạn sẽ được chào đón bằng nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, đắp trên hành lang bao quanh gian chính điện.
Ngôi chính điện có chiều dài 20m8, chiều rộng 11m3; được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m bao quanh là đá kết xi-măng. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây. Cửa chính quay ra hướng Đông.

Bước vào nội thất chánh điện, du khách sẽ có dịp trực tiếp chiêm ngưỡng và khám phá thêm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc Khmer Nam bộ với vô số tượng phật lớn, nhỏ và pho tượng phật Đức Thích Ca Mâu Ni được sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, được tôn trí trên bệ thờ cao một mét rưỡi trong tổng thể họa tiết hoa văn hình cánh sen, hình chim muông, hoa lá …
Đối diện với ngôi chính điện về hướng Tây là dãy nhà Sa La (nhà hội của sư sãi), phòng của sư trụ trì, phòng khách và rải rác xung quanh ngôi chính điện là những tháp đựng cốt tro người chết, mỗi tháp mang dáng kiểu khác nhau. Nhìn chung toàn bộ quần thể kiến trúc cân đối nhau một cách hài hoà, làm chúng ta liên tưởng đó là cả một rừng hoa văn với những bố cục hài hoà, gọn gàng, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng… toát lên tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer.
Tại chùa Dơi Sóc Trăng còn có những bộ kinh được ghi trên lá cây thốt nốt, hiện vật, sử sách,… vô cùng quý hiếm mang giá trị văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ cần được bảo tồn. Thưởng thức màn hòa tấu của dàn ngạc ngũ âm, ngắm chiếc ghe ngo truyền thống của người Khmer được trưng bày trong chùa.

Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.
Chùa Dơi là ngôi chùa đầu tiên được xếp hạng Di tích Danh thắng cấp Quốc gia ở Sóc Trăng. Đây vừa là trung tâm sinh hoạt giáo dục và tổ chức các lễ hội tôn giáo truyền thống của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.
Chùa Chén Kiểu
Chùa Sà Lôn là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên Quốc lộ 1A, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu; nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 năm 2012, ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.
Chùa có tên Khmer là “Wath Sro Loun”, để dễ phát âm, từ “Sro Loun” được đọc chại thành “Sà Lôn”. “Sro Loun” lại có nguồn gốc từ chữ “Chro Luong”, là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa.

Tương truyền, chùa Sà Lôn được dựng bằng cây lá từ năm 1815, và được trùng tu nhiều lần. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh sập ngôi chánh điện. Năm 1969, sư cả Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) quyết định dựng lại ngôi chùa gồm: Chánh điện, sala, nhà Tăng, nhà để sách kinh, khu tháp, v.v… bằng vật liệu kiên cố. Đến năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành. Nhưng do thiếu kinh phí, nên nhà chùa có sáng kiến dùng chén dĩa kiểu để trang trí phần sau ngôi chánh điện. Tên chùa Chén Kiểu bắt nguồn từ đó.
Chùa tọa lạc trong một khuôn viên rất rộng với nhiều cây xanh. Hai bên cổng ngự hai con sư tử bằng đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được trang trí theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. Tháp chính nằm ở giữa, màu vàng, bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi. Trên thành cổng là tên chùa bằng chữ Khmer và chữ Việt (chùa Sà Lôn).
Cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, mái chánh điện chùa chùa Sà Lôn được xây dựng theo dạng tam cấp, tức có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần ở bên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong lên, và nơi trung tâm có đỉnh nhọn cao vút. Mái được trang trí nhiều họa tiết với màu sắc rất đẹp mắt. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ rất sắc sảo.

Phía trong chánh điện có đặt một bàn thờ, và chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Có khoảng 20 tượng phật ở đây; lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau, và các gương mặt đều nhìn về hướng Đông để ban phúc.
Về kiến trúc Sóc Trăng, ở đây có 16 hàng cột to chống đỡ mái, và đều được dán bằng gạch men. Trên trần có trang trí họa tiết nhiều màu sặc sỡ, và hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể về cuộc đời của Phật Thích Ca.
Giữa sân chùa Sà Lôn là một cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Phật Thích Ca khi người tọa thiền. Bao quanh khu cột cờ này, là các dãy nhà nhằm phục vụ cho việc tu học của các sư sãi.
Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết-bàn của đức Phật ấy.

Và cũng tương tự như những ngôi chùa Khmer khác, tượng các tiên nữ, Krud (hay Garuda), sư tử thần,… cũng được dùng để trang trí tại chùa Sà Lôn.
Trong chùa hiện còn lưu giữ một số đồ gỗ được nhà chùa mua lại trong phần gia sản của “Công tử Bạc Liêu” (Trần Trinh Huy) năm 1947, với giá khá cao. Đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng 2 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè. Tất cả đều được chạm, khảm rất tinh tế…Ngoài ra, trong chùa hiện cũng đang lưu giữ một bộ điêu khắc gỗ tinh xảo.
Bảo tàng Khmer
Được xây dựng 1938, nhà trưng bày gồm 2 khu: Khu trưng bày hiên vật là nhà hội Xamacum và khu văn phòng mới được xây dựng. Trong bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ như: trang phục, kiến trúc nhà ở, chùa, nhạc cụ…
Với dân số hơn một triệu, người Khmer đã có chính thức hai viện bảo tàng văn hóa, một ở Trà Vinh, một ở Sóc Trăng, với các bộ sưu tập mặt nạ Chằn, các nhạc cụ, các bộ y phục, các bộ sách lá buôn và những báu vật khác của văn hóa Khmer. Đến thăm Bảo tàng Khmer Sóc Trăng, du khách hiểu hơn về cộng đồng người Khmer – bộ phận cư dân quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sau ngày hoà bình xây dựng đất nước, ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer trong tỉnh Sóc Trăng vẫn một lòng đi theo Đảng, sẵn sàng cống hiến công sức và đóng góp những kỷ vật quý giá của gia đình cho Nhà nước.

Tuy ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer cùng sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nhưng mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng riêng về văn hoá, nghệ thuật, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, các lễ hội,… Một trong những đặc điểm của người Khmer Nam Bộ là tập quán sinh sống thành phum sóc trên những giồng đất cao, xen kẽ với người Kinh và người Hoa từ nhiều thế hệ. Chính sự cộng cư đó đã giúp cho việc giao lưu văn hoá, sáng tạo nên những công cụ thiết yếu phục vụ đời sống gia đình và cộng đồng xã hội ngày thêm phong phú.
Các công cụ cầm tay được trưng bày, giới thiệu có hệ thống về sản xuất nông nghiệp của người Khmer từ các thế kỷ trước, phản ánh rõ nét về đời sống kinh tế, sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện sự khéo tay của các nghệ nhân thời xưa. Mô hình sân khấu Rô băm, Dù kê được thiết kế công phu giúp khách tham quan hiểu nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam Bộ. Những hiện vật sưu tầm mới trưng bày tại Bảo tàng Sóc Trăng được nhiều du khách đánh giá cao.
Đến tham quan Bảo tàng tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy người Khmer có óc thẩm mỹ cao, biết mô phỏng thực tế cuộc sống để sáng tạo ra những nét đẹp văn hoá riêng, làm đẹp cho các vật dụng truyền thống gia đình đến những công cụ sản xuất phục vụ đời sống. Tuy không cách điệu, nhưng với những đường nét hoa văn uyển chuyển tinh tế đã thể hiện trình độ khéo tay của nghệ nhân trên từng sản phẩm, hiện vật bảo tồn.
Theo số liệu khảo sát của Bảo tàng Sóc Trăng thì hiện nay, hiện vật vẫn còn khá nhiều trong dân cư ở các phum sóc, chùa chiền. Chùa Sóc Dồ thuộc huyện Mỹ Tú đang lưu giữ những dòng kinh Phật cổ được chạm khắc trên lá thốt nốt từ xa xưa. Theo thời gian, chữ viết cũng phai nhạt dần, nhưng được nhiều thế hệ sư sãi tu học trong chùa bảo quản kỹ nên vẫn còn rõ nét.
Nhà thờ Sóc Trăng
Người thành lập họ đạo là Giáo sĩ Gonet, một thừa sai nhiệt tình đã thành lập nhiều Họ đạo như Bặc liêu, Tân Thạnh, Cần Thơ…Tọa lạc tại 174 Lương Định Của Khóm 2, P. 8, Tx. Sóc Trăng, Sóc Trăng. Từ Họ đạo Tân Thạnh, Cha cho cất một nhà thờ lá trên địa điểm nhà thờ hiện tại.
Mười ba năm sau, năm 1901, Cha Joly khởi công xây cất ngôi nhà thờ bằng gạch kiên cố. Có nhà thờ, có bổn đạo, nhưng dân trí còn quá thấp, nên Cha Brun, người kế nhiệm Cha Joly, ngay năm 1914 đã mời các Thầy Dòng La San đến mở trường Trung học đầu tiên tại Sóc Trăng, trong cơ sở đó, dành riêng một nhà để dạy miễn phí cho con em Họ đạo. Như thế, Họ đạo có trường Trung học sớm nhất Địa phận và đã đào tạo biết bao là nhân tài cho Họ đạo cũng như cho cả vùng.

Sóc Trăng là nơi giao lưu của 3 dân tộc với 3 nền văn hóa đặc sắc : Kinh, Hoa và Khmer. Công việc truyền giáo cho đồng bào khmer đang thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện tại cộng đoàn khmer công giáo non trẻ này đã lên đến con số 1000 người.
Hiện nay, mỗi ngày Chúa Nhật tại nhà thờ Sóc Trăng có 4 thánh lễ: Chiều Thứ Bảy dành cho giới hiền mẫu, 5 giờ sáng Chúa Nhật, 7 giờ sáng dành cho thiếu nhi và lễ chiều dành cho giới trẻ. Ngày thường trong tuần có 2 thánh lễ sáng và chiều.
Giáo xứ Sóc Trăng là nơi có truyền thống sản sinh và nuôi dưỡng Ơn Thiên Triệu, nhất là ơn thiên triệu linh mục. Chúng ta có thể kể ra nhiều linh mục xuất thân từ nơi đây. Trong số đó phải kể đến Đức Cha Phó của giáo phận nhà là Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên, Cha giám đốc Đại Chủng Viện Carolo Hồ Bặc Xái, Cha giáo – nhạc sĩ Phêrô Tri Văn Vinh, Cha Phêrô Chánh, Cha Gioan Baotixita Phương, Cha Justino Điều, Cha Phaxicô Túc, Cha Phêrô Hải…
Hiện nay còn có 2 soeurs dòng Chúa Quan Phòng, 1 soeur dòng Têrêsa, 1 soeur dòng Phaolo, 1 em tập viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, 2 em vừa thi vào lớp Dự Tu của giáo phận… và khoảng 40 em cả nam lẫn nữ đang là dự tu của họ đạo.
Chùa Cà Săng
Chùa Sêrây Cro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng. Chùa tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng Đông – Nam khoảng 40km. Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng đi theo hướng Đông – Nam trên tỉnh lộ 11 đến thị xã Vĩnh Châu, từ thị xã Vĩnh Châu đi theo hướng về Vĩnh Hải khoảng 3km là đến. Ngôi chùa nằm ẩn bên trong, cách đường lớn khoảng 150m. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng, với quần thể kiến trúc hài hòa có niên đại trên 400 năm.

Chùa được xây dựng vào khoảng tháng 4 năm 1576 – Phật lịch 2120, tại thôn Đaysmách với tên gọi chùa Bớs. Sau đó, do yêu cầu của đồng bào phật tử muốn có đất rộng để xây dựng chùa nên các vị sư sãi đã thống nhất di dời địa điểm. Cụ thể, vào năm 1758, Hòa thượng Lâm Muôn dời chùa Bớs sang địa điểm mới thuộc ấp Cà Săng (gần với chùa Sêrây Cro Săng hiện nay) và đặt tên là chùa “Tro-Béc-Prêy” hay còn gọi là chùa “Som rong khla co kê”. Đến năm 1895, Hòa thượng Trần Chi dời chùa Tro-Béc-Prêy” sang địa điểm chùa Sêrây Cro Săng hiện nay và đổi tên chùa Tro-Béc-Prêy thành chùa Cro Săng. Năm 1956 Hòa thượng Lý Thi được sự đồng tình của phật tử đổi tên chùa Cro Săng thành chùa Sêrây Cro Săng. Như vậy, từ khi tạo dựng đến nay chùa Sêrây Cro Săng đã 03 lần thay đổi địa điểm và 04 lần đổi tên.
Chùa có diện tích 22.230m2, tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, trường dạy chữ Khmer, tháp để tro cốt và lò hỏa táng,… Từ lúc xây dựng đến nay, chùa đã trải qua 10 đời trụ trì, trong đó Hòa thượng Lekkhanathê trụ trì chùa lâu nhất với thời gian 52 năm, Thượng tọa Triệu Krông trụ trì ít nhất là 18 năm.

Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện.
Chùa Sêrây Cro Săng là một công trình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo có giá trị thẩm mỹ thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm tín ngưỡng, giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.
Chùa Ông Bổn
Chùa Ông Bổn tọa lạc tại số 9 Nguyễn Văn Trỗi, khóm 1, phường 1, thành phố Sóc Trăng. Chùa Ông Bổn Sóc Trăng mang những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa từ đầu thế kỷ 20. Ngôi chùa nằm ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng nên rất thuận tiện cho khách đến đây tham quan và chiêm bái.
Hòa An Hội Quán hay chùa Ông Bổn là cách gọi quen thuộc của bà con Sóc Trăng, cũng có người gọi là chùa A Côn. Với lịch sử lâu đời, ngôi chùa thu hút đông đảo khách du lịch Sóc Trăng đến đây tham quan bởi vẻ đẹp cổ kính, lộng lẫy.

Chùa được xây dựng vào năm 1875 tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, Sóc Trăng và sau đó trải qua nhiều cuộc trùng tu vào các năm 1911, 1953, 1969, 1987, 1990, 1994 và năm 1999 có kiến tạo, gia cố thêm nhưng vẫn đảm bảo được kiểu dáng, kiến trúc cũ. Ngày nay, đây là di tích lịch sử văn hóa khang trang có nghệ thuật kiến trúc Sóc Trăng, điêu khắc độc đáo của cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng và đồng bằng sông Cửu Long.
Vật liệu xây dựng nên ngôi chùa hoàn toàn bằng đá và gỗ quý. Đặc biệt, ngôi chùa còn giữ nguyên lớp ngói ống âm dương màu xanh (ngói lưu ly)và gốm tráng men màu, được dùng tạc tượng: “Bát tiên thí võ”, “Lưỡng long tranh châu”, “Mẫu đơn phụng”và hoa văn “Chỉ hoa cúc”được dùng trang trí ở tả hữu mái ngói trước, tượng trưng âm dương hòa hợp, sung túc, no đủ nên càng tôn thêm vẻ tôn nghiêm của ngôi chùa.
Ngôi chùa có mặt tiền chính diện hướng về hướng Nam, hai bên tả hữu tô đá rửa được nghệ nhân đắp nổi bằng xi măng rộng khoảng một thước là hai đại tự Tăng Phước – ngụ ý chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc, tạo thêm vẻ bề thế cho ngôi chùa. Ngoài ra, ở bên hữu khuôn viên chùa còn có ngôi miếu nhỏ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh tượng trưng cho thần thổ địa của địa phương.

Quan sát từ đỉnh hương lớn đặt giữa khuôn viên khá rộng của ngôi chùa, tổng thể kiến trúc di tích này có toàn bộ phần chân cột, đá xanh viền nền tam cấp trong khu vực nội thất đến khung cửa chính của ngôi chùa… đều được các nghệ nhân người Hoa đời trước tạc bằng đá tảng của Trung Quốc.
Nét điêu khắc trong chùa vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo. Thể hiện ở tượng thờ bằng gỗ chạm trổ các linh vật, câu đối bằng gỗ quý, hoành phi chạm trổ 3 lớp… tất cả đều là các tác phẩm điêu khắc quý hiếm thể hiện đúng khuôn mẫu cổ của Trung Hoa, mang các hình tượng cao quý được dùng trong cung đình.
Chùa còn có rất nhiều cổ vật quý hiếm khác như tượng gỗ thờ Ông Bổn, bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Ông Phước Đức được sơn son thiếp vàng; bộ lư quỳ cổ hình thái tuế, ba bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu; các bộ bàn thờ bằng gỗ quý… Vào ngày 12/5/2004, Chùa được công nhận là di tích văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh.
Chùa Vĩnh Hưng
Đến thăm thành phố Sóc Trăng, du khách sẽ gặp rất nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, uy nghiêm và tất cả đều mang đặc trưng riêng, trong đó có Chùa Vĩnh Hưng – Ngôi chùa đá độc nhất của tỉnh. Chùa Vĩnh Hưng còn gọi là Tổ đình Vĩnh Hưng tọa lạc tại số 110 Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Xưa kia chùa được gọi là chùa Cây Điệp vì trước khuôn viên chùa có cây điệp lớn, còn bây giờ chùa còn được gọi là chùa Đá bởi chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối. Với lối kiến trúc Sóc Trăng độc đáo, chùa Vĩnh Hưng không chỉ là nơi hành hương cho các Phật tử mà còn là địa điểm du lịch Sóc Trăng thu hút nhiều bạn trẻ tham quan, chiêm ngưỡng.

Chùa được thành lập vào năm 1912, do thí chủ Đinh Thị Định dày công sáng tạo, với tâm nguyện kiến lập ngôi Đạo tràng để làm nơi quy ngưỡng cho những người con của Phật tìm về với nguồn cội tâm linh. Chùa Vĩnh Hưng là ngôi chùa theo phái Bắc Tông, tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 6.800m2.
Ngôi chùa hiện nay là tâm huyết của Thượng tọa Thích Thanh Chương, thế danh Trần Đức Lành, sinh năm 1965, quê ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng. Thượng tọa Thích Thanh Chương đã đứng ra vận động bà con Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí và cung thỉnh chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự tiến hành động thổ đại trùng tu ngôi Vĩnh Hưng Cổ Tự vào ngày 09/9/2009. Ông lâm trọng bịnh và qua đời tháng 3 năm 2013 (thọ 48 tuổi) khi công trình mới cơ bản hoàn thành.

Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa gồm có: cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, tháp, hòn non bộ… Qua Tam quan có hàng chữ Chùa Vĩnh Hưng, phía dưới là tên tiếng Hán. Khuôn viên chùa bài trí rất nhiều cây xanh, hoa kiểng làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa.
Nằm giữa lòng thành phố Sóc Trăng nhộn nhịp nhưng khi bước vào chùa Vĩnh Hưng, du khách sẽ cảm thấy không gian thanh thịnh lạ thường. Chùa luôn là địa điểm tâm linh tín ngưỡng cho các Phật tử và du khách gần xa trong tỉnh Sóc Trăng đến chiêm bái và cầu quốc thái dân an.
Chùa Som Rong
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong còn được người dân địa phương quen gọi là chùa Som Rong tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, phường 5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Theo các vị sư kể lại chùa Som Rong được xây dựng năm 1785, đã trải qua 12 đời trụ trì. Ban đầu là bằng tre lá tạm bợ, sau nhiều lần trùng tu đã khang trang như hiện nay. Về cái tên Som Rong thì do nguyên nhân trước đây vùng này có rất nhiều cây dại mang tên Som Rong mọc quanh chùa, từ đó chùa có tên loại cây này hàng trăm năm qua. Hiện nay chùa chỉ còn 2 cây Som Rong đang phát triển rất tốt.

Khi bước đến chùa, trước mặt là một cổng chùa được trang trí hoa văn với nhiều biểu tượng văn hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud, hoa văn truyền thống… được phủ nhũ vàng. Phía trên cổng có 05 ngọn tháp, là biểu tượng của núi Meru (tức núi Tu-di), nơi năm vị Phật ở vị lai sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi năm vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà-la-môn giáo.
Chùa Som Rong cũng được xây dựng theo kiểu kiến trúc giống như các chùa Khmer Nam bộ khác với diện tích 5ha bao gồm: chánh điện, sala, nhà dành cho sư sải, và còn có thêm một thư viện sách có hơn 1.500 quyển, phục vụ cho các em học sinh, người dân và bà con Phật tử tại địa phương. Những công trình kiến trúc bên trong chùa được kết hợp hài hòa với nhau.
Khuôn viên chùa được chia thành nhiều khu vực khác nhau, nổi bật nhất là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào chùa và song song với ngôi chánh điện. Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được trạm khắc rất tinh tế, sắc sảo.

Nét độc đáo ở ngôi tháp chính là màu sơn, thay vì màu vàng truyền thống thì tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối. Đặc biệt trong khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu ở ngoài trời với kích thước dài 63 mét, cao 22,5 mét, đặt trên cao khoảng 28 mét so với mặt đất.
Trong tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng mời gọi khách đường xa, trong bóng mát thâm xuyên của những ngôi điện cổ xưa hòa lẫn những ngôi nhà mới hiện đại khang trang. Xa xa là ánh mắt từ bi của bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn đang kêu gọi sự nhân ái, hòa đồng, yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh. Chùa Som Rong cũng là nơi để du khách gần xa tìm đến khám phá, trải nghiệm những tinh hoa văn hóa tín ngưỡng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp