Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Tỉnh lỵ của Ninh Thuận là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 340 km về phía Bắc, cách thành phố Huế 726 km về phía nam, cách thủ đô Hà Nội 1.380 km về phía Nam và cách Nha Trang 100 km theo đường Quốc lộ 1A và cách Đà Lạt 110 km theo đường Quốc lộ 27, đồng thời nằm cách sân bay Cam Ranh khoảng 60 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán của chế độ mẫu hệ. Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) xây dựng thế kỷ thứ 9, cụm tháp Po Klong Garai xây dựng thế kỷ 13 và cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ 17.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Ninh Thuận còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Du lịch Ninh Thuận có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng và nhiều sông suối phục vụ du lịch như suối Vàng, thác Tiên,… Các bãi biển tại Ninh Thuận như Bãi biển Bình Tiên, Bãi biển Ninh Chử, Bãi biển Bình Sơn, Bãi biển Cà Ná.
Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều công trình văn hóa kiến trúc Ninh Thuận cổ Chămpa gắn với các lễ hội văn hóa dân tộc Chăm. Nhiều tháp Chăm như Pôklong Grai (Tháp Chăm), tháp Pôrômê (Ninh Phước). Hiện Ninh Thuận còn 3 tháp Chăm, được xây dựng cách đây khoảng 400 – 1100 năm gồm có Tháp Hòa Lai (Ba Tháp), Tháp Po Klong Garai, Tháp Po Rome. Các làng nghề Chăm cổ gồm Làng gốm Bàu Trúc và Làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 2 khu du lịch sinh thái gồm Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình.
Ga Tháp Chàm
Ga Tháp chàm tọa lạc tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Phía Đông tiếp giáp quốc lộ 1A, gần biển Ninh Chữ, phía Nam giáp với QL27, ga có lý trình 1407+ 630. Trước đây, ga Tháp Chàm phục vụ cho cả tuyến đường sắt Phan Rang- Đà Lạt, hiện nay tuyến lên Đà Lạt đã gỡ bỏ chỉ phục vụ chủ yếu cho đường sắt Bắc Nam.
Nhà ga được thiết kế bởi kỹ sư Trần Văn Tấn, ông là một trong những kỹ sư của trường đại học bách khoa Hà Nội những năm 1960. Tuy được đào tạo làm kỹ sư nhưng nhờ có tâm hồn yêu nghệ thuật, ông đã thiết kế ra những công trình mang yếu tố thẩm mỹ và mang đậm sắc thái vùng miền.
Với lịch sử hơn 60 năm chuyên chở hành khách và hàng hóa giao thương, ga Tháp Chàm như một biểu tượng lịch sử của người dân nơi đây. Đến với Ninh Thuận, có thể sử dụng máy bay, xe khách, xe máy, hoặc thú vị hơn bạn có thể trải nghiệm tàu hỏa. Cảm giác bon bon trên con tàu xình xịch, ngắm nhìn quang cảnh núi non qua ô cửa sổ tàu cũng rất là thú vị, trên tàu ngoài trò chuyện cùng nhau còn có rất nhiều các gánh hàng rong với đa dạng đặc sản phong phú.
Nếu là một tín đồ ưa thích những câu chuyển lịch sử cũ kĩ nhưng chứa đựng giá trị sâu sắc mời bạn ghé thăm di tích Đề pô xe lửa tháp Chàm. Thiết kế đường ray, tòa tàu đặc biệt nơi đây mang nét xưa cũ xen lẫn hiện đại khiến bạn liên tưởng đến những chuyến tàu đêm. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày nhiều sản phẩm quý hiếm với những chiếc Boong tàu cũ quý hiếm, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến như di tích Đề pô xe lửa tháp Chàm lừng danh được công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng cấp tỉnh vào năm 2003.
Với lối kiến trúc Ninh Thuận xưa cổ, khi đến nhà ga, du khách như được quay trở về thời xưa cũ, đặc biệt là thời Pháp Thuộc còn được lưu giữ khá nguyên vẹn với kiến trúc Phương tây trà trộn với phương Đông. Mang theo những bộ trang hơi hướng vintage của thập niên 70 thì ga Ninh Thuận cũng nghệ thuật không khác gì Châu Âu đâu.
Tại ga Ninh Thuận có bán những mặt hàng thủ công, quà lưu niệm đặc biệt mà chỉ có Ninh Thuận mới có. Đây chắc chắn sẽ là nơi bạn có thể mua món quà dành tặng người thân, bạn bè khi tới Ninh Thuận.
Tháp Po Klong Garai
Tháp Po Klong Garai là tên gọi chung cho một cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Po Klong Garai. Tháp Pô Klong Garai là một tổng thể gồm ba tháp: tháp chính (cao 20,5m), tháp lửa (cao 9,31m), tháp cổng (cao 8,56m). Công trình này có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Di tích kiến trúc tại Ninh Thuận với nghệ thuật này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích di tích quốc gia năm 1979 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Tháp Poklong Garai nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời vua Shihavaman, người Việt gọi là Chế Mân) để thờ vua Po Klong Garai (1151-1205), vị vua đã có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước.
Truyền thuyết về Tháp Chàm:
Có một truyền thuyết liên quan đến tháp Poklong Garai kể rằng ngày xưa ở Play Chakling có hai ông bà tên Ôn Paxa và Muk Chakling dù đã cao niên nhưng chưa có con. Một lần ra biển mò cua bắt ốc ông bà thấy có một đứa bé đang trôi trên bọt nước bèn đem về nuôi và đặt tên là Karit.
Karit lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, nết na nên được nhiều người quý mến. Một hôm, Karit cùng cha vào rừng hái củi. Trời nóng nực, hai cha con khát nước nhưng chung quanh lại không có sông suối. Bỗng Karit thấy một tảng đá bên trên đọng ít nước trong, liền đến uống. Lạ thay nàng uống đến đâu nước trong đá tràn ra đến đó. Nhưng khi nàng đi gọi cha đến uống thì chẳng thấy giọt nước nào.
Sau dạo đó Karit có thai và rồi sinh ra một cậu bé đã xấu xí lại rất hấu ăn. Ông bà đặt tên cho cậu là Jatol. Karit không chịu nổi lời đàm tiếu là gái chửa hoang nên bỏ đi để con lại cho ông bà nuôi. Đứa bé càng lớn càng xấu xí, mình lại đầy ghẻ chốc nên chẳng mấy đứa chịu chơi chung. Khi ông bà mất, cậu cũng vừa khôn lớn. Cậu cùng bạn là Po Klonchanh đi buôn trầu. Một hôm trên đường về, Jatol thấy mệt nên nghỉ ở tảng đá bên đường.
Pô Klonchanh về trước rồi đem cơm ra cho bạn. Khi trở lại Pô Klonchanh thấy có hai con rồng trắng đang liếm mình Jatol. Po Klonchanh chạy đến thì hai con rồng biến mất và lạ thay Jatol đã trở thành một thanh niên tuấn tú, khôi ngô khác thường. Điềm lạ đó dần lan ra khắp miền và rồi đến tai vua Nuhol, người đang quản thủ Iaru. Được biết Jatol sẽ là một vị thiên tài xuất chúng, vua Nuhol cho mời Jatol đến. Thấy đúng như lời đồn đại vua đã giữ Jatol lại và gả công chúa Thakol cho.
Năm 1167, vua Xulika ở thành Balcribanơi băng hà mà không có người nối ngôi. Biết Jatol là một nhân tài, quần thần đã cho voi trắng rước về nối ngôi. Jatol lên làm vua, xưng là Po Klong Garai. Sau 5 năm, ông dời đô ra Bal Hangâu. Bấy giờ, Panduranga, quê hương của ông bị quân Chân Lạp thường xuyên đánh phá. Pô Klong Garai phải mang quân vào Panduranga tiếp sức và dẹp loạn. Theo sử liệu Chăm thì vào năm Sửu, Chăm lịch, vua Po Klong Garai từ Balcribanơi vào Panduranga xem địa thế để xây tháp kỷ niệm thuở hàn vi của mình.
Khi đến vùng Balhul thì bị tướng Hakral người Miên đang cai quản hạt này ngăn cản. Vua Po Klong Garai không muốn xảy ra cuộc đổ máu vô ích nên thách tướng Miên thi tài xây tháp, ai xây xong trước sẽ thắng. Biết khó đánh thắng vua Pô Klong Garai bằng sức mạnh quân sự, Hakral đã chấp thuận. Vua Po Klong Garai xây tháp trên đồi Balhla, còn tướng Hakral xây ở vùng Balhul. Kết cục, bên vua Pô Klong Garai với sự tài trí của mình đã hoàn thành trước, tướng Hakral thua cuộc đành rút quân về.
Nhà thờ Phan Rang
Tọa lạc trên đường Thống Nhất, nhà thờ giáo xứ Phan Rang là tâm điểm mà nhiều khách du lịch Ninh Thuận ghé tới khi tới thành phố này. Nhà thờ được thành lập từ những năm 1963, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử nhà thờ vẫn tồn tại phục vụ nghỉ lễ và phụng vụ giáo xứ.
Đến tham quan, điều đầu tiên mà du khách cảm nhận được đó là sự thanh bình, tính lặng với khuôn viên nhà thờ thoáng đãng, sạch sẽ, cổng nhà thờ có thánh giá lớn, nhà thờ giản dị mái chữ A và tháp chuông cao.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên còn có tượng đài Đức mẹ la vang tươi thắm. Về kiến trúc nhà thờ Ninh Thuận được trang trí đẹp với tượng thiên thần và trên tường có những lớp phù điêu, không gian rộng mở. Các cửa hông nhà thờ thiết kế hình vòm được khắc họa lần lượt những hình ảnh của chúa Giêsu. Phía trong cung thánh được bày trí tỉ mỉ nhưng đơn giản, nổi bật.
- Địa chỉ: 498 Thống Nhất, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
- Điện thoại: 02593922 373
- Năm thành lập: 1963.
- Lịch Thánh Lễ Chủ Nhật: 05:00, 07:00, 17:00
Nếu bạn theo đạo thiên chúa và đi du lịch Phan Rang thì đây là một trong những nơi lắng đọng, an lành mà bạn chẳng thể bỏ qua được.
Bảo tàng Ninh Thuận
Bảo tàng Ninh Thuận nằm trong quần thể khuôn viên Quảng trường 16/4, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Bảo tàng tỉnh sở hữu một vị trí đắc địa – vị trí vàng của trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm với diện tích: 3.547,14 m2; cách bãi biển Bình Sơn 1,5 km về phía Đông; xung quanh Bảo tàng tỉnh có nhiều dự án quy hoạch, gần trường học quốc tế, chợ đêm du lịch Ninh Thuận, bệnh viện tỉnh, hệ thống siêu thị, các khu vui chơi giải trí như: lướt ván diều, đua xe trên cát, khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hy….
Từ Bảo tàng Ninh Thuận đến cụm di tích tháp Chăm Po Klong Garai chỉ 9 km về hướng tây, đến làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp – 2 làng nghề cổ nhất Đông Nam Á với 10 km về hướng Nam, cách vườn nho Ba Mọi 7 km với những trái Nho trĩu quả đặc sản của vùng đất Ninh Thuận.
Bảo tàng Ninh Thuận được thiết kế với nhiều ý nghĩa, cùng với tượng đài chiến thắng tạo thành một cụm công trình kiến trúc Ninh Thuận độc đáo, đặc sắc với khí thế căng tràn sức sống, tiếp tục phấn đấu vươn lên, xứng đáng với tầm vóc và xu thế phát triển của thời đại. Nhìn một cách tổng thể từ trên cao xuống, Bảo tàng Ninh Thuận như một kim tự tháp Ai Cập cổ.
Nhìn từ xa, Bảo tàng Ninh Thuận giống như một con thuyền truyền tải văn hóa tới mọi miền. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, mang đậm nét đặc sắc của vùng đất Ninh Thuận “đầy nắng và gió”. Đặc biệt cứ mỗi lần Tết đến Xuân về Bảo tàng lại càng lung linh hơn với những viên ngọc sáng óng ánh giữa bầu trời Xuân. Du khách có thể thả hồn vào không gian ấm áp mùa Xuân.
Về đêm, Bảo tàng Ninh Thuận như một viên pha lê đa màu sắc. Viên pha lê óng ánh, lung linh sắc màu, tỏa sáng tạo nên một không gian huyền bí, độc đáo giữa lòng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Đến đây du khách sẽ được hòa quyện, say mê ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố Phan Rang – Tháp Chàm – thành phố biển với những làn sóng yêu thương vỗ bờ, du dương lòng người.
Bên trong Bảo tàng Ninh Thuận được trưng bày trên 40.000 hiện vật ở nhiều khu vực với những chuyên đề khác nhau. Đầu tiên là chuyên đề mừng Đảng và chào mừng mùa hè năm 2020. Tiếp đến 11 khu vực tại phòng cố định được trưng bày với những hiện vật mang giá trị về địa lý tự nhiên, dân cư, văn hóa của các dân tộc như Kinh, Chăm, Hoa, Raglai, Chu Ru, Cờ Ho… và văn hóa thời kỳ kháng chiến kết hợp trưng bày hình ảnh các bà mẹ anh hùng người dân tộc thiểu số; đặc biệt Bảo tàng tỉnh còn trưng bày tất cả các sinh vật biển thuộc vùng biển Ninh Thuận được trang trí một cách bài bản, sắp xếp khoa học gắn với sử dụng công nghệ quét mã tem QR code bằng điện thoại thông minh giúp du khách truy xuất thông tin liên quan đến hiện vật trưng bày dễ dàng, thuận tiện, có những trải nghiệm mới mẻ.
Đến với bảo tàng Ninh Thuận, du khách sẽ được tham quan cũng như tìm hiểu về văn hóa – lịch sử của dân tộc Chăm nơi đây. Ngoài ra, du khách còn có thể tranh thủ chụp vài tấm ảnh lưu giữ kỉ niệm cùng gia đình và bạn bè, bởi khung cảnh nơi đây cực kì hiện đại và thu hút người nhìn.
Làng gốm Bàu Trúc
Nằm ở ven quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam, Làng gốm bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ngôi làng này là một trong số những ngôi làng cổ nhất ở Đông Nam Á. Đồng thời cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn bằng tay. Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc cùng nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm trở thành điểm du lịch Ninh Thuận nổi tiếng.
Ngôi làng Bàu Trúc trước đây có tên gọi theo tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là Ma Tró hay “làng trũng” trong tiếng Việt, xưa là địa danh làng Vĩnh Thuận thời Minh Mạng năm 1832. Vào năm 1964, do một trận lụt lớn mà dân làng phải di dời về vùng đất có nhiều cây trúc bên cạnh một cái ao lớn. Từ đó người dân gọi là làng Bàu Trúc.
Theo dân gian kể lại, tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc chính là ông Poklong Chanh, vào thời hưng thịnh nhất của triều đại Poklong Garai đã từ chối làm quan triều đình và về làng dạy cho phụ nữ Chăm cách nắn, nung đất sét tạo thành những vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày. Những người phụ nữ Chăm đã thổi hồn vào đất sét vùng sông Quao, tạo ra những tác phẩm nở hoa và giữ lửa cho nghề gốm truyền thống suốt hơn nghìn năm nay.
Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề gốm, bà con ở đây đã lập đền thờ, tổ chức cũng tế ông Poklong Chanh vào dịp lễ Katê từ cuối tháng 9 đến tháng 10 theo lịch Chăm hàng năm ở Tháp Chàm Poklong Garai.
Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara độc đáo.
Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc đó chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Ở nhiều làng nghề, người ta thường dùng các bàn xoay để nặn gốm. Tuy nhiên ở đây, các nghệ nhân gốm dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời.
Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như là những hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay,… Gốm Chăm Bàu Trúc có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu đặc trưng, có tính “độc bản”. Các sản phẩm luôn có sự khác biệt riêng bởi mỗi sản phẩm tạo ra nó có cái hồn riêng lưu lại từ quá trình nung đất cho đến những nét hoa văn. Đó chính là yếu tố quan trọng trong nghề làm gốm của người Chăm từ xưa cho đến bây giờ và mai sau.
Đến tham quan làng gốm Bàu Trúc các bạn còn được theo dõi các nghệ nhân nắn, tạo hình gốm với những đôi bàn tay tài hoa, điêu luyện cùng những thao tác kỹ thuật vô cùng đẹp mắt. Ngoài ra, các bạn cũng có thể được trải nghiệm tự tay làm cho mình những chiếc bình hay cốc gốm, vẽ hoa văn và nung lửa như một nghệ nhân gốm thực sự. Những sản phẩm gốm đáng yêu do chính tay mình làm chính là đặc sản Bàu Trúc làm quà ý nghĩa nhất cho người thân và bạn bè.
Tháp Hòa Lai
Tháp Hòa Lai là một trong những cụm tháp cổ Chăm Pa, gồm có ba tháp hiện nằm ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Được đánh giá là một trong những di tích cổ nhất và đẹp nhất còn tồn tại.
Thời nhà Nguyễn, cách cụm tháp này khoảng 3 km về phía Bắc có dịch trạm (trạm thông tin liên lạc) tên là Thuận Lai. Trước năm 1988, phủ Ninh Thuận thuộc tỉnh Bình Thuận, các dịch trạm trên đất Bình Thuận đều có tiền tố “Thuận”. Năm 1888, phủ Ninh Thuận chuyển về thuộc vào tỉnh Khánh Hòa, dịch trạm Thuận Lai đổi thành Hòa Lai, cùng tiền tố “Hòa” như các dịch trạm của Khánh Hòa. Vào thập kỷ cuối của thế kỷ 19, các nhà khảo cổ đã lấy địa danh dịch trạm Hòa Lai đặt tên cho cụm di tích Ba Tháp. Năm 1901, phủ Ninh Thuận trở thành tỉnh Ninh Thuận, dịch trạm Hòa Lai được đổi thành dịch trạm Ninh Lai nhưng tên gọi tháp Hòa Lai vẫn giữ đến ngày nay.
Tháp Hòa Lai là một khu di tích lớn, nằm trên vùng đất cao nhất của một cánh đồng dài và rộng ở phía bắc thành phố Phan Rang–Tháp Chàm, cả khu di tích được xây dựng trong một khoảnh đất chữ nhật kéo dài theo hướng đông – tây, dài 200 mét, rộng 125 mét. Ngoài ba ngôi tháp, còn vết tích của nhiều kiến trúc Ninh Thuận phụ khác như tường gạch bao phía đông, tháp cổng, gian nhà dài ở khu sân ngoài và nhiều công trình nhỏ khác nhau.
Tháp trung tâm hiện chỉ còn phần thân và một bộ phận của tầng thứ nhất nhỏ hơn hai ngôi tháp hai bên, nhưng lại được xây dựng cẩn thận hơn và còn giữ lại nhiều hình trang trí hơn, theo các nhà nghiên cứu vào cuối thế kỷ 19, người Pháp và quan chức địa phương đã cho phá phần trên của tháp trung tâm để lấy gạch lát con đường cái quan tức là quốc lộ 1 bây giờ đi qua đó. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tháp trung tâm đã bị sụp đổ luôn tầng thứ nhất chỉ còn lại phần nền.
So với tháp trung tâm, tháp phía bắc cao hơn về mặt bằng và về chiều cao, cũng như tháp trung tâm, phần nền của tháp bắc được trang trí tương tự. Riêng về tháp nam, so với ba ngọn tháp thì đây là tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất, tuy nhiên một số chi tiết trang trí trên mặt tường đang còn ở dạng phác thảo, về cơ bản tháp nam giống với hai tháp kia nhưng lại khác ở điểm trong cách bố cục và trang trí các chi tiết, các trụ ốp được đặt gần nhau hơn và mặt giữa trụ ốp hẹp hơn, cửa giả rộng hơn nhưng lại không có hình người đứng bên trong.
Hai ngôi tháp còn lại ở Hoà Lai, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, là những kiến trúc tháp thành công nhất, đẹp nhất của Chăm Pa. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương khoẻ nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. Trang trí hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, ở các trụ ốp, ở bộ diềm mái. Trang trí ở tháp Hoà Lai vừa mang tính chức năng – nhấn mạnh ấn tượng cho các thành phần cấu trúc đỡ vừa phô bày vẻ đẹp của các hoa văn.
Yếu tố đặc trưng tiêu biểu nhất của tháp Hoà Lai là những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giả và các ô khám của các tầng, vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình là cuộn, vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh. Khoảng tường giữa hai trụ ốp cũng được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá. Phần trên của từng và bộ diềm mái là một hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh. Một trong những nét rất đặc biệt của tháp Hoà Lai là tường tháp không thẳng đứng mà lại hơi choãi ra về phía trên.
Tháp được xây dựng ở thế kỷ 9, trong giai đoạn phong cách Hoà Lai, hiện là một trong những cum tháp Chăm cổ nhất hiện còn
Một điểm đặc biệt về cụm tháp này là mặc dù tháp rất đẹp và bề thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm đã bỏ không thờ cúng tại cum tháp này từ rất lâu, thậm chí là sau khi xây dựng xong, người Chăm chưa từng thờ cúng tại đây. Một trong các giả thuyết lý giải việc này là khu tháp đã bị người Khmer chiếm trong một cuộc chiến giữa hai vương quốc Khmer và Champa, vì thế cụm tháp đã bị ô uế.
Hải đăng Mũi Dinh
Hải đăng Mũi Dinh thuộc làng Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận chỉ cách biển Cà Ná một vòng cung núi, cách Phan Rang chưa đầy 40km về phía nam. Hải đăng Mũi Dinh được xây dựng từ năm 1904 thời Pháp thuộc nhằm phục vụ những chuyến hải trình ở khu vực.
Mũi Dinh là một mũi đất và cũng là tên của một ngọn hải đăng thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam – Ninh Thuận), cách thành phố Phan Rang khoảng 40km. Mũi Dinh nằm ở vị trí khá hẻo lánh, đường đi còn nhiều khó khăn nên không quá nổi tiếng, chỉ mới được biết đến khoảng vài năm gần đây.
Nhờ thế mà nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn nét bình dị, hoang sơ mà khiến người ta đến rồi đều không nỡ rời đi. Đến với vùng đất này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và hùng vỹ với những núi đá lớn, bãi cát trắng, nước biển trong xanh thơ mộng.
Hải đăng nằm trên ngọn núi Mũi Dinh, cách mặt nước biển gần 180m. Do địa hình đường đi lên ngọn hải đăng khá là dốc nên bạn phải mất khoảng 15 phút đi bộ, vượt qua con dốc khúc khuỷu dài tầm một cây số. Nhưng bù lại, càng lên cao, bạn sẽ càng mê mẩn với bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp hùng vỹ nơi đây.
Phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp mê hồn của bờ biển Mũi Dinh. Xa xa là những mỏm đá của hòn Chồng đang lấp ló. Nhìn từ trên cao, bạn sẽ bị hút hồn bởi khung cảnh thiên nhiên bình yên tuyệt đẹp, hít hà hương vị gió biển mặn mà.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp