Yên Bái là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, Việt Nam.
Kiến trúc Yên Bái phong phú với nhiều phong cách đa dạng như đình Bến Lăn có kiến trúc đẹp, có đủ các đồ thờ tự như bát nhang đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng, đề có trạm trổ tứ quý làm từ gỗ tứ quý như chò chỉ, vàng tâm, lõi thọ, đinh hương.
Du lịch Yên Bái điểm đến được biết tới là cửa ngõ của vùng Tây Bắc Tổ Quốc, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ. Nhắc tới Yên Bái là người ta nhớ tới những triền ruộng bậc thang trùng điệp xứ Mù Cang Chải, cung đường đèo Khau Phạ ngoạn mục trên vách núi sừng sững, những con người thân thiện, mến khách đến từ 30 dân tộc anh em khác nhau với những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt,…
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Nơi đây, với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn, các địa điểm du lịch ở Yên Bái đa dạng với các di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước.
Nhà thờ Giáo xứ Nghĩa Lộ
Giáo xứ Nghĩa Lộ nằm ở trung tâm cánh đồng Mường Lò, miền tây bắc của tỉnh Yên Bái; bao gồm thị xã Nghĩa Lộ có 4 phường: Trung Tâm, Pú Trạng, Tân An, Cầu Thia, và 3 xã: Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc và Nghĩa An ;và 1 xã Phù Nham của huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái.
Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Cha Louis Comille (Cha thừa sai Pari – gọi theo tiếng Việt: Cha Vĩnh) đã đến gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất khu tự trị Thái Mèo (tên gọi ngày đó). Sau những năm đầu rao giảng cho các dân tộc nơi đây, dần dần đã hình thành nên một cộng đoàn tín hữu trải dài khắp khu vực Miền Tây bắc này. Năm 1905, Đức Cha Paul Ramond (Đức Cha Lộc) đã ký quyết định thành lập giáo xứ Nghĩa Lộ, tước hiệu Thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu – quan thầy các xứ truyền giáo. Sau đó, từ giáo xứ Nghĩa Lộ đã tách ra các giáo xứ Miền Tây giáo hạt Yên bái ngày nay.
Là giai đoạn giáo xứ Nghĩa Lộ liên tục có các Cha người Pháp trông coi và rao giảng. Thời gian này, giáo xứ Nghĩa Lộ là trung tâm nghỉ chân của các đấng Thừa sai đi rao giảng Tin mừng ở các vùng lân cận: các xã của huyện Trạm Tấu và các huyện, xã của tỉnh Sơn La, cũng như một số xã của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Lúc này nhà thờ giáo xứ Nghĩa Lộ được làm 7 gian nhà cấp 4 bẵng gỗ. Đến năm 1947 thực hiện chính sách “Vườn không nhà trống” do chiến tranh nhà thờ đã bị đốt cháy, sau đó dựng lại vẫn làm bằng gỗ theo kích thước như cũ. Năm 1953 do chiến tranh nhà thờ bị trúng bom của thực dân Pháp nên đã bị cháy lần thứ 2, sau đó vẫn dựng lại theo kích thước cũ.
Mãi đến năm 1979, nhà thờ được dựng lại 4 gian bằng gỗ xoan. Năm 1989, số giáo dân tăng lên nên nhà thờ được dựng lại 6 gian bằng gỗ.
Trong những năm qua, cha Giuse đã cùng với giáo dân chú trọng đến đời sống Đức tin của cộng đoàn, đặc biệt cha luôn quan tâm đến thế hệ tương lai đó là giới trẻ, bằng cách tạo nhiều sân chơi cho giới trẻ như: trò chơi giáo lý và các hoạt động văn hóa thể thao. Đồng thời, cha cùng cộng đoàn tu sửa lại các hệ thống nhà tiếp khách, nhà dành riêng cho đồng bào dân tộc H’mông về tham dự các ngày lễ cũng như khi có công việc cần nghỉ lại. Các công trình nhà để xe, sân xung quanh nhà thờ và khuôn viên nhà thờ Thánh Têrêsa được xây dựng gọn gàng, sạch đẹp để thực sự trở thành trung tâm tôn giáo của các giáo xứ khu vực Miền Tây giáo hạt Yên Bái.
Đền Đông Cuông
Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng. Ngôi đền còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.
Đền Đông Cuông được xây dựng trên một thế đất rộng. Tọa sát bên đôi bờ sông hồng, xung quanh là đồng ruộng và núi rừng bao bọc, không giống những ngôi đền khác trường tồn giữa chốn phồn hoa, cửa nhà san sát mà Đền Đông Cuông “Đông Quang” đã được người xưa chọn phương cắm hướng ngay cấp sa bồi của thế đất vùng “Thượng lưu châu thổ sông Hồng”. Thế đất binh sự – phên dậu nhưng không xa lìa thế nhân, chốn này tĩnh tại nhưng không hề âm u hiu quạnh. Vì vậy ngôi đền ấy mãi mãi sáng trong như đúng tên gọi “Đông Quang” cổ nhân đã đặt. Vậy nên từ xa đã khiến du khách nhận ngay được bóng dáng cây Đa khoảng 800 tuổi cạnh ngôi đền tuy cổ mà không cũ, tuy hiện đại mà mang tính dân tộc cao.
Trang hoàng lộng lẫy, mà chỉ là những vân mây, sóng nước, điểm xuyến đôi hình hoa lá hoa dây. Đền Đuông Cuông có kết cấu hình chữ đinh gồm hai tòa đại bái và hậu cung cấm.
Trước sự ngưỡng mộ của chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân xa gần. Tòa đại bái mới được xây dựng trên nền móng cũ (1995-2002) gồm 3 gian 2 trái làm kiểu quá giang gối đầu, tường cao 5m, nền lát gạch hoa, mái giằng hoành gỗ, cột xi măng giả gỗ cốt thép, toàn mái lợp ngói vẩy Hương Canh… vôi ve nhã nhặn, có diện tích sử dụng 270,5m2, Tam quan cửa thoáng – 10 cửa sổ 02 cửa hậu.
Gồm một gian trên thượng cung, sàn cách mặt nền 1,80m là nơi đặt hai pho tượng, tượng Mẫu và tượng cao quan Đại Vương người Tày Khao ở đây gọi là Quang Hoàng Báo được nối liền với gian giữa của tòa đại bái có tổng diện tích 42m2 dựng kiểu mái xiên đổ xi măng lợp ngói mũi hài Hương Canh – chịu lực ở tường.
Qua bố trí kết cấu khung và ở tòa cung cấm là dạng đình ở trên mang dáng dấp kiến trúc tại Yên Bái của thời Nguyễn với lối sử dụng cổ truyền có hiệu quả.
Chùa Ngọc Am
Chùa Ngọc Am (Tùng Lâm) được xem như trung tâm Phật giáo của tỉnh Yên Bái. Chùa được khởi dựng cuối triều Nguyễn (thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) do một số nhà buôn và chủ thuyền vận tải đường sông người Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Trúc Phê (Hưng Hóa) và Bạch Hạc trở hàng lên bán ở Tuần Quán, Lào Cai hoặc vận chuyển thuê khí giới, quân nhu cho quân đội Pháp thường hay cắm sào đỗ nghỉ ở bến Tuần Quán và suốt dọc sông lên tới địa đầu thành phố Yên Bái. Có người đi tiếp, có người quay xuôi theo hàng lâm sản. Ngoài họ ra còn khá đông thuyền của thương nhân Hoa Kiều cư trú tại Hà Nội hoặc phu thuyền quê quán ở Mông Tự – Mạn Hảo – Hà Khẩu (Trung Quốc) sang Việt Nam làm chân sào. Họ cũng dừng chân tại bến bãi trên. Để cầu bình an, may mắn cho “người yên, vật thịnh” trên những cung đường sông nước, họ góp tiền dựng “Am”. Am – ngôi chùa nhỏ này, ban đầu được bằng những nguyên vật liệu đơn sơ, như: tranh, tre, nứa, lá đã góp phần từng bước hình thành đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân nơi đây và khách buôn trên sông.
Tháng 4/1900, tỉnh Yên Bái được thành lập, nhờ sự nhiệt tâm của các vị Bố Chánh Bùi Bành, Trần Gia Du, Am được mở rộng khang trang, phát triển thành chùa, có sư trụ trì và lấy tên là Tùng Lâm. Chùa Tùng Lâm còn được gọi là chùa Am để kỷ niệm cùng thời gian đó, chính quyền Pháp chủ trương di chuyển nghĩa trang thị xã cũ trên địa bàn phố Cao Su (phố Yên Thái, phường Hồng Hà ngày nay) về khu nghĩa địa bên bờ hồ Yên Bái (khu vực di tích Nguyễn Thái Học – công viên Yên Hòa thuộc địa phận phường Nguyễn Thái Học ngày nay) do đó toàn bộ đồ thờ, chân nhang tại Am Âm Hồn phố Cao Su được chuyển nhập về chùa Tùng Lâm.
Ngày 31/5/1966, chùa bị không quân Mỹ ném bom tàn phá, các hiện vật quý như: tượng thờ, chuông đồng, hoành phi, câu đối… được đưa về chùa Bách Lẫm – chùa Linh Long (phường Yên Ninh), đền Nhị Châu (xã Giới Phiên). Tháng 12/1973, Công ty Lâm sản Yên Bái được chính quyền lúc bấy giờ cho phép xây dựng xưởng sản xuất trong khuôn viên chùa.
Ngày 22/4/1996, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân và Phật tử, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định khôi phục lại chùa Tùng Lâm – Ngọc Am trên nền xưa, đất cũ. Năm 1998, chùa chính hoàn thành, hạng mục Đại Hùng Bảo Điện có kiến trúc Yên Bái hình chữ Đinh gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung, phía sau là nhà Tổ. Ngay sau khi phục dựng xong, chùa Tùng Lâm đã nhanh chóng trở thành một trung tâm tôn giáo – tín ngưỡng lớn mạnh, linh thiêng tại thị xã Yên Bái (thành phố Yên Bái ngày nay) nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.
Năm 2004, Đại đức Thích Minh Huy được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa. Năm 2005, Đại đức cùng Ban quản lý di tích chùa Tùng Lâm hoàn tất thủ tục lấy lại mặt bằng từ Công ty Lâm sản Yên Bái, đồng thời tiến hành tu bổ, tôn tạo lại chùa. Đánh giá rõ vai trò quan trọng của chùa Tùng Lâm – Ngọc Am trong việc truyền bá và định hướng Phật pháp ở Yên Bái, ngay trong thời gian này, chùa đã được Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh chọn là trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Yên Bái. Năm 2006, chùa xây dựng thêm hạng mục đền thờ Tam phủ, Đức Thánh Trần và Ông Hoàng Bảy; quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên, xây dựng Bảo tháp, xây dựng cổng Tam quan trên trục đường Thanh Niên.
Ngoài dịp mùng một, ngày Rằm, hàng năm tại chùa diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng, như: lễ giỗ Tổ sư Thích Đàm Phúc (ngày 06 tháng Giêng); lễ Phật đản (ngày 08/4 âm lịch); lễ Vu lan báo hiếu (Rằm tháng 7); tết Trung thu (Rằm tháng 8); tiệc Tất niên (Rằm tháng Chạp)… Vào những dịp này, nhà chùa thu hút được tham gia đông đảo của nhân dân địa phương, bà con Phật tử và du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, hành lễ.
Ngôi chùa trở thành chứng tích hiện hữu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thị xã Yên Bái trước đây và thành phố Yên Bái ngày nay. Do đó, Chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà được Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Nhà thờ Yên Bái
Giáo xứ Yên Bái thuộc phường Hồng Hà, thị xã Yên Bái, tỉnh Yên Bái được thành lập sớm nhất trong miền Tây Bắc Giáo phận Hưng Hoá vào ngày 29/9/1898 dưới thời Đức cố Giám mục Raymond Lộc thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris.
Nhà thờ xứ đầu tiên xây dựng kiểu Gothique vào năm 1896, ngày ngày 15/10/1951 bị bom phá huỷ hoàn toàn, vào các năm 1952 – 1953, giáo dân dựng lại các nhà thờ bằng tre nhưng sau đó cũng bị bom phá cháy hết, giáo dân lại dựng tiếp ngôi nhà thờ gỗ vào năm 1956, tồn tại đến năm 1975, thì giáo xứ làm được nhà thờ 7 gian lợp lá cọ cột sắt. Đến năm 1990 mới có điều kiện khởi công xây dựng ngôi nhà thờ như hôm nay.
Người đặt nền móng đầu tiên cho việc thi công xây dựng nhà thờ này là cha Trọng, mộ của cha cũng nằm trong khuân viên nhà thờ, ở phía đầu nhà thờ và trước tượng Đức Mẹ. Trong khuôn viên nhà thờ còn có phòng truyền thống, phòng học giáo lý, phòng tiếp khách, nơi ở của các cha và thầy, phòng ăn. Ngoài ra, phía sau khuân viên nhà thờ là nơi ở của các bà dòng, các dì và các cô.
Chùa Minh Pháp
Thôn Trấn Ninh II vốn xưa kia có tên gọi thôn Trĩ Rối, thuộc sách Hào Gia, tổng Bách Lẫm, tỉnh Hưng Hóa ở thượng du Bắc Bộ, được thành lập từ năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là vùng lâm tuyền kỳ thú, núi non quây quần, thung khe trong mát, bốn mùa cây cối tốt tươi. Cư dân nông nghiệp quần tụ ở đất này, hiền hòa đoàn kết, sơn trang yên ấm, mỹ tục thuần hậu.
Theo các bậc cao niên ở Tân Thịnh, đền Rối được khởi dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay có một người tên là Phạm Tà Chiêu vì không chịu cảnh đè nén áp bức của quan lại địa phương đã đưa vợ con và người nhà đi thuyền ngược dòng sông Hồng và cuối cùng dừng chân ở đất Tân Thịnh ngày nay, khai phá lập nên xóm làng. Đây là vùng đất màu mỡ, lâm thổ sản phong phú, có địa hình thuận tiện cho việc giao thương buôn bán với nhiều miền. Ông cũng là người đứng ra xây dựng di tích Đền Rối, Chùa Rối và Đình Làng Yên.
Theo ngọc phả của Đền, thì ngôi đền thờ 5 vị Thành hoàng có tên là Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương. Năm vị này là 5 anh em ruột, con của Cao Nghĩa và Phùng Thị Thầm. Vào đời Hùng Duệ Vương, núi Đông Sơn xuất hiện quái vật hại người, hổ sói làm loạn, sát hại dân chúng. Hùng Duệ Vương ủy thác cho các tướng: Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương đánh dẹp quái vật. Để ghi nhớ công ơn của họ, người đời sau đã lập đền thờ.
Ngoài ra, Đền Rối còn thờ một công chúa có tên là Ngọc Dung – con thứ 8 của Hùng Triệu Vương và bà Phạm Nguyên Phi. Trải qua các đời vua, Đền Rối được 2 đạo sắc phong. Đạo thứ nhất được sắc phong vào ngày 8 tháng 6 (nhuận) năm 1911 đời vua Duy Tân năm thứ 5; đạo thứ hai sắc phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924, đời vua Khải Định.
Đền có kiến trúc theo kiểu chữ nhất với một gian đại bái và một gian hậu cung – được làm theo kiểu nhà sàn. Gian đại bái, còn giữ được nguyên trạng kiến trúc Yên Bái cổ triều Nguyễn với những đường nét chạm trổ tinh xảo trên xà nóc, đầu bẩy và các bộ cửa võng theo đề tài: lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn, hổ phù, đề tài tứ linh, hoa, điểu…
Trong đền, hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật và đồ thờ cổ như: ngai thờ, bát nhang, ngựa thờ, hòm sắc. Đặc biệt, các bức đại tự và câu đối với nét chữ tài hoa trên chất liệu gỗ quý. Bức đại tự ở gian đại bái gồm ba chữ: Vân Phú từ – chính là tên tự của đền. Bức thứ hai gồm năm chữ: Diên Trì Vương Mẫu (có nghĩa là nơi ngao du của Vương Mẫu) được hoàn thành vào năm Mậu Dần – niên hiệu Bảo Đại). Cùng với các bức đại tự, trong đền còn treo hai câu đối: “Trạc trạc quyết ninh thi tán hóa/ Dương dương như tại bảo bình yên” và “Thánh hóa viễn chiêm trưng thọ khải/ Mẫu nghi kiều ngưỡng khánh Hào Gia” (Tạm dịch là “Yên vui thanh bình thực hiện nền giáo hóa/Mênh mang như còn bảo vệ sự bình yên” và Sâu xa thay, giáo hóa của bậc thánh nhân làm sáng tỏ niềm vui – Ngẩng trông bậc Mẫu nghi thiên hạ, vinh hiển đất Hào Gia”).
Trải qua thời gian, hiện nay đền và chùa Rối đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Năm 2011, được sự nhất trí của cơ quan chức năng và tấm lòng hằng tâm hằng sản của mọi người, một tòa đền mới được khởi dựng khang trang, vững chãi liền kề ngôi đền cổ. Cổng tam quan, mái đền lợp ngói mũi hài, đầu đao cong vút cách điệu hình tượng con nghê, tạo nên sắc thái mới mà vẫn giữ được dáng vẻ thâm nghiêm Bên trái khu đền, giờ đây còn có hồ thiền quang và tòa Phật đài Bồ Tát tọa lạc giữa mặt gương nước biếc, lung linh tỏa ngát hương sen mùa hạ càng làm cho cảnh quan đền Rối thêm phần linh thiêng, huyền hoặc.
Những ngày lễ chính trong năm được tổ chức tại Đền như ngày 6 tháng giêng (âm lịch); ngày 10 tháng 2 (âm lịch); ngày 7 tháng 3 (âm lịch); ngày rằm tháng 7; tết tháng chạp, tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, lễ đền chính được tổ chức hàng năm vào ngày 6 tháng giêng như để ghi nhớ công lao của các vị anh hùng, thành hoàng đã có công xây dựng đền. Cũng là dịp để du khách thập phương đến dâng hương cầu lộc, cầu chữa lành bệnh, cầu bình an.
Di tích đền và chùa Rối xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp