Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Tên gọi cũ của tỉnh trước 1976 là Định Tường. Hiện ở Tiền Giang, những ngôi nhà có lối kiến trúc Á Đông kết hợp hài hòa với phong cách Roman còn lại rất hiếm. Nơi đây cũng là địa chỉ được nhiều đôi uyên ương chọn để chụp album cưới hoặc được lấy làm bối cảnh cho nhiều bộ phim có nội dung thời Pháp thuộc. Mái lợp ngói âm dương mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Cho tới nay, kiến trúc Tiền Giang là những công trình đặc sắc, giao thoa nhiều phong cách kiến trúc, từ phương Tây cho tới phương Đông. Ở bên ngoài, có thể thấy công trình có dáng dấp của kiến trúc Hy Lạp, La Mã thời Phục Hưng, với những chi tiết trang trí mang âm hưởng kiến trúc Pháp, Hoa, Xiêm, Miên, Chăm, Khơ Me…

Tiền Giang từ lâu đã là vùng đất nổi tiếng với những địa danh lịch sử với bao chiến công của các vị anh hùng dân tộc. Ẩm thực Tiền Giang cũng mang những nét độc đáo của miền đô thành ven sông Tiền. Nếu bạn đang có dự định du lịch Tiền Giang và phân vân không biết nên đi đâu thì 10 địa điểm dưới đây sẽ là gợi ý không thể phù hợp hơn dành cho bạn.
Chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ, được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, và là một điểm hành hương và du lịch nổi tiếng và cũng là công trình có kiến trúc tại Tiền Giang được nhiều người biết đến.
Chính điện được bài trí trang nghiêm. Chùa còn bảo tồn nhiều tượng cổ, bao lam chạm trổ công phu. Bộ Thập bát La hán thượng kỳ thú là những tác phẩm tượng tròn độc đáo được các nghệ nhân Nam Bộ tạc vào những năm đầu thế kỷ 20.

Chùa được xây cất do công trình kiến trúc của nhiều người, trong nhiều năm, là một chùa lớn, được kiến trúc khá tinh vi, đa dạng theo lối thiết kế kiến trúc tổng hợp Á – Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm). Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.
Phía trong gian chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai gian này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa, hòn non bộ này phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam, điều đó chứng tỏ rằng tổ tiên ta nhễ muốn đưa thiên nhiên vào tận nhà. Đúng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau gian chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.
Đi vào từng gian ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp rên các hình chạm, trên các tượng phật. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong gian chính điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu “thượng thu hạ cách”.
Trước chùa có 2 cổng Tam quan kiểu võ rất tinh xảo, xây theo kiểu cổ lầu để hình hòa thượng Lê Ngọc Xuyên đúng trên bậc đúc bằng xi măng, cửa ngõ này cẩn toàn bằng đồ sứ có giá trị (sứ Trung Hoa, Việt Nam) in hình long, lân, quy, phượng. Canh, mục, ngư tiều, mấy câu đối cũng cẩn bằng miếng chai nổi màu sắc óng ánh trông rất đẹp.
Tóm lại, bằng những vật liệu gỗ, những nhà kiến trúc, nhà điêu khắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chạm khắc những hình tượng mang màu sắc tôn giáo huyền ảo, thoáng đượm vẻ vương quyền, qua đó ta thấy được những công trình điêu khắc của người xưa – qua những hình tượng sống động ấy ta thấy rõ cuộc sống vui tươi và ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam – một dân tộc tự nhận mình là dòng dõi con rồng cháu tiên thể hiện qua chạm khắc hình tượng tứ linh.

Bên cạnh những pho tượng, hiện vật còn lại trong chùa này phải kể dến là Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 12 cm, nặng khoảng 150 kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên đó khắc chữ “Vĩnh Trường Tự”. Hiện nay Pháp Bảo Chuông không sử dụng được, bị hỏng do nằm lâu dưới nước sau thời gian thất lạc.
Ngoài ra trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ này mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình “Mai, lan, cúc, trúc” in hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Điều đáng chú ý là những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ “Hoàng kim bửu điện” được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.
Từ trước tới nay, ngôi chùa vẫn được bảo quản tốt, bổn đạo khắp nơi vẫn thường đến viếng, góp tiền của cho việc tu sửa chùa, các tu sĩ trong chùa vẫn chú trọng công tác bảo vệ chùa. Gần đây, chùa đã thi công xây dựng thêm một tượng Phật đừng rất vĩ đại. Tượng màu trắng, diễn tả Phật đang đứng trông nom chúng sinh các cõi. Tượng Phật được nhiều người địa phương cho là biểu tượng của ngôi chùa hiện nay.
Cầu Mỹ Thuận
Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Việt Nam. Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam.

- Loại cầu: cầu treo dây văng theo hình rẻ quạt (semi-hanp) với hai mặt phẳng dây cách nhau 18,6m;
- Tổng chiều dài cầu: 1.535,2m;
- Phần cầu chính dây văng: 660m;
- Phần cầu dẫn: 875,2m (gồm 22 nhịp);
- Tải trọng thiết kế: theo tiêu chuẩn AUSROADS-92 của Úc, có so sánh và kiểm toán với tải trọng H30-XB80 theo tiêu chuẩn 22 TCN 18-79 của Việt Nam;
- Độ dốc dọc cầu: 5%;
- Lực va xô tàu, vuông góc với tim cầu: 32,000 KN (xuôi dòng), 15,000 KN (ngược dòng);
- Song song với tim cầu: 16,000 KN (xuôi dòng), 7,500 KN (ngược dòng);
- Khổ thông thuyền: 37,5m x 110m;
- Khổ cầu 4 làn xe cơ giới, 2 lề bộ hành tổng cộng rộng 23m.
Năm 1950, Hoa Kỳ đã từng có ý định cung cấp vốn cho chính quyền Sài Gòn xây dựng cây cầu nhưng thất bại. Giữa thập niên 1960, công ty Nippon Koei (Nhật Bản) đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính. Theo chương trình AusAid của chính phủ Australia, dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90,86 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng), trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34% đã thành công.
Đình Tân Đông
Đình Tân Đông (Tiền Giang) hơn 100 năm được coi là một công trình kiến trúc Tiền Giang cổ độc đáo khi trên nóc có 2 cây bồ đề buông rễ ôm toàn bộ ngôi đình. Dù vậy, đình Tân Đông đã xuống cấp trầm trọng.
Phía trước đình có khắc niên đại năm 1907, không ai biết chính xác năm ấy ngôi đình được xây dựng hay năm trùng tu. Theo nhiều bậc cao niên nhận định rằng ngôi đình có từ thời vua Minh Mạng, nhưng kiến trúc hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình lại mang đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn.

Lúc bấy giờ đình làm nơi tổ chức các lễ hội Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền và lễ cầu Ông, đến thời Pháp trở thành nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng, thời Mỹ lại biến thành nơi giam giữ, tra khảo, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng. Sau giải phóng số người ghé qua đình ít dần, đình trở nên hoang tàn không ai hương khói, dọn dẹp.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 30 năm ngôi đình lại xuất hiện 3 cây bồ đề mọc vươn cao lên trên đỉnh của ngôi đình, rễ cây vươn ra bám vào tường, một số rễ chạy dài theo các rãnh khe nứt của đình trở thành cột, kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ ngôi đình vững chắc.
Vào năm 1990 một cây bồ đề đã bị một số người tham lam gỡ về làm cảnh, những người dân nằm mộng thấy vậy buổi sáng kịp ra can ngăn nên giữ được hai cây còn lại. Nhờ có hai cây bồ đề tỏa tán lá rộng mà che mưa, che nắng cho mái ngói lưa thưa, mục nát và xuống cấp theo thời gian.

Với người dân nơi đây, bồ đề được xem như hai cây thần vừa canh gác vừa làm nhiệm vụ nâng đỡ đình vượt qua thời tiết khắc nghiệt và mưa bão. Đến nay, người dân trong khu vực đặt niềm tin vào ngôi đình rất linh thiêng, họ sớm tối nhang khói, quét dọn và thờ phụng Đình Tân Phong như một niềm tự hào về một di tích lịch sử đặc biệt tại đây.
Một lưu ý nhỏ dành cho các bạn là tuy đình không lớn và khang trang như những ngôi đình khác, nhưng nếu có dịp ghé qua đây các bạn nhớ đi nhẹ, nói khẽ, tránh đùa giỡn, leo trèo hay làm tổn hại đến giá trị của ngôi đình cổ nhé.
Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho
Nhà thờ Chính Toà Mỹ Tho nằm tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Mỹ Tho.
Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Mỹ Tho là nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê, do các linh mục thừa sai dựng nên. Kế đó vào năm 1866, Giám mục Miche đã cho xây dựng một nhà thờ mới có tên gọi Nhà thờ Vĩnh Tường được dâng kính Thánh Tâm. Nhà thờ này được xây dựng theo lối kiến trúc Hy Lạp – Rôma thời Phục Hưng tuy nhiên hiện nay do xuống cấp nên không còn được sử dụng.

Ngôi nhà thờ thứ ba được khởi công xây dựng ngày 11 tháng 8 năm 1906 bởi linh mục Régnier (Gẫm), bên kia đại lộ Bourdais, nay là đại lộ Hùng Vương và hoàn thành vào năm 1910. Về cơ bản, nhà thờ này giữ lại lối kiến trúc đẹp tại Tiền Giang. Do xây dựng trên nền đất sình nên chiều cao của nhà thờ phải hạ thấp để đảm bảo an toàn. Ngôi nhà thờ có chiều cao 24m, chiều dài 53m, chiều rộng hơn 17m, một gian chính và hai gian phụ hai bên. Kết cấu chính của tòa nhà được xây theo lối cột tròn chống đỡ, mái vòm được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đồng thời tổ chức lại các giáo phận cũ và mới, trong đó có việc thiết lập Giáo phận Mỹ Tho tách ra từ Giáo phận Sài Gòn. Kể từ đây nhà thờ Mỹ Tho được nâng lên thành Nhà thờ chính tòa với tước hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm”.
Chuông nhà thờ đầu tiên được dựng bên hông nữ. Đến năm 1958, linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chiếu đã di dời chuông lên tháp cao bên nam. Ngày 16 tháng 2 năm 1995, linh mục Giuse Nguyễn Văn Chúc cho xây dựng lại một tháp chuông khác tách rời nhà thờ, tức là tháp chuông hiện nay.
Năm 2006, mừng kỷ niệm 100 năm ngày xây dựng nhà thờ, linh mục Giacôbê Hà Văn Xung đã tiến hành trùng tu và nới rộng nhà thờ, thay mái ngói, xây dựng lại phòng thánh, cải tạo tháp chuông và đặt đàng Thánh Giá xung quanh nhà thờ.
Đình Điều Hòa
Di tích tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đình Điều Hòa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô xây dựng lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các mảng chạm khắc trang trí bên trong.
Do nằm trong địa vực trung tâm thành phố, giữa khu dân cư nên việc đi đến di tích bằng các phương tiện giao thông đường bộ rất thuận tiện. Từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ I, rẽ vào đường Ấp Bắc chạy thẳng xuống đường Nguyễn Trãi, quẹo qua Hùng Vương chạy về hướng Chợ Gạo, qua khỏi Cầu Quay rẽ trái vào đường Trịnh Hoài Đức khoảng 300m là đến di tích.

Đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Tiền Giang. Hiện trong đình còn lưu giữ, bảo quản các sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ, và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ XVIII – XIX. Đặc biệt là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay.
Trên mặt dựng của cổng có 3 chử Hán “Đình Điều Hòa”, phía sau trang trí một một bức tranh “Thất Hiền Quá Hải”, bên dưới thân trụ cổng có đôi câu đối của ông Cao Xuân Dục viết tặng đình khi về thăm đình vào năm Duy Tân thứ I. Nội dung:
“Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị
Nhất thôn phong hóa hảo Điều Hòa ”
Do có ý thức bảo quản gìn giữ tốt và thường xuyên được nhân dân địa phương đóng góp tu bổ, nên ngày nay Đình Điều Hòa rất khang trang, giữ nguyên được giá trị sử dụng ban đầu và còn nhiều cổ vật quý hiếm có từ khi đình mới được thành lập vào thế kỷ XVIII. Đồng thời cũng thu hút được nhiều khách tham quan lui tới nhất là các dịp cúng lệ Kỳ yên hàng năm của đình (16-17-18 tháng 02 và 16-17-18 tháng 10 âm lịch)
Di tích Rạch Gầm – Xoài Mút
Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam; cách thành phố Mỹ Tho hơn 10 km.
Với tổng diện tích hơn 02 ha, khu di tích gồm tượng đài Nguyễn Huệ, nhà trưng bày (số 1 và số 2), và một nhà cổ Nam Bộ. Đây là một khu di tích đẹp, thoáng mát.

Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng được tác giả thể hiện trong tư thế rút gươm rất uy dũng. Bên cạnh ông là một binh sĩ đang dương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất hài hòa.
- Nhà trưng bày số 1: trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận đánh.
- Nhà trưng bày số 2: trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm – Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên.
- Nhà cổ Nam Bộ: 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện lại cuộc sống của những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa. Ngôi nhà cổ này đuọc phục chế lại và chuyển nguyên vẹn từ huyện Gò Công về.
Lăng Hoàng Gia
Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng nổi tiếng ở Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang (Việt Nam).
Khu lăng được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách thị xã Gò Công khoảng 2km và cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30km.

Dòng họ Phạm đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp ở xứ này. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ, và được người đời gọi là Lăng Hoàng Gia.
Khu Lăng được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân địa phương cùng các nghệ nhân cung đình từ Huế được phái vào, nên lăng mang những nét đặc trưng và phong cách của kiến trúc cung đình Huế.
Sau khi phải ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (3 tháng 6 năm 1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức đã sai Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc đất, một phần cũng vì lo sợ khu lăng mộ họ Phạm và khu lăng mộ họ Hồ (xem trang Hồ Văn Bôi) ở Biên Hòa bị đối phương xâm hại. Đến khi Hòa ước Giáp Tuất (15 tháng 4 năm 1874) được ký giữa Pháp và Nam triều, việc bảo vệ khu hai đền mộ này được quy định tại điều khoản 5.
Đình Trung
Trước đây còn được gọi là Đình Thành Phố Thôn hay Đình Làng Thành Phố. Nay gọi là Đình Trung là do đình tập trung thờ 3 sắc thần của vua Tự Đức phong cho 3 ngôi đình thôn của Gò Công.
Đình được chia làm 3 toà : toà Võ ca và toà Võ quy và Toà Chánh điện.

Biểu tượng thiêng liêng được tôn thờ trong toà Chánh điện là chữ “THẦN” được chạm nổi sơn đen, xung quanh là rồng phượng hoa lá sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Chữ THẦN tượng trưng cho vị thượng đẳng thần “Thành Hoàng Bổn Cảnh” với nét sổ đứng mạnh mẽ như cột trụ, chống đở cho cả vùng “bổn cảnh”, và nét oai linh “hộ quốc, tí dân” bảo vệ tổ quốc, phò hộ dân lành .
Nhà Đốc Phủ Hải
Tọa lạc tại vị trí đắc địa với ba mặt tiền đường Trần Hưng Đạo – Hai Bà Trưng – Lê Thị Hồng Gấm thuộc phường 1, thị xã Gò Công, ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải là một công trình kiến trúc Tiền Giang cổ độc đáo với những nét chạm trổ cầu kỳ, khoáng đạt thể hiện sự vương giả của gia đình chủ nhân còn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn.
Theo các tài liệu còn lưu truyền, ngôi nhà đầu tiên được bà Sanh dựng theo lối chữ Đinh [丁], một kiểu nhà truyền thống có xuất xứ từ miền Trung khá phổ biến lúc bấy giờ. Sau nhiều đợt tu bổ và xây dựng, hiện ngôi nhà là một tổ hợp kiến trúc gồm nhà chính ở phía trước (533,26m²), hai nhà vuông ở hai bên (196,4m²), lẫm lúa hay kho thóc ở phía sau bao quanh một sân trời ở giữa tạo thành hình chữ Khẩu [口]. Có người đã cho rằng ngôi nhà được làm theo lối “nội Công ngoại Quốc”, nghĩa là bên trong hình chữ Công [工], bên ngoài hình chữ Quốc [國] hoặc chữ Khẩu [口], song nhận định như thế e có phần phiến diện, bởi thực tế đã không minh chứng được điều đó.

Nhà chính được làm theo kiểu ba gian hai chái, có mặt tiền quay về hướng chính Bắc (chính phương triều đẩu), phần phía sau có cửa mở quay về phương Nam (trung đường sinh bối điện Nam cô). Các phần bên ngoài được xây dựng bởi vôi, vửa, mái lợp ngói âm dương được nâng đỡ bởi 36 cột, trong đó có 30 cột là gỗ căm xe và gõ. Bên trong nhà tiền đường, các cột được liên kết với nhau bằng các dãy bao lam bằng gỗ chạm hai mặt, thể hiện các đề tài tứ linh, tứ qúy, bát bửu…Xen kẻ các bao lam còn có các liễn đại tự, trên các cột là các đôi liễn đối với các tích truyện Tàu thể hiện triết lý Nho-Lão-Phật, các đề tài tứ qúy hay nhạc cụ cổ truyền Việt Nam như đàn bầu, tỳ bà, sáo trúc được khảm xà cừ, trên gian khánh thờ có hình lưỡng long triều nguyệt chạm trỗ tỉ mỉ và thếp vàng…
Gian tiền sảnh phía trước được thiết kế theo mô-típ châu Âu đặc trưng với các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho. Tại đây các xiên trính cũng được chạm ở ba mặt và cả hai đầu, các đố và vòm cửa là các bao lam hình chữ nhật hoặc vuông, trang trí các đề tài gắn liền với đời sống cư dân Nam bộ như tứ qúy, hoa, trái, chim, thú… được lồng kính vừa có tác dung ngăn mưa, gió vừa bảo vệ các tác phẩm chạm trỗ bền vững với thời gian.
Không gian Á Đông của ngôi nhà còn được bổ khuyết bởi các vật dụng phương Tây thuộc loại sang trọng và qúy hiếm như các bộ bàn ghế chạm nổi hoặc khảm xà cừ theo phong cách Louis cổ điển Pháp, bàn đá cẩm thạch, tủ gỗ sản xuất tại Pháp, bàn trang điểm, đèn treo trần nhà kiểu Châu Âu, hai bộ đi-văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen…; đồ sứ Trung Hoa và Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII đáng chú ý có chiếc đôn sứ Giang Tây, chiếc độc bình cổ, hai chiếc ché gốm màu hoa văn rồng nổi… Ngoài ra còn có các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh tứ thời bằng hạt cườm rất hiếm, tám tấm tranh thêu đề tài Tùng-Trúc-Cúc-Mai, Xuân-Hạ-Thu-Đông, đặc biệt có hai bức ảnh bán thân bằng xà cừ của bà Điệu và ông Hải, chiếc giường Thất Bảo kiểu Quảng Đông có mặt lát sáu tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau với thanh chân chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ…
Với những giá trị độc đáo và hiếm có, từ năm 1980 – 1999, Nhà Đốc phủ Hải được Thị ủy và Ủy ban Nhân dân thị xã Gò Công sử dụng làm Nhà truyền thống thị xã Gò Công. Từ năm 2000 đến nay, ngôi nhà được trả lại tên gọi “Nhà Đốc phủ Hải” phục vụ khách tham quan.
Dinh Tỉnh Trưởng
Nếu nhà đốc phủ Hải (tức nhà cũ của bà Trần thị Sanh, vợ anh hùng Trương Định, xây năm 1860) là ngôi tư gia lớn nhất thì dinh Chánh tham biện Gò Công (xây năm 1885) là trụ sở cơ quan công quyền lớn nhất ở Gò Công. Thế nhưng số phận 2 ngôi nhà này đối nghịch hẳn với nhau. Nhà Đốc phủ Hải được giữ gìn gần như hoàn chỉnh, kể cả hiện vật bên trong, được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Dinh Chánh tham biện Gò Công thì bên trong không còn gì cả và bản thân ngôi nhà thì sắp sập!

Sau 1975, dinh tỉnh trưởng này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý, hiện giờ là Trung tâm Văn hóa Thể thao thị xã Gò Công.
Năm 1985, phía Pháp có gửi một công văn cho Gò Công đề nghị ngưng sử dụng Dinh tỉnh trưởng Gò Công, lý do là niên hạn sử dụng theo thiết kế là 100 năm, đến thời điểm ấy đã hết. Không có kinh phí, Gò Công không hề có một động thái nào để duy tu, bảo dưỡng ngôi nhà cả.
Đã vậy, điều không ngờ đến lại xảy ra. Không hiểu vì lý do gì, chim yến bay về làm tổ bên trong dinh tỉnh trưởng Gò Công rất nhiều. Của trời cho, năm 2006 dinh được chính quyền ký hợp đồng cho Công ty TNHH Yến Gò Công thuê để… làm nơi nuôi yến!
Về kỹ thuật nuôi yến, nơi ở của chim phải có ánh sáng từ mờ tối đến tối, nhiệt độ không khí khoảng 28ºC, độ ẩm 80%, lại còn phải tạo độ ẩm bằng cách phun sương. Đơn vị thuê đã thực hiện những điều đó, khiến ngôi nhà đã hết niên hạn sử dụng lại càng nhanh xuống cấp. Có thể ví dinh tỉnh trưởng Gò Công như một người già, đã chẳng được chăm sóc đàng hoàng mà lại còn bị hành hạ nữa!
Trước phản ứng của dư luận, cuối năm 2011, chính quyền đã cắt hợp đồng với công ty nuôi yến. Dù sao 5 năm trời cũng đã làm tàn tạ thêm dung mạo và sức khỏe của ông già trên trăm tuổi nhiều lắm.
Ở thời điểm cắt hợp đồng nuôi chim yến cuối năm 2011, chính quyền thị xã Gò Công cho biết đến đầu năm 2012 sẽ tôn tạo lại di tích này.
Đền Thờ Anh Hùng Dân Tộc Trương Định
Lăng Trương Định hay Lăng Trương Công Định là lăng mộ của vị anh hùng dân tộc Trương Công Định (Trương Định) Lăng hiện tọa lạc tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Lăng Trương Định là di tích lịch sử là kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Khu lăng Trương Định có hai phần:
- Mộ được xây bằng đá ong với hồ ô dước, trên diện tích 67m2.
- Đền thờ xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng.
Cầu Rạch Miễu
Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với nhau. Bờ bắc của cầu này là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bờ nam là huyện Châu Thành của tỉnh Bến Tre, cách tỉnh lỵ Bến Tre (thành phố Bến Tre) 14 km. Đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các công ty Việt Nam. Cây cầu này khi hoàn thành giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế cô lập về giao thông bộ. Ngoài cầu chính, công trình này còn bao gồm đường dẫn hai đầu.

- Chiều dài: 8331 m kể cả đường nối hai đầu cầu. Riêng phần cầu chính gồm 2 cầu số 1 và số 2 có tổng chiều dài 2.868 m, trong đó có một phần là kết cấu dây văng bố trí nhịp 117m+270m+117m, chiều cao tĩnh không thông thuyền 37,5m. Ở giữa cầu là cù lao Thới Sơn. Cầu số 2 dài 990m gồm các nhịp có chiều dài tới 90m để thông thuyền với chiều cao 7m là dầm bêtông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Các nhịp cầu dẫn là nhịp dầm Super T chiều dài mỗi nhịp 40m. Hai đoạn đường nối hai đầu có tổng chiều dài 5.463mvà 2 cầu chính có tổng chiều dài 2.868m bắc qua hai nhánh sông Tiền Giang và cồn Thới Sơn.
- Chiều dài nhịp chính: chiều dài 270 m và chiều cao thông thuyền là 37,5 m cho phép tàu 10.000 tấn có thể đi qua.
- Chiều rộng cầu: rộng 15 m cho 2 làn xe ô tô và 2 làn xe máy có phần đường cho người đi bộ hai bên.
- Tổng thầu thi công: liên danh Taisei – Kajima – Nippon Steel (TKN);Liên danh TKN làm lãnh đạo liên doanh, Thi công nhịp chính:TKN
- Tải trọng cầu: 60 tấn
- Tổng mức đầu tư khoảng : 3.300 tỷ đồng
Đây là chiếc cầu dây văng lớn thứ ba được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và thi công, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và thi công) và Rạch Miễu là cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới.
Chùa Linh Thứu
Chùa Linh Thứu hay Sắc Tứ Linh Thứu cổ tự là một trong số các di tích kiến trúc Mỹ Tho nghệ thuật độc đáo ở Tiền Giang. Trải qua gần 300 năm xây dựng. Những giá trị nghệ thuật cùng với các triết lý, tín ngưỡng của chùa được các bậc tiền nhân sáng tạo, giữ gìn. Khiến cho chùa như một bảo tàng văn hóa, làm kích thích óc tò mò, trí tưởng tượng của khách thập phương.
Nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho về hướng Tây khoảng chừng 7 km. Sắc Tứ Linh Thứu là ngôi chùa có thâm niên lớn trong số các ngôi chùa ở miền Tây. Nằm gần chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chùa Linh Thứu nguyên thuở trước là Long Tuyền Tự. Tương truyền lời của các bậc kỳ lão, thì chùa được khởi thủy từ đời nhà Lê vua Cảnh Hưng. Thuở ấy, nền chùa là một khu đất hoang vu tịch mịch, cách xa làng xóm. Bọn Mục đồng theo lệ thường, mỗi ngày thả trâu đi ăn, cùng nhau hội hợp tại đây để chơi giỡn. Chúng đốn cây, kéo lá, cất một cái chòi, nắn tượng Phật mà thờ phụng. Từ đó mỗi sớm sớm chiều chiều, thường dùng cảnh chùa giả ấy làm nơi nghỉ mát vui chơi hằng ngày.

Ngày tháng trôi qua, chắc cũng có nhân duyên nên các bậc tiền đức mới lần lần nối nhau xây dựng chùa. Vào thời “Nam Bắc phân tranh”, Nguyễn Ánh lúc ấy thế còn yếu thế. Mà quân Tây sơn lại mạnh mẽ. Khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh, chúa Nguyễn đã nương nhờ vào cửa chùa. Được Hòa Thượng trụ trì chùa là Ngài Nguyễn Phước Chánh giúp đỡ.
Lại cũng vì nhớ công phụng sự, vua sắc phong cho ngài Nguyễn Phước Chánh hàm ân là “Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng”.
Nhà thờ Cái Bè
Nhà thờ Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là nhà thờ với kiến trúc đẹp, có tháp chuông cao nhất và có địa thế đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tọa lạc bên ngã ba sông Cái Bè – nơi tụ họp của chợ nổi Cái Bè nổi tiếng, nhà thờ Cái Bè nổi bật giữa một vùng sông nước tấp nập thuyền bè qua lại.

Nhà thờ do linh mục Adophe Keller người Đức và bà con giáo xứ Cái Bè xây dựng từ năm 1929-1932. Nhà thờ Cái Bè có lối kiến trúc Roman của phương tây bằng bê tông cốt thép đúc đá, qua bao thăng trầm thời gian vẫn giữ được dáng vẻ đẹp thanh thoát, cổ kính.
Mặt bằng nhà thờ có hình Thánh giá với hai cánh ngang rất cân đối, gồm một lòng chính và hai lòng phụ với khuôn viên rộng và mát mẻ.
Tháp chuông có bộ chuông rất lớn gồm 4 trái, được đúc tại Pháp vào năm 1931, với kỹ thuật thiết kế quả lắc chuông và thanh treo chuông rất tiên tiến.

Bộ chuông nhà thờ Đức Bà Sai Gon do một hãng khác đúc thì thua xa về kỹ thuật thiết kế quả lắc của của nhà thờ này. Dưới chân tháp chuông là một hầm chứa nước khá lớn nhằm khuếch đại âm thanh của tiếng chuông. Tiếng chuông nhà thờ là âm thanh của sự yên lành, thanh bình, thánh thiện, gieo vào lòng người những cung bậc của bác ái và hân hoan.
Mái vòm cao, chia múi với những hoa văn đơn giản mà tinh tế. Nội thất tráng lệ cùng những bức tranh được bài trí trang trọng bên trong nhà thờ. Tấm tranh bằng kính màu vừa có tác dụng chiếu sáng nội thất thánh đường vừa mang tính thẩm mỹ độc đáo, tạo nên một không gian linh thiêng cho những tín đồ tin tưởng nguyện cầu.
Tấm tranh bằng kính màu tọa nên không giang linh thiêng. Cửa chính, cửa sổ và hoa văn của mái che trên cửa phụ đều được tạo tác rất công phu. Diềm mái kết hợp hài hòa với vẻ đẹp của các ô cửa. Diềm mái kết hợp hài hòa với vẻ đẹp của các ô cửa.

Từng chi tiết nhỏ được trau chuốt tỉ mỉ và giàu tính thẩm mỹ. Tất cả được kết hợp một cách liền mạch và tinh tế toát lên nét trầm mặc uy nghiêm.
Nhà thờ có 5 bàn thờ bằng đá cẩm thạch quý và một bộ cửa kính màu rất đẹp. Khi bước vào bên trong nhà thờ du khách sẽ cảm nhận được một thiết kế giàu tính thẩm mỹ, hàng ghế ngồi được đặt ngay ngắn hai bên lối đi.
Ngoài việc mang giá trị về tôn giáo nhà thờ Cái Bè cũng được xem như một công trình kiến trúc Tiền Giang độc đáo, là nơi nhiều khách du lịch Tiền Giang đến tham quan chụp hình. Trong chuyến đi bạn nên kết hợp với các điểm đến như chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp và vườn trái cây.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc tại ấp 1 xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa được xây dựng năm 2012 theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử trực thuộc danh bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ khi khánh thành, bên cạnh việc trở thành trung tâm tu học, Thiền Viện còn tạo điểm nhấn quan trọng nhằm thu hút khách tham quan du lịch Tiền Giang, góp phần làm thay đổi diện mạo một xã nghèo của huyện Tân Phước.
Để đến được Thiền viện, xuất phát từ trung tâm tỉnh Tiền Giang, du khách di chuyển theo hướng từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ 1A, theo hướng Tây 6km, đến Long Định, di chuyển tiếp đến thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Sau đó, tiếp tục đi tkhoảng 10km nữa thì tới được Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Trên đường đi luôn có những bảng chỉ dẫn để vào Thiền viện, đường đi không có trở ngại, vô cùng thuận tiện.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được thiết kế gần giống Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt. Trong suốt quá trình xây dựng, ngôi chùa này được tạo nên bởi công sức của nhiều vị Phật tử trong chùa. Thiền viện có tổng diện tích 50 hecta, khuôn viên rộng lớn với nhiều cây đại thụ, nhiều khối đá tảng khổng lồ.
Thiền viện có 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Trong đó khu ngoại viện bao gồm nhiều hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông,… với tổng diện tích hơn 47.000m vuông. Trong đó, Chánh điện của Thiền Viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sở hữu một vẻ đẹp trang nghiêm, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và hiện đại. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một thiền viện có kiến trúc tại Mỹ Tho độc đáo, hiếm có nhất tại Việt Nam. Không chỉ vậy, nơi đây còn mang đến cảm giác thanh bình, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, an nhiên.

Vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng, Thiền viện Trúc Lâm Giác Chánh thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt dành cho Phật tử. Mọi người có thể cúng viếng, tụng kinh, sám hối, nghe giảng pháp, ngồi thiền hay chỉ đơn giản là đến vãn cảnh, tìm chút bình yên giữa cuộc sống thường nhật bộn bề.
Với thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã hiện diện ở vùng đất miền Tây hiền hòa của đất nước trở thành điểm du lịch Miền Tây hấp dẫn. Như dòng sông Mêkông chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Cửu Long, ngôi thiền viện mới ra đời này, cùng với các tự viện khác hiện hữu trước đó theo dòng thời gian, sẽ làm phong phú thêm đời sống tâm linh của người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ giàu tình người.
Nhà cổ ông Kiệt
Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lâu nay vốn nổi tiếng bởi có hàng chục căn nhà cổ trên trăm năm tuổi với lối kiến trúc độc đáo. Trong số này, căn nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa là đẹp nhất được mệnh danh là “Cửu đại mỹ gia” của Việt Nam.
Từ chợ nổi Cái Bè, mất khoảng 25 phút đi ghe, đến bờ kênh du khách đi bộ một quãng đường khoảng 1 cây số trước khi đến được căn nhà.

Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột, toàn bộ được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm se. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ.
Mái nhà lợp ngói âm dương, một hàng sấp, một hàng ngửa xen kẽ. Kèo cột được thiết kế kiểu chồng rường đặc trưng. Phần liễn song hồng phíc trước nhà được làm bằng gỗ căm se hình vuông xếp so le để lấy ánh sáng, khí trời và người trong nhà dễ quan sát người bên ngoài.

Các liễn đối bên trong và tranh treo tường đều được khảm xà cừ lộng lẫy. Nối liền các trụ chính của căn nhà là hệ thống bao lam được chạm lộng Mai, Lan, Cúc, Trúc cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, được thếp vàng, thể hiện trình độ và tài nghệ thưởng thức nghệ thuật của người xưa.
Năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ ông Kiệt là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng, nên quyết định đầu tư cho trùng tu, đồng thời nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa do tổ chức UNESCO châu Á trao tặng. Năm 2004, sau hơn 1 năm làm việc cật lực, ngôi nhà hoàn thành và trở thành 1 trong những địa điểm du lịch Tiền Giang thu hút đông đảo du khách.
Vị chủ nhà, mọi người thường gọi thân mật là cô Kiệt, theo tên của chồng, là một người phụ nữ thật thà giản dị hiếu khách đậm chất miền Tây. Cô nồng hậu chào đón khách đến thăm nhà, chỉ cho khách từng đặc điểm độc đáo trên gian nhà chính, rồi cô lại tất tả ra nhà sau đứng bếp tự tay nấu cơm đãi khách như là một cách thể hiện tấm thịnh tình của gia chủ.
Lăng Tứ Kiệt
Lăng Tứ Kiệt được người dân Cai Lậy lập để tưởng nhớ Tứ Kiệt, là bốn vị anh hùng hào kiệt đã có công chống quân Pháp xâm lược trong quãng thời gian 1868 -1871. Lăng hiện tọa lạc tại đường 30-4, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Lăng Tứ Kiệt hiện nay được xây theo kiến trúc truyền thống, chia làm hai khu vực rõ rệt:
Nhà tưởng niệm ở phía trước rộng hơn 100m², mái cong hai lớp chạm rồng, được đỡ bởi 16 cây cột chạm rồng tinh vi. Bên trong được bày trí theo lối thờ phụng. Chính giữa là bàn thờ, lư hương, bài vị tạo nét nghiêm trang. Hai bên có hai giá binh khí và đôi hạc cưỡi qui bằng gỗ được chạm thật khéo.
Nhà mộ ở phía sau, chỉ có một lớp mái cong chạm rồng. Bên trong là 4 cây cột đỡ mái chạm rồng. Bên đưới là bốn ngôi mộ đều được dán bằng đá granite màu gạch tôm sẫm.
Cổng chính hướng ra đường 30-4 được khắc hai câu đối:
Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm;
Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn.
Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc về đây tảo mộ và làm giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Bốn ông.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp