Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung Việt Nam. Tỉnh Quảng Trị có Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt miền Bắc Việt Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và miền Nam Việt Nam Việt Nam Cộng hòa, do đó cũng là một chiến trường ác liệt nhất trong suốt 21 năm của cuộc Chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975).
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Trong những năm Chiến tranh Việt Nam, Quảng Trị là một trong những nơi bị thả bom nhiều nhất. Kiến trúc Quảng Trị cũng vô cùng đa dạng với nhiều công trình kiến trúc cũ mới, ngày nay Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh, di tích lịch sử và có nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú, phân bố rộng khắp trên các địa bàn trong tỉnh.
Quảng Trị được biết đến với tên gọi “vùng đất lịch sử” nơi mà từng mảnh đất từng nhánh cây đều mang trong mình một bài ca sử thi bi tráng của những năm tháng chiến tranh hào hùng.
Du lịch Quảng Trị ngắm nhìn những đổi thay trên mảnh đất một thời khói lửa này, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp bình dị mà thân thương của miền quê thấm đẫm tình người và sắc màu văn hoá.
Thành cổ Quảng Trị
Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972 Thành cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt.
Ngày nay, Thành Cổ trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua mỗi khi du lịch Quảng Trị, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.
Theo tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị)1 . Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài.
Tại nơi đây đã có những trận đánh lớn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trong các năm 1968, 1972. Sau chiến dịch Thành Cổ “mùa hè đỏ lửa” 1972 toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.
Trở về mùa hè năm 1972, tại Thành Cổ khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.
Toàn bộ đường dẫn vào di tích và mặt đất bên trong Thành Cổ được tráng xi măng chừa ô trồng cỏ. Thành Cổ được người dân trong vùng xem là “Đất Tâm Linh” vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có bom đạn và máu xương các binh sĩ hai bên.
Phía tây Thành Cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ – sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông.
Thành cổ Quảng Trị nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang
Thánh địa La Vang còn được gọi với tên “Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang” nằm trong khu vực xưa gọi là Dinh Cát (đời chúa Nguyễn Hoàng vào nam thế kỷ XVI vùng này gọi là Dinh Cát tức Dinh xây trên một vùng đất cát có khi gọi là Cát Dinh). Ngày nay thuộc xã Hải Phú huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Nơi này cách Thành Cổ Quảng Trị chừng 6km về phía nam và cách thành phố Huế 60km về phía bắc. Thánh Địa La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của giáo hội Công giáo Việt Nam. Mỗi năm có hàng triệu người về hành hương kính Đức Mẹ ở nơi linh thiêng này.
Theo một thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công Giáo. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này.
Một cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang.
Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám Mục Huế – 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặt áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó.
Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.
Lịch sử nhà thờ La Vang vốn được xây trên nền của một miếu thờ Bà (có thể là Phật Bà Quan Âm hoặc bà chúa Liễu Hạnh) cho người đi rừng, nguyên là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt, sau biến cố Mẹ Maria hiện ra năm 1789 được nhường cho giáo dân để xây một nơi tôn kính Mẹ Maria.
Công trình này được xây dựng từ năm 1924 – 1929, đại trùng tu năm 1959. Vào mùa hè năm 1972, Vương Cung Thánh Đường đã bị hủy hoại do chiến tranh, chỉ còn lại di tích tháp chuông.
Ngày 15 tháng 8 năm 2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường mới. Về kích cỡ, đây là công trình lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam từ trước đến nay. Ngôi thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông truyền thống Việt Nam, có sức chứa lên đến 5.000 người.
Phía trước di tích tháp chuông Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang là một quảng trường rộng. Hai bên quảng trường là Đàng Thánh Giá – một loạt gồm 14 tác phẩm điêu khắc, mô tả diễn tiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ khi ông bị kết án đến khi bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ.
Ngoài ra, trong khuôn viên Thánh địa còn có giếng nước Đức Mẹ La Vang, nơi mỗi tín đồ khi tới đây đều uống một ngụm nước để tỏ lòng thành kính với Đức Mẹ. Nhiều tín đồ tin rằng nước giếng có khả năng chữa được bệnh tật trong cơ thể.
Trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, thời gian, đến nay Thánh địa La Vang dường như tỏa hết nét đẹp cổ kính của mình dưới một góc trời Hải Lăng – Quảng Trị.
Cầu Hiền Lương
Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải nằm trong cụm di tích đôi bờ Hiền Lương ở điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa Biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20 -30m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của Vua (chữ “Húy” đồng ngĩa với “Kỵ” tức là kiêng kỵ). Do vậy tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương.
Cột cờ hiện nay là hình mẫu mô phỏng những cột cờ mà Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng trước đây.
Năm 1931, cầu được người Pháp cho sửa chữa lại rộng hơn, nhưng xe cộ muốn qua sông vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua lại được. Năm 1950, Pháp cho xây cầu Hiền Lương bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Hai năm sau, cầu bị quân ta đánh sập để ngăn chặn sự đánh phá của địch ra miền Bắc.
Năm 1954, sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Theo Hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải chạy ngang qua Do Linh và Vĩnh Linh) làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.
Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, Mỹ- Chính quyền Sài Gòn chủ động sơn màu xanh nửa cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong đầu hôm, thì trong đêm, công an ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc bằng màu xanh cho hòa một màu. Thời gian sau chúng lại cho người ra sơn lại phần cầu phía Nam bằng màu nâu.
Đất nước thống nhất hòa bình, người mất, người còn; Nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách khắc ghi. Để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động. Tháng 12 năm 1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp Quốc gia. Đến năm 2001, cầu Hiền Lương được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ, dài 182,97m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim có đánh số thứ tự từng tấm ván.
Cột cờ cao 28m, được làm bằng 6 đoạn thép ống liên kết với nhau. Trên đỉnh cột cờ gắn lá cờ sao vàng năm cánh. Trên thân cột cờ có gắn các thanh thép hình chữ nhật để làm thang. Cột cờ còn được lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời tạo thuận tiện khi treo cờ. Đế cột cờ hình tròn, có trang trí hình ảnh mô tả về lịch sử cách mạng.
Du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.
Cửa khẩu Lao Bảo
Cửa khẩu Lao Bảo là cửa khẩu quốc tế đường bộ tại vùng đất thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Đối diện với Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo qua đường biên giới là Khu thương mại biên giới Den Savanh của Lào. Hai khu này là một nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra quyết định ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, gọi tắt là khu thương mại Lao Bảo. Theo đó, khu vực được đề cập bao trùm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh và các xã Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Các doanh nghiệp tham gia vào khu vực này được hưởng một số ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang áp dụng lúc đó và ưu đãi theo chính sách phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người theo quy định hiện hành lúc đó.
Năm 2002, Thủ tướng lại có quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế khu thương mại Lao Bảo để phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi và sự thay đổi các luật thuế.
Ngày 12 tháng 1 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg về Quy chế Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Đầu năm 2008, Thủ tướng lại phê duyệt quy hoạch chung các khu kinh tế cửa khẩu tại Việt Nam đến năm 2020, theo đó, Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy chế, biện pháp và chính sách.
Chùa Tịnh Quang
Chùa Tịnh Quang là một ngôi chùa nằm trên một vùng núi phía tây – nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị, thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông – biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.
Một số nhà tu hành từng gắn bó với chùa luôn coi chùa là đất tổ của mình, còn một số người dân thì đã xem chùa như một trung tâm từ thiện.
Chùa còn có một lễ hội giỗ Tổ hàng năm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch với sự phối hợp tổ chức của Ban trị sự Tỉnh hội và Ban Tái thiết (đại diện Hội Tăng Ni Phật tử đồng hương chịu phần tài khoản). Lễ hội giỗ Tổ được tổ chức rất quy mô, đạt tầm mức một lễ hội lớn tại khu vực, quy tụ hàng ngàn Tăng Ni và tín đồ Phật tử đồng hương khắp đất nước trở về cùng với Tăng Ni và hàng ngàn quần chúng Phật tử tại địa phương.
Ngôi chùa này được biết đến với những tên gọi khác nhau. Ngoài tên chính thức hiện nay là Chùa sắc tứ Tịnh Quang thì chùa vẫn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi ban đầu là Am Tịnh Độ, ngoài ra hiện tại còn có những tên gọi khác như Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Tịnh Quang Tự hay được gọi ngắn gọn là Chùa Sắc Tứ.
Chùa đã qua 9 lần đại trùng tu. Năm 1997 là lần trùng tu lớn nhất với kinh phí gần 2 tỷ đồng do Hòa thượng Thích Chánh Liêm làm Trưởng ban Tái thiết. Lễ đặt đá trùng tu được cử hành vào ngày 26-3-1997. Ngôi chùa hiện nay có chiều sâu 31m, rộng 27m, cao gần 15m, đã tổ chức khánh thành trang nghiêm trọng thể vào ngày 12-3-2001 (18-2 năm Tân Tỵ).
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa sắc tứ Tịnh Quang vẫn là một ngôi tổ đình danh tiếng của Phật giáo xứ Đàng Trong, được xem là một nơi từng bồi dưỡng và đào tạo nhiều danh tăng thạc đức như Tổ sư Nhất Định, khai sơn chùa Từ Hiếu, Huế. Tổ sư Phước Huệ, khai sơn Tổ đình Hải Đức, Huế… hay Hải Nhu, vốn là người xuất gia tu học ở chùa này sau đó vào năm 1844 ông đã cho đại trùng tu ngôi chùa Quảng Tế, chú tạo nhiều tượng Phật hay hòa thượng Thích Bích Lâm cũng từng có thời gian gắn bó tại đây.
Gần đây nhất là những người có gốc gác từ Quảng Trị như Đức Đệ nhị Tăng thống, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên (chùa Thiền Tôn), cố Hòa thượng Thích Giác Hạnh (chùa Vạn Phước, Huế). cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu (chùa Linh Mụ). cố Hòa thượng Thích Trí Thủ (chùa Báo Quốc, Huế và Già Lam, thành phố Hồ Chí Minh).
Chùa cũng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc thù của mình như các buổi lễ cầu siêu hay lễ thắp nến cầu Quốc thái dân an. Điển hình là buổi lễ thắp nến cầu nguyện Quốc thái dân an nhân dịp lễ giỗ Tổ và khánh thành tháp Tổ tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang diễn vào tối ngày 01 tháng 04 năm 2010 (nhằm 17 tháng 02 năm Canh Dần) với sự tham dự của Đại diện chính quyền tại địa phương và hơn 3000 Huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử.
Ngoài ra trong dịp Đại lễ Phật Đản (Phật lịch 2552) của chương trình Đại Lễ phật đản của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại các địa phương ở Việt Nam, chùa cũng đã được cùng với các chùa lớn khác tham gia vào đại lễ này, kết hợp các buổi cầu siêu, cầu nguyện… qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đến với đông đảo công chúng.
Ngoài ra thì chùa cũng tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội cùng với các chùa khác và được chính quyền địa phương đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực đóng góp này.
Những lễ hội này đều có dấu ấn của chùa sắc tứ Tịnh Quang trong việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, công tác tổ chức, bố trí nhân sự tham gia vào các buổi lễ như cầu siêu, tụng kinh…
Chợ Đông Hà
Chợ Đông Hà là trung tâm thương mại lớn của địa phương, phục vụ khách du lịch tham quan mua sắm các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc, Lào…. là một trong những chợ được xếp vào nhóm lớn nhất nước cả về quy mô công trình và năng lực kinh doanh hàng hóa.
Chợ Đông Hà là chợ có quy mô lớn, với nét kiến trúc Quảng Trị đặc trưng, toàn khối không gian kiến trúc là những khối con thuyền khát vọng vươn mình ra biển lớn hướng đến tương lai, thể hiện triển vọng phát triển đi lên của thành phố, với tiềm năng thế mạnh là thương mại dịch vụ. Đây là công trình có nét kiến trúc rất riêng của Đông Hà mà không thể lẫn với bất kỳ công trình nào trên toàn quốc. Vì thế ngày nay nhìn vào các nét kiến trúc độc đáo của chợ Đông Hà là mọi người có thể nhìn thấy hình ảnh thành phố Đông Hà.
Chợ Đông Hà – biểu trưng của ngành thương mại và dịch vụ của thành phố, là một ngành kinh tế mũi nhọn. Mọi du khách đến Đông Hà đều đi thăm chợ, thông qua mua sắm đã tạo ra các hoạt động giao lưu về văn hóa giữa mảnh đất con người Đông Hà với các địa phương trong nước và khu vực.
Chợ Đông Hà không những là hình ảnh thân quen, gần gũi đối với mỗi người dân Đông Hà – Quảng Trị, mà còn được nhiều người sinh sống trên mọi miền đất nước biết đến, du khách đến Đông Hà không ai không một lần ghé thăm chợ Đông Hà.
Cầu Thạch Hãn
Cầu có lý trình tại Km 770+185 Quốc lộ 1A, nối liền phường An Đôn và phường 3 thuộc thị xã Quảng Trị, cách thành phố Đông Hà khoảng 12 km về phía đông nam.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cầu có tên là cầu Quảng Trị, do Công binh Lục quân Hoa Kỳ xây dựng năm 1970. Cầu nằm song song với cây cầu Ga (cây cầu sắt được xây dựng từ thời Pháp thuộc, vốn trước đó được dùng chung cho cả đường sắt và đường bộ).
Sau khi miền Nam được giải phóng, cầu Thạch Hãn được chính quyền cho xây dựng lại. Đến năm 2000, cầu lại được khởi công xây mới với chiều dài là 264,8 m và chiều rộng là 12,5 m, công trình hoàn thành cuối năm 2001. Năm 2015, trong Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Quảng Trị, cầu Thạch Hãn được xây thêm một nhánh mới bên cạnh nhánh cầu cũ.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như