Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc trung ương, nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, là thành phố trung tâm và lớn nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Thành phố Đà Nẵng là thành phố tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Du lịch Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là trung tâm du lịch lớn hàng đầu của Việt Nam. Phía bắc thành phố được bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ước tính tổng lượng khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng năm 2019 đón 8,98 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3,52 triệu lượt, khách nội địa đạt 5,46 triệu lượt, tăng 22,5% so với năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt hơn 30.971 tỷ đồng.
- Năm 2016, Đà Nẵng lọt vào Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á do độc giả Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn.
- Năm 2018, Đà Nẵng cũng đã lọt danh sách những điểm đến nên ghé thăm trước khi trở nên quá nổi tiếng trên trang Business Insider.
- Theo báo Nikkei Nhật Bản, trong bảng xếp hạng các điểm đến du lịch năm 2018 của Airbnb – trang web đặt phòng nghỉ lớn nhất thế giới, Đà Nẵng đứng thứ 5 toàn cầu và số 1 tại Đông Nam Á về thu hút khách du lịch tại Đà Nẵng. Và cũng năm 2018, hiện tượng Cầu Vàng đã trở thành tâm điểm trên các trang báo nổi tiếng trên thế giới.
- Năm 2019, tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ- New York Times bình chọn Đà Nẵng được ngợi ca như “Miami của Việt Nam” đứng thứ 15 trong danh sách 52 điểm phải đến trên thế giới.
Kiến trúc tại Đà Nẵng khi mới hình thành theo quy hoạch của người Pháp được chia thành hai khu vực rõ rệt. Khu người Pháp (quartier français) nằm ở trung tâm thành phố, chiều dọc từ đầu Quai Coubert (nay là đường Bạch Đằng) đến ngã ba Quai Coubert – Đồng Khánh (nay là Hùng Vương), chiều ngang đến đường Marc Pourpre (Lê Lợi). Khu bản xứ (quartier indigène) là nơi người Việt sinh sống gồm phần lớn diện tích còn lại của thành phố.
Nếu như khu người Pháp có đại lộ tráng nhựa và đường dành cho đi dạo rợp bóng cây thì khu người bản xứ lại là một khu chen lẫn giữa nhà cửa lụp xụp và nhà khá giả, đường nhựa và đường rải đá, đường đất. Quai Courbet giữ vai trò là đường xương sống của Tourane thời Pháp thuộc, chạy từ bắc xuống nam dọc theo tả ngạn sông Hàn. Dọc theo đường này có nhiều công trình kiến trúc Đà nẵng từ thời Pháp thuộc, cũng là điểm xuất phát để từ đó người Pháp mở rộng thành phố về hướng tây và hình thành những đường phố có khoảng cách gần như đều nhau. Tuy nhiên, Pháp chỉ chú ý đầu tư xây dựng bên tả ngạn.
Cầu Rồng
Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống một con rồng nên được gọi là Cầu Rồng.
Cầu Rồng dài 568 m và rộng 37,5 m với 6 làn xe chạy. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2009 và chính thức thông xe ngày 29 tháng 3 năm 2013, kinh phí xây cầu gần 1,5 nghìn tỷ đồng (US$88m). Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger.
Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tại bùng binh (cũ) Lê Đình Dương/Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố Đà Nẵng, và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và bãi biển Non Nước ở rìa phía đông của thành phố. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.
Cuối năm 2005, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Rồng với sự tham gia của 8 đơn vị tư vấn thiết kế (gồm 4 công ty Việt Nam, 2 công ty Nhật Bản, 1 công ty Đức và 1 công ty Mỹ). Các công ty này đã trình bày 17 phương án thiết kế.
Tháng 10 năm 2007, phương án thiết kế cầu Rồng của liên danh The Louis Berger và Ammann & Whitney (Mỹ) được chọn. Ngày 17 tháng 12 năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án.
Nhịp chính được hoàn thành vào ngày 26 tháng 10 năm 2012. Cây cầu được chính thức thông xe, đưa vào sử dụng ngày 29 tháng 3 năm 2013, nhân kỷ niệm lần thứ 38 ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Cầu có tổng đầu tư lên tới 1.498 tỷ 684 triệu đồng (khoảng 80 triệu USD):
- Tổng chiều dài cầu: 666,565 m
- Nhịp chính dài: 200 m
- Hai nhịp bên mỗi nhịp dài: 128 m
- Phần nhịp đuôi dài: 64,15 m
- Nhịp đầu rồng dài: 72 m
- Chiều rộng cầu: 37,5 m
- Số làn xe: 6
- Chiều rộng xe chạy: 24,5 m
- Lề bộ hành: 5 m
- Dải phân cách: 6 m
- Độ tĩnh không thông thuyền: 7 m
- Quy mô xây dựng: Vĩnh cửu
Theo thiết kế, con rồng trên cầu có thể phun lửa trong hai phút và kế tiếp là 3 phút phun nước khiến cầu đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo và hấp dẫn ở thành phố Đà Nẵng.
Phải phun ngắt đoạn, tạo thành từng quầng lửa với đường kính từ 2-3 mét và đi xa từ 8-10 mét, quầng lửa phải đạt tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, tuyệt đối không làm hư hại đến bề mặt và kết cấu các công trình kiến trúc. Ngọn lửa phải phun theo góc nghiêng từ 15-45 độ, hướng lên trên so với phương dọc cầu và không có tàn hoặc dầu rơi xuống. Dầu được đốt cháy hoàn toàn, tạo ra lửa và khói; tiện lợi cho việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng; các thiết bị phải hiện đại, an toàn tuyệt đối và hoạt động được trong các điều kiện thời tiết khác nhau…
Trên thực tế, trong lần phun thử ngày 6/3/2013, cầu phun được 9 quả cầu lửa với đường kính của từng quả cầu lửa đạt từ 3 tới 4 mét và các quầng lửa đi xa từ 10 tới 15 mét. Qua đo đạc thử nghiệm, cây cầu trong một đêm diễn, tiêu thụ từ 54-81 lít dầu và khoảng 2 kWh điện cho việc phun lửa. Tổng chi phí theo thời giá lúc đó từ 2 đến 2,5 triệu đồng.
Trong tương lai, hệ thống thiết bị phun lửa sẽ được cải tiến theo kiểu “Rồng ngậm ngọc”; khi phun lửa, nửa phần phía trước của viên ngọc sẽ mở ra và khi phun xong, viên ngọc sẽ tự động đóng lại.
Phun nước thì không như phun lửa, chi phí cho một đêm phun nước (3 phút) chỉ tốn khoảng 200 nghìn đến 250 nghìn đồng theo thời giá lúc thử nghiệm. Một lần phun (3 phút) cần 20 m3 nước và 41 kWh điện. Con Rồng không phun dòng nước đặc mà phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện khát vọng vươn xa của Đà Nẵng. Để làm điều này, cầu được thiết kế bồn chứa 20 mét khối nước và 325 mét khối khí nén, tạo ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc 1.944 l/s.
Nhà Thờ chính tòa Đà Nẵng
Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng (tên chính thức: Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ) là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, tọa lạc tại 156 đường Trần Phú, phường Hải Châu I, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Đây là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại Đà Nẵng thời Pháp thuộc.
- Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu
- Giờ lễ
- Chúa nhật: 5:15 – 8:00 – 10:00 (tiếng Anh) – 15:00 – 17:00 – 18:30
- Ngày thường: 5:00 – 17:00
Nhà thờ này được khởi công từ tháng 2 năm 1923 trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú) do linh mục Vallet thiết kế và chủ công xây dựng.
Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng cũng là một trong những công trình được xây dựng trong thời gian rất ngắn, đến ngày 10 tháng 3 năm 1924 đã làm lễ cung hiến và khánh thành.
Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic Đà Nẵng với những đường nét cao vút, những vòm cửa quả trám. Bên trong nhà thờ có các tranh ảnh và thánh tượng minh họa theo sự kiện trong Kinh Thánh theo mô-típ các nhà thờ phương Tây.
Trên nóc nhà thờ, ở vị trí cột thu lôi có tượng một con gà màu xám làm bằng hợp kim dùng làm vật xác định hướng gió. Vì vậy mà nhà thờ này còn có tên là Nhà thờ Con Gà.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng
Công trình do Công ty Mooyoung Achitects & Engineers và Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng thiết kế, liên danh Công ty CP xây dựng kinh doanh địa ốc Tân Kỷ và Công ty TNHH xây dựng thương mại – dịch vụ 55 thi công.
Tòa nhà khởi công ngày 15.11.2008, hoàn thành phần ngầm ngày 13.2.2012 và đến nay cơ bản đã hoàn thành (chỉ còn hệ thống quản lý tòa nhà thông minh iBMS đạt tiến độ 90%).
Với độ cao 166,8 m, gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm cùng tổng diện tích sàn 65.234 m2, đây là tòa nhà cao nhất miền Trung hiện nay.
Tòa nhà được chia làm 4 phần, gồm phần ngầm (2 tầng hầm) có diện tích sàn 15.896 m2, trong đó hầm B1 chưa khoảng 120 ô tô, hầm B2 chứa hơn 1.000 xe gắn máy dành cho người làm việc ở Trung tâm hành chính cùng các phòng kỹ thuật và căn tin phục vụ với sức chứa hơn 1.000 người.
Phần đế gồm 4 tầng có diện tích sàn 14.080 m2, trong đó tầng 1 tổ chức các sảnh chính gồm 7 cửa vào công trình từ các trục đường và các văn phòng làm việc.
Tầng 2 là khối phòng hội nghị, sảnh chờ, tầng 3 là khối phòng làm việc của các lãnh đạo, văn phòng và tầng 4 là khu vực giải lao gồm không gian sân vườn, cây xanh…
Phần thân khối tháp từ tầng 5 đến tầng 31 dùng bố trí văn phòng làm việc, các phòng họp nhỏ.
Phần đỉnh tháp từ tầng 32 đến tầng 34, trong đó tầng 32 là tầng kỹ thuật, tầng 33 bố trí nhà hàng ăn nhẹ, tầng 34 là không gian vọng cảnh…
Tòa nhà có 13 thang máy tốc độ 4 m/giây, trong đó có 1 thang cứu hộ.
Hiện đã có 7 sở ban ngành làm việc tại một số tầng của tòa nhà, dự kiến các đơn vị còn lại sẽ dọn vào Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng trong tháng 8 để đầu tháng 9 tổ chức khánh thành.
Cầu vượt Ngã Ba Huế
Cầu vượt Ngã Ba Huế là một hệ thống cầu vượt nằm ở phía tây thành phố Đà Nẵng, tại nút giao thông Ngã Ba Huế. Đây là cầu vượt ba tầng đầu tiên lớn nhất tại Việt Nam.
Nút giao thông Ngã Ba Huế nằm trên địa bàn ba quận Thanh Khê, Cẩm Lệ và Liên Chiểu, là nơi giao nhau giữa bốn tuyến đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Hoàng Thị Loan và đường sắt Bắc Nam. Trong đó, đường Tôn Đức Thắng và đường Trường Chinh là đoạn quốc lộ 1A đi qua nội thành thành phố Đà Nẵng.
Trước khi có cầu vượt, đây là một trong những điểm nóng về ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên do có lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn và giao cắt đồng mức với đường sắt.
Công trình được thiết kế 3 tầng, gồm tầng mặt đất, tầng 1 (vòng xuyến) và tầng 2 (dây văng) như sau:
- Tầng mặt đất được bố trí đường gom rộng 7 m với 2 làn xe chạy không cắt đường sắt để phục vụ giao thông đi lại theo hướng từ đường Tôn Đức Thắng về đường Hoàng Thị Loan và ngược lại; hướng từ đường Điện Biên Phủ về đường Trường Chinh và ngược lại, cho phép tất cả các loại xe cơ giới lưu thông một chiều. Bên cạnh đó, công trình có cầu đi bộ vượt qua đường sắt.
- Tầng 1 gồm cầu vòng xuyến và bốn nhánh cầu dẫn nối tầng mặt đất với vòng xuyến, bề rộng cầu là 15 m, đường kính 150 m gồm 3 làn xe (xe cơ giới lưu thông 2 làn trong, xe thô sơ lưu thông làn ngoài cùng), tốc độ thiết kế 40 km/h. Đây là cầu vượt đi được tất cả các hướng đường Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Trường Chinh và Hoàng Thị Loan.
- Tầng 2 có bề rộng 17 m, tốc độ 60 km/h gồm 4 làn xe, mỗi hướng chạy gồm 2 làn xe từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Điện Biên Phủ và ngược lại.
Điểm nhấn của công trình là trụ tháp dây văng hình parabol cao 65 m và vòng xuyến với đường kính 150 m, được lấy cảm hứng từ hình tượng Linga và Yoni vốn là biểu tượng tín ngưỡng phồn thực của người Chăm.
Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 2.050 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 28 tháng 9 năm 2013 và khánh thành vào ngày 29 tháng 3 năm 2015.
Cầu Vàng
Cầu Vàng là tên một cây cầu bộ hành dài khoảng 150 m (khoảng 490 ft) tại khu nghỉ dưỡng Bà Nà, Đà Nẵng, Việt Nam. Nằm ở độ cao khoảng 1.400 m (so với mực nước biển) trên núi Bà Nà, cầu nối liền trạm cáp treo với các khu vườn khác của khu nghỉ dưỡng. Ở giữa cầu có hai bàn tay lớn được thi công bằng lắp ráp khung xương và đắp vữa vào bên ngoài để tạo điểm nhấn cho cây cầu.
Cầu Vàng chính thức được khánh thành vào tháng 6 năm 2018. Công trình được thiết kế bởi Trung tâm Nghiên cứu thiết kế kiến trúc cảnh quan (TA Landscape Architecture), trực thuộc Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.
Cầu Vàng nằm ở độ cao 1414 m so với mực nước biển, dài khoảng 148,6 m. Cầu có tám nhịp, nhịp lớn nhất dài 21,2 m. Cầu có thêm hai bàn tay đá tạc bên cạnh, tạo dáng giống như đang nâng đỡ thân cầu, đường kính các ngón tay khoảng 2 m.
Mặt cầu được thiết kế chủ yếu từ gỗ kiềng, dày 5 cm, lan can bằng inox mạ vàng. Cầu được xây dựng từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018, đơn vị đầu từ là tập đoàn Sun Group.
Cầu là điểm nối giữa ga cáp treo Marseille tới vườn Thiên Thai và vườn hoa Le Jardin d’Amour trong khu nghỉ dưỡng Bà Nà.
Tháng 5 năm 2020, bức ảnh chụp Cầu Vàng ở Đà Nẵng đã giành chiến thắng chung cuộc của cuộc thi nhiếp ảnh xoay quanh đề tài kiến trúc đẹp ở Đà Nẵng do ứng dụng chia sẻ ảnh Agora tổ chức.
Ngày 20 tháng 3 năm 2021, tờ Daily Mail (Anh) đã công bố kết quả khảo sát đưa ra danh sách kỳ quan thế giới mới, Cầu Vàng đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách.
Cầu Trần Thị Lý
Được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2013, Cầu Trần Thị Lý có độ dài hơn 700m nối liền hai bờ sông Hàn. Tên của cây cầu được đặt theo tên nhà hoạt động cách mạng Trần Thị Lý, người có tinh thần bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù và sự dũng cảm đáng khâm phục trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Với thiết kế mang âm hưởng của phong cách châu Âu, cầu Trần Thị Lý là một nét phá cách độc đáo giữa bức tranh thành phố Đà Nẵng sôi động và nhộn nhịp. Cầu sử dụng hệ thống dây văng 3 chiều với những trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu lạ mắt kết hợp với trụ tháp nghiêng cao đến 145m so với mặt nước biển và tựa như hình tượng cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra biển Đông mang theo khát vọng vươn lên của người dân thành phố Đà Nẵng. Chính thiết kế vô cùng sáng tạo này đã tạo nên một nét kiến trúc tại Đà Nẵng nhiều nghệ thuật đặc sắc và độc đáo “có một không hai” cho cây cầu.
Với vẻ đẹp mềm mại, thanh thoát đầy nữ tính nhưng không không kém phần độc đáo, hiện đại, cầu Trần Thị Lý đã trở thành một điểm thăm quan hấp dẫn nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh, lưu lại nhiều kỉ niệm đẹp mỗi khi có dịp du lịch Đà Nẵng. Và hơn cả một công trình kiến trúc làm đẹp cho thành phố, cầu Trần Thị Lý còn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng về sự lao động hăng say và sáng tạo tuyệt vời.
Về đêm, cầu Trần Thị Lý càng trở nên ấn tượng và đẹp lung linh sáng rực cả khung trời với hệ thống chiếu sáng được trang bị hiện đại. Những ánh sáng rực rỡ toả ra từ cây cầu lan toả in bóng xuống dòng sông Hàn mênh mông làm biết bao du khách phải “chững lại” và ngẩn ngơ ngắm nhìn. Từ đây, hãy phóng tầm nhìn ra xa để ngắm nhìn thành phố trẻ Đà Nẵng về đêm cũng như hoà mình vào những làn gió mát dịu trong không gian vô cùng sảng khoái và thoáng đãng.
Cầu sông Hàn
Năm 1998, cầu quay sông Hàn Đà Nẵng bắt đầu được thi công xây dựng và chính thức khánh thành, đi vào hoạt động năm 2000. Cây cầu do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng, đặc biệt là được xây dựng nên bằng đóng góp của tất cả người dân thành phố Đà Nẵng, chính vì vậy mà cây cầu có rất nhiều ý nghĩa với nơi đây.
Cầu có chiều dài 487,7m và rộng chừng 12,9m; gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, nối liền hai trục đường chính của thành phố Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông.
Có thể xoay 90 độ là đặc trưng nổi bật nhất của cầu quay sông Hàn. Phần giữa cầu có thể tách làm đôi và quay 90 độ quanh trục nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông để mở ra một con đường mới cho tàu lớn đi qua.
Giờ quay của cầu sông Hàn cũng được thay đổi một số lần từ lúc khánh thành cho đến nay. Thời điểm gần đây nhất, ngày 14/10/2016 lịch quay của cầu sông Hàn có sự thay đổi vào những ngày cuối tuần để phục vụ du lịch. Từ thứ 2 đến thứ 6, cầu sẽ quay theo lịch trước đó tức là mở vào lúc 1 giờ sáng và đóng cầu trước 2 giờ sáng, tuy nhiên nếu có tàu lớn cầu sẽ đóng lúc 4 giờ cùng ngày. Riêng thứ 7 và chủ nhật, cầu sẽ quay vào thời gian 23 giờ đến 24 giờ cùng ngày.
Buổi tối khi dạo bước bên bờ sông Hàn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây cầu nổi tiếng này lung linh, huyền ảo dưới ánh sáng của đèn điện. Bóng của cây cầu đổ xuống mặt sông sáng lấp lánh. Khung cảnh khó diễn tả này khiến du khách không chỉ chiêm ngưỡng và ghi nhớ mà còn phải lưu lại những tấm hình để làm kỉ niệm.
Đi dạo bên bờ sông Hàn để cảm nhận cái tươi mát, trong lành, gặp những người con hiếu khách của vùng đất Đà thành và những cảnh tượng vui mắt dọc bên bờ sông. Nhìn sang đường đối diện bờ sông là sẽ thấy vô vàn quán cafe, du khách sẽ muốn bước vào và tận hưởng những điệu nhạc du dương, hòa mình vào không gian nhạc sống và nhâm nhi những ngụm cafe nóng hổi.
InterContinental Danang Resort
Là một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất ở Việt Nam, nơi mà chỉ nhìn thoáng qua người ta cũng biết nó chỉ được dành cho giới nhà giàu. InterContinental Đà Nẵng định vị trong tâm trí du khách về một không gian hoàn hảo nhất cho kỳ nghỉ sang chảnh của mình.
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort được đầu tư bởi Sun Group và dưới sự quản lý của InterContinental Hotel Group. Năm 2019, khu nghỉ dưỡng xuất sắc có mặt trong Top 100 khách sạn tốt nhất thế giới; lọt Top 15 Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng tốt nhất Châu Á; Top 10 Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng tốt nhất Đông Nam Á. InterContinental Đà Nẵng được coi là một biểu tượng của du lịch nghỉ dưỡng Đà Nẵng, trong nhiều năm qua khu nghỉ dưỡng liên tục được vinh danh với hàng loạt giải thưởng uy tín toàn cầu.
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng hiện hữu tuyệt đẹp trên bãi Bắc, địa thế tựa lưng vào bán đảo Sơn Trà, bao bọc xung quanh là cảnh quan thiên nhiên vô cùng ấn tượng với tầm nhìn toàn cảnh biển Đông. Khách sạn diện tích khoảng 3000 ha, sở hữu riêng cho mình một bãi biển dài hơn 700 m, xung quanh là những bãi cát cháy cùng ghềnh đá hoang sơ “kiệt tác của thiên nhiên” ban tặng.
Kiến trúc sư Bill Bensley là người đã dành trọn tâm huyết và thiết kế nên khu nghỉ dưỡng lừng danh này. Là một người nước ngoài, để có thể đưa các yếu tố bản địa vào trong thiết kế, kiến trúc sư Bill Bensley đã dành nhiều thời gian ghé thăm những vùng miền Việt Nam để thấu hiểu về văn hóa cũng như nghệ thuật kiến trúc Đà nẵng của người Việt. Nhờ đó, các chi tiết được sắp đặt khéo léo tạo nên một tổng thể hoàn mỹ tái hiện vẻ đẹp thơ mộng và đặc sắc của kiến trúc – văn hóa Việt. Đến với InterContinental Đà Nẵng du khách có thể bắt gặp vẻ sang trọng, cổ kính của cung đình Huế; nét thanh bình, dịu dàng của phố cổ Hội An hay những đặc trưng của làng quê Bắc Bộ mộc mạc, đằm thắm…
Công trình đã được đề cử giải thưởng danh giá trong giới kiến trúc thế giới “Best of the Best”. Toàn bộ không gian bên trong khu nghỉ dưỡng đều tạo ấn tượng mạnh về lối thiết kế cao cấp, mang tính nghệ thuật cao, bởi mỗi chi tiết kiến trúc, nội thất đều được chăm chút vô cùng tỉ mỉ.
Khu nghỉ dưỡng cung cấp hơn 200 phòng và villa với cấu trúc địa hình phân tầng từ thấp đến cao gồm có tầng Biển, Đất, Trời và Thiên đường. Trong đó, ở tầng Biển mật độ xây dựng rất thấp và tăng dần lên theo độ cao. Tầng Biển bố trí các biệt thự độc lập, lên đến tầng Đất có 4 tòa nhà, mỗi tòa phục vụ 4 phòng nghỉ; còn ở tầng Trời gồm 8 tòa nhà; đến tầng Thiên đường có 16 tòa. Cách quy hoạch phân tầng như vậy mang đến cho khu nghỉ dưỡng này vẻ khoáng đạt, tận dụng tối đa ánh sáng, gió trời tự nhiên và quan trọng nhất là từ mỗi phòng nghỉ của các tòa đều có tầm nhìn rộng mở ra biển mà không bị che khuất.
Ở các tòa nhà, sử dụng những đặc trưng của kiến trúc Đà Nẵng như thiết kế mái ngói có chóp nghiêng lấy cảm hứng từ những căn nhà cổ Hội An hay mái ngói rêu phong thuần Việt trở nên càng nổi bật trên nền trời xanh thẳm.
Chùa Linh Ứng
Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẵng là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng. Không rõ là do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều được tọa lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một “tam giác” linh thiêng trong thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên hòn Thủy sơn của một trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát “Đà Lạt của miền Trung” và Linh ứng Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm lưng chừng núi – bán đảo Sơn Trà. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa.
Chùa Linh Ứng được đặt viên đá táng đầu tiên vào ngày 19/6/2004 âm lịch, sau 6 năm xây dựng ngày 30/7/2010 (nhằm ngày 19/6 năm Canh Dần) thì chính thức khánh thành. Đến nay, chùa vẫn còn tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục mới.
Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt sừng sững trên khu đất rộng 20 ha của núi Sơn Trà với những hạng mục chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường, thư viện, nhà ăn, nhà cầu, vườn tượng các vị A-la-hán và hiện còn xây dựng công trình chưa hoàn tất. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa chiền Việt Nam. Bước lần hơn hai mươi bậc thềm đá để bước vào cổng chánh điện. Tại cổng chính là hai câu: “Linh ứng sở cầu như ý nguyện/Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh”. Ngôi chánh điện được lợp ngói mái uốn cong có hình rồng, những cột trụ to, vững chắc bao quanh bởi những con rồng uốn lượn rất tinh xảo. Đây là một biểu tượng truyền thống của người Việt.
Điện chính có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa thờ tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, và bên trái thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, cả ba pho tượng đều được làm bằng đồng. Bốn vị Thần Long Hộ pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp thành hai hàng hai bên đường theo một quy luật, bảo vệ cho chính điện. Mỗi vị là một hiện thân của những cung bậc cảm xúc khác nhau “hỉ, nộ, ái, ố” của con người khiến khung cảnh ở đây trở nên sinh động vô cùng. Đây là một trật tự mang tính quy củ và ý nghĩa tâm linh. Du khách nào từng đặt chân đến chùa Linh Ứng đều không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng những pho tượng La Hán được khắc họa tinh tế, sắc cạnh nhưng không kém phần mềm mại này.
Truyền thuyết, nguồn gốc
Bán đảo Sơn Trà là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn, thế kỷ XIX), có một pho tượng phật không biết từ đâu trôi dạt về bãi cát nơi đây. Dân chài ven biển đã phát hiện, cho đó là điềm lành, họ lập am thờ tự. Và rồi, Ngài Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện cứu người vượt vòng trầm luân, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn. Từ đó, bãi cát nơi mà tượng phật dạt vào có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian, cũng chính là nơi dựng lên chùa Linh Ứng ngày nay.
Trải bao năm tháng thăng trầm của thời gian và lịch sử, được sự hộ trì, động viên khích lệ của Chư tôn thiền đức, sự cho phép và tạo mọi điều kiện của lãnh đạo thành phố, sự ủng hộ của đồng bào phật tử, chùa Linh Ứng-Bãi Bụt qua 6 năm xây dựng, đến nay đã sừng sững trên núi Sơn Trà như minh chứng cho sự kết hợp giữa Đạo pháp và Dân tộc, làm nên một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI, dâng lên tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương, liệt vị Tổ tiên nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Điểm nhấn quan trọng của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được xem là cao nhất Việt Nam (67m). Tượng đứng tựa lưng vào núi mặt hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an.
Sun Wheel
Nằm trong khuôn viên Công viên Châu Á – Asia Park (tên gọi cũ là Sun World Danang Wonders) – công viên chủ đề hoành tráng và hấp dẫn bậc nhất Việt Nam, Vòng quay Mặt Trời – Sun Wheel là hạng mục vui chơi đầu tiên và nổi bật nhất tại đây.
Ngay trong ngày khánh thành 18/07/2014, Sun Wheel đã đưa Đà Nẵng vào danh sách những công trình độc đáo và ấn tượng nhất thế giới. Đây cũng là một trong những kỳ quan giúp công viên Công viên Châu Á – Asia Park được mệnh danh là “công viên của những kỷ lục”.
Với độ cao 115m tương ứng với tòa nhà 25 tầng, Vòng quay Mặt Trời – Sun Wheel lọt top 5 các vòng quay cao nhất hành tinh. Vòng quay có tổng cộng 64 cabin, mỗi cabin có sức chứa tối đa 6 người. Mỗi lượt quay, vòng quay đưa du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh Đà Nẵng trong thời gian 15 phút.
Vòng quay Mặt Trời – Sun Wheel được thiết kế và thực hiện bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đến từ Đức, Nhật, Thái Lan cùng các kỹ sư Việt Nam. Được chiếu sáng nghệ thuật với 13.000 chiếc đèn LED gắn trên 32 nan của vòng xoay, Vòng quay Sun Wheel tại Asia Park như một tác phẩm nghệ thuật kỳ công, phát sáng rực rỡ giữa lòng thành phố.
Tại đây sẽ có 4 khu chức năng chính là công viên văn hoá, công viên trò chơi, khu nhà biểu diễn đa năng và bãi đỗ xe. Trong đó, khu công viên văn hóa được chia thành 9 phân khu đại diện cho 9 quốc gia châu Á gồm Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Burnei, Thái Lan và Việt Nam.
Mỗi phân khu sẽ bao gồm các công trình kiến trúc, cảnh quan, di tích lịch sử, nghệ thuật, giải trí, ngành nghề thủ công… thu nhỏ mang tính biểu trưng của mỗi quốc gia để du khách có thể tìm hiểu, khám phá.
Cửa hầm Hải Vân
Đèo Hải Vân là một trong những đường đèo ven biển đẹp và ấn tượng bậc nhất thế giới. Cung đường Hải Vân chênh vênh, khúc khuỷu, nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn núi non hùng vĩ. Có lúc nó cong mình uốn lượn ôm theo triền núi. Đôi khi nó lại bất ngờ rẽ ngoặt, tạo ra những đường zigzag lạ mắt. Hải Vân với một bên là núi cao, phía xa là biển lớn. Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên tráng lệ, mê đắm lòng người. Nó là tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa và là một công trình kỳ công của bàn tay con người.
Hải Vân đem lại cho người chinh phục nó những cung bậc cảm xúc khó tả. Bạn sẽ thật hào hừng và tò mò khi khởi đầu hành trình tại chân đèo. Tiếp đó là hồi hộp và lo lắng với những cung đường đèo quanh co, khúc khuỷu. Hải Vân được mệnh danh là con đèo hiểm trở nhất Việt Nam. Chính điều đó lại đem đến cho du khách những cảm giác thú vị và thách thức. Và rồi bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ trên đèo có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng trời, dãy Bạch Mã nối nhau trùng điệp ẩn hiện sau làn sương mờ, tuyến tàu hỏa Bắc – Nam lượn mình phía đưới và xa hơn là biển xanh chạm đường chân trời. Đứng phía Bắc đèo có thể nhìn thấy làng chài và vịnh Lăng Cô xanh màu ngọc bích với bãi cát trắng trải dài, đẹp như tranh vẽ. Còn đứng phía Nam đèo là cả thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, cù lao Chàm và bán đảo Sơn Trà xanh mướt được nhìn từ trên cao.
Hải Vân Quan hay còn gọi là cửa ải Hải Vân, nằm trên đỉnh đèo Hải Vân. Nếu bạn đã chinh phục những cung đường ngoạn mục của đèo Hải Vân thì đừng quên ghé thăm Hải Vân Quan.
Cửa ải này được xây dựng vào thời nhà Trần, trùng tu vào năm 1926 thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn). Hải Vân Quan được xây bằng gạch đỏ, cao khoảng 6m, bên dưới có vòm cổng lớn, bên trên là một tầng riêng có cửa sổ để quan sát. Cửa ải được xây với bờ tường dày, rất kiến cố. Mặt cửa trông về phủ Thừa Thiên đề “Hải Vân Quan”, mặt cửa trông về Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Khi xưa ai qua cửa này phải trình giấy tờ.
Đến với Hải Vân Quan, bạn sẽ được “chạm tay” vào một công trình kiến trúc tại Đà Nẵng mang đậm dấu ấn lịch sử. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều cuộc tuần du của các vị vua thời phong kiến. Không chỉ thế, nó còn là vị trí chiến lược quân sự thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Tại đây vẫn còn lưu lại những tàn tích của đồn Nhất với một số lô cốt do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1826. Hiện nay, các di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng.
Đứng trên Hải Vân Quan, bạn sẽ chiêm ngưỡng được toàn cảnh đèo Hải Vân mây trắng phủ mờ với những cung đường vô cùng ngoạn mục, đồi núi trải thảm xanh trùng điệp, trời cao và biển xanh như hòa là một. Và bạn có thể chụp cho mình những bức ảnh đẹp nhất về Hải Vân.
Cáp treo Bà Nà
Cáp treo Bà Nà là cáp treo duy nhất trên thế giới đạt 4 kỷ lục Guinness ngay trong ngày khánh thành. Đây cũng là tuyến cáp treo đầu tiên của Việt Nam được World Travel Awards xướng danh là: “Hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới”.
Khu du lịch Ba Na Hills nằm trên núi Bà Nà (núi Chúa), thuộc địa phận xã Hòa Vang, cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 25km về phía Tây Nam. Cáp treo Bà Nà là phương tiện duy nhất đưa du khách từ chân núi lên khu du lịch Sun World Ba Na Hills trên đỉnh Bà Nà.
Được thiết kế bởi hãng cáp treo hàng đầu thế giới: Hệ thống cáp treo được thiết kế bởi hãng Doppelmayr của Áo, đảm bảo tiêu chuẩn của hiệp hội cáp treo châu Âu, an toàn tuyệt đối, mang đến hành trình du ngoạn trên không độc đáo có 1-0-2 cho du khách.
Cáp treo Bà Nà – sứ mệnh đánh thức đỉnh núi Chúa: Đỉnh Bà Nà vốn là khu nghỉ dưỡng nổi tiếng từ hơn 100 năm trước của quan chức Pháp. Từ khi có cáp treo Bà Nà, đỉnh núi Chúa tưởng như bị lãng quên ấy được đánh thức, phát huy được đúng tiềm năng du lịch của mình.
Cáp treo giúp việc di chuyển lên Bà Nà trở nên dễ dàng hơn, cùng với đó là những sản phẩm du lịch được đổi mới không ngừng, Sun World Ba Na Hills trở thành tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng với khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, tâm linh… hàng đầu Việt Nam.
Cáp treo Bà Nà là tuyến cáp treo đạt nhiều kỷ lục nhất thế giới: Sau 420 ngày thi công, tuyến cáp treo số 3 (Thác Tóc Tiên- L’Indochine) chính thức được Sun World đưa vào hoạt động ngày 29/03/2013.
Đây là tuyến cáp treo duy nhất trên thế giới đạt 4 kỷ lục Guinness:
- Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.801m)
- Tuyến cáp có độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới (1.368,93m)
- Tuyến cáp có tổng chiều dài cáp dài nhất (11.587m)
- Trọng lượng cuộn cáp nặng nhất thế giới (141.24 tấn)
Đặc biệt, ngày 28/22/2019, trong lễ trao giải du lịch thế giới – World Travel Awards 2019 (WTA) tại Vương quốc Oman, cáp treo Bà Nà được xướng danh là “Hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới”.
Cung Thể thao Tiên Sơn
Cung Thể thao Tiên Sơn được xây dựng trên diện tích hơn 94.000m2 nằm trên đường Phan Đăng Lưu, trong đó 10.482 m2 được sử dụng để xây nhà thi đấu. Đây là công trình do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 42 triệu USD và Công ty AUM & LEE Architect Associates (Hàn Quốc) thiết kế.
Thiết kế tổng thể công trình gồm một tầng hầm và bốn tầng nổi được bố trí phù hợp với công năng của công trình. Mỗi tầng đều có chức năng riêng và được bố trí nhằm tạo thuận lợi cho việc tổ chức và đi lại khi thực hiện các chương trình.
Nhìn từ xa, Cung Thể thao Tiên Sơn như chiếc đĩa bay khổng lồ đang nghiêng mình hướng về trung tâm thành phố thể hiện khát vọng vươn lên không ngừng của người dân Đà Nẵng. Với ý tưởng này, đơn vị thiết kế chủ trương sử dụng những tuyến cong đơn giản, khúc chiết ở mặt ngoài công trình, làm toát lên vẻ trẻ trung, hiện đại và năng động của một công trình thể thao. Để tạo nên những đường cong như thiết kế, đơn vị thi công sử dụng hình thái cột xiên và thiết kế hình ovan, elip với các cấu kiện được chế tạo, gia công riêng biệt đảm bảo yêu cầu cao về độ chính xác. Điều này đòi hỏi đội ngũ kỹ sư phải đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt trong thi công, lắp đặt và tinh xảo trong từng chi tiết.
Kết cấu mái của công trình sử dụng nhiều vật liệu hiện đại với những đường nét mềm mại mang đến cho công trình một vẻ đẹp thanh thoát và thật sự ấn tượng. Để thi công phần mái, nhà thầu đã thực hiện lợp 3 lớp gồm bao che, chống nóng và tấm trang trí nhằm đảm bảo các tiêu chí về độ chiếu sáng và sự thông thoáng, lưu thông không khí một cách tối ưu. Với kiến trúc độc đáo và hiện đại này, Cung Thể thao Tiên Sơn được xem như một trong những công trình thể thao hiện đại nhất khu vực, tạo điểm nhấn mới lạ cho thành phố bên bờ sông Hàn và nâng tầm đô thị trong giai đoạn phát triển mới.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, tại Cung Thể thao Tiên Sơn đã diễn ra nhiều chương trình, sự kiện mang tầm vóc quốc gia, khu vực và quốc tế như: chung kết Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, giải Bóng chuyền nữ học sinh châu Á 2011, vòng chung kết Cuộc thi Sáng tạo Robocon toàn quốc 2011, 2013 và chung kết Cuộc thi Sáng tạo Robocon Châu Á – Thái Bình Dương 2013….
Cung thể thao Tiên Sơn hiện tại là hình ảnh đầy sinh động và giàu tính biểu cảm về một công trình kiến trúc hiện đại tại Đà Nẵng. Không những vậy, trong không gian rộng mở, Cung thể thao Tiên Sơn kết hợp với nhiều công trình như làng Thể thao Tuyên Sơn, Bể bơi thành tích cao, Thư viện tổng hợp, di tích Quốc gia Đình Nại Nam tạo thành một quần thể các công trình kiến trúc thể thao, văn hóa của thành phố, thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, tập luyện thể thao.
Nhà Thi đấu Đa năng Đà Nẵng
Nhà thi đấu Đà Nẵng là một trong những công trình được thiết kế độc đáo, hiện đại bật nhất Đông Nam Á hiện nay áp dụng kết cấu giàn không gian.
Công trình Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng do Tổng Công ty Sông Hồng làm chủ thầu bắt đầu được xây dựng vào tháng 9-2009 và được bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu tháng 12-2010.
Công trình này được ví như một chiếc đĩa bay giữa lòng thành phố, mang đến cho Đà Nẵng một công trình kiến trúc độc đáo, hiện đại và góp phần nâng tầm đô thị trong giai đoạn phát triển mới.
Nhà thi đấu Đà Nẵng có thiết kế rất độc đáo với kết cấu riêng biệt với 100 cấu kiện khác nhau, kích thước khác nhau. Để thi công công trình này, phần lớn các cấu kiện phải chế tạo, gia công riêng biệt. Công trình có 40 cột xiên 8 độ theo hình elip cao 35 mét. Hình thái cột xiên này phải gia công chế tạo.
Đỉnh mỗi cột xiên có 2 vị trí chờ gắn bu-lông để lắp ghép với 39 vị trí khác mà mỗi vị trí bu-lông không được phép sai số 2mm. Tổng cộng có 80 vị trí đỉnh cột chờ gắn bu-lông được định vị tụ nhau một điểm giữa không trung. Như vậy, yêu cầu thi công của công trình là rất cao.
Đặc biệt, hệ thống dầm là tập hợp những kết cấu hình tam giác, hình bình hành, hình thang. Hợp với dàn 40 cột xiên 40 vị kèo sắt nặng 1.400 tấn, khẩu độ dài 100 mét, dàn kèo được hệ thống cẩu, tời siêu trọng tải lên định vị vào chốt bu-lông cột xiên đang lơ lửng giữa trời.
Việc thi công phần mái, ốp kính cũng gian nan không kém khi riêng phần ốp kính đã ngốn 100 tấn ống tube để làm giàn giáo. Phần mái nhôm nặng 150 tấn cũng thi công 3 lớp lợp gồm bao che, chống nóng và tấm trang trí. Do thiết kế hình ovan, elip nên các tấm lợp, ốp kính đều chế tạo từng miếng riêng, lắp đặt riêng mà sai số chỉ được phép ở mức 1/2 mm.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ thi công, công trình nhà thi đấu Đà Nẵng đã hoàn thành và trở thành một trong những niềm tự hào của thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Bảo tàng Đà Nẵng
Bảo tàng Đà Nẵng – địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng, thu hút đông đảo du khách ghé thăm khi đến với thành phố biển xinh đẹp này. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới các bạn bè quốc tế.
Bảo tàng Đà Nẵng trước kia là Bảo tàng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập từ năm 1989 trên cơ sở Phòng Bảo tồn Bảo tàng. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ nằm trên đường Thống Nhất (hiện nay là đường Lê Duẩn). Đến năm 1998, sau khi Quảng Nam – Đà Nẵng được tách ra làm hai tỉnh, để thuận tiện trong công tác quản lý, cũng như hoàn thiện chức năng về thế mạnh chuyên ngành của các bảo tàng, bảo tàng được thành lập lại trên địa phận thành phố Đà Nẵng.
Năm 2011, Bảo tàng Đà Nẵng đã được di dời đến trụ sở mới tọa lạc trên đường Trần Phú, bắt đầu mở cửa phục vụ khách tham quan sau gần hai năm thi công, chuẩn bị. Bảo tàng Đà Nẵng là một công trình văn hóa tiêu biểu, quan trọng của thành phố Đà Nẵng và là một trong những bảo tàng khang trang, hiện đại bậc nhất của miền Trung Việt Nam.
Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong năm, với giá vé chỉ 20.000 đồng, bạn đã có thể vào tham quan và tìm hiểu Bảo tàng Đà Nẵng. So với các bảo tàng khác trong khu vực thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng thu hút du khách bởi hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và hệ thống các hiện vật trưng bày phong phú, nội dung trưng bày đa dạng về chủ đề, hiện vật, sống động với các không gian tái tạo chân thực, được thể hiện dưới nhiều góc nhìn hiện đại.
Với ba tầng trưng bày có diện tích hơn 3.000m2, Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ hơn 2.500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh,… được chia ra làm các chủ đề về điều kiện tự nhiên của thành phố, Đà Nẵng thời Tiền – Sơ sử, bộ sưu tập cổ vật, đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng, đô thị Đà Nẵng trước 1975, các làng nghề truyền thống, Đà Nẵng kháng chiến,… Trong số hiện vật, tư liệu được giới thiệu tại Bảo tàng Đà Nẵng, có nhiều hiện vật, tư liệu quý lần đầu tiên được trưng bày thu hút được sự quan tâm lớn của du khách.
Với không gian trưng bày sáng tạo, hấp dẫn, Bảo tàng Đà Nẵng đang là điểm đến thu hút du khách yêu thích khám phá lịch sử đến chiêm nghiệm và cảm nhận những nét văn hóa đặc sắc của thành phố biển hiện đại nhất của miền Trung này.
Cầu Thuận Phước
Khi những cây cầu với những kiến trúc độc đáo được xây dựng như cầu Rồng hay cầu Trần Thị Lý thì du khách có thêm nhiều điểm thăm quan mới để khám phá và ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cầu Thuận Phước bị “thất sủng”. Khi mà cầu Rồng được xem là biểu tượng mới của địa điểm du lịch Đà Nẵng thì cầu Thuận Phước vẫn âm thầm đóng một vai trò quan trọng, là dải lụa nổi liền đôi bờ sông Hàn, mang trong mình một nét đẹp lỗng lẫy nhưng rất đỗi hiền dịu, làm xao xuyến bất kỳ du khách nào khi đến thăm quan.
Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng từ năm 2003 và mất gần 6 năm xây dựng mới hoàn thành. Cầu có chiều dài gần 2km và có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là một trong những cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Cầu có chiều rộng gần 20m, có 4 làn xe ô tô với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, cầu Thuận Phước không chỉ giúp người dân trong việc giao thông thuận tiện mà còn kết nối giao thương, tạo đà phát triển cho nền kinh tế thành phố biển Đà Nẵng, đồng thời tạo nên nét riêng biệt cho thành phố, góp phần vào những kiến trúc mới lạ, ý tưởng thiết kế độc đáo.
Không chỉ vậy, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn thơ mộng, cầu Thuận Phước lại trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết dưới những ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ đẹp lung linh và quyến rũ của một thành phố trẻ năng động. Nhiều người đã gọi cầu Thuận Phước là dải lụa vắt ngang sông Hàn, đặc biệt quyến rũ lòng người khi màn đêm buông xuống, khi hệ thống đèn được thắp sáng.
Tượng Cá Chép Hóa Rồng
Được mô phỏng theo bức tượng sư tử biển của Singapore, tượng cá chép hóa rồng Đà Nẵng được đưa vào xây dựng vào năm 2015 đã trở thành biểu tượng du lịch mới của “thành phố đáng sống”. Đây cũng là điểm tham quan nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh bên cạnh các điểm đến quen thuộc như các cây cầu, bãi biển Mỹ Khê, chùa Linh Ứng,…
Tượng cá chép hóa rồng Đà Nẵng được đặt ở bờ phía Đông của sông Hàn thơ mộng, nằm giữa đoạn cầu sông Hàn và cầu Rồng. Bạn chỉ cần di chuyển ra phía đường Trần Hưng Đạo tới đoạn cầu Tình yêu là sẽ đến nơi, bức tượng này nằm ngay dưới chân cầu, rất dễ thấy. Về yếu tố phong thủy, bức tượng nằm ở trung tâm thành phố, hợp nhất bởi các yếu tố: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài mà trời đất hợp lại. Công trình mang ý nghĩa to lớn về sức mạnh và niềm tin với một cuộc sống thịnh vượng, phồn vinh mà người dân đã đặt vào đó.
Trong văn hóa Á Đông luôn coi trong biểu tượng cá chép bở có nhiều ý nghĩa sâu sa.Theo quan niệm dân gian, cá chép hóa rồng luôn là linh vật tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền và may mắn. Ngày nay, quan niệm này vẫn như vậy, hơn nữa còn được xem là sự lanh lợi, linh hoạt. Rồng trong phương Đông lẫn phương Tây đều được xây dựng dựa trên hình ảnh khủng long vừa có thể bay lên trời, vừa có thể lặn xuống biển.
Cá chép hóa rồng Đà Nẵng được xây dựng và điêu khắc bởi những nghệ nhân làng đá Non Nước. Công trình là sự kết hợp của 5 tấm đá thạch trắng cao 7.5 m, nặng 200 tấn cùng mồ hôi công sức của các bàn tay khéo léo của các nghệ nhân hơn 3 tháng trời.
Cấu trúc bức tượng gồm phần đầu rồng với những chi tiết được khắc thuộc về thời nhà Lý. Phần thân rồng được tái hiện bằng những nét khắc hình chiếc vảy tinh tế, sống lưng là lớp vây cách điệu như lưng rồng. Phần chân rồng tái hiện hai bàn tay cách điệu đối xứng nằm trên lớp sống nhấp nhô. Đây không chỉ là bức tượng đơn thuần, tượng cá chép hóa rồng Đà Nẵng còn được lắp đặt hệ thống phun nước từ phía đầu rồng, tái hiện một cách sinh động và trọn vẹn hình ảnh tưới nước để phổ độ chúng sinh của cá chép được hóa rồng. Hình ảnh này còn làm biểu tượng cho bến du thuyền, điểm tô cho cảnh quan của bến, khẳng định giá trị khu vực sông Hàn và cảnh đẹp Đà Nẵng nói chung.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp