Thái Bình là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Trung tâm tỉnh là thành phố Thái Bình cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Phòng 70 km về phía đông bắc. Thái Bình tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố: Hải Dương ở phía bắc, Hưng Yên ở phía tây bắc, Hải Phòng ở phía đông bắc, Hà Nam ở phía tây, Nam Định ở phía tây và tây nam. Phía đông là biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Theo quy hoạch phát triển kinh tế, Thái Bình thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Thái Bình là một tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng, tới đây bạn sẽ được khám phá những điểm du lịch hấp dẫn từ chùa chiền đến các bãi biển tuyệt đẹp. Chỉ cần một chiếc moto đầy xăng, một chiếc ba lô nhỏ gọn và một khoản tiền trên dưới một triệu đồng, bạn có thể đi du lịch Thái Bình trong vòng vài ngày để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn và hoang sơ không nơi nào có được.
Tên gọi khác: “Quê hương 5 tấn”. Có gần 82 lễ hội đặc sắc, 16 loại hát múa, trò chơi như: chiếu chèo “làng Khuốc”, trò múa rối nước làng Nguyên Xá (Đông Hưng) và làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư) v.v.
Kiến trúc Thái Bình rất đa dạng với nhà thờ, đền chùa và các quần thể di tích có quy mô rộng lớn, tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10000m2 xây dựng nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc,…
Chùa Keo
Chùa Keo (tên chữ: Thần Quang tự) là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi, đây là công trình có kiến trúc đẹp tại Thái Bình từ xưa đến nay…
Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ thiết kế kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.
Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho tư vấn thiết kế kiến trúc Thái Bình đời nhà Lê.
Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.
Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.
Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc Thái Bình đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.
Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.
Đến thăm chùa, ta có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Thái Bình. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.
Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 1000 năm ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 Âm lịch).
Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.
Đền Tiên La
Đền Tiên La là ngôi đền thờ Bát Nàn tướng quân (tướng quân phá nạn cho dân, có nơi gọi là “bát nạn” hay “bát não”) Vũ Thị Thục (sinh năm 17, mất năm 43), một nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định.
Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô lớn và đẹp, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền… Tòa điện bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ long – lân – quy – phượng, đan xen với thông – trúc – cúc – mai.
Tòa điện trung tế là công trình kiến trúc tại Thái Bình đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “chồng diêm cổ các”. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở tòa bái đường đều làm bằng đá như hệ thống cột, xà, kèo…
Lễ hội đền Tiên La để tưởng nhớ công ơn Bát Nạn Tướng Quân, được tổ chức vào các ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch. Ngày nay để phục vụ đông đảo du khách về dự hội ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch. Chính hội là ngày 17, trùng ngày hy sinh của bà tướng là ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). Phần hội có trò chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, đặc biệt là phần rước kiệu và một số trò chơi dân gian khác như đánh đáo, trọi gà, thổi sáo trúc.Ngoài ra, vào dịp lễ hội còn có nhiều đoàn văn hoá nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận cũng đến biểu diễn các tiết mục văn hoá đặc sắc như các vở chèo: Quan âm Thị Kính; Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Tải – Ngọc Hoa…
Khu di tích đền Trần Thái Bình
Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần có nhiều vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo; Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… Thái Bình là vùng đất phát tích của vương triều Trần, vì cách đây hơn 700 năm, tại đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp.
Các vua Trần đã cho xây dựng một hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa… Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà thì có tới trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp tác tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Năm tháng qua đi, lăng mộ ba vị vua đầu triều Trần và dòng sông Thái Sư vẫn còn đó. Hơn 7 thế kỷ, những di vật nằm sâu trong lòng đất Tam Đường đã được khai quật, giúp hậu thế tìm lại một quần thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc hành cung Long Hưng uy nghi, tráng lệ.
Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.
Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc – kiến trúc đình làng. Riêng Toà hậu cung đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.
Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/01/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm, qua đó khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Các nội dung diễn ra suốt lễ hội từ sáng 13 tháng giêng âm lịch đến hết ngày 18 tháng giêng âm lịch như: Thi cỗ cá, Thi gói bánh chưng, Thi thả diều, Thi pháo đất, Thi vật cầu, Thi kéo co.
Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng tương truyền thờ Đức Vua cha Bát Hải. Nằm trên địa bàn xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình. Đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Là một quần thể di tích mang trong mình một truyền thuyết về nơi khai sinh và hóa thánh của 8 (Bát vị) thánh có công chống giặc cứu nước. Để tưởng nhớ công đức của các vị nhân dân đã dựng đền và tổ chức lễ hội vào tháng 8 âm lịch hàng năm.
Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật, du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc Thái Bình uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông Cổ đầy ắp huyền thoại. Làng Đồng Bằng xưa là trang Đào Động – Một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ 13. Nơi đây còn âm vang khí thế hào hùng oanh liệt của quốc gia đại Việt chống giặc Nguyên Mông.
Tướng quân diện súy Phạm Ngũ Lão đã bái yết cửa đền trước khi xuất trận và lưu bút đền thờ nơi “Tứ cố cảnh Lý Triềư’ này. Tục truyền, đền được khởi dựng khá sớm, trải qua các triều đại, thiên nhiên, giặc giã hoành triệt, đền được tu tạo nhiều lần. Công trình kiến trúc hiện nay có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1926).Toạ lạc trên một diện tích gần 6000 m2, toàn bộ công trình được xây dựng của đền Đồng Bằng gồm có 13 toà, 66 gian, kết cấu theo kiểu tiền nhị hậu đỉnh liên hoàn khép kín, rất nguy nga bề thế.
Các mảng kiến trúc của công trình rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề về tứ quý, tứ linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.
Có thể nói, đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc Thái Bình truyền thống trong văn hoá làng xã Bắc Bộ nhưng lại ảnh hưởng bởi kiến trúc Huế những năm đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hoá và cũng từ đó càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhi trên vùng đất này.
Nhà thờ chính tòa Thái Bình
Nhà thờ chính tòa Thái Bình với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu tọa lạc tại phường Lê Hồng Phong, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Thái Bình.
Ngày 9 tháng 3 năm 1936, Tòa Thánh ban Sắc lệnh Praecipuas inter Apostolicas (Những Ưu Tư Tông Đồ), thành lập Giáo phận Thái Bình. Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu Thái Bình trở thành Nhà thờ Chính toà của giáo phận. Lúc này Giám mục Casadio Thuận mới truyền cho linh mục Tây Ban Nha Rengel Lễ là cha Sở xứ Thái Bình lúc ấy đốc công xây thêm phần nhà thờ từ cánh thánh giá trở lên, đồng thời lập bàn thờ sơn son thếp vàng làm cho ngôi thánh đường trở nên đồ sộ, rộng lớn, bề thế hơn nhiều, xứng với tầm vóc của một thánh đường chính tòa.
Nhà thờ tiếp tục được 1967 và 1995. Tuy nhiên qua thời gian, nhà thờ đã có dấu hiệu của việc xuống cấp. Ngày 17 tháng 7 năm 2005, Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã cho khởi công xây dựng Nhà thờ chính tòa mới và chính thức khánh thành vào ngày 13 tháng 10 năm 2007.
Nhà thờ chính tòa mới tọa lạc trên khuôn viên rộng trên 6000 m² mang đậm những dấu ấn trong Kinh Thánh. Ngôi Thánh đường được thiết kế hai tầng, có chiều dài là 81 m, rộng 24,8 m, chỗ rộng nhất là 34,2 m, diện tích nhà thờ là 2.260m², được khoác trên mình chiếc áo màu kem sáng, màu của phù sa, gợi nhớ miền quê lúa của lưu vực sông Hồng và sông Trà Lý.
Giáo xứ An Lập
Giáo xứ An Lập là một xứ đạo Công giáo lâu đời tại Việt Nam, thuộc Giáo hạt Đông Hưng, Giáo phận Thái Bình, cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 20 km về hướng Tây Bắc. Địa bàn giáo xứ thuộc địa bàn các xã Hồng Giang, Hồng Châu và Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Giáo xứ được thành lập năm 1907, dựa trên sự chia cắt của Giáo xứ Duyên Lãng (Giáo xứ Diền). Theo giáo dân nơi đây, An Lập có nghĩa là: dân có bình An thì mới Lập nghiệp được.
Từ cuối thế kỷ XVII, các nhà giáo sĩ phương Tây đã đến truyền giáo tại thôn Tiền Môn, xã Thần Khê, tổng Cổ Quán, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam. Năm 1703, Giám mục Raimundo Lezzoli (tên Việt: Cao), Đại diện tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài, cho thành lập giáo họ Tiền Môn, nhận lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời làm bổn mạng.
Ngay sau khi thành lập giáo xứ, từ năm 1706, các giáo dân đã dựng ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng đơn sơ bằng tranh, tre, gỗ tọa lạc theo hướng Đông Tây. Đến năm 1861, ngôi thánh đường thứ hai rộng lớn hơn, với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ lim.
Năm 1913, linh mục Nghiễm cùng cộng đoàn giáo dân xây ngôi nhà thờ thứ ba hướng Bắc Nam. Thời gian xây dựng mất 27 tháng mới hoàn thành ngôi nhà thờ mới với tổng diện tích 730m2, tương ứng với kích thước dài 46m, rộng 16m, cao 10m, và một cột tháp cao 28m. Nhà thờ gồm 09 gian, các phần cột, hoành, xà, kèo làm bằng gỗ Lim, trên mái lợp bằng ngói Nam.
Sau gần 100 năm sử dụng, ngôi thánh đường nhà xứ xuống cấp nặng. Ngày 10 tháng 2 năm 2001, giáo xứ xây lại ngôi thánh đường mới với kích thướng dài 60m, rộng 20m, mái tum cao 18m, tháp chuông cao 38m, tổng diện tích 1.200m2. Đến ngày 1 tháng 1 năm 2004, ngôi giáo đường mới được khánh thành.
Nhà Thờ Giáo Xứ Bác Trạch
Đền Thánh Kính Lòng Chúa Thương Xót Bác Trạch (còn gọi là Đền Thánh Bác Trạch, Nhà thờ Bác Trạch) là tên một nhà thờ Công giáo Roma thuộc Giáo phận Thái Bình, Việt Nam. Nhà thờ Bác Trạch nằm ở xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, cách Thành phố Thái Bình 23 km đi về hướng đông. Nhà thờ Bác Trạch một trong những nhà thờ đẹp và lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Khoảng thế kỷ XVII, Bác Trạch được đón nhận Tin Mừng cùng thời với các xứ Kẻ Diền, Kẻ Hệ, Kẻ Mèn, Sa Cát… do các cha thừa sai dòng Tên và dòng Đaminh. Sau khi các thừa sai dòng Tên rời Việt Nam theo lệnh Tòa Thánh, một số giáo họ của Bác Trạch được trao lại cho các cha dòng Đaminh.
Nhà thờ Bác Trạch được khởi công xây đựng ngày 13 tháng 10 năm 2006, sau 7 năm xây đựng nhà thờ được khánh thành ngày 13 tháng 10 năm 2013. Khánh thành quảng trường và cung hiến, đón nhận Sắc phong Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót vào ngày 27/4/2014.
Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Kiến trúc Roman. Nhà thờ có chiều dài 92,5m, chiều rộng: 32m, hai tháp chuông cao 61m và treo bộ chuông gồm 6 quả. Trong đó, quả chuông lớn nhất có trọng lượng là 3 tấn. Đồng hồ treo ở tiền sảnh nhà thờ có đường kính 4 m.
Để xây dựng nên nhà thờ phải sử dụng tới 46 vạn gạch, khoảng 350 tấn sắt, hơn 500 tấn vôi, gần 3000 tấn xi măng, 1000 m2 đá các loại, hơn 120 tấm kính tranh; gần 100 tượng tròn, phù điêu các loại cùng nhiều vật dụng, nguyên liệu khác. Nhà thờ có gần 100 bức tượng, phù điêu và tranh vẽ, cùng với hàng trăm bức tranh vẽ in trên kính; gần chục bộ cửa đại với những hình ảnh các thánh và 100 bộ cửa trong kính ngoài chớp.
Đền Đồng Xâm
Đền Đồng Xâm là một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) và phu nhân Trình thị, người làng Đồng Xâm, được làm Hoàng hậu của nhà Triệu nước Nam Việt và thờ tổ nghề làng chạm bạc truyền thống Nguyễn Kim Lâu.
Năm 1990, đền được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Thuỷ toạ là một ngôi nhà hình lục lăng gồm sáu cửa vòm quay ra các hướng, từ đây có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đường thuyền đua tấp nập trên sông khi có lễ hội.
Toà Tiền tế của ngôi đền là một tòa đại đình gồm 5 gian rộng, với quy mô đồ sộ có chiều cao tới 13m và kiểu dáng kiến trúc bề thế ít gặp ở các di tích khác.
Nối liền toà Tiền tế tới hậu cung là toà điện Trung tế được kiến trúc theo kiểu Phương đình. Mặt bằng ở khu vực này được các nghệ nhân xử lý cực kỳ hợp lý, từ ba gian của toà Tiền tế được rút lại một gian chính giữa làm nền của toà Phương đình.
Toà Hậu cung của đền được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là toà điện năm gian, nối với gian trung tâm là phần chuôi vồ được tôn cao mặt bằng để đặt khám gian. Phía hiên ngoài Hậu cung được bài trí hài hoà bằng những đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm. Hệ thống cánh cửa khay soi ở ba gian trung tâm của toà hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện trên 12 ô cửa của Hậu cung.
Khám gian đặt tại Hậu cung là một tác phẩm độc đáo mang nét đặc thù của làng nghề chạm bạc, đồng, sắt. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý… Trong khám thờ đặt tượng Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu Trình thị, cỡ tượng to tương đương người thật và đều được đúc bằng đồng khảm vàng, bạc, thiếp bạc…
Đền Đồng Xâm có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.
Lễ hội được tổ chức từ mồng 1-3 tháng 4 Âm lịch. Mở đầu lễ hội là đám rước bà Trình thị lên đền Đức thánh Triệu vào chiều 30 tháng 3 âm lịch. Sau khi tế, người ta rước tượng Đức bà lên kiệu về đền, tới đền, tượng Đức bà được đặt bên cạnh tượng Đức thánh Triệu trong suốt mấy ngày hội. Hội tan, dân làng lại tổ chức rước bà hoàn cung.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp