Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có thành phố Tây Ninh nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100 km theo đường Quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Vùng đất Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là “Chuồng Voi” vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn,… cư ngụ. Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên phát triển.
Du lịch Tây Ninh tuy chưa thực sự hấp dẫn so với địa phương khác trong cả nước nhưng vẫn có nhiều nét riêng hấp dẫn thu hút du khách khắp nơi, Không chỉ được biết tới với núi Bà Đen hay tòa thánh Cao Đài, du lịch Tây Ninh vẫn hấp dẫn với những núi, hồ, chùa,…cùng những khung cảnh thiên nhiên quyến rũ du khách.
Kiến trúc Tây Ninh là đặc trưng của kiến trúc Chàm, nền văn minh Chàm và dân tộc Khmer được đánh giá cao như là một xã hội văn minh sớm xuất hiện ở miền Nam Việt Nam. Tây Ninh hiện còn 2 trong 3 tháp cổ ở vùng đất nam bộ của nền văn hóa Óc Eo (Vương quốc Phù Nam tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII) hầu như còn nguyên vẹn là Tháp Chót mạt ở xã Tân Phong huyện Tân Biên và Tháp Bình Thạnh huyện Trảng Bàng Theo thống kê của ban Dân tộc tỉnh Tây Ninh hiện Tây Ninh có 21 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Tà Mun (được cho là hậu duệ của Vương quốc Phù Nam) ở Tây Ninh đang làm thủ tục để công nhận là dân tộc thứ 55 của Việt Nam.
Tòa Thánh Tây Ninh
Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc trong khuôn viên Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về phía Đông Nam, thuộc miền Nam nước Việt Nam.
Đây là Tổ Đình, tức cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh. Đền Thánh là một ngôi đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Theo thiết kế ban đầu, kích thước Tòa Thánh được quy định dài 135m, rộng 27m, nền cao 1,8 m. Tuy nhiên, khi mới khởi công xây dựng Tòa Thánh, tín đồ khi đó còn nghèo, Hội Thánh gặp khó khăn về tài chính nên khi thi công đã thu bớt lại kích thước trên. Kích thước thực tế chỉ còn dài 97,5m, rộng 22m. Theo quan niệm của các tín đồ Cao Đài, thiết kế và kích thước Tòa Thánh do Đức Giáo tông Lý Thái Bạch giáng cơ quy định theo hệ mét, tuy nhiên về sau được Đức Chí Tôn giáng cơ quy định lại theo hệ thước ta (thước mộc) nên quy đổi ra kích thước như trên.
Tổng thể Đền Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Đền Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây, là khu vực Hiệp Thiên Đài. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Tầng hai có tên Phi Tưởng Đài, như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt.
Xung quanh vách của Đại điện có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra. Toàn thể vách xung quanh Linh Tiêu Điện (Đại điện Tòa Thánh) có tất cả 23 ô hoa sen có hình Thiên Nhãn, cộng với biểu tượng Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn. Ngoài lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện, có cả thảy 6 lối vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu.
Thông thường, trước khi xây dựng một công trình lớn, người ta phải nhờ kiến trúc sư vẽ kiểu dáng tổng quát, những sự trang trí chi tiết, nghiên cứu nền móng và những kết cấu bê tông, tính toán chọn lựa các thứ vật liệu xây dựng đúng chất lượng cần thiết,…rồi phải xin phép cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng.
Đối với Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp của Đạo Cao Đài chỉ đạo xây dựng không có một đồ án chi tiết nào vẽ ra trên giấy hết, cũng như không có sự tham dự của một kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào, cũng không có một thứ máy móc nào giúp đỡ, chỉ toàn trông cậy vào 2 bàn tay với sức lực của con người, những người thợ nam nữ làm không lãnh tiền công, ăn chay trường với cháo rau đạm bạc và đặc biệt có lập thệ là không được cưới vợ hay lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, để có đủ Âm Dương và đủ tinh khiết trong việc xây dựng Đền thờ, cũng không xin phép xây dựng với một Chánh quyền nào hết. (cũng tương tự như khi lập Tờ Khai Đạo).
Theo những tài liệu về lịch sử xây cất Tòa Thánh trong Đạo Cao Đài: Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy Đức Phạm Hộ Pháp về vị trí xây cất Tòa Thánh, về kích thước tổng quát: bề dài, bề ngang, bề cao. Đức Hộ pháp cứ theo đó mà chỉ bảo lại cho công thợ làm, chỉ tới đâu làm tới đó, không biết gì thêm. Hết phần đó rồi, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy tiếp, hoặc Đức Hộ pháp ban đêm xuất chơn thần đi lên gặp Đức Lý để nhờ Đức Lý chỉ dạy trực tiếp, hay Đức Hộ pháp vào Bạch Ngọc Kinh quan sát tỉ mỉ kiểu vở, ghi nhớ để về bắt chước làm giống theo.
Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài
Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có tổng diện tích tự nhiên 21.284 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng Tỉnh Tây Ninh.
- Phía Bắc giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ thuộc huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông.
- Phía Nam giáp tỉnh Long An.
- Phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông.
- Phía Tây giáp biên giới Campuchia.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có 03 cửa khẩu gồm: cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận, phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN trong tương lai.
Khu đất bằng phẳng, tương đối thấp (với cao độ khoảng 0–4 m) và dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Khu vực cao nhất xung quanh cửa khẩu, cao độ bình quân trên 3 m. Khu vực thấp nhất thuộc về phía Đông Nam có các ruộng cỏ năng ngập nước, có cao độ thấp trung bình từ 1 m tới – 0,3 m.
Quanh khu vực có nhiều sông, rạch, kênh mương. Phía Bắc có kênh Đìa Xù theo hướng Đông Tây từ sông Vàm Cỏ Đông tới biên giới. Phía Đông có sông Vàm Cỏ Đông, phía Nam có một số kênh rạch nhỏ và vùng đất trũng, ngập.
Xung quanh đô thị hiện tại là đồng ruộng, đầm và cây bụi. Phía Tây đô thị là khu cửa khẩu Campuchia đã phát triển thành một tụ điểm cư dân tương đối nhộn nhịp. Phía Bắc có thị trấn Bến Cầu quy mô nhỏ với những nhà thấp tầng.
Các cơ quan chức năng tại khu kinh tế cửa khẩu cũng tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm như kinh doanh trái pháp luật, lợi dụng chính sách để buôn lậu, trốn thuế; tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.[5] Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cho biết, sự hình thành khu kinh tế cửa đã giải quyết việc làm cho 1.800 lao động tại chỗ, giảm nạn buôn lậu, thồ hàng qua biên giới, đặc biệt mối quan hệ an ninh quốc phòng – trật tự xã hội tại đây cũng được củng cố.
Cửa khẩu Xa Mát
Cửa khẩu Xa Mát về quy mô không được lớn bằng cửa khẩu Mộc Bài hay các cửa khẩu khác ở Tây Ninh nên hàng hóa hàng năm được lưu thông qua đây còn hạn chế, số lượng người nhập cảnh qua cửa khẩu cũng còn khá ít.
Tuy nhiên cửa khẩu này được xây dựng với mục tiêu giảm bớt lượng hàng hóa lưu thông tại các cửa khẩu khác, giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục lưu thông nên hứa hẹn số lượng người, hàng hóa lưu thông qua đây sẽ tăng cao hơn trong các năm tới.
Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát được thành lập với diện tích hơn 34.000 ha gồm 2 xã Tân Lập, Tân Bình huyện Tân Biên của tỉnh Tây Ninh được hi vọng sẽ trở thành một khu kinh tế phát triển biên giới hai nước.
Khu kinh tế này có vị trí phía Bắc và Tây giáp với biên giới Campuchia, phía Đông giáp với xã Thạnh Bình, phía Nam giáp với xã Thạnh Tây tỉnh Tây Ninh. Nơi đây cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150 km, cách thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia khoảng 200km nên rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế vùng biên. Từ nơi đây hoàn toàn có thể đi từ thành phố Hồ Chí Minh tới Phnôm Pênh bằng đường bộ.
Cùng với ba cửa khẩu khác ở Tây Ninh, cửa khẩu Xa Mát đang góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trên nhiều mặt không chứ không chỉ riêng kinh tế hay vấn đề ngoại giao giữa hai nước.
Tháp cổ Bình Thạnh
Địa chỉ của tháp cổ Bình Thạnh nằm ở phía hữu ngạn của con sông Vàm Cỏ Đông, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 50 cây số về phía Đông Nam.
Nằm trên khu đất cao và khá bằng phẳng, khu tháp cổ ẩn mình bên dưới những hàng cây xanh sum suê bóng mát, mang đến một khung cảnh vô cùng thơ mộng, hoang sơ, bí ẩn, nhưng cũng không kém phần thanh tịnh và trang nghiêm.
Bao quanh ngôi tháp, ở phía xa xa, chính là những cánh đồng ruộng lúa bao la, bát ngát, khiến du khách cảm nhận được sự yên bình trong tâm hồn.
Cách di chuyển đến tháp cổ Bình Thạnh, bạn đi xuôi theo quốc lộ 22B để tới được tủng tâm huyện Gò Dầu, sau đó hỏi đường đi tới ngã ba ấp Voi (huyện Bến Cầu), tiếp đi theo theo huyện lộ 784, nhớ để ý bảng biển vì khi đi gần tới khu tháp sẽ thấy một tấm bảng công nhận Di tích lịch sử văn hóa.
Ngược dòng lịch sử, tháp Bình Thạnh được xây dựng từ khoảng thế kỷ VIII – IX, thuộc văn hóa Óc Eo, được phát hiện thông qua các tài liệu khảo cổ học vào năm 1886, và đến năm 1993 được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Kỹ thuật xây dựng của đền tháp Bình Thạnh khá tương đồng với các đền tháp Chăm ở miền Trung, sử dụng vật liệu gạch nung xếp chồng lên nhau một cách khéo léo và cực khít, mà không hề dùng đến chất liệu kết dính. Tuy nhiên điều đáng tiếc là kỹ thuật xây dựng này cho đến nay đã bị thất truyền, nhiều nhà khoa học, khảo cổ học cố gắng tìm kiếm, xong vẫn chưa có câu trả lời.
Ngôi tháp cổ có chiều cao 10 mét, được xây dựng trên nền đất hình vuông, mỗi cạnh dài 5 mét quay về đúng bốn hướng đông, tây, nam, bắc.
Cửa chính của tháp quay về hướng Đông, nhô hẳn ra ngoài, rộng 1 mét, cao 2 mét. Phía trên cửa chính là một phiến đá hình chữ nhật rộng 2 mét, cao 0,8 mét được chạm khắc hình hoa cúc cách điệu vô cùng tinh xảo, các vách của cửa chính cũng được chạm khắc hình phù điêu nổi. Ngoài ra các cửa Tây, Nam, Bắc đều có cửa giả, được đắp nổi hoa văn vô cùng tinh tế, công phu.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, kiến trúc Tây Ninh, mà di tích tháp cổ Bình Thạnh còn ẩn chứa nhiều giá trị đặc biệt về đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người xưa. Kỹ thuật xây dựng, điêu khắc tài tình đã phản ảnh sự phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo. Các nhà sử học, văn hóa học, khảo cổ học không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để khám phá nhiều hơn nữa các giá trị đặc sắc của khu di tích cổ này.
Nhà thờ Giáo xứ Tây Ninh
Năm 1881, Linh mục Simon Sĩ, nguyên Chánh xứ Họ đạo Tha La, đã đến và lập nên Họ đạo Tây Ninh (trực thuộc Giáo phận Sài Gòn, tờ khẩn đất lập trước bạ và sang tên ngày 29/05/1888).
Tháng 03/1915, Linh mục Phaolô Đàng về làm Chánh xứ. Ngài bắt tay khởi công xây dựng ngôi Thánh đường mới, khánh thành vào năm 1932 và đặt bổn mạng Nhà thờ là Kitô Vua – Christo Regi.
Giáo xứ Tây Ninh còn có khu vực nhà xứ, được xây 2 lần:
- Lần đầu vào năm 1943 (có một lầu gỗ) do Cha Chánh xứ Tôma Trí xây dựng.
- Lần thứ 2 do Cha Gioan Baotixita Lê Quang Đức xây dựng (vào năm 1969-1970) vẫn được dùng cho đến nay.
Đồng thời, để phục vụ cho việc giáo dục, Cha Tôma Trí đã cho xây một Trường Tiểu học Tư thục Công Giáo Bình Dân vào năm 1943, gồm 5 lớp cấp I, dạy văn hóa và Giáo lý cho con em giáo dân (kể cả người ngoài Công giáo).
Ngôi trường này được Cha Phêrô Lê Văn Phát xây lại vào năm 1964. Nhờ đó Giáo xứ Tây Ninh bắt đầu có các nữ tu dòng Mến Thánh Giá luân phiên đến phục vụ – kiêm nhiệm việc dạy học ở trường tiểu học.
Hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng cách thị xã Tây Ninh 38 km về phía Đông. Cùng với núi Bà Đen, tòa thánh Tây Ninh, hồ tạo nên cung đường du lịch thơ mộng tại tỉnh này. Du khách hoàn toàn có thể đi tới cả ba địa điểm trên trong cùng một ngày để khám phá cảnh đẹp tại Tây Ninh.
Đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc điều phối nước sông Sài Gòn, kênh phía Đông và phía Tây. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985 sau hơn bốn năm thi công. Ngoài cung cấp nước cho sông Sài Gòn, tưới nước cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh cũng những các tỉnh lân cận như Long An, TP Hồ Chí Minh, hồ còn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp các vùng phụ cận.
Hồ có phong cảnh hữu tình và hệ sinh thái độc đáo. Cảnh quan hai bên bờ thơ mộng lại thêm mặt hồ trải dài trên một diện tích lên tới 27.000 ha tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Với diện tích lớn như vậy, hồ Dầu Tiếng còn được gọi là “Biển Hồ” của Tây Ninh.
Đến với hồ Dầu Tiếng, hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận cuộc sống hết sức yên bình. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm “sống ảo” được giới trẻ “check in” khá nhiều.
Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam tuy nhiên thì cảnh quan nơi đây không hề “nhân tạo” một chút nào. Nơi đây rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi cuối tuần, tránh xa ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố.
Núi Bà Đen
Núi Bà Đen là núi nằm trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà.
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam (986m) và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Nằm cách trung tâm thành phố Tây Ninh 11 km, tại thành phố Tây Ninh, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 52 km.
Truyền thuyết về Núi Bà Đen (có 3 truyền thuyết chính):
Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc trại thành Đen.
Truyền thuyết thứ hai cho rằng, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, văn hay võ giỏi. Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng.
Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết. Trong mộng, nàng Hương xuất hiện trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa? Vị sư bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.
Truyền thuyết thứ ba có ghi trong quyển “Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh” rằng: Thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có 2 người con. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, tên thường gọi là Đênh. Khi nàng Đênh 13 tuổi, có một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa thờ Phật.
Mộ đạo, nàng Đênh đã xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi.
Leo núi Bà Đen – Săn mây và đón ánh mặt trời:
Có hai con đường lên đỉnh núi: Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường này xấu, khó đi. Đoạn đường này tuy ngắn nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm như đá lở, trơn trợt. Ở đây có 4 trạm tiếp tế thức ăn và lương thực.Tuy nhiên cung đường này lại rất thích hợp với những người đam mê phượt muốn thử thách bản lĩnh của mình.
Có một giao ước bất thành văn rằng: Khi leo núi cấm thốt tiếng “mệt”. Những đoàn người hì hục leo núi, thỉnh thoảng hỏi nhau: “Mệt không?” Cả đoàn người phải đồng thanh hô lớn: “Khỏe!”. Cho đến tận ngày nay giao ước này vẫn tồn tại. Họ tin rằng, đi viếng mà than thở mệt nhọc, sẽ không được Bà ban điều khấn xin, thậm chí còn gặp nguy hiểm khi leo núi.
Trung ương Cục miền Nam
Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên do Bộ Chính trị thay mặt lãnh đạo trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nam Bộ trong thời kỳ 1951-1954 và miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961-1975, (từ 1964 địa bàn B2).
Thời kháng Mỹ, Trung ương Cục chỉ đạo Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam (sau xác định Đảng bộ Miền Nam Đảng Lao động Việt Nam), trực tiếp địa bàn B2, trực tiếp chỉ đạo chính sách Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời trên cơ sở chủ trương Trung ương Đảng, nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thông qua Ban Thống nhất TW.
Trung ương Cục miền Nam nằm ở tình Tây Ninh. Hiện nay, những dấu tích còn lại tại nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng.
Khu Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với diện tích là 60ha, được chia làm ba khu vực:
- Khu di tích gốc gồm: nhà làm việc, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, hầm trú ẩn, giao thông hào.
- Khu tôn tạo gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, phòng khách, nhà làm việc, nhà bia;
- Khu bảo tồn: gắn với cảnh quan thiên nhiên.
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961 – 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.
Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Khu căn cứ được xây dựng tại rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn giữa rừng nguyên sinh với nhiều tầng cây che phủ. Hệ thống nhà ở và phòng làm việc trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân (lá này có điểm đặc biệt là không dễ cháy). Các hầm trú ẩn thường làm kế cận nhà ở và làm việc, chìm vào lòng đất.
Vòng xoay trung tâm thành phố Tây Ninh
Một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 40 Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 40 năm Ngày Giải phóng tỉnh Tây Ninh (30/4/1975 -30/4/2015); là Biểu tượng vòng xoay Trung tâm Thành phố, biểu trưng của Nét đẹp Tây Ninh.
Với thiết kế phần chân đế của biểu tượng lung linh ánh nước, tạo ra không gian mềm mại Núi Bà Đen sừng sửng hiên ngang soi bóng Hồ Dầu Tiếng, với dung tích chứa 1,5 tỷ m3 nước, hồ nước nhân tạo lớn nhất, đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Biểu tượng vòng xoay Trung tâm thành phố phù hợp với quy hoạch đô thị Tây Ninh hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc riêng, kết nối với các công trình xung quanh, hướng tới một tương lai Tây Ninh hội nhập và phát triển.
Vinpearl Hotel Tây Ninh
Khách sạn 5 sao Vinpearl Hotel Tây Ninh cao 21 tầng với 127 phòng nằm trong khu phức hợp Vincom & Vincom Shophouse ngay tại trung tâm thành phố. Vinpearl Hotel Tây Ninh có lối kiến trúc tại Tây Ninh mang đậm dấu ấn hoàng gia tân cổ điển, với dịch vụ chuyên nghiệp, đa tiện ích như bể bơi bốn mùa, ẩm thực Á – Âu, Vincharm Spa, hội họp chuyên nghiệp…đem đến những trải nghiệm trọn vẹn cho từng du khách.
Tại Vincharm Spa, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm các quy trình chăm sóc sức khỏe, làm đẹp chuyên nghiệp với hệ thống công nghệ hiện đại của thế giới cùng dịch vụ trị liệu và sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. Vincharm Spa có 4 phòng trị liệu và 2 phòng VIP đem đến cho bạn không gian thư giãn riêng tư và thoải mái nhất.
Lobby Bar là điểm hẹn sang trọng lí tưởng để thưởng thức những ly nước uống tươi mát hay những ly cocktail được pha chế hoàn hảo dưới bàn tay điêu luyện của Bartender chuyên nghiệp. Thời gian phục vụ: 07:00- 23:00.
Tại đây sẽ mang lại những trải nghiệm chuyên nghiệp ấn tượng, phù hợp với những chương trình Hội nghị lớn nhỏ, đón tiếp chiêu đãi khách VIP, gặp gỡ đối tác quan trọng, bởi trang thiết bị hiện đại nhất thành phố.
Cáp treo Núi Bà Đen
Ngày 18/1/2020, Tập đoàn Sun Group đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống tuyến cáp treo Núi Bà Đen tại Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, sau 1,5 năm thi công xây dựng. Hệ thống cáp treo Sun World Ba Den Mountain có 2 tuyến, rút ngắn thời gian di chuyển từ 4 giờ xuống còn 8 phút để lên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. Ga Bà Đen thuộc hệ thống cáp treo cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là “NHÀ GA CÁP TREO LỚN NHẤT THẾ GIỚI”, với diện tích lên đến 10.959m2.
Hệ thống cáp treo núi Bà Đen là hạng mục đầu tiên trong quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain mà Sun Group đầu tư xây dựng tại Tây Ninh. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỷ đồng, hệ thống cáp treo núi Bà Đen được thực hiện dưới sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo nổi tiếng thế giới Doppelmayr.
Hệ thống cáp treo núi Bà Đen gồm hai tuyến cáp:
- Tuyến cáp Vân Sơn đưa du khách từ chân núi lên đỉnh Bà Đen, có chiều dài 1.847m, độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến là 886m/tuyến. đưa du khách chinh phục đỉnh núi Bà Đen – Nóc nhà Nam Bộ.
- Tuyến cáp Chùa Hang đi từ chân núi lên chùa Bà Đen có chiều dài 1.210m, độ chênh giữa ga đi và ga đến là 259m. mang du khách đi bái vọng quần thể văn hóa tâm linh lâu đời chùa Bà, chùa Hang…
Là nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới được chứng nhận bởi tổ chức kỷ lục Guinness. Với tổng diện tích 10.959 m2, ga Bà Đen có công suất khai thác đến 8.800 người/giờ. Đây là nhà ga chung của 2 tuyến cáp Vân Sơn đưa du khách lên đỉnh Bà Đen và tuyến cáp chùa Hang nối thẳng tới chùa Bà Đen.
Điểm độc đáo của “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới” này không chỉ ở độ lớn mà còn ở thiết kế mái được tạo hình 3 cột sóng, tượng trưng cho 3 ngọn núi nổi tiếng nhất Tây Ninh là núi Bà, núi Phụng và núi Heo. Ba cột sóng được làm từ chất liệu alumium nhập khẩu có khả năng chống nóng, chống cháy tốt. Chất liệu này cùng không gian rộng lớn được thiết kế hài hoà, thân thiện với thiên nhiên, đem đến cho du khách cảm giác mát dịu khi đứng bên trong nhà ga Bà Đen.
Blog’ Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp