Monday, December 16, 2024
spot_img
HomeDu LịchKiến trúc đẹp tại Gia Lai được khách du lịch ghé thăm...

Kiến trúc đẹp tại Gia Lai được khách du lịch ghé thăm nhiều nhất

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ hai Việt Nam và là một tỉnh cao nguyên nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Thuộc tỉnh Gia Lai, Pleiku là thành phố lớn thứ 3 tại Tây Nguyên, sau Đà Lạt và Buôn Mê Thuột. Nhắc đến Pleiku, người ta nghĩ ngay tới nương cà phê nặng trĩu hạt, tới hồ tiêu xanh mướt, tới đồi chè ngút tầm mắt ẩn hiện đằng sau là dãy núi trùng điệp, tới “đôi mắt đẫm lệ” – Biển hồ của phố núi,….

KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

Tiềm năng du lịch Gia Lai rất phong phú, đa dạng với núi rùng cao có nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Rừng nguyên sinh nơi đây có hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ như Biển Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng, ngoài ra có chùa Minh Thành (Gia Lai). Nhiều đồi núi như cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng, thác Hang Dơi và thác K50 (Huyện Kbang). Các cảnh quan nhân tạo có các rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn. Kết hợp với tuyến đường rừng, có các tuyến dã ngoại bằng thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng, v.v…

Trang phục nữ Jrai khá sắc sảo độc đáo vì nghề trồng bông, lanh, gai dệt vải của người Jrai.
Trang phục nữ Jrai khá sắc sảo độc đáo vì nghề trồng bông, lanh, gai dệt vải của người Jrai.

Ngoài ra, Gia Lai còn có nền văn hoá lâu đời của đồng bào dân tộc, chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na thể hiện qua kiến trúc Gia Lai đặc trưng là nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ…

Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T'nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc.
Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T’nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc.

Các nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc thiểu số như Cồng chiêng, Đàn đá, Đàn K’ni, K’lông pút, Đàn Goong, T’rưng, Alal,… Các lễ hội như Lễ hội đâm trâu, Lễ ăn cơm mới, Lễ bỏ mả,… Ngoài ra, tỉnh còn có các món đặc sản như Rượu cần, Cơm cháy – Rượu nếp, Phở khô (Loại phở hai tô) và điêu khắc nổi tiếng là Tượng nhà mồ.

Chùa Minh Thành

Tọa lạc ở số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, chùa Minh Thành, ngôi chùa chịu ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản – nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2 km. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng.

Trước khi đến Pleiku, chúng mình đã tìm hiểu qua những nơi cần phải đi và được mọi người review về chùa rất hấp dẫn. Điều khiến chùa Minh Thành trở thành một nơi tham quan khiến khách du lịch Pleiku biết đến là nhờ lối kiến trúc Gia Lai khá giống với những ngôi đền của Nhật Bản. Tất cả lối kiến trúc Pleiku đó đã làm bức tranh của chùa thêm phần lộng lẫy, kiêu sa nhìn từ xa giống như một cung điện thu nhỏ nơi phố núi mù sương Pleiku.

Tháp được thiết kế rất giống kiến trúc ngôi đền chùa của Nhật Bản trông rất đặc sắc. Mặt khác, lối kiến trúc tại Gia Lai này rất vẫn mang đậm lối kiến trúc cổ của Việt Nam như chùa Một Cột.
Tháp được thiết kế rất giống kiến trúc ngôi đền chùa của Nhật Bản trông rất đặc sắc. Mặt khác, lối kiến trúc tại Gia Lai này rất vẫn mang đậm lối kiến trúc cổ của Việt Nam như chùa Một Cột.

Ngay khi bước vào chùa bạn sẽ thấy ngay tượng Phật bà Quan Âm được đặt ở chính giữa cửa ra vào và được trang trí cây xanh, cột đá, tượng kỳ lân một cách đối xứng trông rất hài hòa. Thắp một nén nhang thơm, kính lễ rồi chúng mình đi vào đại sảnh. Đường đến đại sảnh bạn sẽ được bắt gặp những bức tranh lớn viết về những điều răn dạy của Phật pháp dành cho các phật tử, chúng sinh.

Những cây liễu nhỏ rủ xuống quanh hồ, cả bầu trời in bóng xuống mặt nước tạo thành một khung cảnh rất nên thơ khiến nhiều người phải bồi hồi, xao xuyến – thật đẹp! Bạn sẽ dễ bắt gặp trong những lối đi nhỏ của chùa là những bức tường rêu phong do đã được xây dựng từ lâu, những bức tường cây leo chằng chịt như một minh chứng cho sự lâu đời của ngôi chùa như bao ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.

Kiến trúc của chùa được xây dựng theo một hình thức đơn giản của mạn – đà – la. Vòng tròn tượng trưng cho một đóa sen nở trọn – là căn bản trong vũ trụ luận Mật giáo. Những hoa văn hoạ tiết được chạm khắc ở đây đều dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo.

Trước mặt chánh điện là tượng đá 18 vị la hán, khu tăng phường nằm bên phải chánh điện có diện tích hàng ngàn mét vuông bao gồm trai đường, giảng đường, thiền đường và tàng kinh cát. Bên phải chánh điện là tòa bảo tháp xá lợi 9 tầng, ngoài ra còn có các công trình khác như phương trượng đường; khách đường và một sống công trình đang được thi công xây dựng và sắp hoàn thành.

Sân chùa khá rộng và được trang trí bằng những tiểu cảnh, tượng đá, vật liệu gỗ được chạm khắc một cách rất tinh xảo. Ngoài ra, chùa còn có không gian xanh được các nhà sư thiết kế khá hợp lý bằng cây cối và tiểu cảnh làm cho bầu không khí trở nên rất trong lành, thanh tịnh.
Sân chùa khá rộng và được trang trí bằng những tiểu cảnh, tượng đá, vật liệu gỗ được chạm khắc một cách rất tinh xảo. Ngoài ra, chùa còn có không gian xanh được các nhà sư thiết kế khá hợp lý bằng cây cối và tiểu cảnh làm cho bầu không khí trở nên rất trong lành, thanh tịnh.

Trong tương lai, chùa Minh Thành sẽ tiếp tục xây dựng được các công trình lớn và hoành tráng hơn và sẽ nhờ vào phần lớn công đức của các phật tử trong vùng và các phật tử từ phương xa tới tham quan. Đó chính là tâm nguyện lớn nhất của Đại đức Thích Tâm Giác và cũng chính là niềm tự hào của phật tử trong vùng.

Tháp Từ Ân thờ tổ khai sơn cũng nằm ở phía bên trái chánh điện, tháp có ba tầng mái, lợp ngói vảy rồng, trang trí rồng và hoa sen cách điệu, được xây dựng rất giống với lối kiến trúc đèn chùa của Nhật Bản nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Tượng đức Phật A Di Đà bằng đá được chạm trổ rất tinh xảo, cao 7.5 m, nặng 40 tấn được tôn trí uy nghiêm giữa hồ nước Liên Trì ao sen với những hàng liễu rủ xunh quanh mặt hồ.

Từng chi tiết, góc cạnh trong ngôi chùa đều có những nét độc đáo rất riêng biệt. Theo lời kể lại của chú thợ hồ trong chùa, bộ cửa chùa được làm bằng gỗ gõ với chiều cao 6 m, bề dày 4 tấc, được xem như là bộ cửa lớn nhất nhì Việt Nam. Những đường nét trạm trổ hình ảnh Tứ Đại Thiên Vương trông khá tinh vi.

Tháp chuông tôn trí đại hồng nặng 4 tấn nằm phía bên trái chánh điện, có lối cầu thang bộ đi lên để chiêm ngưỡng và ngắm cảnh vật xung quanh chùa.
Tháp chuông tôn trí đại hồng nặng 4 tấn nằm phía bên trái chánh điện, có lối cầu thang bộ đi lên để chiêm ngưỡng và ngắm cảnh vật xung quanh chùa.

Khi đứng trước chánh điện cao những 16 m, một công trình khiến ai đứng trước nhìn vào cũng không khỏi ngỡ ngàng, trần nhà làm bằng gỗ Pơ Mu – loại gỗ tốt trong rừng Tây Nguyên. Ngoài ra, chùa Minh Thành còn có một chiếc lư hương bằng đồng lớn nhất cao 4 m và nặng tới 4 tấn nằm trước hồ Liên Trì.

Ngôi bảo tháp độc đáo nhất Việt Nam – bảo tháp xá lợi cao tới 9 tầng cao 72 m, và nằm phía bên trái chánh điện. Theo lời kể của một sư thầy bảo tháp này được xây dựng từ trên đỉnh tháp xuống chân tháp, đi ngược lại cách xây dựng thông thường. Khi các nhóm thợ được trụ trì mời đến nhận thầu mọi người đều lắc đầu bảo khó, sao mà làm được, nhưng cuối cùng cũng có đội ông Sáu – người từng xây dựng nhiều ngôi chùa ở đây dũng cảm nhận thầu.

Quảng trường Đại Đoàn Kết

Quảng trường Đại Đoàn Kết, hay còn gọi là quảng trường lớn, tọa lạc giữa trung tâm thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai với khuôn viên rộng lớn 12 héc ta.

Trung tâm quảng trường phố núi Pleiku với tượng Bác Hồ cao khoảng 10.8 mét, đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4.5 mét, trọng lượng khoảng 16 tấn. Tượng được làm bằng đồng nguyên chất, khung xương được làm bằng thép không gỉ, là tượng đúc Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam và dĩ nhiên cũng là lớn nhất thế giới. Tượng đài này đã được thực hiện trong 2 năm bởi nhà điêu khắc Nguyễn Bá Đua tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) theo công nghệ gò ép hiện đại.

Phía sau tượng Bác là dãy phù điêu mô phỏng hình hoa sen được cách điệu bằng đá uốn cong, như rừng núi Tây Nguyên bất tận.
Phía sau tượng Bác là dãy phù điêu mô phỏng hình hoa sen được cách điệu bằng đá uốn cong, như rừng núi Tây Nguyên bất tận.

Buổi lễ khánh thành bức tượng ngày 9.12.2012 đã diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp và tự hào của khắp người dân Pleiku đổ về chào đón Bác. Trong tim mỗi người dân Việt sục sôi cháy bỏng với niềm kính trọng bức tượng thiêng liêng này. Hình ảnh “vị cha già kính yêu của dân tộc” đứng vững chãi trên bệ, giơ tay vẫy chào đồng bào khắp mọi miền đất nước là hình ảnh gợi nhắc đến tình cảm của Bác đối với dân, với nước, Bác vẫn luôn ở bên cạnh đồng bào Việt Nam qua bao năm tháng. Hình ảnh này thể hiện sự uy nghiêm của Bác nhưng cũng thật giản dị, gần gũi và quen thuộc.

Bên cạnh đó là những nét chạm khắc điêu luyện về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu thường nhật của đồng bào nơi đây. Việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại nơi đây có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn. Đó chính là biểu tượng thiêng liêng và vô giá không chỉ đối với người dân Pleiku mà còn đối với người dân khắp cả nước.

Cùng với quần thể các bảo tàng từ Bảo tàng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Bảo tàng Cổ vật Gia Lai, tượng anh hùng Núp… quảng trường trái tim phố núi Pleiku đã tạo nên không gian đậm chất văn hóa – lịch sử cho Việt Nam. Vòng ra sau bức phù điêu, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng ngọn núi nhân tạo có hình dạng của núi Hàm Rồng – một ngọn núi cao linh thiêng ở Pleiku. Hơn nữa, giữa khuôn viên của Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng lớn ấy là 54 khối đá bazan hình trụ tạo thành tháp đá 3 lớp cao dần lên, đầy sức sống của 54 dân tộc anh em của nước ta.

Hướng ra 205 ô cỏ xanh ngút ngàn xen kẽ với đá granit tạo thành con đường tản bộ cho mọi người, cột cờ cao 25m với lá quốc kì cờ đỏ sao vàng luôn bay phấp phới trên bầu trời Việt Nam. Công trình tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” ở Pleiku thực sự là một công trình kiến trúc tại Pleiku đặc sắc, đầy nghệ thuật, đáng được tôn vinh và tự hào.

Giai điệu cồng chiêng thong thả, lúc trầm, lúc bổng làm đắm say bao người yêu mến tiếng chiêng. Ngày nay, đội hình cồng chiêng Pleiku đã góp mặt trong nhiều tiết mục tại quảng trường phục vụ du khách sau bao đêm dài luyện tập.
Giai điệu cồng chiêng thong thả, lúc trầm, lúc bổng làm đắm say bao người yêu mến tiếng chiêng. Ngày nay, đội hình cồng chiêng Pleiku đã góp mặt trong nhiều tiết mục tại quảng trường phục vụ du khách sau bao đêm dài luyện tập.

Quảng trường lớn Pleiku là nơi kể lại những câu chuyện văn hóa – lịch sử qua những lễ hội truyền thống cho nhiều thế hệ. Nhất là khi xuân về, Tây Nguyên lại rộn rã tiếng cồng chiêng mừng xuân. Những giai điệu biến tấu độc đáo ấy khi vang lên lay tỉnh cả đất trời. Vì vậy lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Dạo quanh vài vòng ở Quảng trường lớn Pleiku vào những buổi chiều, bạn sẽ thấy những đàn chim bay lượn quay về quây quần, ríu rít trên 2000 cây xanh do các địa phương từ khắp nơi gửi về. Có câu: “Đất lành chim đậu”, quả thật thế, chính vì mảnh đất trù phú, xanh tươi và nhiều tình cảm thiêng liêng của Pleiku này đã thu hút các đàn chim cùng hòa nhịp đập với người dân phố núi. Nơi đây chính là trái tim của người dân Pleiku, đồng thời cũng là lá phổi xanh với bầu không khí xanh, sạch và đẹp của Việt Nam.

Cuộc sống thanh bình nhẹ nhàng trôi ở Pleiku, không quá tập nập và sôi nổi như người dân Hà thành hay Sài thành. Mà có thể bởi lẽ đó mà Quảng trường Đại Đoàn Kết lại trở thành điểm thu hút du khách đến thăm Pleiku để trải nghiệm sự mới mẻ với những niềm vui và niềm hạnh phúc xuất phát từ những điều đơn giản nhất – lòng tự hào dân tộc. Tôi hay bạn, ắt hẳn chúng ta đều sẽ tìm được những cảm giác thoải mái, yên bình tại nơi này.

Nhà tù Pleiku

Nhà tù Pleiku nằm trên một đồi đất đỏ cao trên đường Yết Kiêu thuộc phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Năm 1925, người Pháp đã cho xây dựng nhà tù với mục đích giam giữ tù thường phạm, phần lớn là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Năm 1940, khi phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ mạnh mẽ, nơi này đã trở thành nhà lao giam giữ những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước.

Tổng diện tích khu trại giam khoảng 7ha, bao quanh là những bức tường cao 3m kiên cố với các lớp rào bằng thép gai. Ở góc phía Tây Bắc và Tây Nam có 2 bốt gác có binh lính vũ trang túc trực 24/24, phía Đông có đặt lô cốt bảo vệ.

Tận mắt chứng kiến các loại hình tra tấn tàn độc đã được phục dựng, chắc hẳn trong mỗi chúng ta càng dâng lên niềm tự hào, xúc động, khắc ghi những công lao to lớn mà cha ông đã mang lại cho nền độc lập ngày hôm nay.
Tận mắt chứng kiến các loại hình tra tấn tàn độc đã được phục dựng, chắc hẳn trong mỗi chúng ta càng dâng lên niềm tự hào, xúc động, khắc ghi những công lao to lớn mà cha ông đã mang lại cho nền độc lập ngày hôm nay.

Năm 1967, 20 phòng giam tại nhà tù Pleiku cũng không đủ để nhốt hết hơn 2000 tù nhân, địch đã phải căng lều bạt ở trong trại tù để ở tạm và khẩn trương xây dựng thêm một trại giam khác. Nhà tù Pleiku bao gồm 18 phòng giam và 2 phòng dùng làm chuồng cọp. Mỗi phòng giam chỉ có diện tích 10m2 với 2 ô cửa nhỏ nhưng giam giữ đến 120 người. Thực dân Pháp phân loại người tù theo từng cấp bậc, thương tật, vùng miền để dễ kiểm soát. Ở dãy nhà giam chính gồm 5 phòng: phòng 1 giam tù chính trị là người dân tộc thiểu số, phòng 2 giam quân phạm, phòng 3 giam tù công vụ, phòng 4 giam tù thường phạm, đặc biệt phòng 5 giam tù chính trị nguy hiểm nhất. Phòng số 5 (khu xà lim) chia thành 8 xà lim, mỗi xà lim rộng 1,6m, dài 2m. Trong đó có 2 xà lim chẹt chỉ rộng khoảng 0,5m với một tấm ván gỗ chia thành 2 tầng. Người tù bị nhốt bên trong những phòng này thường xuyên bị ngất xỉu vì thiếu không khí để thở, với đôi chân còng thò ra ngoài cửa, họ bị tra tấn bằng nhiều hình thức dã man, tàn độc.

Nhà tù Pleiku mở cửa các ngày trong tuần cho du khách vào tham quan miễn phí.
Nhà tù Pleiku mở cửa các ngày trong tuần cho du khách vào tham quan miễn phí.

Tháng 5 – 1972, khi quân ta tấn công vào Kon Tum, địch đã chuyển hết số tù binh ở 2 phòng biệt giam ra nhà tù Phú Quốc. Đến cuối năm 1972, nhà tù Pleiku hoàn toàn bỏ trống, không một bóng người. Sau đó, nhà tù được chính quyền địa phương gìn giữ và đầu tư cải tạo lại làm một địa điểm giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.

Nhà tù Pleiku ngày nay tuy không còn nguyên vẹn nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, dấu vết minh chứng cho tội ác tàn độc của kẻ thù và tinh thần đấu tranh quật cường giữ gìn khí tiết của những người cộng sản yêu nước. Năm 2015, công trình Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku được gấp rút xây dựng trên nền trại giam cũ để tri ân những con người cách mạng đã ngã xuống vì một đất nước được độc lập, tự do.

Thủy điện Yaly

Nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, hồ thủy điện được bao quanh bởi rừng cây hùng vĩ, điều này giúp cho cảnh quan thiên nhiên của nơi đây tuyệt đẹp với non nước hữu tình, du khách đến đây có cảm giác như mình thật nhỏ bé giữa khung cảnh bao la đất trời.

Bên dòng sông Sê San rộng lớn quanh năm nước chảy dạt dào, chính là công trình thủy điện Yaly, thuộc địa bàn xã Yaly, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.

Đặc biệt, công trình thủy điện gắn liền với thác Yaly – một trong những thác nước lớn nhất ở Việt Nam với độ cao lên tới 42 mét.
Đặc biệt, công trình thủy điện gắn liền với thác Yaly – một trong những thác nước lớn nhất ở Việt Nam với độ cao lên tới 42 mét.

Yaly chính là công trình thủy điện lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau thủy điện Sông Đà. Được xây dựng vào năm 1993, sau ba năm nhà máy đi vào hoạt động và trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, là nơi cung cấp điện chính cho đồng bào Tây Nguyên. Lòng hồ thủy điện rộng tới 64.5km2, với công suất 720 MW, cùng bốn tổ máy, Yaly sản xuất lượng điện lên tới 3.650 triệu KWh mỗi năm.

Đến với công trình này, du khách có thể ghé qua thác Yaly để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của thác nước này.

Nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai, bạn đi theo quốc lộ 14 hướng tới Kontum, đến km số 15 sẽ nhìn thấy biển chỉ dẫn “Thủy điện Yaly, 22km”, hãy rẽ trái, đi khoảng 22 cây số nữa là tới được thủy điện Yaly. Con đường đi đến đập thủy điện rất đẹp, bạn sẽ được ngắm nhìn núi đồi trập trùng, cao nguyên bát ngát, xen lẫn với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đặc biệt là cảnh đẹp nên thơ của sông Sê San, con sông xanh biếc, uốn lượn như một dải lụa vắt ngang qua các khe núi, trôi lững lờ bên những cánh rừng rậm rạp.

Càng vào gần công trình thủy điện, con đường đi càng đẹp hơn, đường trải nhựa êm ru, phẳng kỳ, hai bên đường là cánh rừng cao su rộng lớn, thấp thoáng đâu đó là những ngôi nhà của người dân, cảnh đẹp đến nao lòng.
Càng vào gần công trình thủy điện, con đường đi càng đẹp hơn, đường trải nhựa êm ru, phẳng kỳ, hai bên đường là cánh rừng cao su rộng lớn, thấp thoáng đâu đó là những ngôi nhà của người dân, cảnh đẹp đến nao lòng.

Từ cổng chính của nhà máy, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn toàn cảnh hồ chứa nước rộng lớn. Ngoài vai trò tích trữ nước dùng cho việc phát điện, lòng hồ bao la còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài thủy sinh nước ngọt, và mỗi khi bình minh lên, ánh mặt trời ló dạng, ấy cũng là lúc những đàn cò, le le, diệc từ đâu bay về đây để kiếm mồi và bắt đầu một ngày mới cho nơi đây.

Tiến gần tới đập xả nước, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thác nước khổng lồ từ trên cao chảy xuống, đặc biệt là vào những dịp xả lũ. Đập xả lũ gồm có 6 van cửa, mỗi van cửa rộng tới 15m, sức nước chảy mạnh tung bọt trắng xóa, đôi khi còn được thấy cả dải cầu vồng tuyệt đẹp.

Đập dâng của thủy điện dài 1.190m, cao 69m, thân đập được thiết kế uốn lượn theo hình vòng cung để giữ được dáng hình của thác nước Yaly huyền thoại. Từ trên con đập, phóng tầm mắt ra xa xăm, bạn còn nhìn thấy được núi Ngọc Lĩnh bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của cây cối, đất trời thì vô hạn, còn con người thì thật bé nhỏ.

Đừng bỏ lỡ chuyến tham quan cung điện ngầm dưới lòng đất. Thực chất đây là con đường ngầm dài tới 600 mét xuyên qua lòng núi của công trình thủy điện hiện đại này. Dưới lòng đất là gian máy ngầm, chính là nơi đặt bốn tổ máy khổng lồ cùng hệ thống quạt thông gió hoạt động suốt ngày đêm. Trải nghiệm đi dưới cung điện ngầm trong âm thanh ồn ã của máy máy thật sự rất đặc biệt.

Men theo con đường quanh co dẫn sâu vào nhà máy, hai bên đường là các khóm cây anh đào nở hoa hồng nhạt tuyệt đẹp, cảnh tượng vô cùng lãng mạn, thư thái và bình yên.
Men theo con đường quanh co dẫn sâu vào nhà máy, hai bên đường là các khóm cây anh đào nở hoa hồng nhạt tuyệt đẹp, cảnh tượng vô cùng lãng mạn, thư thái và bình yên.

Hoàng hôn và cảnh đêm trên thủy điện Yaly cũng là những khoảnh khắc rất đáng để trải nghiệm. Từ trên công trình, bạn cũng có thể nhìn xuống toàn cảnh núi rừng Tây Nguyên, vào hoàng hôn hay những ngày không có nắng, mây khói Tây Nguyên giăng giăng khắp lối tạo nên một khung cảnh phiêu lãng như tiên cảnh.

Bên cạnh việc tham quan nhà máy thủy điện chính, bạn có thể ngồi tàu cano để chiêm ngưỡng cảnh đẹp sông Sê San. Chuyến tàu xuất phát từ hạ lưu của thủy điện Yaly, xuôi dòng sông Sê san trong 30 phút, bạn có thả hồn phiêu lãng vào mây gió, tận hưởng sự thanh bình của thiên nhiên, cũng như ngắm cảnh sông nước núi rừng Tây tuyệt đẹp…

Giáo xứ Pleichuet

Nhà thờ Giáo xứ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Mang dáng dấp nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, gồm 1.400 giáo dân. nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.Giáo phận Kontum. Nhà thờ Pleichuet được xây dựng vào năm 2005, lớn gấp 5 lần so với một nhà rông thông thường.

Nhà thờ Pleichuet là ngôi nhà thờ đầu tiên dành cho anh chị em Giáo dân người dân tộc Jrai, nằm bên cạnh ngôi nhà thờ là Tu viện của các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Giáo xứ Pleichuet, hay còn gọi Trung tâm Truyền giáo Pleichuet được trao cho các các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam coi sóc.

Nhà thờ Pleichuet được xây dựng theo mô hình Nhà Rông của người Jrai, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế quản nhiệm.
Nhà thờ Pleichuet được xây dựng theo mô hình Nhà Rông của người Jrai, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế quản nhiệm.

Dòng Chúa Cứu Thế hiện có 24 tu sĩ, gồm 5 trợ sĩ và 19 linh mục đang phục vụ tại 4 Trung tâm Truyền giáo thuộc Giáo phận Kontum. Bốn Trung tâm Truyền giáo gồm Trung tâm Truyền giáo Pleichuet, Trung tâm Truyền giáo Pleikly, Trung tâm Truyền giáo Cheoreo, Trung tâm Truyền giáo cho người Bahnar tại kret Krot thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Dòng Chúa Cứu Thế đến Giáo phận Kontum năm 1969 theo lời mời của Đức Cha Paul Seitz Kim, đến nay đã được 40 năm có mặt trên vùng truyền giáo Tây Nguyên này.

Nhà thờ Pleichuet được thiết kế theo kiểu những buôn làng phía bắc của vùng Tây Nguyên, đặc biệt thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon tum. Mỗi buôn làng dựng một ngôi nhà sàn lớn, nó được trang trí rất đẹp, nằm ở giữa buôn làng gọi là Nhà Rông. Nhà Rông ở giữa buôn làng, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng như lễ tết, hội làng, đám cưới, lễ cầu nguyện và là nơi hội họp của cả buôn làng.

Kiến trúc Gia Lai là nhà thờ kiểu Nhà Rông này có những nét đặc biệt về dáng dấp và cách trang trí hoa văn theo văn hoá của người Jrai. Ngôi nhà thờ to lớn, gấp ba, gấp bốn ngôi nhà thường. Nó có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cây cột thật to, có khoảng 8 cây cột bằng cây đại thụ, thẳng chắc, mái nhọn lợp bằng tôn, mái đỏ. Những vi kèo trong nhà thờ Pleichuet được trang trí những hình ảnh tôn giáo. Nổi bật ở giữa nhà thờ của ngôi nhà Rông này là bàn thờ có đặt Mình Thánh Chúa. Nhà tạm của ngôi nhà thờ được làm một chiếc gùi theo văn hoá của người Jrai. Lòng nhà thờ trống trơn, không ghế ngồi, không bàn quì, chỉ là một sàn rộng lót gỗ, ráp từng miếng nhỏ, rộng mênh mông chiềm trọn cả khu nhà thờ trừ khu vực trong cùng là bàn thờ Chúa với một bức tượng Chúa Cứu Thế trên thánh giá, được khắc bằng gỗ thật là công phu và mỹ thuật.

Nhà thờ được xây dựng theo mô hình nhà rông của người Jrai. Với người Tây Nguyên, nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa cộng đồng, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống.
Nhà thờ được xây dựng theo mô hình nhà rông của người Jrai. Với người Tây Nguyên, nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa cộng đồng, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống.

Nhà thờ lớn gấp 5 lần so với nhà rông thông thường. Công trình có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cây cột to. Chóp mái của nhà thờ đâm thẳng lên trời như hình mũi tên. Sàn nhà thờ cách mặt đất gần 2 m với trụ đỡ làm từ các cây gỗ lớn, chắc chắn. Công trình tôn giáo này thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc. Quanh nhà thờ là mảng sân rộng có nhiều cây cối. Không gian bên trong nhà thờ không có ghế ngồi, bàn quỳ, chỉ là một sàn rộng lát gỗ. Ban thờ được đặt ở vị trí trang trọng với bức tượng Chúa Cứu Thế trên thánh giá, được khắc bằng gỗ.

Ở phía trước tượng Chúa có nhiều chi tiết trang trí mang tính biểu tượng, nổi bật là hình ảnh một cây nêu thu nhỏ. Nằm cạnh nhà thờ là tu viện của các cha. Nơi này luôn mở cửa vào ban ngày nên du khách có thể dễ dàng ghé thăm.

Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp

- Quảng cáo -
Google search engine
Cà Phê Đen
Cà Phê Đenhttps://nguyenkieuvietnhu.com
“Hãy là một ánh sáng giữa thế giới tối tăm, một nguồn hy vọng giữa những nỗi buồn và một giọt tình yêu trong những thời điểm khó khăn.”
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT XEM NHIỀU

- Quảng cáo -
#

BÀI VIẾT MỚI