Kiến trúc đẹp tại An Giang được khách du lịch ghé thăm nhiều nhất

An Giang là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửa Long, phía Đông, Tây Nam và phía Nam lần lượt giáp với Đồng Tháp, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Trong khi đó, phía Bắc và Tây Bắc giáp với 2 tỉnh của Campuchia là Kandal và Takéo. Thế nên, An Giang có một chút gì đó pha trộn bởi nền văn hóa đặc trưng của người Chăm, nhất là ở yếu tố kiến trúc nhà ở và ẩm thực. An Giang cũng là nơi hội tụ nhiều thắng cảnh đẹp cùng các món ăn ngon.

KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

An Giang là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Là tỉnh có dân số đông nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh đứng thứ 8 cả nước về dân số. Một phần của An Giang nằm trong tứ giác Long Xuyên.

Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng bảy núi An Giang, với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ.
Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng bảy núi An Giang, với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ.

An Giang cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tầm khoảng hơn 180km, nếu di chuyển bằng xe máy sẽ mất khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. An Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp đậm chất sông nước, là những cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, nổi bật nhất vẫn là mùa nước nổi với rừng tràm Trà Sư là địa điểm du lịch An Giang nổi tiếng và ấn tượng nhất.

Du lịch An Giang tuy không có nhiều điểm du lịch sinh thái như ở Cần Thơ, Bến Tre nhưng bù lại có những di tích có ý nghĩa quan trọng, cảnh đẹp nên thơ và có phần huyền bí ai cũng có thể cảm nhận được. Ngoài rừng tràm Trà Sư đã là “cây cổ thụ” về du lịch thì An Giang còn có tuyệt tình cốc – hồ Tà Pạ, đồi Tức Dụp, Chùa Lầu.

UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng tượng đài Bông lúa - biểu tượng của nền nông nghiệp tỉnh. Tượng đài được làm bằng đồng cao 15,3 m; phần bông lúa cao 9,5 m.
UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng tượng đài Bông lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp tỉnh. Tượng đài được làm bằng đồng cao 15,3 m; phần bông lúa cao 9,5 m.

Không chỉ nổi tiếng với những danh lam, thắng cảnh “non nước hữu tình”, An Giang được nhiều người biết đến với các công trình kiến trúc độc đáo, tinh tế, theo phong cách 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Các công trình kiến trúc phản ánh sự đa dạng về văn hóa và cuộc sống của đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước…

Đến An Giang thời điểm này, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên mùa nước nổi, du khách không thể bỏ qua những công trình kiến trúc An Giang độc đáo dưới đây.

Giáo xứ Cù Lao Giêng

Giáo xứ Cù Lao Giêng còn có tên gọi là họ Đầu Nước hay họ đạo Cù Lao Giêng, được thành lập năm 1778, là một trong những giáo xứ lớn và lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ, nay thuộc Giáo phận Long Xuyên, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Tương truyền vào đầu thế kỷ 18, có một số người theo Thiên chúa giáo, trong đó có các Cha cố người Pháp, đến Cù lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang) để trốn tránh các cuộc ruồng bố đạo Thiên chúa của triều đình nhà Nguyễn.

Hiện nay, Giáo xứ Cù Lao Giêng với hơn bốn ngàn giáo dân, đa số sống bằng nghề nông, do Cha Sở Louis Gonzaga Mai Hùng Dũng (gọi tắt là Louis Dũng) chăn dắt.
Hiện nay, Giáo xứ Cù Lao Giêng với hơn bốn ngàn giáo dân, đa số sống bằng nghề nông, do Cha Sở Louis Gonzaga Mai Hùng Dũng (gọi tắt là Louis Dũng) chăn dắt.

Đến khi bình yên, họ Đầu Nước do những người trốn chạy trên thành lập ngày càng phát triển. Sau khi Cha Sở Maille chết, Cha Augustinus – Baptista Gazignol (thường gọi là Cha Nho; sinh năm 1843, mất ngày 8 tháng 5 năm 1917), thuộc Hội thừa Sai Paris (MEP) về coi sóc họ Đầu Nước; thì các họ chung quanh được thành lập thêm và trở thành họ lẻ của Giáo xứ này.

Kể từ năm 1927 trở đi, họ Đầu Nước chính thức có cha Sở là người Việt Nam, mà người đầu tiên đó là Cha Gioan Baotixita Nguyễn Long Vân.
Kể từ năm 1927 trở đi, họ Đầu Nước chính thức có cha Sở là người Việt Nam, mà người đầu tiên đó là Cha Gioan Baotixita Nguyễn Long Vân.

Nơi địa phận của Giáo xứ Cù Lao Giêng cai quản, đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc An Giang đặc trưng của thời kỳ Pháp thuộc, trong số đó nổi bật là: Nhà thờ Cù Lao Giêng, Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, Tu viện dòng Chúa Quan Phòng,…Ngoài ra, bên cạnh Tu viện là nhà thờ cổ của dòng tu Phan-xi-cô, và gần đó là đền tưởng niệm hai vị Thánh tử đạo là Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng.

Nhà thờ Cái Đôi

Nhà thờ Cái Đôi thuộc Giáo xứ Cái Đôi, là một nhà thờ cổ; nay thuộc ấp An Lương, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Năm 1891, Cha Giuse Thiên đến coi sóc giáo xứ cho đến năm 1895. Tiếp theo là các Cha: Cha Gioan B. Thới (1895 – 1897), Cha Blondet (1897 – 1899), Cha Phaolô Trần Công Sanh (1899 – 1941).

Vì chiến tranh khiến nhiều tài liệu bị thất lạc, nên không rõ Giáo xứ Cái Đôi và nhà thờ Cái Đôi (bằng cây lá) được thành lập năm nào, chỉ còn biết từ năm 1891 về sau.
Vì chiến tranh khiến nhiều tài liệu bị thất lạc, nên không rõ Giáo xứ Cái Đôi và nhà thờ Cái Đôi (bằng cây lá) được thành lập năm nào, chỉ còn biết từ năm 1891 về sau.

Trong khoảng thời gian Cha Phaolô Trần Công Sanh coi sóc, năm 1906, bằng tiền của đóng góp của giáo dân, Cha đã cho khởi công xây dựng nhà thờ mới thay cho nhà thờ cũ bằng cây lá đã xuống cấp. Đến năm 1914, Đức Cha giáo phận (không rõ tên) từ Nam Vang về thánh hiến cho nhà thờ mới.

Năm 1942, Cha Phêrô Nguyễn Tấn Đức về nhận nhiệm vu chánh xứ. Đầu năm 1945, chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, giáo dân phải di tản sang Long Xuyên và tạm trú trong các xóm đạo thuộc Giáo xứ Long Xuyên.

Sau đó, lần lượt có các Cha sở:

  • Năm 1956 – 1969: Cha Phêrô Nguyễn Phước Còn.
  • Năm 1969 – 1975: Cha Phanxicô Nguyễn Văn Dương.
  • Năm 1975 – 2000: Cha Phêrô Lê Văn Kim.
  • Năm 2000 – 2003: Cha Luy Gonzaga Mai Hùng Dũng.
  • Năm 2003 – 2005: Cha Giuse Nguyễn Ngọc Tuyến.
  • Năm 2005 đến nay: Cha Gioan Hồ Ngọc Trứ.
  • Vào năm 2005, Giáo xứ Cái Đôi có 580 gia đình/ 2800 người, và chia làm 12 khu xóm đạo…

Cuối năm 1949, chiến tranh vãn hồi, Cha sở Phêrô Đức kêu gọi giáo dân hồi hương. Lúc ấy nhà thờ Cái Đôi chỉ là một ngôi nhà trống rỗng. Cửa lớn nhỏ, lầu hát, gạch đều bị gỡ lấy, và ảnh tượng đều bị đập nát hết. Trước cảnh ấy, Cha sở Đức liền kêu gọi giáo dân đóng góp để trùng tu lại nhà thờ, đặt lại ảnh tượng mới, xây dựng hang đá Lộ Đức làm nơi kính viếng Đức Mẹ Maria. Sau 3 năm, mọi việc đã hoàn tất và tồn tại cho đến ngày nay (ảnh bên).

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một di tích (lịch sử, kiến trúc và tâm linh) quan trọng của tỉnh và của khu vực.

Ban đầu miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được cất đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng.

Theo sách Kỷ lục An Giang, 2009, thì tượng Bà là "pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam", và "có áo phụng cúng nhiều nhất".
Theo sách Kỷ lục An Giang, 2009, thì tượng Bà là “pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam”, và “có áo phụng cúng nhiều nhất”.

Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.

Đến khi ấy, kiến trúc tại An Giang là miếu có dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế…

Các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ.

Khi xưa, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại (ảnh). Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, không có ở địa phương.

Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ 6, và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo.

Ở thời điểm năm 2009, thì miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là "ngôi miếu lớn nhất Việt Nam".
Ở thời điểm năm 2009, thì miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là “ngôi miếu lớn nhất Việt Nam”.

Sau này, nhà văn Sơn Nam cũng đã chép rằng: Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…

Cũng theo lời truyền miệng dân gian, thì khi xưa có một nhóm người đến quấy nhiễu nơi đây. Gặp tượng Bà, họ muốn lấy đi nhưng xê dịch không được nên tức giận đập gãy cánh tay trái của pho tượng.

Chung quanh tượng Bà (đặt ở giữa chính điện), còn có bàn thờ Hội đồng (phía trước), Tiền hiền và Hậu hiền (hai bên), bàn thờ Cô (bên phải, có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ), bàn thờ Cậu (bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m)…

Bảo Tàng An Giang

Nhà bảo tàng tỉnh An Giang là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật và hình ảnh phản ánh lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển của tỉnh An Giang. Bảo tàng có kiến trúc An Giang cổ kính, khuôn viên rộng đẹp, với nhiều loại hoa kiểng, đặc biệt là hoa sứ, luôn tỏa hương thơm dịu nhẹ sẽ tạo cho bạn một sự sảng khoái dễ chịu.

Nhà bảo tàng tỉnh An Giang toạ lạc bên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Nhà bảo tàng tỉnh An Giang toạ lạc bên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Khi đến đây, du khách sẽ được giới thiệu các phòng trưng bày theo từng chủ đề:

  • Phòng 1: trưng bày gần 200 hình ảnh và hiện vật về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ kiên cường đấu tranh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp.
  • Phòng 2: trưng bày những di vật, khảo cổ như: mộ táng, tượng, công cụ lao động, sản xuất… của nền văn hoá Óc Eo từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7, được khai quật tại khu di tích Ba Thê – Óc Eo. Tại phòng này, trưng bày khoảng 300 hình ảnh và hiện vật cùng với tài liệu, từ đó quý khách có thể hình dung ra một trung tâm văn hoá lớn của một đô thị hoành tráng cổ xưa.
  • Phòng 3: khi du khách tới đây, sẽ được ôn lại các giai đoạn lịch sử cách mạng của người dân An Giang anh dũng, kiên cường.
  • Phòng 4: trưng bày với chủ đề “Thành tựu xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của tỉnh An Giang”.

Đặc điểm: Nhà bảo tàng tỉnh An Giang là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật và hình ảnh phản ánh lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển của tỉnh An Giang.

Thánh đường Mubarak

Thánh đường Mubarak hiện tọa lạc tại ấp Châu Giang, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây từng là thánh đường Hồi giáo lớn nhất của tỉnh, và là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia (công nhận năm 1989). Nó được cho là đã được xây dựng vào năm 1750 và được cải tạo lại vào năm 1808. Đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất Hồi giáo của cộng đồng người Chăm.

Vách tường bên trong được trang trí bởi màu trắng và xanh, và trên trần có treo những chùm đèn. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ...
Vách tường bên trong được trang trí bởi màu trắng và xanh, và trên trần có treo những chùm đèn. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ…

Ban đầu, thánh đường được dựng bằng cây lá, và được trùng tu nhiều lần cũng bằng vật liệu này. Năm 1922, thánh đường được xây kiên cố hơn nên có tường vôi, cột cây tròn và lợp ngói. Đến năm 1965, thánh đường được xây mới bằng bê tông cốt sắt, và tồn tại cho đến nay. Tất cả đều do các tín đồ người Chăm ở đây góp công, góp của.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ấn Độ là Mohamet Amin, thánh đường Mubarak có kiến trúc An Giang mang nét đặc thù của đạo Hồi.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ấn Độ là Mohamet Amin, thánh đường Mubarak có kiến trúc An Giang mang nét đặc thù của đạo Hồi.

Nhìn từ xa, ngôi thánh đường giống các kiểu kiến trúc cổ ở Ấn Ðộ, Ba Tư. Cổng chính hình vòng cung, trước là sân rộng. Trên nóc có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc có 4 tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Hai bên cửa chính của thánh đường có 4 vòm hình cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4 mét chia đều cho mỗi bên. Bên hông thánh đường, mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu.

Mỗi năm, tại thánh đường có 3 kỳ lễ lớn:

  • Lễ Maulid: là lễ mừng ngày sinh Thiên sứ Mohammed ( S.A.W) (là vị Thiên sứ cuối cùng) vào 12 tháng 3 Hồi lịch.
  • Lễ Raya Haji: là lễ hành hương đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch.
  • Lễ Ramadan (tháng ăn chay) từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 9 Hồi lịch.
  • Ngoài ra, còn có Tết của người Chăm gọi là Hari Raya, vào ngày 1 tháng 10 Hồi lịch.

Bên trong thánh đường, do đặc điểm của đạo Hồi nên không có tượng thờ bất kỳ vị thần thánh nào nhưng có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ. Có Minbar là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ Sáu hàng tuần.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc trên cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là một trong số 23 di tích Việt Nam đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (ký ngày 10 tháng 5 năm 2012, công bố ngày 17 tháng 7 năm 2012).

Khu đền thờ, nhà trưng bày và một số công trình khác...được khởi công xây dựng vào tháng 5 năm 1997, và hoàn thành vào tháng 8 năm 1998, trên khuôn viên 1.600 m², đối diện với ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn.
Khu đền thờ, nhà trưng bày và một số công trình khác…được khởi công xây dựng vào tháng 5 năm 1997, và hoàn thành vào tháng 8 năm 1998, trên khuôn viên 1.600 m², đối diện với ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn.

Trong khu vực này có một số công trình, song đáng chú ý nhất là:

Đền có kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý. Vị trí trang trọng có tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phía trên bao lam là rồng cuốn thư mang dòng chữ vàng “Chủ tịch Tôn Đức Thắng”, hai bên bao lam chạm hình cây trúc, phía dưới là cá chép đỡ bao lam.

Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Nhìn chung, toàn thể khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có kiến trúc An Giang giản dị, hài hòa, và rất thoáng mát (vì có nhiều cây cảnh và kề bên sông Hậu).

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành Phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một danh thắng, một công trình kiến trúc An Giang cổ tiêu biểu dưới thời phong kiến, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia Việt Nam (xếp hạng năm 1997).

Sơn Lăng nằm nơi chân núi Sam, và kề bên quốc lộ 91 ngày nay. Đây là một khối kiến trúc to lớn nhưng hài hòa. Muốn lên lăng, phải qua chín bậc đá ong dài trên trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân.
Sơn Lăng nằm nơi chân núi Sam, và kề bên quốc lộ 91 ngày nay. Đây là một khối kiến trúc to lớn nhưng hài hòa. Muốn lên lăng, phải qua chín bậc đá ong dài trên trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân.

Sân lăng bằng phẳng, rộng thênh thang, có hai tiểu đình do người đời sau xây dựng: một dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn (bản sao) bằng đá cẩm thạch trắng; hai dùng để tượng ngựa và người lính hầu…Tiếp đến là vòng thành và hai cổng vào lăng hình bán nguyệt được đúc dày, nên trông lăng thật bề thế, vững vàng.

Hiện vật đáng chú ý nơi tường thành có cổng ra vào, là năm tấm bia đá do người sau qui tập về và gắn chặt vào tường thành. Bia ở chính giữa rất có thể là bia Vĩnh Tế Sơn được dựng lên từ năm 1828, tức bốn năm sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế. Bia cao hơn đầu người, bằng loại đá sa thạch, khắc 730 chữ Hán.

Do để ngoài trời, không chăm sóc, nên mặt đá đã bị rạn nứt, bị bào mòn nên chữ đã không còn đọc được. Bốn tấm bia còn lại cũng đã bị thời gian làm cho nhẵn nhụi, nên không rõ tung tích…

Hồ Ông Thoại

Hồ Ông Thoại, còn có tên Hồ Thoại Sơn, là hồ nhân tạo lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Việt Nam, được hình thành do quá trình dài khai thác đá. Hồ ở tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 26 km.

Tên hồ được đặt ra nhằm tưởng nhớ công lao khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Thoại Hà của Thoại Ngọc Hầu.
Tên hồ được đặt ra nhằm tưởng nhớ công lao khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Thoại Hà của Thoại Ngọc Hầu.

Hồ Ông Thoại rộng và khá yên tĩnh, gồm có 3 hồ, thông nhau bởi các đường hầm xuyên núi. Du khách đến thăm hồ có thể bơi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi cao, hang sâu, hồ nước xanh thẳm với những đàn cá bơi lượn. Bên hồ có tượng đài Thoại Ngọc Hầu cao hơn 10 m, và tấm bia Thoại Sơn khắc bản dịch tiếng Việt.

Khu du lịch hồ Ông Thoại được xây dựng vào năm 2000 tại khu vực núi Sập. Để tạo điểm nhấn cho cảnh đẹp của các hồ, ban quản lý khu du lịch Núi Sập đã dựng quanh hồ và các đảo nhỏ nhô trên mặt nước những tượng đá mang hình nữ thần Siva, tháp Ponagar, hình tượng Linga… Những tượng đá này đều do những nghệ nhân vùng núi Ngũ Hành Sơn đẽo gọt.

Chùa Xà Tón

Chùa Xà Tón (Xvayton) tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer ở Nam Bộ, là ngôi chùa Khmer xưa nhất tỉnh, và là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá có tại Việt Nam.

Tương truyền, ngày xưa vùng này hãy còn hoang vu, rậm rạp, trên những nhành cây cao lớn, từng đàn khỉ đeo nhau mà chuyền đi. Đến khi người dân đến đây sinh sống ngày một đông và xây dựng chùa, họ lấy ngay cảnh tượng vừa vui vừa lạ mắt này, đặt tên cho chùa là Xvayton với nghĩa Xvay là khỉ, ton là đeo, là níu kéo…Lâu dần, tên Xvayton biến âm thành Xà Tón cho dễ đọc.

Không biết chùa được xây dựng vào năm nào, chỉ nghe các sư sãi kể chùa Xà Tón đã có trên 200 năm.
Không biết chùa được xây dựng vào năm nào, chỉ nghe các sư sãi kể chùa Xà Tón đã có trên 200 năm.

Ban đầu, chùa được che dựng đơn sơ bằng lá và gỗ núi trên một nền đất thấp. Đến năm 1896, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào một cái hồ ở phía trước với diện tích 0.150 ha để lấy đất tôn cao nền chùa. Nền chùa đắp cao 1,8 m được xây bằng đá xanh, vôi, ô dước. Sau đó, chùa được khởi công xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, cột bằng gỗ căm xe, qua hai năm công trình này mới hoàn thành và nó có diện mạo như ngày hôm nay.

Năm 1933, chùa Xà Tón có một lần sửa chữa nhỏ, cây kèo phía sau chính điện bị hư, Sãi cả Tà Um đã cho người thay bằng một cây kèo mới và xây thêm hai cây cột bê tông cốt sắt để phụ chống đỡ.

Giống như các chùa Khmer khác, chùa Xà Tón tuân theo một quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất.

Chính điện chùa Xà Tón nằm ở trung tâm khu đất theo hướng Đông Tây, với nóc nhọn, hai mái cong gộp lại. Trên nóc tháp chùa chính có cấu trúc thần rắn Naga nằm dài, tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt.

Mái chính điện lợp ngói được cấu trúc tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng. Chung quanh ngôi chính điện là các tháp nhỏ, đẹp đẽ dùng để lưu giữ hài cốt của các sư sãi ở chùa sau khi đã hỏa táng. Trên các đỉnh tháp nhỏ này được chạm hình thần Bayon bốn mặt, tức thần sáng tạo.

Bên trong chính điện rộng, có bốn hàng cột bằng gỗ căm xe, mỗi hàng bảy cây, nền chùa được lát gạch bông, tường gạch, vôi, ô dước.

Trên khắp các vách tường, phía trên, có vẽ nhiều tranh truyện cổ tích của Phật và các đệ tử. Ở một bên vách của nơi chính điện, có một tượng Phật lớn bằng xi măng ngồi kiểu kiết già trên bệ cao và nhiều tượng nhỏ bằng bạc, bằng gỗ khá đặc sắc ở phía trước.
Trên khắp các vách tường, phía trên, có vẽ nhiều tranh truyện cổ tích của Phật và các đệ tử. Ở một bên vách của nơi chính điện, có một tượng Phật lớn bằng xi măng ngồi kiểu kiết già trên bệ cao và nhiều tượng nhỏ bằng bạc, bằng gỗ khá đặc sắc ở phía trước.

Bên ngoài chùa Xà Tón, phía trước có hồ lớn (nơi đào để lấy đất tôn nền chùa) trồng hoa sen, hoa súng. Đặc biệt ở phía bên trái ngoài những hàng dừa trĩu quả, còn có một tượng Phật lớn đang ngồi thiền định dưới bóng cây lâm vồ có tuổi trên 100 năm, gốc khoảng mười người ôm, thân cao, cành lá xum xuê.

Theo truyền thống, chính điện của chùa là nơi hành lễ, thuyết pháp, còn nơi học, nơi ở của các vị sư là những dãy nhà khác, có phần nhỏ hơn nhưng cũng có hai mái cong gập lại, có nóc nhọn và hình tượng thần rắn Naga.

Với những lễ hội truyền thống cùng vị trí địa lý thuận lợi và giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, chùa Xà Tón là một trong những điểm tham quan của nhiều du khách khi đi đến khu vực này.

Đầu năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục chùa Xà Tón là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá có tại Việt Nam.

Chùa Vạn Linh

Chùa Vạn Linh tọa lạc ở độ cao 535 m (so với mặt nước biển) trên núi Cấm, dưới chân Vồ Bồ Hông (cao trên 700 m), bên hồ Thủy Liêm (có sức chứa 60.000 m³ nước); nay thuộc địa phận ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (Việt Nam). Đây là một danh lam và là một danh thắng, được nhiều người đến chiêm bái và thăm viếng.

Chùa Vạn Linh nằm trên một sườn núi thoai thoải, có hoa kiểng tươi tốt quanh năm, tạo nên một phong cảnh vừa thơ vừa thiền.

Bên phải là Tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang, cao 3 tầng. Tầng giữa là nơi an trí di cốt của Hòa thượng được đưa về từ chùa Huệ Nghiệm ở An Dưỡng Địa (Thành phố Hồ Chí Minh).
Bên phải là Tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang, cao 3 tầng. Tầng giữa là nơi an trí di cốt của Hòa thượng được đưa về từ chùa Huệ Nghiệm ở An Dưỡng Địa (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ở giữa là Bảo các Quan Âm gồm 9 tầng, cao 35 m. Ngoài tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật, các tầng còn lại thờ các vị Phật (tượng bằng đá cẩm thạch trắng, cao lớn bằng người thật): tầng 7 thờ Phật Thích Ca, tầng 6 thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, tầng 5 thờ Bồ Tát Đại Thế Chí, tầng 4 thờ Bồ Tát Văn Thù, tầng 3 thờ Bồ Tát Phổ Hiền, tầng 2 thờ Bồ Tát Địa Tạng, tầng 1 thờ Bồ Tát Di Lặc, tầng trệt đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bên trái là Tháp chuông hình bát giác, gồm 2 tầng: tầng trệt có tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (tượng cỡ nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng). và treo quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn, tầng trên thờ Phật A-di-đà (tượng có kích cỡ lớn hơn tượng Quan Âm nơi tầng trệt, cũng bằng đá cẩm thạch trắng).

Phần Chánh điện là một tòa nhà rộng lớn. Điện Phật được bày trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu Hộ pháp và Tiêu Diện. Phần hậu điện, có phù điều Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tất cả đều được tạc bằng đá quý.

Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông. Phía trước tiền đường là ba ngôi tháp uy nghi.
Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông. Phía trước tiền đường là ba ngôi tháp uy nghi.

Tuy nhiên, năm 2011, để cho Chánh điện chùa Vạn Linh được hài hòa với các công trình chung quanh, tòa nhà này đã được di dời ra phía sau (và trở thành nhà Hậu Tổ), để nhường chỗ cho một công trình to rộng khác đang được xây dựng, gồm hai tầng: tầng trệt có diện tích 25 m x 35 m, sẽ dùng làm Giảng đường; tầng lầu có diện tích 26, 8 m x 36,8 m, sẽ dùng làm Chánh điện.

Ngoài ra, trong khuôn viên còn có một số công trình khác, như Niệm Phật đường (rộng lớn, xinh đẹp, tọa lạc ở vị trí cao nhất phía bên phải Chính điện), nhà cho chư tăng tu học, nhà khách, trai đường, nhà bếp, v.v…đã và đang tiếp tục xây dựng.

Chùa Phật Lớn

Chùa Phật Lớn, tên đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, là một ngôi chùa danh tiếng, hiện tọa lạc trên núi Cấm, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Chùa Phật Lớn được xây dựng năm 1912, trên một khoảng đất rộng bên triền, gần đỉnh núi (ở độ cao 526 m so với mặt nước biển). Sở dĩ có tên như thế là vì trong chùa có thờ một tượng Phật cao 1,8 m. Vào thời điểm ấy, pho tượng này cao lớn hơn các tượng thờ khác ở trong vùng. Và gọi vậy, còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng đông, cũng trên núi này.

Sau khi ông Bảy Do (Cao Văn Long), người đầu tiên xây dựng và tu ở chùa, bị thực dân Pháp bắt, chùa Phật Lớn trở nên hoang vắng.
Sau khi ông Bảy Do (Cao Văn Long), người đầu tiên xây dựng và tu ở chùa, bị thực dân Pháp bắt, chùa Phật Lớn trở nên hoang vắng.

Mãi đến năm 1914, ông cựu hương quản làng An Khánh đến núi Cấm thấy cảnh chùa hoang phế quá, bèn đến chùa Linh Sơn (Sài Gòn) nhờ Cò Mi Chấn (Phó Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học) đứng ra xin phép để được tái thiết chùa.

Hiện nay (tháng 7 năm 2008), chùa Phật Lớn đang được tôn tạo lại trên nền cũ, và mở rộng diện tích lên đến 13,6 ha, gồm khu chánh điện, nhà chuông, khu nhà nghỉ, hệ thống điện, nước... để phục vụ cho việc thờ cúng và cho khách đến hành hương hay vãng cảnh.
Hiện nay (tháng 7 năm 2008), chùa Phật Lớn đang được tôn tạo lại trên nền cũ, và mở rộng diện tích lên đến 13,6 ha, gồm khu chánh điện, nhà chuông, khu nhà nghỉ, hệ thống điện, nước… để phục vụ cho việc thờ cúng và cho khách đến hành hương hay vãng cảnh.

Tìm mọi cách mà nhà cầm quyền không chấp thuận, ông Chấn bảo ông Lầu làm liều cất đại một am lá để che mưa nắng cho tượng Phật. Có người mật báo với Chủ tỉnh Châu Đốc, ông Lầu bị tra vấn, còn Cò Mi Chấn thì nhận được công văn của tỉnh buộc phải tháo dỡ am. Nhưng Cò mi Chấn trả lời qua thư rằng: Theo tục lệ An Nam, không thể để Phật ngồi giữa trời dầm mưa, dãi nắng như thế… Chủ tỉnh lại gởi công văn lần nữa, lần này Cò mi Chấn đáp: Cái am lỡ cất rồi, tôi là người đạo Phật, sợ phạm tội nên không dám dỡ!… Nhờ sự đôi co ấy mà am không bị phá bỏ và tượng Phật được bảo quản tốt cho đến nay.

Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp