Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam và là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc nhà nước, cũng là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Cách đây khoảng 6000 năm đã có người sinh sống tại Thanh Hóa. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa xuất hiện đầu tiên tại đây là văn hóa Đa Bút. Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối – Quỳ Chữ tương đương với các văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Và sau đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các vua Hùng. Cũng chính vì thế, kiến trúc Thanh Hóa chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi quá khứ, từ đó đã tạo nên một nét kiến trúc tại Thanh Hóa vô cùng đa dạng và đặc sắc.
Du lịch Thanh Hóa có nhiều hình thức văn hóa truyền thống, phần nhiều vẫn còn tồn tại và đang được phát huy. Về dân ca, dân vũ, được nhiều người biết đến nhất là các làn điệu hò sông Mã, dân ca, dân vũ Đông Anh, trò diễn Xuân Phả. Ngoài ra còn có ca trù, hát xoan… Các dân tộc ít người cũng có nhiều loại hình văn nghệ dân gian khá đa dạng như hát xường của người Mường, khắp của người Thái…
Thành Nhà Hồ
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt.
Thành đá được xây dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ chừkng 3 tháng. Các cấu trúc khác như các cung điện, rồi La Thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao… còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho đến năm 1402. Hổ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Thành nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thê kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.
Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh.
Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x 1 m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng tiền – hậu – tả – hữu (Cửa Tiền hay còn gọi là Cửa Nam, Cửa Hậu còn gọi là Cửa Bắc, cửa Đông Môn và cửa Tây Giai). Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn).
Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại hiện nay là 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.
Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững.
Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao.
Thành nhà Hồ đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Mặc dù có nhiều dự án tôn tạo nhưng vẫn chưa được triển khai và thiếu công tác nghiên cứu cơ bản, các cổ vật đang bị phân tán và tòa thành bị tôn tạo “không đúng cách”.
Đền Độc Cước
Đền Độc Cước, Sầm Sơn được biết đến là ngôi đền thờ nằm trên đỉnh núi Trường Lệ hướng ra biển đông và là ngôi đền được người dân Sầm Sơn lập lên để tưởng nhớ đến công ơn của thần Độc Cước trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Câu chuyện về vị thần Độc Cước từ lâu đã được người dân lưu giữ trong dân gian với nhiều biến thể khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các câu chuyện truyền miệng đấy đều nói về công lao to lớn của thần Độc Cước đối với Sầm Sơn.
Theo truyền thuyết còn lưu giữ lại từ thời xưa, vùng đất Sầm Sơn xưa thường bị tấn công của loài quỷ biển gây hoang mang và lo sợ cho người dân nơi đây. Lúc bấy giờ có cậu bé mồ côi mới sinh ra đã biết nói, chạy nhảy và lớn nhanh như thổi. Cậu bé chẳng mấy chốc đã lớn thành một chàng trai có sắc vóc khổng lồ và thường theo người dân đi đánh cá. Loài quỷ biển mỗi khi tấn công dân chài đều bị chàng đánh giết giữ an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, không cướp được ngoài biển chúng lại tấn công vào những người dân trong làng mỗi khi chàng đi ra biển. Và cứ chàng đi đâu thì chúng lại tấn công nơi còn lại. Chính vì căm thù bọn quỷ biển và yêu thương đồng bào, thương dân lành vô tội chàng trai đã cầu xin mẹ núi cho mình sức mạnh và sẻ đôi thân mình. Kì lạ thay, hai nửa thân hình của chàng đều khỏe mạnh. Một nửa chàng theo ra biển bảo vệ dân chàng lưới, nửa còn lại chàng đứng trên đầu núi hướng ra biển lớn ngăn bọn quỷ biển vào làng đánh phá người dân. Từ đấy xóm làng và những người dân đánh cá luôn được bình yên. Chuyện truyền đến tai Ngọc Hoàng về chàng trai sẻ đôi thân mình bảo vệ người dân, nên Ngọc Hoàng đã cho người xuống đưa chàng về trời và phòng chàng là” Thần Độc Cước”. Và từ đó để tưởng nhớ và cảm ơn công lao của chàng trai người dân Sầm Sơn đã cho dựng đền thờ trên vách núi nơi nửa thân chàng đã đứng để bảo vệ xóm làng. Người ta đặt tên ngôi đền là “ Thần Độc Cước”.
Đền Độc Cước là một ngôi đền cổ có kiến trúc đẹp tại Thanh Hóa theo kiểu chuôi vồ, hiên quay hướng tây và nằm trên vách núi Trường Lệ hướng ra biển. Theo quan niệm của người xưa hướng Tây là hướng vững chắc nhất, bởi hướng Tây là hướng hợp với tính âm dương.
Tượng Thần Độc Cước cũng được đặt theo hướng của Đền, cầu mong thần thánh yên vị để đem sức mạnh thần linh ban phát cho dân lành. Bên phải của đền có một tòa Phương đình hay được gọ là Tháp Nghinh Phong, được kết cấu theo lối 2 tầng 8 mái.
Từ chân núi hay tính từ bãi cát của biển Sầm Sơn lên du khách sẽ leo bộ 43 bậc thang để lên được khu chánh điện và các khu phụ của đền thờ. Đền Độc Cước Sầm Sơn đã nổi tiếng trong lịch sử từ rất lâu đời nên tượng thờ đề các vị Thần ở đây đã được thể hiện 2 bộ gồm có đôi Tướng canh bằng đá dưới dạng Võ tướng nghiêm chỉnh đại đao đứng chầu hầu. Ở sát cửa điện phía trong là đôi Phổng quỳ lớn bằng đá được làm từ cuối thế kỷ XVIII. Đó là những phong tượng ngộ nghĩnh có giá trị nghệ thuật cao. Nhưng đồng thời nó cũng biểu hiện những mặt của lịch sử vào đầu thế kỉ XVIII xã hội đầy những nhiễu nhương, hệ tư tưởng nho giáo khủng hoảng đến trầm trọng.
Hàng năm mỗi khi vào mùa lễ hội hay các ngày lễ du khách đi tour du lịch Sầm Sơn thường tranh thủ ghé Đền Độc Cước để xin lộc, xin bình an và sức khỏe. Người ta đồn rằng nếu ai đến Đền Độc Cước để xin lộc thì sẽ luôn được may mắn.
Đền Bà Triệu
Đền Bà Triệu nằm trên ngọn núi Gai (núi Ải), thuộc làng Phú Điền, Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa và nằm sát quốc lộ 1A. Từ Hà Nội đến ngôi đền này là khoảng 137km. Đền thờ bà Triệu Thị Trinh, một người nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm Trung Quốc vào Việt Nam ở thế kỉ III sau Công Nguyên.
Vẫn theo lối kiến trúc đồng bằng Bắc Trung Bộ truyền thống, tổng thể ngôi đền gồm từ ngoài vào trong sẽ là cổng ngoại, hồ nước, bình phong rồi đến cổng nội, tả hữu mạc và cuối cùng cũng là chủ yếu sẽ là ba khu vực tiền đường, trung đường và hậu cung. Trong đó, nếu bạn đến đây tham quan sẽ thấy hậu cung ở giữa là nơi thờ Bà Triệu, cánh tả thờ thân phụ phụ Vua Bà, cánh hữu thờ thân mẫu Vua Bà, trung đường là nơi thờ tướng quân Trần Quốc Đạt.
Đền có kiến trúc Thanh Hóa khá đơn sơ và giản dị nhưng rất thanh tịnh và có sự uy nghiêm. Vừa bước vào bạn sẽ thấy một hồ sen và vào trong đầu tiên sẽ thấy Tiền đường, khu vực này có 5 gian riêng biệt với những cột đá mài. Ở phía sau nhà Tiền đường, bạn sẽ thấy một khoảng sân với hai bên là nhà tiếp khách và nhà lễ. Đi cuối sân là bạn sẽ thấy ba gian hậu cung với địa thế trên một mặt bằng cao hơn hẳn nơi khác.
Cảnh sắc thiên nhiên ở đây hài hòa với kiến trúc Thanh Hóa tạo nên vẻ đẹp cổ kính, bình yên và thiêng liêng lạ kì. Đến đây, bạn sẽ thực sự cảm thấy tâm hồn mình được thanh lọc, thấy lòng bình yên hơn bao giờ hết.
Được tổ chức thường niên từ ngày 21 tháng 2 đến 24 tháng 2 Âm lịch, lễ hội Bà Triệu là một hoạt động quen thuộc của người dân huyện Hậu Lộc. Các hoạt động tiêu biểu ở lễ hội để tưởng nhớ công lao Bà Triệu với đất nước mang đậm nét văn hóa truyền thống như tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, lễ Mộc dục, tế Phụng Nghinh….Một số tiết mục văn nghệ dân gian được biểu diễn trong lễ hội có thể kể đến trò “Ngô -Triệu giao quân”, hát chầu văn, thi đấu vật, leo dây, thi thổi cơm, đánh cờ tướng…
Thủy điện Cửa Đạt
Thủy điện Cửa Đạt là một cụm công trình thủy điện xây dựng trên sông Chu. Nhà máy chính của Thủy điện Cửa Đạt đặt tại làng Cửa Đặt xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.
Được xếp vào công trình trọng điểm quốc gia với mục đích hoạch định nhằm tạo nguồn nước tưới ổn định cho gần 87.000 ha đất canh tác; đóng vai trò quan trọng vào việc giảm lũ, bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái; bổ sung nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; tạo điều kiện phát triển du lịch, thúc đẩy quá trình đô thị hóa vùng Tây Nam tỉnh Thanh Hóa.
Hồ chứa nước Cửa Đạt nằm ở vùng sông Chu (địa phận xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân), cách đập Bái Thượng khoảng 17 km về phía thượng lưu. Hồ có dung tích gần 1,5 tỷ m3, có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho vùng hạ du, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu cho trên 86 ngàn ha đất nông nghiệp, cũng như nhu cầu nước cho công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra hồ chứa này còn có nhiệm vụ giúp đẩy mặn cho vùng hạ lưu sông Chu và kết hợp với Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt với 2 tổ máy phát điện thương mại có tổng công suất 97 MW, bổ sung nguồn cung cho lưới điện quốc gia trung bình khoảng 430 triệu KWh mỗi năm. Tổng mức đầu tư công trình lên tới 1.600 tỷ đồng (tính theo thời giá vào năm 2010). Công trình được khởi công ngày 2 tháng 2 năm 2004. Lễ chặn dòng diễn ra ngày 2 tháng 12 năm 2006 do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chính thức phát lệnh chặn dòng sông Chu. Công trình được khánh thành vào ngày 27 tháng 11 năm 2010.
Tên gọi Thủy điện Cửa Đạt đặt theo biến âm của tên làng Cửa Đặt ở bờ trái sông Chu tại vị trí đập, phía trên cửa Đặt là nơi sông Đặt đổ vào sông Chu một quãng ngắn. Sông Đặt chảy từ phía xã Xuân Lẹ ở tây nam đến, qua xã Vạn Xuân đến làng Đặt ở bờ phải sông Chu.
Tái định cư để lại nhiều hệ lụy cho những người dân phải di chuyển để xây dựng thủy điện. Cách thức chủ yếu của tái định cư là “chỉ chỗ cho dân đến ở”, xong việc thì… thôi. Thủy điện Cửa Đạt là một trong số thủy điện để lại “nỗi khổ từ thủy điện” cho dân.
Phủ Trịnh
Phủ chúa Trịnh vốn có danh xưng chính thức là Chính phủ hoặc Soái phủ hoặc Nội phủ – đã từng là một công trình có phong cách thiết kế kiến trúc đồ sộ vào bậc nhất thời Lê trung hưng. Được xây dựng trong thời gian một thế kỷ rưỡi (1592 – 1749), công trình này là một tòa thành, được xây bằng gạch, bao bọc nhiều cung điện, lầu các mà các đời chúa Trịnh đã lần lượt cho xây dựng. Ngoài ra, các chúa còn cho xây nhiều cung điện ngoài phủ.
Xung quanh phủ và ven các hồ lân cận, nhà chúa cho xây dựng khá nhiều nguyệt đài, thủy tạ, như dựng Tả Vọng đình trên Gò Rùa (nền Tháp Rùa ngày nay); dựng cung Khánh Thụy; đắp núi Ngọc Bội để tôn vinh võ công ở bờ phía Tây hồ. Nhà chúa cũng thường cho lập các trại thủy binh trên hồ. Ở cửa ô Tây Long (Bảo tàng Lịch sử ngày nay), vào thế kỷ thứ XVII, chúa Trịnh Doanh cho xây lầu Ngũ Long mang hình năm con rồng, (vào năm 1744). Lâu cao 300 thước, được dát bằng mảnh sứ và có đá cẩm thạch quấn quanh, đến năm 1787 lầu này bị đốt cháy cùng với toàn bộ quần thể phủ Chúa…
Ở một bên có chỗ cho các quan ngồi xem quân lính luyện tập. Ở một bên khác có một kho súng ống và đạn đại bác. Bãi cát duyệt binh này đã là một địa điểm chính trong những ngày lễ Tế cờ và thi đấu võ. Lịch triều hiến chương ghi: Sau những ngày lễ Tế cờ, thi (Bắc cử) ở bãi cát giữa sông…. có thi nghề múa đao của các quân.
Gần đây, có tài liệu nghiên cứu nói rằng: Chính môn nằm ở gần chùa Chân Tiên để thờ Tống Thiên Thần Vương, người giúp Trịnh Liễu đặt quý địa (mà chùa Chân Tiên vào thời tồn tại phủ chúa Trịnh nằm ở làng Phụ Khánh tổng Tiền Nghiêm, khoảng di tích nhà tù Hỏa Lò ngày nay tức là góc phố Hai Bà Trưng-Thợ Nhuộm, lệch về phía tây bắc gần phố Cửa Nam thời nay hơn; về sau thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ 19, chùa được di chuyển xuống phía đông nam đến đất làng Thể Giao, cuối phố Bà Triệu bây giờ để lấy đất xây nhà tù Hỏa Lò). Nhưng theo nhà sử học Trịnh Quang Vũ, thì: …Vương phủ trải dài từ khu vực phố Cửa Nam, Hàng Bông ngày nay qua phố Phủ Doãn, Quang Trung, ra tận hồ Hale (hồ Thiền Quang) và xuyên xuống phố Bà Triệu, chia ra ba cửa chính: Chính Nam (phố Bà Triệu), Tuyên Vũ Môn (có Ngũ Long Lầu, cao 70m, là Bưu điện Hà Nội nay) và Diệu Đức (thông ra Cửa Nam kinh thành Thăng Long). Tổng số có 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự uyển, hồ, trại lính….
Vậy có thể thấy rằng, Phủ chúa Trịnh có 3 cửa: cửa phía nam gọi là Chính Nam hay Chính Môn (khoảng phố Bà Triệu), cửa Diệu Đức Môn (phía tây, là cửa chính thông ra Cửa Nam của kinh thành Thăng Long-nơi vua Lê ở, là hướng giao lưu chính với Hoàng thành Thăng Long) cửa này có lẽ mới gần chùa Chân Tiên ở thôn Phụ Khánh tổng Tiền Nghiêm, cửa phía đông Tuyên Vũ Môn (quay ra khoảng giữa hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, gần lầu Ngũ Long).
Qua Chính môn (Chính Nam), vào cửa thứ hai là Cáp môn, có xá nhân canh giữ. Tiếp đến là phủ Tiết chế, khu quân lính. Từ Cáp môn có Tiền mã quân túc trực tới đại điện. Sân điện rộng lớn nằm ở chính giữa. Thềm gác 2 tầng bày nghi trượng, vũ khí, chiêng trống, nghi vệ. Phía sau là tòa Trung Đường, Nghị sự đường, Hậu đường, Tĩnh đường.
Nội cung có lầu Ngũ Phượng, nơi tuyên phi ngự và có các hoa viên. Đường nối qua các cung là hành lang có điểm hậu mã quân túc trực, bao lơn lượn vòng kiểu cách tuyệt đẹp. Sau nội cung có Thái Miếu.
Nhà thờ chính tòa Thanh Hóa
Nhà thờ chính tòa Thanh Hóa tọa lạc tại phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Đây là nhà thờ chính tòa của giáo phận Thanh Hóa.
Nhà thờ gồm mười gian với chiều dài 44 m, rộng 16 m, cao 13 m. Tháp nhà thờ cao 25 m, trên tháp nhà thờ treo hai quả chuông kéo, chuông lớn mang tên Thánh Anna do trường Thánh Anna của thành phố Montlucon (Pháp) tặng và chuông nhỏ hơn do Hội Thừa Sai Paris Hải ngoại (M.E.P) tặng.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Bảo tàng Thanh Hóa là một quần thể tư vấn thiết kế, kiến trúc Thanh Hóa, gồm ba toà nhà kiên cố được thi công xây dựng từ thời thuộc Pháp. Nhà trưng bày lớn ba tầng bề thế, vừa cổ kính, vừa hiện đại, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cổ thụ nằm cạnh đường Trường Thi (TP Thanh Hóa) – một địa danh lịch sử về một thời trường ốc với nền giáo dục Nho học ở chốn “cửa Khổng sân Trình” triều Nguyễn, hiện còn lưu giữ tấm bia “khuyến học” dựng năm Thành Thái thứ 3 (1892).
Bảo tàng Thanh Hóa ra đời từ năm 1955, đến nay đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa – khoa học của tỉnh. Là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy những giá trị di sản văn hóa quí báu của quốc gia, đồng thời cũng là nơi nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học lịch sử, một địa điểm hấp dẫn của du lịch trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu thông qua những bộ sưu tập hiện vật giá trị, quí hiếm và đầy sức truyền cảm.
Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Thanh Hóa hiện nay được trình bày theo trình tự lịch sử từ khi xuất hiện những con người tối cổ trên đất Thanh Hóa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đến năm 1975, đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước. Tiến trình lịch sử này được thể hiện trong một không gian gồm 3 phòng trưng bày lớn. Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, bảo tàng còn có 4 phòng trưng bày chuyên đề riêng, thường xuyên trưng bày giới thiệu một chủ đề lịch sử, một sưu tập cổ vật đặc sắc, quí hiếm, một đặc trưng văn hóa độc đáo của dân tộc…
Di tích lịch sử Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đây là một di tích lịch sử quốc gia cấp từ năm 1962. Năm 2013, khu di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, tồn tại những công trình có kiến trúc tại Thanh Hóa được nhiều người biết đến.
Nhân vật tạo lập Lam Kinh là Lê Thái Tổ. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.
Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu… nguy nga tráng lệ.
Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây 2 bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc, móng tường thành còn lại dày 1,08m, qua cổng thành khoảng 10m đến một con sông đào có tên là sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách Hoàng việt dư địa chí xưa kia, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp, trông rất đẹp. Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có nhà, thành dáng “Thượng gia hạ kiều”. Qua cầu khoảng 50m thì đến một giếng cổ. Trước kia dưới giếng còn thả sen để giữ cho nước mát trong những ngày hè nóng nực. Bờ giếng phía Bắc có lát bậc đá lên xuống, gọi là bến nước.
Trước Ngọ môn có hai con nghê bằng đá đứng canh. Nền Ngọ môn rộng 11m dài 14,1m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6m, cửa hai bên rộng 2,74m và được bố trí ở hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là rất lớn, đường kính chân tảng đo được 78 cm. Ngọ môn 3 gian, bước gian giữa rộng 4,60m, bước gian bên rộng 3,50m.
Căn cứ vào chiều rộng của nền Ngọ môn và xét về tỷ lệ quy mô các công trình kiến trúc toàn khu cung điện, các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ đã đoán định, Ngọ môn thành điện Lam Kinh là một công trình kiến trúc Thanh Hóa khá quy mô.
Cầu Hàm Rồng
Cầu Hàm Rồng là cầu đường bộ, đường sắt bắc qua sông Mã, cách thành phố Thanh Hoá 4 km về phía bắc.
Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.
Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt.
Bài thơ “Cái cầu” của thi sĩ Phạm Tiến Duật, trích đoạn:
Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu
Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu
Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi: cái cầu của cha
Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau. Các đơn vị bảo vệ cầu đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi hơn 100 máy bay các loại. Không quân Việt Nam tại đây bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Trung đoàn pháo phòng không 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 90 máy bay, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và được mang tên Đoàn Hàm Rồng. Vị thế của cầu rất đặc biệt làm cho cầu rất khó bị bom đánh trúng: tại hai đầu Bắc và Nam của cầu có hai hòn núi (núi Rồng và núi Ngọc) đã chắn hết các bom định ném xuống cầu và là nơi các lực lượng phòng không bảo vệ cầu bắn đón đầu các máy bay oanh tạc phải bay theo một hướng bắt buộc.
Do vậy nên trong cuộc chiến tranh không quân lần thứ nhất của Mỹ chống miền Bắc Việt Nam từ năm 1964-1968 tuy bị đánh phá rất ác liệt nhưng Không quân Mỹ không thể ném bom trúng cầu. Chỉ đến năm 1972 ngay đợt đầu của chiến tranh không quân lần hai (bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 năm 1972) Hoa Kỳ áp dụng bom thông minh (bom điều khiển bằng laser) đã đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng.
Đền Đồng Cổ
Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, thuộc Bộ Cửu Chân. Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại Vương”. Núi Đồng Cổ hiện nay đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là một cụm ba ngọn núi có tên là Tam Thai ở bên bờ phải sông Mã thuộc địa phận làng Đan Nê (Đan Nê trước kia còn có tên là Khả Lao, gọi là Khả Lao phong (phong là đỉnh núi) rồi gọi tắt là Khả Phong, có thể bao gồm cả ấp Xuân Thái ngày nay), xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 986, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Lê Hoàn đánh giặc Chàm ở phương Nam tại sông Ba Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Khi thắng trận, Lê Hoàn đã tạ ơn và ghi cho đền câu đối:
“Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh
Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ”.
Sách Việt điện u linh (soạn từ thế kỷ XIV), truyện Minh chủ linh ứng chiêu cảm bảo hựu đại vương cho biết, “Theo Báo cực truyện chép: Vương là thần núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa, tục gọi là núi Khả Phong” và có chép về việc: Năm 1020 khi Thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành. Khi đến Trường Châu (bờ phải sông Mã, nay thuộc xã Yên Thọ), một đêm, thần Đồng Cổ báo mộng cho Lý Phật Mã: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ.”. Sau khi thắng trận trở về, Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ”.
Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong (nay là đền Đồng Cổ (Hà Nội)). Đền được xây ở nơi gặp nhau của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch thuộc làng Đông Xã (nay là số 353 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đến khi Thái Tổ mất, Thái Tông lên nối ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, xin nhà vua nên kíp đề phòng!”. Vua thức dậy còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra đúng như lời thần báo. Vua lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một ngôi chùa cổ có từ trước thời Lý và được xếp hạng di tích quốc gia; chùa thuộc địa phận thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chùa cũng là nơi thờ đại tướng Trần Hưng Đạo.
Xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc xưa kia là trị sở của quận Cửu Chân gần 400 năm (suốt thời Lý, Trần). Thái úy Lý Thường Kiệt đã từng ở đây 19 năm. Cuốn từ điển di tích văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học&Xã hội (trang 582) ghi về chùa như sau: “Chùa có từ lâu, trước đời Lý. Vua Lý Nhân Tông đi tuần phương nam, xa giá dừng ở trị sở châu Ái (Thanh Hoá) rồi trở về… để báo ơn vua, chúc quốc vận trường tồn, Thông phán Chu Công (người được vua nhà Lý cử trấn giữ, cai quản Thanh Hóa) bàn giao cho huyện lệnh là Lê Chiếu dựng lại ngôi chùa cổ đã đổ nát. Dân bản huyện góp lương, góp sức, san gò, lấp trũng, thợ mộc, thợ nề, gắng sức trong 2 năm dựng xong chùa vào cuối năm mậu tuất (Hội Tường Đại Khánh 9) (1118). Quy mô kiến trúc to lớn, xây dựng chạm trổ công phu….
Qua các triều đại tiếp theo, Chùa là thiền viên có danh tiếng ở Ái Châu. Do biến động của lịch sử, chùa bị đổ nát. Năm 1952 toà tiền đường đã bị bom Pháp làm sập; tấm bia thời Lý bị sứt trán…Sau đó, chùa được các nhà sư và nhân dân quanh vùng sửa chữa lại với quy mô nhỏ, diện tích chùa bị thu hẹp. Sau này, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã được Bộ Văn hoá đưa vào danh sách Di tích quốc gia Việt Nam ngày 13/3/1990. Chùa được tu bổ lớn từ năm 1997: gác chuông, trung đường, toà tiền đường tôn tạo hoàn thành năm 2001 có kiến trúc đẹp gồm tám mái, với các cột xà, cửa… toàn bằng gỗ lim, nhà tổ cũng được tu bổ năm 2005, cầu đá năm 2007… Bộ Văn hoá thông tin đã đồng ý cho ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phê duyệt dự án tổng thể tôn tạo chùa chính và khuôn viên chùa. Đến nay (2010), phần tôn tạo cơ bản đã hoàn thành. Ngoài ra, cùng với sự đóng góp của phật tử khắp nơi, nhà chùa còn cải tạo được hồ sen trước chùa và xây cây cầu vòm bắc qua hồ sen dẫn vào chùa, tạo nên vẻ đẹp cổ kính vốn có của các ngôi chùa cổ.
Hiện nay chùa còn nhiều hiện vật quý của thời Lý mà các di tích cùng thời không có. Cụ thể là: hàng rồng lớn chạm trên đá là những phần còn lại của cây tháp lớn, những đầu rồng và phượng bằng gốm rất lớn mang tư cách những con vật vũ trụ. Trên tam bảo còn để lại 3 bệ đá hoa sen tương tự bệ đá ở chùa Thầy Hà Nội, nhưng các bệ đá này đã được làm kĩ hơn ở các làn sóng dưới chân. Trong chùa còn nhiều tượng gỗ rất quý, đặc biệt là 3 pho tượng quan âm bằng gỗ được tạc vào khoảng giữa thế kỷ 17. Những đồ thờ trong chùa như bàn, ngai, khám, ỷ đã có suốt trong các thế kỷ 17, 18, 19. Chuông của chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 11 (1812).
Thiền viện Hàm Rồng
Thanh Hóa có rất nhiều ngôi chùa cổ có hàng ngàn năm tuổi, nhưng có lẽ sẽ thiếu sót khi không nhắc tới một ngôi Thiền viện có kiến trúc đẹp hiện đại bậc nhất và đậm chất chùa Việt – uy nghi, trang nghiêm và thanh tịnh. Đó là ngôi Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng.
Thiền Viện Hàm Rồng được tọa lạc trên đỉnh ngọn núi thiêng – đồi C4 , thuộc phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa. Thiền viện có tổng diện tích là 9ha. Được xây dựng hơn 7 năm từ năm 2010 đến năm 2017 thì hoàn thành. Với vị trí vô cùng đẹp và đắc địa, Từ trên đỉnh ngọn đồi cao “tọa sơn hướng thủy”, nhìn ra con sông Mã huyền thoại, có cây cầu Hàm Rồng một thời oanh liệt, những chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng được xây dựng gồm có 12 hạng mục công trình: Tam quan (hai lớp trong và ngoài), từ cổng Tam quan phía ngoài đi theo hàng trăm bậc đá lên cổng Tam quan phía trong là ngôi Đại Hùng Bảo Điện lớn, đây là trung tâm của Thiền Viện, phía trong có nhà thờ Tổ, hai bên tả hữu là lầu chuông – lầu trống, khu nhà Tăng, Trai đường, nhà giảng kinh, Thiền đường v.v… tất cả đều được thiết kế hài hòa cùng với không gian thiên nhiên cây xanh.
Khu nhà khách và các công trình khác của Thiền viện nằm xen kẽ trên ngọn đồi thông cổ thụ cao vút. Bao bọc xung quanh Thiền viện bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua rừng thông đã gióng lên một bản nhạc du dương như lòng Người thoát được tục, một nét nhẹ nhàng, thanh thản, chốn bồng lai nơi trần thế, làm mê mẩn lòng người.
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng tọa trên danh thắng núi Hàm Rồng đã trở thành một danh lam thắng tích, một nơi sinh hoạt tâm linh cho Phật tử thành phố Thanh Hóa, nơi để Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đào tạo Tăng Ni, là cơ sở Hạ trường mỗi khi tới mùa An cư Kiết hạ của Phật giáo Thanh Hóa, nơi hàng Phật tử đến tu học, tổ chức lễ Hằng thuận cho các đôi tân hôn, các buổi trò chuyện, giảng Pháp cho mọi tầng lớp thanh thiếu niên khóa tu mùa hè, doanh nhân, doanh nghiệp… Lịch sinh hoạt khóa tu của Thiền viện thường vào các ngày thứ hai, tư, sáu, bảy, chủ nhật hàng tuần.
Đến với Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng trong không gian thanh tịnh, nghe tiếng chuông gió leng keng trong tâm hồn mỗi con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. mọi sinh hoạt đời thường, mọi quang cảnh thế tục… bỗng như lùi vào một cõi xa xăm, nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa vang vọng…
Vinpearl Hotel Thanh Hoá
Tọa lạc tại tầng 34 khách sạn Vinpearl, nhà hàng theo phong cách sang trọng, tinh tế với ẩm thực đa dạng từ các món địa phương tới những món ăn Âu – Á tiêu chuẩn 5 sao.
Với vị thế độc tôn như một ” đài thiên văn” tại Skybar nằm trên tầng 34 của tòa nhà cao nhất thành phố Thanh Hóa, đây là một địa điểm tuyệt vời nhất để ngắm nhìn thành phố từ trên cao và thưởng thức các đồ uống tinh tế, hiện đại, cùng đồ ăn nhẹ, bánh ngọt tiêu chuẩn 5 sao.
Với phong cách sang trọng, tinh tế và riêng tư, nơi đây quý khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh của thành phố Thanh Hóa rất thích hợp cho những buổi họp, hội nghị, tiệc chiêu đãi sang trọng, đẳng cấp.
Hệ thống phòng họp hiện đại tại tầng 6, diện tích linh hoạt, với điểm nhấn là Grand Ballroom có diện tích gần 1.000 m2 cùng không gian tổ chức sự kiện ngoài trời đẳng cấp, sẽ là lựa chọn hàng đầu cho những hội nghị, triển lãm, lễ cưới tại thành phố Thanh Hóa.
Hồng hạc hướng thanh thiên
Công trình kiến trúc nghệ thuật tại nút giao thông Đại lộ Lê Lợi giao với Đại lộ Hùng Vương được xây dựng dựa trên ý tưởng “Hồng hạc hướng thanh thiên” nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc cho không gian đô thị thành phố.
Với các chất liệu chính từ màu sắc văn hóa xứ Thanh, công trình Kiến trúc nút giao thông đại lộ Lê Lợi sẽ mang ý nghĩa giới thiệu đến với du khách bốn phương về một nền văn hóa lâu đời, đồng thời nhắc nhở người dân xứ Thanh về lịch sử, giáo dục về lòng tự hào dân tộc. Tại một giao lộ lớn, với đảo tròn giao thông có diện tích khá lớn đã được thiết kế, rất cần một công trình có chiều cao mang tính dẫn hướng, giúp người tham gia giao thông dễ dàng xác định vị trí, định hướng tầm nhìn. Với những đổi thay của bộ mặt thành phố trong thời gian tới, công trình kiến trúc cần thiết phải có tính thẩm mỹ cao, dù chỉ là một công trình nhỏ cũng thể hiện được sự quan tâm của thành phố đến bộ mặt đô thị. Đấy cũng là tinh thần của một thành phố trẻ đang trên đà phát triển, hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.
Với việc xây dựng, mở rộng và định hướng trung tâm thành phố, rất cần một công trình đẹp tại trung tâm. Đây sẽ đồng thời là một dấu mốc đánh dấu giai đoạn phát triển và là một hình ảnh mang ý nghĩa đón chào, giới thiệu về thành phố Thanh Hóa. Công trình cũng sẽ cùng với quảng trường trung tâm bên cạnh và các công trình đang được quy hoạch tạo nên một tổng thể cảnh quan hoàn chỉnh.
Lấy ý tưởng từ hình ảnh đàn chim Lạc – sự tích thành Hạc. Công trình thể hiện sự giao hoà giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Bố cục hình tròn là phù hợp nhất cho ý tưởng đó. Hình ảnh 4 cặp chim Lạc (đã được cách điệu) có xu hướng chụm lại và vươn cao, đẹp và thanh thoát, thể hiện khát vọng vươn cao của thành phố trẻ. Cùng với hình tượng quả cầu toả sáng, những chi tiết được xử lý có ý nghĩa tạo nên một tổng thể công trình khúc triết, thanh thoát, toát lên tinh thần đoàn kết, hội tụ và thăng hoa. Công trình đã phản ánh được lịch sử văn hoá của thành phố Thanh Hóa, toát lên được phần hồn, tư chất văn hoá của tác phẩm, mang đậm đà bản sắc xứ Thanh.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp