Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông Tây của dải đất hình chữ S của Việt Nam. Tỉnh này giáp Hà Tĩnh về phía bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía nam; giáp Biển Đông về phía đông; phía tây là tỉnh Khăm Muộn và tây nam là tỉnh Savannakhet của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Dãi đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Hang Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giợí. Với hệ thống hang động phong phú tìm thấy cho đến nay, Quảng Bình đã được mọi người gọi là Vương quốc hang động. Ngày 13/5/2015, Hang Sơn Đoòng của Quảng Bình xuất hiện trên chương trình Good Morning American trên kênh ABC của nước Mỹ đã đưa Quảng Bình và du lịch Quảng Bình đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Gần đây đoàn làm phim bom tấn nổi tiếng thế giới Kong; Skull Island đến từ Hollywood Mỹ đã thực hiện nhiều cảnh quay tại hệ thống hang động Quảng Bình hứa hẹn sẽ ra mắt những thước phim mãn nhãn vào ngày 10/3/2017;

Du lịch tâm linh cũng là một trong những thế mạnh của nơi này, với kiến trúc Quảng Bình là những ngôi chùa ngôi đền mang nét đặc trưng vô cùng đặc sắc, những ngôi đền đài linh thiêng và khu mộ Đại tương Võ Nguyên Giáp yên bình – một niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.
Phong Nha Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch, và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Vườn quốc gia này giáp khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno ở tỉnh Khammouan, Lào về phía tây, cách Biển Đông 42 km về phía đông kể từ biên giới của hai quốc gia.
Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha thuộc lãnh thổ Việt Nam, khu vực lãnh thổ Lào tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng 200.000 ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định mở rộng vườn quốc gia này lên 1233,26 km2. Vườn quốc gia này được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km nhưng các nhà thám hiểm hang động Anh và Việt Nam mới chỉ thám hiểm 20 km, trong đó 17 km ở khu vực Phong Nha và 3 km ở khu vực Kẻ Bàng.

Năm 1899, một giáo sĩ truyền đạo người Pháp tên là Léopold Cadière đã khảo sát và nghiên cứu về văn hoá và phong tục, tập quán của người dân vùng thung lũng sông Son. Trong thư viết cho Trường Viễn Đông bác cổ, ông khẳng định: “Những gì còn lại của nó đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích cho khoa học”.
Ban quản lý dự án vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có đội ngũ nhân viên 115 người bao gồm các chuyên gia về động vật học, thực vật học, lâm sinh học, kinh tế-xã hội học nhưng lại không có thẩm quyền xử lý các vi phạm và thiếu các phương tiện quản lý hữu hiệu đối với các mối đe dọa đối với vườn quốc gia này.
Hiện có một khu bán hoang dã dành cho linh trưởng với diện tích 18 ha tại vườn quốc gia này với hàng rào điện tử. Dự án này do Hội động vật Frankfurt (Zoologische Gesellschaft Frankfurt) (Đức) đầu tư dành riêng cho Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để bảo tồn 10 loại linh trưởng, trong đó có voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Khu vực này có hệ sinh cảnh với đầy đủ thức ăn cho linh trưởng phát triển tốt.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ bàng được đưa vào quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 1997-2010. Vườn quốc gia này cũng được đưa vào kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Namno giữa Lào và Việt Nam. Nhiều cuộc hội thảo đã được chính quyền hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn tổ chức để phối hợp bảo tồn khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Namno của Lào.
Hang Sơn Đoòng
Hang Sơn Đoòng tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam được coi là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Hang này nằm trong quần thể hang động Phong Nha-Kẻ Bàng. Hang Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào.[1][2] Thời báo New York xếp hang Sơn Đoòng vào vị trí thứ 8 trong 52 địa danh trong danh sách những nơi nên đến năm 2014.
Dãy núi đá vôi vùng biên giới Việt–Lào có nhiều hang động như động Phong Nha đã biết đến từ lâu nhưng hang Sơn Đoòng chỉ được khám phá vào năm 1991 khi Hồ Khanh – một người dân địa phương – tình cờ tìm ra khi lánh vào cửa hang để tránh mưa. Bẵng một thời gian đến năm 2009 khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến khu vực này thăm dò thì Hồ Khanh mới báo cho họ. Phải khó khăn lắm ông mới tìm lại được cửa hang vốn nằm sâu trong rừng già với địa hình khá hiểm trở, cách xa đường lớn và không thể phát hiện thấy trên Google Earth. Dưới sự hướng dẫn của ông, họ đã đi sâu vào hang, chụp ảnh, đo đạc và thu thập dữ kiện khoa học.

Vì Hồ Khanh được cho là người đầu tiên phát hiện ra hang động này nên đoàn thám hiểm đề nghị ông Khanh đặt tên cho hang. Ông Khanh đã lấy tên mình làm tên hang, gọi là hang Hồ Khanh. Đoàn thám hiểm ghi nhận tên do ông Khanh đặt nhưng mấy hôm sau họ xin phép ông Khanh để cho họ đặt lại tên cho hang là “Sơn Đoòng” và ông đã đồng ý. Tên gọi “Sơn Đoòng” được tạo ra bằng cách ghép địa danh “Đoòng” có sẵn từ trước với từ Hán Việt “sơn” (chữ Hán: 山, có nghĩa núi). Gần cửa trước hang Sơn Đoòng có một bản của người Vân Kiều tên là bản Đoòng. Bản Đoòng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 22 tháng 4 năm 2009, phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbirt dẫn đầu đã công bố việc phát hiện hang và cho rằng quy mô của hang Sơn Đoòng quả thực là lớn nhất thế giới.
Vào tháng 1 năm 2010, các nhà thám hiểm đã trở lại Sơn Đoòng để tìm hiểu thêm về hệ thống hang động này.
Nhà thờ Tam Hòa
Nhà thờ Tam Tòa là một nhà thờ Công giáo toạ lạc đường Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.Tam Tòa thuộc hạt Nguồn Son, Giáo phận Vinh. (Từ năm 2005 về trước Tam Tòa thuộc Tổng giáo phận Huế).Được xây từ năm 1886 với phong cách kiến trúc Quảng Bình, đây được coi là một trong những nhà thờ đẹp nhất ở Việt Nam, mặc dù ngày nay nó chỉ còn là phế tích.
Được thiết lập từ năm 1631, Tam Tòa được coi là một trong những xứ đạo đầu tiên trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam. Trong thế kỷ 17, nó trở thành giáo xứ lớn nhất trong vùng với khoảng 1200 giáo dân.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, toàn bộ xứ đạo Tam Tòa di cư vào Nam. Kể từ đó nhà thờ bị bỏ hoang. Trong 8 năm từ 1964 đến 1972, không quân Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, Đồng Hới đã bị san phẳng, nhà thờ Tam Toà cũng bị hư hại..
Ngày 11 tháng 2 năm 1965, nhà thờ bị một trận bom đánh sập, chỉ còn lại phần tháp chuông với nhiều vết đạn, và trở thành di tích chiến tranh.
Ngày 23 tháng 10 năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục Xã Đoài cùng thống nhất và ký bản ghi nhớ với nội dung: “Khuôn viên nhà thờ Tam Tòa cũ hiện là chứng tích tội ác chiến tranh. Hai bên sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… Giáo hội có nhu cầu xây dựng cơ sở thờ tự, thì làm thủ tục xin cấp đất theo đúng quy định, trên cơ sở quỹ đất của địa phương và quy hoạch tổng thể thành phố Đồng Hới.”

Ngày 20 tháng 7 năm 2009, khoảng 200 giáo dân đã đưa nguyên vật liệu tổ chức xây dựng tại khu vực nhà thờ. Họ dựng lên một ngôi nhà bốn vì kèo bằng sắt, có mái tôn. Khi cơ quan chức năng thành phố Đồng Hới đến hiện trường yêu cầu dừng việc xây dựng, đã xảy ra xô xát, làm bị thương 2 cảnh sát. Chiều ngày hôm sau, công an Đồng Hới đã khởi tố và bắt 7 người liên quan để điều tra tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Phúc đáp công văn của chính quyền tỉnh Quảng Bình, Toà giám mục Xã Đoài (tức giáo phận Vinh) cho rằng giáo dân Tam Tòa không vi phạm pháp luật, khi dựng lán che trên nền nhà thờ Tam Tòa không phải là nhà kiên cố nên không phải báo cáo, xin phép.
Ngày 17 tháng 8 năm 2009, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Bùi Xuân Ngẫu ra quyết định 137/TB-UBND về “công trình tu bổ khuôn viên chứng tích chiến tranh tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa”, quyết định này được cho là biến khu vực này thành công viên giống như đã xảy ra ở Tòa tổng giám mục Hà Nội và nhà thờ Thái Hà trước đó.
Quảng Bình Quan
Quảng Bình Quan (mới phục chế lại), ở ngay trung tâm phường Đồng Hải giữa bốn ngả đường: phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Bắc là đường đi Hà Nội, phía Nam là đường đi Huế. Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi. Người thì nói đó là cửa vào dinh Quảng Bình, người thì nói Cổng Bình Quan.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: ’’cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ (1826) xây gạch đá…’’

Hệ thống Lũy Thầy do Quân sư chúa Nguyễn là Đào Duy Từ (1572-1634) thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng từ năm 1631-1634, nhằm giúp Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống lại các đợt tấn công của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nơi đây có địa thế tựa núi gần khe rất chắc chắn, ngăn cách với đất Bắc, vô cùng hiểm trở chẳng khác gì đang đi vào đất Thục cả.
Dưới thời chúa Nguyễn, người châu Nam Bố Chính hay ở phương Bắc có việc gì, muốn vào dinh Quảng Bình nếu đi đường bộ thì trước hết phải vào Quảng Bình Quan trình giấy tờ rồi mới ngược ra hướng bắc mà vào cửa Nam Môn để nhập thành. Người đi đường thủy thì phải ghé thuyền ở cửa Nhật Lệ, trình giấy tờ ở cửa quan Thủ Ngự rồi cho thuyền lên bến cửa đông mà nhập thành.
Quảng Bình quan nằm trấn giữ con đường huyết mạch Bắc-Nam và đường thuỷ từ cửa biển Nhật Lệ vào. Vì thế, mà hơn 7 lần quân của Chúa Trịnh vượt Sông Gianh vào Nam đều bị chặn đứng đây. Là chứng tích đau thương của một thời phân tranh đất nước, nhưng Quảng Bình Quan cũng như hệ thống Luỹ Thầy đã thể hiện sự phát triển cao của nghệ thuật kiến trúc tại Quảng Bình.

Nơi này là trung tâm của hệ thống Lũy Thầy, Quảng Bình Quan được xây dựng theo một mô hình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố, vừa là chiến luỹ phòng ngự chiến đấu kiên cố vững chắc, vừa là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Quảng Bình Quan chính là địa chỉ tin cậy cho các nhà nghiên cứu kiến trúc và quân sự sau này.
Vào năm 1825, vua Minh Mạng đã cho trùng tu Quảng Bình Quan và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng loại gạch nung kiên cố, sau khi khánh thành nhà vua đã xếp Quảng Bình Quan là một trong những công trình văn hoá lịch sử đặc sắc của đất nước, cho đúc nổi hình ảnh Quảng Bình Quan vào Nghi Đỉnh đặt trước Thế Miếu trong Tử Cấm Thành.
Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay của Mỹ đánh tan. Hiện nay, Quảng Bình Quan đã được phục chế lại như nguyên bản cách đây hơn ba thế kỷ. Quảng Bình Quan, một di tích kiến trúc Quảng Bình có giá trị lịch sử và nghệ thuật, biểu tượng đặc trưng về văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt.
Giáo xứ Gia Hưng
Vùng đất Quảng Bình được biết đến với dòng sông Gianh như một vết cắt giữa lòng dân tộc, tạo nên hai vùng Đàng Trong và Đàng Ngoài suốt nhiều thế kỷ. Với ranh giới này, Công giáo ở Quảng Bình cũng từng bị chia đôi một thời gian dài thuộc về Giáo phận Vinh và Giáo phận Huế. Đến ngày 5/5/2005, Công giáo hai nửa Bắc và Nam của tỉnh này mới nhập lại để thuộc sự quản lý hành chính đạo của Giáo phận Vinh. Một trong những vùng Công giáo đông đảo tại Quảng Bình hiện nay là huyện Bố Trạch và không thể không nhắc đến giáo xứ Gia Hưng.
Giáo xứ Gia Hưng hôm nay, nơi miền sơn cước của huyện Bố Trạch đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Cơ sở thờ tự được xây dựng khang trang và kiên cố; tiêu biểu nhất là ngôi thánh đường được xây dựng mới, bên trong bằng gỗ và đá khánh thành vào đầu năm 2017. Nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng cho bà con nhân dân trong vùng và đồng bào có nhu cầu chính đáng về đức tin tôn giáo.
Nhà thờ giáo xứ Gia Hưng được tận dụng bộ khung cột kèo bằng gỗ lim từ nhà thờ cũ, nên vẫn giữ được nét cổ kính. Những biến tấu hài hòa các yếu tố không gian đã làm cho ngôi thánh đường mới có nhiều điểm nhấn đặc biệt, đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Công trình nhà thờ Gia Hưng trở thành điểm đến thú vị trong chuyến du lịch Quảng Bình không chỉ của khách trong mà còn cả khách nước ngoài.

Đời sống đạo của bà con có nhiều khởi sắc nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Cùng với lòng mộ đạo của bà con nơi đây, sự năng động của đội ngũ giới trẻ làm cho giáo xứ ngày phát triển có chiều sâu và có sức lan rộng.
Du lịch Quảng Bình, sau khi tham quan khám phá các hang động ở vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng bạn nên kết hợp thăm nhà thờ tuyệt đẹp này. Từ trung tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng đến nhà thờ Gia Hưng chỉ khoảng 10km.
Chùa Hoằng Phúc
Khoảng cách từ thành phố Đồng Hới đến Chùa Hoằng Phúc tầm 55 km. Bạn có thể thuê một chiếc xe máy, có điều kiện hơn thì thuê ô tô chiếc 4 chỗ, nếu nhiều người thì thuê xe 7 chỗ Đồng Hới .Chạy theo quốc lộ 1A hướng Nam rồi rẻ theo DT16 đến thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đi thêm một đoạn nữa là đến Chùa Hoằng Phúc.
Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục danh chùa Trạm, thuộc phường Thuận Trạch, nay là xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4 km về phía Nam.

Bởi ngày trước, từ hói Quy Hậu, ngược theo bờ phải sông Kiến Giang về phía đông là địa phận Tri Kiến, huyện Nha Nghi, thời Lý Trần. Am này ở trong địa phận Tri Kiến nên mang tên này. Theo sử cũ chép lại, tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du ghé qua chùa Am Tri Kiến, sau đó ngài đổi tên thành Am Kính Thiên. Năm 1609, trên đường đi qua đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng cũng đã đến nghỉ tại Am Kính Thiên và sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ và đặt tên là Kính Thiên.
Tiếp đó, Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa Kính Thiên, bèn cho cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối treo ở chùa. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua Minh Mạng có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” (Phúc lớn)… Nhân dân địa phương thường gọi là Chùa Quan.
Tính từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến đến nay, chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử trên 700 năm. Nơi đây không những là nơi thờ tự đức Phật, hoằng dương phật pháp mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của quê hương qua các thời kỳ.

Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh, chùa bị tàn phá nghiêm trọng. Sau đó, ngôi chùa này đã được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cũ (lối chùa cổ thời nhà Trần) gồm: Tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa và chính thức khánh hạ vào năm 2016.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, Tháng 12 năm 2015, Chùa Hoằng Phúc đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa Hoằng Phúc không chỉ phục vụ cho nhu cầu tính ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình.
Quảng Trường Hồ Chí Minh
Quảng Trường Hồ Chí Minh nằm trong khu vực Thành Cổ Đồng Hới, đường Hùng Vương, phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây là công trình thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu.
Quảng Trường Hồ Chí Minh có diện tích 6,8 ha với các hạng mục gồm: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tỉnh Quảng Bình, khu quảng trường, sân hành lễ, đường diễu hành, cây xanh, thảm cỏ…

Tượng đài gồm 7 nhân vật được làm từ chất liệu hợp kim đồng, có chiều dày 2,5cm, bệ tượng cao 3m. Bác Hồ là nhân vật trung tâm, chiều cao tượng Bác Hồ 5,4m; các nhân vật còn lại cao từ 3,2-5,31m, gồm: nhân vật thiếu nhi đại diện cho thế hệ trẻ, nhân vật nữ đại diện cho nông nghiệp, nhân vật nam đại diện cho ngư nghiệp, nhân vật nam (bộ đội) đại diện cho lực lượng vũ trang, nhân vật nam (công nhân) đại diện cho công nhân, trí thức, nhân vật nữ người dân tộc Bru Vân Kiều đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.
Toàn bộ nhóm tượng được đặt trên bệ tượng bằng đá cao 3m, thể hiện thần thái, trang phục Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Bác về thăm Quảng Bình năm 1957, gặp mặt và nói chuyện thân ái với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Quảng Bình. Nhóm nhân vật đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Bình được thể hiện tập trung hướng nhìn về Bác Hồ với tấm lòng thành kính.
Sau lưng cụm tượng là biểu trưng cánh buồm, với ý nghĩa thể hiện Quảng Bình đang căng buồm vượt sóng ra khơi, vươn ra biển lớn, thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy. Cánh buồm làm bằng chất liệu đá xanh cao 20m, lõi kết cấu bê tông cốt thép.
Hai bên không gian tượng đài là khu vực khán đài đại biểu sẽ tổ chức vào các dịp đại lễ của tỉnh nhà, phía trước của tượng đài bố trí không gian để đặt vòng hoa tưởng niệm.
Khu vực phía sau cụm tượng đài được đắp nổi tạo hình một ngọn đồi trồng cây xanh có độ dốc thoải, đỉnh đồi cao khoảng 7m so với nền sân quảng trường trước cụm tượng để tạo nền phong nền, tại khu vực bố trí đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường trung tâm là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh Quảng Bình. Nền lát đá, được trồng nhiều cây xanh, không gian rất thoáng mát.
Bến Phà Long Đại
Nơi đây, máy bay Mỹ đã thả quả bom đầu tiên để đánh phá miền Bắc, là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bến phà Long Đại trở thành một trong những tọa độ lửa là trọng điểm ném bom, phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ trong những năm 1965 đến 1972.
Tại đây hằn sâu trong ký ức những người lính Trường Sơn về sự hy sinh của hai tập thể lực lượng thanh niên xung phong. Ngày 16/6/1972, tại bến phà Long Đại, 15 thanh niên xung phong quê Nghệ An đang tập hợp, chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe, bất ngờ một trận bom của không quân Mỹ dội xuống làm cả 15 thanh niên xung phong (tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi) hy sinh. Sau đó, thay họ làm nhiệm vụ này là lực lượng thanh niên xung phong quê Thái Bình, nhưng sau ba tháng, một loạt bom khác cũng đã cướp đi mạng sống của 15 chàng trai, cô gái C130 thanh niên xung phong khi đang tiếp sức cho phà Long Đại.

Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh anh dũng tại bến phà. Tháng 7 năm 2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công. Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2, trước đền có dòng sông Long Đại chảy qua. Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để du khách thăm viếng, dâng hương khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình.
Phà Long Đại là di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận từ năm 1986. Chiến công được các đơn vị lập nên và sự hy sinh của hàng trăm chiến sĩ của các đơn vị trong binh chủng hợp thành để thông xe thông tuyến tại trọng điểm này xứng đáng được tạc tượng đài chiến thắng! Nơi ấy cần được lập đền thờ để hương khói cho các anh chị và các liệt sỹ đã ngã xuống tại bến phà Long Đại anh hùng.
Chùa Ngọa Cương
Chùa Ngọa Cương tọa lạc trên một ngọn đồi khá cao phía Tây của xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), cách đường Quốc lộ 12A chỉ khoảng vài trăm mét. Từ ngoài đường 12A nhìn vào, lối lên chùa nổi bật với hai bên là hai con rồng lớn được xây bằng xi măng phủ sơn vàng. Các bậc tam cấp dẫn lên chùa được lát gạch vừa đẹp, vừa dễ đi. Hai bên cổng chùa cũng được trồng nhiều loại cây như sứ, bồ quân…
Đến năm 1860, chùa được nhân dân trong vùng góp công, góp của xây lại bằng gạch chắc chắn, vững chãi. Chùa là nơi để người dân trong vùng gửi gắm tâm linh, khát vọng về một cuộc sống no ấm, bình yên, tươi đẹp.

So với các ngôi chùa khác trong vùng thì chùa Ngọa Cương tuy không lớn nhưng kiên cố với những bức tường được ghép rất dày, có chỗ hơn 1m. Mái chùa hình vòm, bên trong được khắc vẽ nhiều họa tiết độc đáo. Cổng chùa có 2 phần: cổng và lầu. Mái cổng uốn cong, xung quanh cổng và lầu được đắp nổi hình rồng, phụng vờn mây…
Không chỉ ấn tượng với kiến trúc đẹp, chùa Ngọa Cương còn là di tích gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Chùa là nơi ghi dấu sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của xã Cảnh Hóa. Đây là địa điểm liên lạc khi các chiến sĩ cộng sản về gây dựng cơ sở Đảng. Năm 1942 Chi bộ ghép Ngoạ Cương – Thanh Thuỷ được thành lập, đồng chí Cả Huệ (phủ uỷ viên Quảng Trạch) đề xuất với đồng chí Lê An, Cao Văn Toàn, Trần Diên (trong Chi bộ ghép Ngoạ Cương- Thanh Thuỷ), lấy địa điểm ngôi chùa làm nơi sinh hoạt của Chi bộ và các Hội quần chúng của Đảng.
Từ đây các sách báo của Đảng, Nghị quyết của Trung ương được tuyên truyền đến tận quần chúng nhân dân. Hoạt động của Chi bộ Ngoạ Cương – Thanh Thuỷ trong kỳ này cũng đã phát huy ảnh hưởng và mở rộng hoạt động ra các vùng lân cận như Châu Hoá, Mai Hoá… Chi bộ đã tập hợp được lực lượng, kịp thời phát động quần chúng đấu tranh giành chính quyền tháng 8-1945 thắng lợi và đặt nền móng vững chắc làm cơ sở tốt cho giai đoạn phát triển sau này.
Với những sự kiện lịch sử tiêu biểu trên, năm 2003, chùa Ngọa Cương đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền để nhân dân hiểu thêm về di tích đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau bảo vệ vốn di sản quý báu của quê hương. Chùa Ngọa Cương nay đã trở thành điểm hành hương ý nghĩa mỗi khi du lịch Quảng Bình cho nhiều du khách đến tham quan và chiêm bái.
Cầu Nhật Lệ
Sông Nhật Lệ chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi (Trường Sơn) chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Sông có chiều dài 85 km với hai nhánh chính: sông Long Đại (hay Đại Giang) chảy qua huyện Quảng Ninh và sông Kiến Giang chảy qua huyện Lệ Thủy, gặp nhau ở Trần Xá.
Cầu Nhật Lệ Một là cây cầu vị trí đẹp nhất tại Thành phố Đồng Hới, cầu bắc qua sông Nhật Lệ, đây là cây cầu nối liền đường Trần Hưng Đạo từ ngã tư Hoàng Diệu đến vòng xuyến Quảng Trường Bảo ninh, đứng trên cầu bạn có thể nhìn thấy cửa sông Nhật Lệ tuyệt đẹp lúc bình minh.

Nhật Lệ là dòng sông tuyệt đẹp của vùng đất miền Trung. Tên sông có nghĩa là “sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời” đã được ngợi ca trong câu thơ cổ của Hồ Thiên Du “nhật chi lệ bất vô chi chúc giả” nghĩa là “sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được”. Khi mặt trời nhô lên khỏi cồn cát Bảo Ninh, đứng ở bờ nam sông Nhật Lệ nhìn về hướng đông sẽ thấy con sông lấp lánh sáng rực rỡ suốt dọc chiều dài hàng trăm mét. “Người Đồng Hới vẫn có cái thú ra bờ sông ngắm mặt trời mọc. Dẫu có đến ngàn lần thì cứ vẫn háo hức như mới thấy lần đầu”.
Ngay tại thành phố Đồng Hới du khách dễ dàng tham quan thành Đồng Hới, Quảng Bình quan, lũy Thầy. Trong một bán kính không xa từ thành phố Đồng Hới, về hướng đông nam là bãi tắm Nhật Lệ và di tích Bàu Tró,làng du lịch Bảo Ninh; về hướng tây là khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, các di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh, khu thương mại cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Nà Phàu; về phía bắc là các khu danh thắng Lý Hoà, xa hơn một chút là sông Gianh, Đèo Ngang, vũng Chùa, đảo Yến; về hướng nam du khách có thể tham quan nhà lưu niệm Võ Nguyên Giáp, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, suối nước khoáng nóng Bang (nguồn nước khoáng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi tại lỗ phun là 105 độ C), tham quan hồ An Mã với cảnh đẹp nên thơ và nhiều di tích văn hoá, lịch sử khác.
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tổng tư lệnh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Năm 1984, Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (The new Encyclopedia Britannica), một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới đã bình chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng kiệt xuất của thế giới.
Vũng Chùa – Đảo Yến nơi đất mẹ Quảng Bình đã được Đại tướng chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Vũng Chùa là khu vực có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông hùng vĩ với nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm (đảo Yến). Phần mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng – mũi đất vươn ra biển, đối diện với đảo Yến.

Khu mộ Đại tướng được Tiểu đội 1 thuộc Đội cảnh vệ đồn biên phòng 184 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) thay phiên nhau canh gác 24/24h. Lực lượng cảnh vệ được chia làm 3 điểm chốt: một điểm tiếp nhận, ghi chép đón khách; một điểm theo dõi, hướng dẫn khách vào viếng và một điểm hướng dẫn thắp hương tại mộ Đại tướng. Trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến thắp hương, viếng mộ Đại tướng, đặc biệt vào những dịp lễ tết hay cuối tuần.
Khu vực Vũng Chùa Đảo Yến cách đèo Ngang 10 km về phía Nam và cách quốc lộ 1 chỉ hơn 2 km về phía biển Đông. Khoảng cách từ thành phố Đồng Hới đến Vũng Chùa – Đảo Yến là tầm 65 km. Bạn có thể thuê xe tại Quảng Bình một chiếc xe máy, có điều kiện hơn thì thuê ô tô rồi chạy theo quốc lộ 1A hướng Bắc là đến.
Nằm bên vịnh nước sâu Hòn La, dưới chân Đèo Ngang hùng vĩ, Vũng Chùa là bãi biển sạch, cát trắng trải dài, được bao quanh bởi màu xanh ngút ngàn của cây cỏ. So với nhiều bãi biển khác, Vũng Chùa thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và yên bình.

Với địa thế cong hình cánh quạt, lại được bao bọc bởi 3 đảo là Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) nên khu vực biển Vũng Chùa khá kín gió. Vì vậy, dù hướng mặt ra biển Đông nhưng sóng ở đây không ào ạt xô bờ mà nhẹ nhàng như vỗ về bờ cát. Đây cũng là lý do nhiều tàu thuyền neo đậu ở Vũng Chùa trong những ngày gió bão.
Vũng Chùa là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La mà theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây – bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ. Chính vì vậy Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn nơi đây để yên giấc ngàn thu.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp