Lai Châu là một tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Bộ, Việt Nam. Cách thủ đô Hà Nội gần 400 km, tỉnh Lai Châu có 9.068,78 km2 diện tích tự nhiên, dân số toàn tỉnh năm 2019 là 460.196 người.
– KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC VIỆT NAM – |
Ẩn mình trong bạt ngàn núi rừng Tây Bắc, bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, du lịch Lai Châu được thiên nhiên ban tặng những món quà vô giá. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, tỉnh Lai Châu có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh thắng có giá trị như: Khu Du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên, Cầu kính Rồng Mây, động Pusamcap, thác Tác Tình, đỉnh Putaleng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Tả Liên Sơn…và 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh…
Bên cạnh đó là những lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục, làn liệu dân ca, những món ăn truyền thống hấp dẫn, những kiến trúc Lai Châu độc đáo, những đặc sản khác biệt và ấn tượng khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Mang đặc thù của khí hậu Tây Bắc, Lai Châu lạnh hơn so với vùng đồng bằng, quyến rũ bởi các mùa lúa, sương mù trên các đỉnh núi hòa quyện với mây trời và những thác nước đẹp tuyệt. Vào mùa lúa chín tháng 9 và 10, Lai Châu đẹp như một cô gái đang ở độ xuân thì với cánh đồng lúa vàng óng, những con đường đẹp như mơ, thu hút du khách. Nên tránh đi vào mùa mưa bão bởi các con đường bị sạt lở.
Cầu kính Rồng Mây
Cầu kính Rồng Mây nằm ở độ cao 2.200 m so với mực nước biển, thuộc Khu du lịch cầu kính Rồng Mây ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cách thị xã Sa Pa khoảng 17 km, cách trung tâm huyện Tam Đường khoảng 30 km. Đến đây, du khách sẽ có những trải nghiệm hết sức thú vị như đi thang máy trong lòng núi, săn mây, chụp ảnh cùng những khung cảnh núi non hùng vĩ vừa đẹp, vừa nên thơ.
Cầu kính rồng mây Lai Châu được mệnh danh là “Đường lên Thiên đỉnh” có hệ thống thang máy lồng kính là công trình đầu tiên có mặt tại Việt Nam với tổng chiều cao 300m, thiết kế ba bề mặt kính trong suốt vươn ra vách núi 60m, lối đi rộng 5 m nối buồng thang máy vào vách núi đá trên độ cao 2.200m so với mực nước biển và 548,5m so với độ cao khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn, có khả năng chịu lực và an toàn cao. Buồng thang máy có sức chứa 30 người với tốc độ di chuyển không quá nhanh đưa khách xuyên qua các tầng mây, thỏa sức chiêm ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và cảnh quan… Theo ước tính, mỗi giờ thang máy có thể vận chuyển 1.200 khách du lịch Lai Châu.
Đến đây du khách sẽ được thưởng thức cảm giác cưỡi mây đạp gió, thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tiên cảnh.
Cầu kính Rồng Mây có thiết kế đặc biệt khi nằm lỏm thỏm trên một vách núi cao. Để lên được cầu kính du khách sẽ phải đi thang máy lên độ cao 300 mét. Và đây cũng chính là độ cao lập nên kỷ lục của cầu kính Rồng Mây. Trước đây, cầu kính đầu tiên của Việt Nam tại Sơn La chỉ có độ cao hơn 22 mét.
Từ vị trí của thang máy di chuyển đến điểm xa nhất của cầu kính khoảng 60 mét. Chiều rộng của cây cầu là 5 mét. Nhiều người hẳn sẽ rất lo ngại về độ an toàn của cây cầu nhưng bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Cầu được làm từ kính chịu lực trong suốt. Có đến tổng cộng 3 lớp kính được chồng lên nhau, dán keo chắc chắn. Nhìn trong suốt và mong manh như vậy nhưng thật chất mặt kính rất dày. Độ dày của nó lên đến 7 cm.
Để đến được cầu kính Rồng Mây trước khi đi thang máy du khách còn phải vượt qua đường hầm lòng núi dài hơn 70 mét. Đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị. Một chút cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm khởi đầu. Điều này sẽ làm cho du khách thêm phần hứng khởi hơn trước khi đến với cầu kính.
Sẽ vô cùng tuyệt vời khi đang ở một không gian tĩnh lặng của hầm lòng núi lại chợt hoà mình vào thiên nhiên mênh mông khi bước lên cầu kính.
Phía xa du khách có thể nhìn thấy núi non tây bắc trùng điệp. Một vẻ đẹp mà tưởng chừng như ta chỉ có thể chiêm ngưỡng qua các bức ảnh hay những thước phim. Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước vẻ đẹp hùng vỹ và hoang sơ này. Một phần đường đèo Ô Quy Hồ quanh co cũng được gom vào tầm mắt.
Dinh thự vua Thái Đèo Văn Long
Dinh thự Đèo Văn Long được xây dựng bên ngã 3 sông Nậm Na và sông Đà, một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao trước mặt là sông rộng, đứng ở khu vực dinh có thể quan sát được mọi hoạt động của một vùng sông nước và khu vực đất Mường Lay, ở vị trí yết hầu đó có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Sa Pa, Mường Tè và xuôi về Hoà Bình cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào.
Theo các tài liệu, Đèo Văn Long là con của Đèo Văn Trị, cai quản mười hai xứ Thái (Sipsong Chuthai). Cuối thế kỷ 19, Đèo Văn Trị hưởng ứng Hịch Cần Vương, lãnh đạo sắc tộc Thái và một số dân tộc khác vùng Lai Châu nổi dậy chống Pháp. Sau bị dụ dỗ, Đèo Văn Trị đầu hàng Pháp, mở đường cho chúng tiến vào Mường Thanh, được Pháp khôi phục quyền cai trị vùng đất Sipsong Chuthai bên bờ sông Đà, cho phép cha truyền con nối.
Được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long lên nắm quyền cai trị thay cha, ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hoá, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng.
Theo lời kể của người dân bản địa thì kiến trúc của khu dinh thự Đèo Văn Long là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp.
Những gì còn sót lại cho thấy kiến trúc Lai Châu của khu nhà là kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp. Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch đỏ, sàn gỗ, mái lợp ngói được tách ra từ những phiến đá, thường được gọi là đá giấy (lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá sẽ cứng như sành). Xung quanh ngôi nhà chính là những khu nhà nhỏ dành cho người ở và binh lính,chuồng trại nuôi gia súc…
Khu dinh thự có tường bao cao trên 3m bằng gạch và đá dày trên 40cm, có nhiều lỗ châu mai, cao trên 3m. Trước khu nhà chính có khoảnh sân rộng để múa xoè khi vua Thái tổ chức tiệc tùng, tiếp khách. Dinh thự Đèo Văn Long là đặc trưng của nghệ thuật xây dựng và phong thuỷ của người Thái.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, di tích này vẫn trong tình trạng ngổn ngang, chưa được trùng tu, tôn tạo. Sau tháng 10/2010, khi nước hồ Sơn La dâng thì toàn bộ khu dinh thự của ông “vua Thái” đều nằm dưới thủy cung.
Đền thờ nàng Han
Đền thờ nàng Han nằm ở bản Tây An, xã Mường So và bản Phai Cát, xã Khổng Lào huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu, một điểm đến tâm linh ẩn chứa cả phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp lẫn câu truyện truyền thuyết đầy hấp dẫn về một nữ Thần. Nhưng sau khi chia tách tỉnh thì đền Nàng được chuyển sang huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu, vốn là khu vực của đồng bào dân tộc Thái trắng định cư sinh sống.
Trong tâm thức của những người con tộc Thái bản địa, Nàng được tôn sùng như một vị thần bao bọc, che chở và bảo vệ cho muôn dân, cho các bản làng bất kể đó là người Mông, người Dao, người Lự, người Khơ Mú hay người Thái nói riêng. Nhưng với dân tộc Thái ở Mường So – Phong Thổ – Lai Châu thì việc thờ cúng Nàng cũng được coi là một lễ hội quan trọng độc đáo giống như những tục thờ Nàng ở từng địa điểm khác.
Nàng vốn là con gái của một gia đình nghèo thuộc bản Lang, thủa ấy giặc phương Bắc hung hãn hoành hành đem quân sang cướp phá, giết chóc, những vị tướng giỏi nhất của các xứ mường được cử đi cũng không thể đánh bại kẻ thù. Trước tình thế nguy kịch, chúa đất phải đốt lửa để tuyển mộ anh tài nhằm tiếp ứng cho các vị tướng, rất nhiều trai tráng đã thi triển tài năng võ nghệ nhưng không một ai trong đó thực sự giỏi giang cả. Cho đến khi nàng Han xuất hiện cầu xin được cầm quân lên đường dẹp giặc.
Ngày đêm binh thao võ luyện, lương thực tích trữ đầy kho, trận pháp suy tư tính kỹ và ngày ấy cũng đã đến… Nàng tuốt kiếm chỉ về phía địch, giọng hô vang “Đánh đuổi kẻ thù”, cờ của nàng chỉ đơn thuần là chăn thêu treo trên cán tre nhưng vẫn thể hiện được ý chí kiên cường. Trận chiến kéo dài liên tục trong suốt nhiều ngày đêm, đến đúng ngày 30 Tết, giặc đã bại trận mỗi kẻ một phương, còn Nang và các tương sỹ hênh hoan trở về trong niềm vui chiến thắng.
Nhưng khi đến mó nước Nậm So bên cạnh con suối Tùng Lùm, dòng chảy thật mát, làn nước thật trong, Nàng cởi xiêm y để tắm rửa mùi tanh từ máu giặc. Nhưng lạ thay, sau khi gột rửa bụi trần, thân thể Nàng bỗng nhẹ bẫng rồi từ từ bay lên trời cao, ba quân tướng sỹ không thoát khỏi sự bất ngờ trước mắt.
Năm ngày sau khi Nàng thăng thiên, những vị tướng do Nàng chỉ huy cũng dần dần biến mất, người dân quanh vùng cho đó là điềm lành và họ coi mó nước Nậm So là “Bảng phong Thần – Thiên Binh Thần Tướng”. Cũng kể từ đấy, đền thờ Nàng được dân bản dựng lên, lễ hội Nàng cũng sinh ra từ đó, một nghi thức trọng đại nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của một nữ anh tài.
Được xây dựng trên một khoảng đất rộng chừng 32 mét vuông theo kiểu kiến trúc tại Lai Châu một gian hai trái và bốn mái phía trên. Giấc ngủ của Nàng được bảo vệ bởi một đôi Thạch Mã với nhiều hoa văn tinh xảo, cổ đeo vòng chuông, ánh mắt nhân từ hướng vào lư hương bên trong. Ngay ngoài cửa đi về phía trái, người ta còn có thể thấy một chiếc giếng nước được làm từ đá cuội “Nước thật trong, vị thật ngọt lại còn thanh mát”.
Ngắm nhìn non sông, ngắm nhìn rừng núi, cảnh vật xung quanh Đền thờ thật “Sơn thủy hữu tình”, với bên dưới là dòng sông Đà rộng lớn tích nước cho cả hệ thống thủy điện Sơn La, còn bên trên là trời xanh bao la gió mát lồng lộng. Sắc màu khu vực còn phải kể tới những dãy nhà mái đỏ được xếp hàng cạnh nhau, những dải đồi xanh hay những chiếc thuyền đánh cá… Cảnh vật…thật là bình dị.
Một lễ hội được diễn ra hàng niên vào ngày 15 tháng 2 Âm lịch, những cô gái Thái sẽ diện cho mình từng trang phục rực rỡ sắc màu rồi uyển chuyển trong từng điệu múa. Các chàng trai khỏe mạnh thì tràn đầy sức sống trong các trò chơi dân gian truyền thống. Già, trẻ lớn bé vui mừng cùng hàng trục nghìn du khách từ xa đến ghé thăm.
Nhà máy thuỷ điện Lai Châu
Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam, xây dựng trên dòng chính sông Đà tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, Việt Nam.
Thủy điện Lai Châu có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, hòa lưới 3 tổ máy tháng 11/2016, khánh thành tháng 12/2016, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Công trình này được thi công xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại Việt Nam, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Công trình này có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp mỗi năm lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.
Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Thủy điện Lai Châu thuộc bậc trên cùng của dòng sông Đà tại Việt Nam, giáp với biên giới Trung Quốc. Với thiết kế chọn cao trình đập 295 mét sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 – 20 km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km.
Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), khi xây dựng xong và đưa nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW) vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 – 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Cửa khẩu Ma Lù Thàng
Cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện. Ma Lù Thàng là cửa khẩu cách các trung tâm kinh tế trong nước khá xa, chỉ có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ. Một tồn tại của cửa khẩu nữa là hệ thống giao thông khá yếu chưa đáp ứng được các xe trọng tải lớn.
Được biết, năm 2001, sau khi thỏa thuận với Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc địa phận xã Ma Li Pho và được áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới. Tháng 12- 2005, Cửa khẩu khai trương cùng với khu kinh tế có diện tích 43 ha với các dịch vụ: Thương mại (gồm trung tâm thương mại, kho, bến, bãi), du lịch (nhà hàng, khách sạn, các làng văn hóa dân tộc), khu vui chơi giải trí… Cửa khẩu này là đầu mối kết nối với Khu kinh tế mở Huổi Luông, Khu kinh tế – thương mại – du lịch Mường So, Khu công nghiệp Pa So, Khu nông – lâm kết hợp du lịch Lai Châu trên địa bàn huyện Phong Thổ. Vì thế, Khu kinh tế và cửa khẩu biên giới Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để phát triển kinh tế ở tỉnh nghèo nhất nước và là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của Lai Châu với Trung Quốc.
Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng là một khu kinh tế cửa khẩu xung quanh cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, thuộc tỉnh Lai Châu, Tây Bắc Việt Nam. Cửa khẩu Ma Lù Thàng là điểm đầu của quốc lộ 12, cách thành phố Lai Châu 50 km.
Khu kinh tế cửa khẩu này được thành lập để thúc đẩy thông thương giữa Việt Nam với Vân Nam, Trung Quốc. Hiện tại cửa khẩu Ma Lù Thàng đang được dự định nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.
Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có tổng diện tích là 43 ha, cách thành phố Lai Châu 50 km.
Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có nhiều loại hình dịch vụ như: khu thương mại (trung tâm thương mại, kho hàng, bến bãi…), khu du lịch (nhà hàng, khách sạn, các làng văn hóa dân tộc…), khu vui chơi giải trí, v.v…
Trong khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, bên con đường rộng dưới chân núi, có dựng một tấm áp phích lớn. Bên hình ảnh quốc kỳ Việt Nam, Trung Quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông, có khẩu hiệu song ngữ về phương hướng – nguyên tắc trong mối quan hệ Việt – Trung: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Với địa hình núi liền núi, sông liền sông, chúng ta không mong gì hơn 16 chữ vàng kia được thực hiện đầy đủ để cả hai nước cùng phát triển trong tình hữu nghị và hợp tác toàn diện. Các tranh chấp trên đất liền hay trên biển được giải quyết theo luật pháp quốc tế thông qua đàm phán, đối thoại hòa bình.
Đỉnh Pu Ta Leng
Với chiều cao 3.049m, chỉ đứng sau đỉnh Fansipan (3.143m), Pu Ta Leng ở Lai Châu còn được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”.
Để chinh phục đỉnh núi, bạn đến địa phận xã Hồ Thầu của Lai Châu, cùng người dẫn đường địa phương ở bản Phô bắt đầu hành trình. Những đoạn đường đầu tiên dọc theo con kênh dẫn nước của bản Phô, đường bằng phẵng, khá dễ đi với những triền hoa dại bên đường.
Con đường leo trong ngày đầu tiên chủ yếu men theo suối lên thượng nguồn đầy dốc cao với những tảng đá lớn. Nhưng Pu Ta Leng thực sự là con đường công bằng. Bên cạnh những dốc đá như muốn vắt kiệt sức là những con suối nhỏ róc rách ngày đêm giữa núi rừng, không chỉ nên thơ mà còn là chỗ nghỉ chân lý tưởng của những đoàn leo núi hay người dân đi rừng.
Khu vực đặt mốc Pu Ta Leng chỉ là một khoảng đất nhỏ được những người dẫn đường (porter) phát quang để lấy chỗ đứng, xung quanh vẫn là những cây cao bao bọc. Muốn có được tầm nhìn rộng để ngắm cảnh hay chụp ảnh, bạn phải leo lên những ngọn cây đỗ quyên.
Những ngọn núi cao sừng sững nhưng ở độ cao này cũng chỉ giống như những ốc đảo ẩn hiển giữa đại dương mây trên độ cao 3.049 m. Những nụ đỗ quyên còn chưa hé nở, xa xa là biển mây rực nắng. Chỉ một, hai tháng nữa thôi, khi những nụ đỗ quyên này bừng nở sẽ thắp sáng cả đỉnh Pu Ta Leng.
Tầng tầng lớp lớp mây trắng giữa màu xanh dương của bầu trời và màu xanh lá của núi rừng giống như lớp kem trắng muốt kẹp giữa một chiếc bánh đầy màu sắc.
Nhà thờ Giáo xứ Lai Châu
Ngày 29.5.2016, Chúa nhật Mình Máu Thánh Chúa Kitô, theo sự sắp xếp của Tòa Giám Mục Hưng Hóa, cha Phêrô Phan Kim Huấn nhận giáo xứ Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Thánh lễ được cử hành lúc 10g30 tại nhà nguyện Duy Phong, xã Sàng Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đức cha Gioan Maria Vũ Tất chủ tế Thánh lễ tạ ơn và giao giáo xứ cho cha Phêrô Huấn.
Đồng tế Thánh lễ có cha quản hạt Lào Cai, nguyên quản nhiệm giáo xứ Lai Châu Phêrô Phạm Thanh Bình, cha Chánh văn phòng Phêrô Lê Quốc Hưng, cha quản lý Đaminh Hoàng Minh Tiến, cha quản hạt Tây Bắc Phú Thọ Giuse Chu Văn Khương, cha quản xứ Lào Cai Giuse Nguyễn Văn Thành, cha phó xứ Lai Châu Giuse Đỗ Tiến Quyền, cha phó đặc trách giáo xứ Phi Đình Giuse Nguyễn Văn Bình.
Ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ đã thay mặt cho giáo xứ có lời cám ơn Đức cha, quý cha đồng tế, quý Thầy, quý Dì và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, nhất là cha nguyên quản nhiệm. Ông nói: “Để có được như ngày hôm nay, chúng con phải kể đến công lao vô cùng to lớn của cha quản nhiệm Phêrô Phạm Thanh Bình, cha đã dày công lo liệu mọi công việc từ khi cha được bổ nhiệm để dẫn dắt chúng con.
Cha đã hướng dẫn từ khi đức tin của mỗi chúng con còn tản mạn mỗi người một phương, từ chỗ chưa có nhà nguyện, chưa có cộng đoàn quy tụ để sớm tối đọc kinh cầu nguyện. Nhưng nay đã có 4 nhà nguyện và 12 cộng đoàn lớn nhỏ. Đây quả là một kết quả lớn lao của cha đã giúp đỡ cho chúng con, chúng con xin hết lòng cám ơn cha. Trong thời gian tới đây cha không trực tiếp phụ trách giáo xứ chúng con nữa, nhưng chúng con tin rằng cha vẫn tiếp tục đồng hành và giúp đỡ chúng con cách này hay cách khác, nhất là trong lời cầu nguyện và những sáng kiến mục vụ cho cha xứ mới Phêrô Phan Kim Huấn”.
Công trình biểu tượng văn hóa Lai Châu
Ngày 26/4, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ khánh thành công trình biểu tượng văn hóa Lai Châu. Đây là công trình trọng điểm được đặt ngay cửa ngõ vào thành phố Lai Châu, chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 10 năm chia tách, thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Công trình biêu tượng văn hóa Lai Châu được phát triển từ logo (biểu trưng) của tỉnh Lai Châu, thông qua ngôn ngữ điêu khắc của khối không gian 3 chiều, được kết hợp hài hòa với hình trụ tam giác, gồm 3 mặt chính và 3 mặt phụ liên kết tạo nên một cột trụ, nơi gửi gắm những ước vọng của nhân dân các dân tộc Lai Châu với thiên nhiên, mong ước được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và được khắc họa thêm những họa tiết chọn lọc đặc trưng cho các dân tộc trong tỉnh.
Công trình là điểm nhấn về một thành phố hiện đại đang vươn mình phát triển, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến với thành phố trẻ Lai Châu. Công trình được thực hiện với số tiền đầu tư trên 17 tỷ đồng.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp